(Baothanhhoa.vn) - Ngày 13-9, tại huyện Quan Hóa, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị bàn giải pháp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại do mưa lũ

Ngày 13-9, tại huyện Quan Hóa, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị bàn giải pháp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện bị thiệt hại do đợt mưa lũ cuối tháng 8 gây ra.

Theo tổng hợp của UBND tỉnh, đợt mưa lũ từ ngày 28 đến ngày 31-8 -2018 đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều huyện của tỉnh, trong đó nặng nhất là các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy... Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính 1.881 tỷ đồng, làm 10 người chết, 2 người mất tích và 2 người bị thương; hơn 13 nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, 800 ngôi nhà bị đổ sập, bị cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng, 247 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, có 43 điểm trường bị ảnh hưởng và gần 100 phòng học, phòng chức năng bị thiệt hại; hơn 3.500 ha lúa, 700 ha rau màu bị ngập; hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như tuyến quốc lộ 15, 15C, 16,... bị sạt lở, hư hỏng nặng; các công trình công cộng và hệ thống thông tin viễn thông bị hư hại nặng nề. Hiện còn nhiều bản, làng ở huyện Mường Lát vẫn đang bị cô lập do giao thông chia cắt, thông tin liên lạc gián đoạn, hàng nghìn gia đình hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và cuộc sống.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Ngay trong và sau lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp đã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả. Công tác cứu trợ nhân dân vùng bị ngập lụt và cô lập được tiến hành kịp thời; việc khắc phục sự cố sạt lở, thông tuyến giao thông trên các tuyến đường được triển khai tích cực. Công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ được tiến hành khẩn trương, với sự tham gia hỗ trợ của nhiều lực lượng. Các địa phương cũng đã nỗ lực khắc phục hư hỏng tại các điểm trường để tổ chức lễ khai giảng năm học mới đúng kế hoạch.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Ngoài những hỗ trợ kịp thời ban đầu, cấp tỉnh và cấp huyện cũng đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để nhân dân vùng lũ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sửa chữa, khắc phục các công trình hạ tầng. Trong đó, cấp tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình có người bị chết do lũ lụt 10 triệu đồng, cấp huyện hỗ trợ 5,4 triệu đồng; gia đình có người mất tích cấp tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng, cấp huyện hỗ trợ 5,4 triệu đồng; người bị thương cấp tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng, cấp huyện hỗ trợ 2,7 triệu đồng. Hỗ trợ về nhà ở, đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng hoàn toàn được hỗ trợ 75 triệu đồng/nhà; hộ có nhà phải di dời khẩn cấp hỗ trợ 45 triệu đồng/nhà; nhà bị hư hỏng nặng hỗ trợ chi phí sửa chữa với mức 15 triệu đồng/nhà... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ gạo; hỗ trợ khắc phục thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; khắc phục hạ tầng... Nguồn kinh phí được thực hiện từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, nguồn Trung ương hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Lãnh đạo huyện Mường Lát báo cáo về tình hình thiệt hại và đề xuất kiến nghị cơ chế chính sách hỗ trợ.

Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện, sở, ngành báo cáo làm rõ thêm những thiệt hại và đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, các huyện cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành ứng phó trong và sau lũ, nhất là kinh nghiệm tổ chức phương án di dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, kinh nghiệm xử lý nhanh các sự cố nghiêm trọng về giao thông, đê điều. Một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu đầu tư lắp đặt các hệ thống cảnh báo lũ ở những địa bàn trọng điểm, để chính quyền và nhân dân chủ động hơn trong việc ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại. Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về các cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục hậu quả đợt lũ lụt, ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất.

Lãnh dạo huyện Quan Hóa báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, trên địa bàn một số huyện miền núi đã xuất hiện lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng của nhà nước. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ chia sẻ sâu sắc với các gia đình có người chết, mất tích, với thiệt hại nặng nề của các huyện, nhất là Mường Lát và Quan Hóa, đồng thời biểu dương các ngành, các cấp, các lực lượng vũ trang đã chủ động, tích cực ứng phó, khắc phục hậu quả, góp phần giảm mức độ thiệt hại do lũ lụt gây ra. Một số ngành, địa phương đã có phương án linh loạt, hiệu quả, nhất là trong việc cứu trợ lương thực, thực phẩm và nước uống cho nhân dân ở các khu vực bị cô lập do ngập lụt, sạt lở giao thông; khắc phục hậu quả ở các trường học để khai giảng năm học mới đúng kế hoạch...

Đồng chí nhấn mạnh: Khắc phục hậu quả lũ lụt là nhiệm vụ đột xuất, cấp bách và trọng tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp. Do vậy, cần tiếp tục tập trung cao nhất để nhanh chóng đưa mọi hoạt động trở về bình thường trong thời gian ngắn nhất có thể. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ nhân dân làm lại nhà ở, sửa chữa trường học, phấn đấu trước tết Nguyên Đán tất cả các hộ dân sẽ có nhà mới, các em học sinh sẽ có trường mới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh về mức hỗ trợ làm nhà cho các gia đình có nhà ở bị hư hỏng trong đợt lũ vừa qua. Tuy nhiên, các ngành, địa phương phải tính toán phương án sử dụng kinh phí hợp lý, hiệu quả nhất, triển khai thực hiện nhanh nhất, đạt chất lượng tốt nhất. Các huyện, xã phải có trách nhiệm bố trí đủ diện tích đất để làm nhà, nghiên cứu kỹ bản đồ lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn, đồng thời làm tốt công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cũng lưu ý một số nội dung về mẫu thiết kế, vật liệu làm nhà, đảm bảo phù hợp với tập quán, điều kiện sinh hoạt của người dân, hạn chế tối đa khai thác gỗ, huy động lực lượng giúp ngày công để giảm chi phí. Các khu vực bị sạt trượt, nguy cơ mất an toàn cho nhân dân thì phải xây dựng phương án di dời sớm.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận hội nghị.

Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng và cấp bách là khắc phục nhanh các sự cố giao thông, nhất là ở các vị trí gây chia cắt, cô lập địa bàn dân cư. Sở Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các đơn vị liên quan, huy động tối đa lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với các tuyến Quốc lộ, đấu mối với Bộ Giao thông - Vận tải để có nguồn hỗ trợ, nhanh chóng hoàn trả lại hiện trạng. Đối với các tuyến đường tỉnh, sử dụng kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, cộng với hỗ trợ của Trung ương để khắc phục khẩn trương, đến 20-9 phải thông tuyến kỹ thuật; đường huyện phải thông tuyến trước ngày 25-9. Đối với các tuyến đường xã, đường nội bộ trong địa bàn dân cư, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, phải huy động nhân dân tham gia khắc phục, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và phục vụ sản xuất.

Các ngành, các cấp cũng phải khẩn trương có biện pháp để đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng lũ, nhất là ở thị trấn Mường Lát và các thôn, bản bị sạt lở, ngập lụt nặng. Các huyện chủ động khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ để đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão và đáp ứng yêu cầu tưới tiêu. Đặc biệt, phải rà soát kỹ, nắm chắc tình hình đời sống của nhân dân, có biện pháp đảm bảo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng, tuyệt đối không để người dân bị đói. Đối với những hộ bị mất đất sản xuất do sạt lở, chính quyền địa phương phải khẩn trương tìm đất mới cho nhân dân sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

MTTQ các cấp tiếp tục kêu gọi, vận động cộng đồng dân cư và các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh và Thường trực huyện ủy các huyện vùng lũ phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành được thông suốt, các nhiệm vụ được thực hiện nhanh nhất, đạt kết quả cao nhất.


Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]