(Baothanhhoa.vn) - Đất nước ta có hai loài hoa đặc trưng cho ngày tết cổ truyền dân tộc. Đó là hoa đào (đỏ) và hoa mai (vàng). Đó cũng chính là sắc cờ Tổ quốc màu đỏ và ngôi sao vàng năm cánh. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa khởi đầu bao khát vọng và hứa hẹn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếng vọng mùa xuân

Tiếng vọng mùa xuân

TP Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Phạm Nam

Đất nước ta có hai loài hoa đặc trưng cho ngày tết cổ truyền dân tộc. Đó là hoa đào (đỏ) và hoa mai (vàng). Đó cũng chính là sắc cờ Tổ quốc màu đỏ và ngôi sao vàng năm cánh. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa khởi đầu bao khát vọng và hứa hẹn.

Sức xuân không chỉ trong sức sống của vạn vật thiên nhiên đâm chồi nảy lộc, mà còn là sức sống trường tồn của lịch sử, là tiếng vọng của quá khứ oai hùng. Bản hòa tấu mùa xuân chính là sự cộng hưởng của ngày hôm qua với ngày hôm nay...

Bác Hồ kính yêu với tầm nhìn xa trông rộng đã phát động Tết Trồng cây hằng năm. Người đã nhìn sự phát triển thuận theo lẽ tự nhiên của từng chồi cây, mầm cây để ươm thành những cánh rừng cổ thụ. Bác Hồ đã nghĩ đến cây đời với “Vì lợi ích 10 năm trồng cây – Vì lợi ích 100 năm trồng người”. Hai chữ gieo trồng gắn bó với tâm thức người Việt của nền văn minh lúa nước. Gieo trồng để có ngày gặt hái. Gặt hái để lựa chọn hạt giống tốt nhất tiếp tục gieo trồng. Mùa này sang mùa khác, mùa sau bội thu hơn mùa trước. Quy luật nhân quả ấy tuần hoàn nối tiếp nhau trên cùng một đất đai. Phù sa chính là mồ hôi sức lực cày xới, phù sa chính là những trận lũ lụt đi qua để lại, đọng lại tình người. Ngấn lũ cũng chính là từng nấc thang giá trị của tình yêu cộng đồng: “Bầu ơi thương lấy bí cùng...”. Ca dao Việt không nói gì xa xôi, không ví von gì cao rộng mà cứ ân tình mộc mạc, hồn hậu như tre lúa. Bởi bắt đầu từ tiếng vọng của “ầu ơ...” khúc ru của ví dặm giận thương; của quan họ nón quai thao, dải yếm đào; của câu vọng cổ ngân dài bao luyến láy có lên bổng xuống trầm, có mấp mé đò chiều qua bao kênh rạch. Mùa xuân, với dư âm của hội làng, của những cây đu vít võng, của cả sức xuân phơi phới thổi như là một hò hẹn cho chéo khăn bay, cho tung tẩy áo...

Tiếng vọng mùa xuân năm nay không chỉ bắt đầu từ sắc đào đỏ, mai vàng mà cả từ hoa ban trắng. Hoa ban Tây Bắc, hoa ban như sắc áo của cô gái dân tộc Thái – hoa ban của Điện Biên Phủ. Trở lại chiến trường xưa, vẫn còn đó di tích đường hào “đánh lấn” năm xưa nay cỏ đã lên xanh. Cỏ như một tấm áo thời gian che lại vết thương của đất đai, vết sẹo của chiến tranh. Cỏ cũng là bia mộ vĩnh cửu trên nấm mộ các liệt sĩ. Cho tôi được nghiêng mình trước những ngôi mộ cỏ đã dằng dịt bền chặt bên nhau. Cỏ mùa xuân ở Điện Biên Phủ đã nới rộng những chân trời. Một tên địa danh thành tên biểu tượng trong lòng nhân loại với sự ngưỡng mộ: Việt Nam – Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp. Tôi hình dung ở Nghĩa trang A1 nơi có hàng ngàn ngôi mộ không tên, mang danh người lính Cụ Hồ. Những ngôi mộ ấy như những phím đàn trắng trong cung đàn cộng hưởng của đất nước, ngân vọng vào trong đất, ngân vọng vang lên trời bản hùng ca bất diệt. Bởi các anh là bất tử, mãi mãi nằm lại ở lứa tuổi đang sức xuân. Tôi trở lại thăm cánh rừng đại tướng, rừng khép tán xanh cổ thụ, xanh đại ngàn. Hoa ban mùa này thật đẹp như ngàn con bướm trắng, cánh mỏng manh dập dờn lấp lánh. Không thể gió mưa nào bứt ra được cánh hoa đính vào nhành lá non xanh bởi sức nhựa, sức keo dính của sự sống. Cũng như những người dân nơi đây họ bám trụ lấy bản làng để bền bỉ quay từng cọn nước. Dòng suối mát của cội nguồn trong lành ấy tưới cây lúa, tưới đất và tưới thắm mình. Ngọn nguồn ấy bắt đầu từ tiếng khèn bè tung tẩy, từ câu “Inh lả ơi...” đắm đuối, từ nhịp múa sạp rộn ràng...

Trở lại với những dấu mốc lịch sử, chính là tìm về cội nguồn sức mạnh. Chỉ cách chiến thắng Điện Biên Phủ trước đó 10 năm, ngày 22-12-1944 tại cánh rừng Trần Hưng Đạo, đội tuyên truyền giải phóng quân Việt Nam ra đời. Ba mươi tư chiến sĩ vũ khí thô sơ, quân trang giản dị với những trận thắng đầu tiên: Phai Khắt, Nà Ngần. Đó là thời điểm mùa đông rét buốt. Trong ánh lửa bập bùng của núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ đã nhen lên ngọn lửa đầu tiên khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Văn – người anh cả của quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cánh rừng Trần Hưng Đạo năm ấy và cánh rừng Mường Phăng ở Điện Biên Phủ có nét gì đó giống nhau. Đó là màu xanh cổ thụ, xanh nguyên sơ, xanh thắm thiết. Rừng chở che, rừng nuôi bào thai chiến dịch của những cuộc chiến sau này. Rừng không chỉ là tấm áo giáp che chắn mà rừng là biểu tượng của màu xanh – màu xuân. Đất nước ta rừng trải rộng từ Bắc chí Nam. Từ đỉnh cao cột cờ Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau ra đến đảo khơi xa là một màu xanh bất diệt ấy. Chỉ với 10 năm từ ba mươi tư chiến sĩ đến các đại đoàn công phá trong trận đánh lịch sử vang dội địa cầu. Quân đội tiên phong đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Không chỉ vũ khí trang bị mà còn tri thức khoa học quân sự, bồi đắp thêm lý tưởng cao đẹp cách mạng phát huy và nhân lên cội nguồn truyền thống lịch sử. Ta vẫn còn nghe âm vang cuộc hành binh thần tốc của vua Quang Trung cũng trong mùa xuân ra thành Thăng Long đánh tan quân giặc Thanh. Và trong áo bào khói trận, rậm rập những thới voi chiến hùng dũng, vị vua – Người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ có tâm hồn thi nhân ấy đã có cành đào từ đất Thăng Long kịp về với công chúa Ngọc Hân. Phải chăng tiếng vọng mùa xuân cũng chính là tiếng lòng khát vọng hòa bình, là tuyên ngôn xanh của sự sống. Có lẽ đội tuyên truyền giải phóng quân khi nắm tay thề hô vang khẩu hiệu quyết tâm trong cánh rừng Trần Hưng Đạo chiều ấy có cả âm vang của tiếng hô “Sát thát” của những đạo quân áo vải nhà Trần.

Trong những ngày xuân này ta lại càng bồi hồi nhớ Bác. Cách đây 50 năm, trước lúc về gặp các cụ Các Mác - Lê nin, Bác Hồ đã để lại di chúc cho toàn Đảng, toàn dân với cả những dự cảm tương lai. Về việc riêng, Bác chỉ dành cho mình 79 chữ như 79 xuân của Người. Ta có cảm giác Bác vẫn đang ở bên mình, vẫn đang dõi theo từng bước của hành trình cách mạng. Di chúc của Bác không chỉ lời dặn dò mà còn là niềm thiết tha mong muốn. Lấp lánh giữa những dòng chữ di chúc của Người đã hiện lên tiến trình phát triển của đất nước. Còn nghe âm vang của đại thắng mùa xuân 1975. Chiến dịch mang tên Bác đã kết thúc chiến tranh ở thành phố mang tên Người. Gần đây, tôi có dịp đến bến Nhà Rồng nay là bảo tàng Hồ Chí Minh. Đứng lặng trước ba cánh buồm biểu tượng lộng gió của con tàu mà lòng tôi cứ nghĩ: Ngày đó Bác ra đi với cái tên anh Ba bình dị. Anh Ba thủy thủ sau này là vị thuyền trưởng tài ba chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao sóng gió đến bến bờ vinh quang. Những hiện vật trong bảo tàng còn mang hơi ấm của người. Những dòng chữ di chúc không chỉ được nâng niu cất giữ trang trọng trong tủ kính mà thổi hồn vào đó tiếng vọng của thời đại – thời đại Hồ Chí Minh. Tôi bồi hồi xúc động khi đứng bên chiếc thùng nhôm Bác dùng tưới nước hàng ngày chăm bón cho cây vú sữa miền Nam. Ôi, từng dòng nước cội nguồn mát rượi như tình Bác tưới thắm cội bền cái cây mà đồng bào miền Nam gửi tặng Người trong những năm chiến tranh hai miền còn chia cắt. Vú sữa – dòng sữa ngọt ngào chắt lọc tinh khiết, dòng sữa của ấm áp tình yêu thương lòng mẹ.

Tiếng vọng mùa xuân là điệp khúc lại là liên khúc của dàn giao hưởng hợp xướng hội tụ âm thanh náo nức của mọi miền Tổ quốc. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp được bức ảnh hiếm hoi, thần tình của Bác Hồ - người nhạc trưởng đang chỉ huy dàn nhạc, tấu bản nhạc “Kết đoàn”. Trên biển khơi hải đảo xa xôi những người lính biển ngóng về đất liền nhìn một màu mây, nhớ một tiếng gà gáy sáng. Hoa bàng trên đảo cũng ngời sắc trắng, nhụy trắng như một hoa đăng trắng chỉ nở vào đêm. Các anh có nghe tiếng của mùa xuân qua cánh sóng thân yêu, qua miên man sông vỗ. Đất liền thật gần gũi khi ở đảo có cả tiếng chuông chùa tâm linh, cả tiếng trẻ học bài líu lo. Cột mốc thiêng liêng bền chắc vững chãi muôn đời là mái chùa vòm cong mũi đao bên mái trường ngói đỏ. Và trên bức tường của doanh trại nơi trang trọng nhất treo chân dung Bác, trong đêm giao thừa có bàn thờ Bác. Bác vẫn luôn ở bên các anh. Người đã từng là thủy thủ và bây giờ “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Cuộc hành quân thế kỷ, đi qua bao mùa xuân đất nước. Chắc hẳn đêm giao thừa các anh được nghe lại lời thơ chúc tết của Bác năm nào. Đó là tiếng vọng của mùa xuân, của muôn trái tim dào dạt bởi: “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến...”.

Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú


Tùy Bút Của Nguyễn Ngọc Phú

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]