(Baothanhhoa.vn) - Tự hào với truyền thống là một trong 6 chi bộ đảng của tỉnh Thanh Hóa thành lập vào năm 1930, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hà Trung tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Đảng bộ huyện Hà Trung (10-10-1930 – 10-10-2020)

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa Hà Trung phát triển nhanh và bền vững

Tự hào với truyền thống là một trong 6 chi bộ đảng của tỉnh Thanh Hóa thành lập vào năm 1930, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hà Trung tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa Hà Trung phát triển nhanh và bền vữngMột góc thị trấn Hà Trung. Ảnh: Phan nga

Nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, Hà Trung là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đã sinh ra nhiều bậc hào kiệt làm rạng danh quê hương, đất nước; là quê hương của các chúa Nguyễn và các vương triều Nguyễn; vùng đất đã từng in đậm dấu chân, gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Tô Hiến Thành...

Trải qua các thời kỳ lịch sử, người dân Hà Trung đã luôn đoàn kết, gắn bó, cần cù lao động, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bám đất, bám làng xây dựng và bảo vệ quê hương. Các thế hệ người dân Hà Trung đã hun đúc lên truyền thống anh hùng - cách mạng; truyền thống đó được phát huy cao độ kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hà Trung ra đời.

Trong những năm 1926-1929, ở Thanh Hóa hình thành hai tổ chức cách mạng là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Đảng Tân Việt, trực tiếp vận động, tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Đến giữa năm 1927, Đảng Tân Việt ở Hà Trung được thành lập. Đồng chí Nguyễn Xuân Phương, một học sinh hoạt động trong phong trào Hội Xích Xinh (tức Hội học sinh đỏ) ở Vinh bị bắt và đưa về địa phương quản thúc. Với lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, đồng chí đã tìm gặp các đảng viên Tân Việt, tuyên truyền đường lối cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng thời lập ra nhóm hoạt động bí mật và liên lạc với tổ chức Đảng Cộng sản ở Vinh để giúp đỡ phương hướng hoạt động.

Ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức cách mạng ở Việt Nam khi đó đã tổ chức hội nghị hợp nhất thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lan tỏa nhanh chóng đến phong trào cách mạng ở các địa phương. Ngày 29-7-1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại Yên Trường (Thọ Xuân). Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, đồng chí Nguyễn Xuân Phương đã báo cáo tình hình cách mạng ở Hà Trung và công tác chuẩn bị thành lập chi bộ cộng sản với tổ chức Đảng ở Vinh. Ngày 10-10-1930, đại diện Xứ ủy Trung Kỳ đã về Hà Trung cùng với các đồng chí ở địa phương tổ chức Hội nghị thành lập Chi bộ Cộng sản Hà Trung, tại Gác chuông chùa Trần, tổng Ngọ Xá (nay là xã Hà Ngọc) gồm 5 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Phương được bầu làm Bí thư.

Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên huyện Hà Trung ngày 10-10-1930 là bước ngoặt to lớn, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của phong trào cách mạng huyện nhà. Những người cộng sản Hà Trung rất đỗi vinh dự và tự hào vì đã có mặt trong đội ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu; và từ đây Nhân dân Hà Trung cùng Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH.

Ra đời giữa lúc phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh đang ở thời điểm sôi động nhất; hoàn cảnh lịch sử đó đặt ra cho Chi bộ Đảng Cộng sản Hà Trung nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, hưởng ứng Xô viết Nghệ Tĩnh, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động, xây dựng và phát triển cơ sở đảng trong toàn phủ. Hoảng sợ trước sức mạnh của quần chúng, đế quốc Pháp và phong kiến tay sai ra sức đàn áp làm cho phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống, các tổ chức cộng sản rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục duy trì hoạt động để nhen nhóm phong trào mới. Trong phong trào cách mạng 1936-1939, các đảng viên cộng sản Hà Trung đã thực sự thâm nhập vào quần chúng, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Đầu tháng 3-1941, Mặt trận Phản đế cứu quốc Hà Trung được thành lập. Sau khi ra đời, các đội viên đã tích cực hoạt động, xây dựng các chi hội phản đế cứu quốc, các trung đội tự vệ cứu quốc. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Hội Phản đế cứu quốc nhanh chóng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; đã tuyên truyền giác ngộ tập hợp lực lượng, huấn luyện và đưa 17 đồng chí tham gia chiến khu Ngọc Trạo của tỉnh. Cuối năm 1941, chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, phong trào cách mạng trong tỉnh và huyện Hà Trung gặp không ít khó khăn, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt và một số hội viên hội phản đế bị địch bắt và tù đày. Trước tình hình đó, Mặt trận Phản đế Hà Trung đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động để tránh sự đàn áp của địch.

Đến năm 1942, trên địa bàn huyện ra đời 2 tổ chức là: Hội thanh niên ái quốc do đồng chí Nguyễn Văn Huệ phụ trách và Thanh Hóa ái quốc hội Hà Trung đặt dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy. Để thống nhất lực lượng lãnh đạo phong trào cách mạng, tháng 4-1943 đồng chí Lê Tất Đắc, Bí thư Tỉnh ủy đã gặp 2 tổ chức và hợp nhất thành Mặt trận Việt Minh do đồng chí Nguyễn Văn Huệ phụ trách. Với sự thống nhất bộ máy lãnh đạo, cùng với sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa là điều kiện quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng Hà Trung phát triển. Sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh Hà Trung đã nhanh chóng phát triển, lực lượng quần chúng được tập hợp trong các Hội cứu quốc.

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, số cán bộ, đảng viên tham gia chiến khu Ngọc Trạo bị địch bắt trước đó được ra tù đã tăng cường lực lượng cho cơ sở cách mạng huyện. Khi thời cơ cách mạng đến, lệnh tổng khởi nghĩa truyền đi khắp nơi. Đúng 0 giờ, ngày 19-8-1945 cuộc tấn công của các lực lượng tự vệ và quần chúng Nhân dân huyện Hà Trung bắt đầu và trước khi trời sáng phủ Hà Trung hoàn toàn thuộc về Việt Minh. Ngày 25-8-1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời Hà Trung đã ra mắt trước đông đảo quần chúng Nhân dân tại phủ đường, xóa bỏ hoàn toàn ách thống trị của chính quyền thực dân, phong kiến tay sai trong phủ.

Sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, để đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử, ngày 10-4-1946, Tỉnh ủy Thanh Hóa ra quyết định thành lập Huyện ủy lâm thời Hà Trung và phân công đồng chí Hồng Lam (tức Nguyễn Sỹ Đồng) làm Bí thư. Sự ra đời Huyện ủy lâm thời Hà Trung đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của tổ chức đảng ở Hà Trung. Từ đây, đảng bộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên, lãnh đạo Nhân dân ra sức phát triển sản xuất, chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương, góp phần cùng với các địa phương trong tỉnh xây dựng hậu phương vững chắc, cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc. Đến năm 1948, Đảng bộ huyện đã có 8 chi bộ với 476 đảng viên. Tháng 3-1949, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất được tổ chức tại đình Đồng Bồng, xã Hà Tiến. Tiếp đó, đại hội II được tổ chức vào tháng 3-1950 tại Tâm Quy, Hà Tân; đại hội III vào tháng 3-1952 tại đình Đà Sơn, Hà Bắc, lãnh đạo Nhân dân phát triển sản xuất, phục vụ kháng chiến, kiến quốc, góp phần cùng với toàn dân tộc đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ huyện Hà Trung đã tập trung lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Trong ngày 3 và 4-4-1965, quân và dân Hà Trung trong vòng vây lửa đạn của kẻ thù đã anh dũng chiến đấu bắn rơi 12 máy bay địch, làm nên chiến thắng Đò Lèn lịch sử. Những năm sau đó, phát huy tinh thần Đò Lèn chiến thắng, quân dân Hà Trung liên tục lập thêm nhiều kỳ tích, góp một phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Trên mặt trận phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng khai hoang, phục hoá, xây dựng HTX, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống Nhân dân. Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa đã được xây dựng như: đập Bến Quân, cầu Bái Sơn, cầu Hà Thanh, đập Mỹ Quan Trang, đập Sun... đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân huyện nhà.

Với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Nhân dân Hà Trung đã tiễn đưa 14.774 thanh niên ưu tú vào bộ đội, 1.598 thanh niên xung phong, 6.734 người tham gia các công trình quốc phòng và dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực và vũ khí cho chiến trường; đóng góp hàng trăm ngàn tấn thóc... chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng với Nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ghi nhận những thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất, qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, các lực lượng vũ trang huyện Hà Trung và 14 xã trong huyện, 3 cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 198 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bước sang thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nhất là qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, yêu nước đã và đang được Đảng bộ và Nhân dân trong huyện phát huy, biến thành quyết tâm, thành hành động cách mạng, sáng tạo trong lao động sản xuất, đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, đưa Hà Trung vươn lên trở thành một huyện phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; nhất là đã thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giá trị xuất khẩu đạt 80 triệu USD. Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tốt; một số kỹ thuật cao được ứng dụng thành công tại bệnh viện đa khoa, giải quyết kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân trong và ngoài huyện. Đã trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp 14 di tích với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa trên 50 tỷ đồng; nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được khôi phục và phát triển, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham gia. An sinh xã hội được chăm lo, công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả; là một trong các huyện của tỉnh thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính cấp xã, thôn. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tự hào với truyền thống là một trong 6 chi bộ đảng của tỉnh Thanh Hóa được thành lập vào năm 1930, xứng đáng là đội ngũ tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu; mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở, mỗi người dân càng thấy rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm to lớn và nặng nề là phải tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ; tiếp tục chăm lo bảo vệ, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao và bền vững, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng quê hương Hà Trung anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025 và cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2030.

Trần Duy Bình

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hà Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]