(Baothanhhoa.vn) - Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng, với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng, cùng khả năng thích ứng và đổi mới sáng tạo...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh niên khởi nghiệp - nhìn từ cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp

Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng, với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng, cùng khả năng thích ứng và đổi mới sáng tạo...

Đại diện lãnh đạo VNPT Thanh Hóa dành tặng 10 gói dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin cho các tác giả vào vòng chung kết.

Thanh Hóa hiện có trên 1 triệu thanh niên, chiếm gần 30% dân số và gần 50% lực lượng lao động toàn tỉnh. Tuy vậy, theo số liệu khảo sát về thực trạng nghề nghiệp, việc làm hàng năm, toàn tỉnh vẫn có gần 35.000 thanh niên chưa có việc làm ổn định. Thống kê của Tỉnh đoàn cũng cho thấy, toàn tỉnh hiện chỉ có 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và lực lượng thanh niên dồi dào của tỉnh. Thực tế, thanh niên ngày nay có hoài bão, có ước mơ và mong muốn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp của mình, nhưng phần lớn thanh niên đang gặp không ít khó khăn, trở ngại khi bắt tay vào thực hiện như hạn chế về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu đầu ra, thiếu vốn đầu tư... Xuất phát từ thực tế về nhu cầu việc làm của thanh niên toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định việc phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Theo đó, phát huy vai trò là cầu nối giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) lập thân, lập nghiệp, Tỉnh đoàn đã phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020”. Đây là cuộc thi do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch tổ chức nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đông đảo ĐVTN, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, xã hội đối với các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của ĐVTN. Đối tượng tham gia cuộc thi là ĐVTN, học sinh, sinh viên người Thanh Hóa đang công tác, học tập trong nước. Mỗi năm, Tỉnh đoàn tổ chức 2 cuộc thi, mỗi cuộc thi được chia làm 3 vòng, gồm đi tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng đề án khởi nghiệp và vòng chung kết là thăng hoa ý tưởng.

Để cuộc thi tạo được sức lan tỏa, đến được với đông đảo ĐVTN, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc thi. Mỗi huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc đều thành lập trang facebook riêng; thông qua đó phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền hoạt động của đoàn – hội đặc biệt là cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đến đông đảo ĐVTN tại địa phương, đơn vị. Ngày 3-7, tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh giai đoạn 2017-2020” lần thứ hai và phát động cuộc thi lần thứ ba năm 2018. Tại vòng chung kết “Thăng hoa ý tưởng” các thí sinh đã thuyết trình, phản biện, bảo vệ dự án của mình và kêu gọi đầu tư, hợp tác triển khai dự án. Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã trao giải nhất cho ý tưởng “Sản xuất đèn LED ABC Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hữu Thế, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa; 2 giải nhì cho các ý tưởng “Dịch vụ giúp việc theo giờ” của nhóm tác giả Lê Văn Tuấn, Nguyễn Thị Hương Thương, Lớp K18B, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức và ý tưởng “Xưởng nến nghệ thuật” của tác giả Bùi Văn Thọ, thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân). Trước đó, tháng 1-2018, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh giai đoạn 2017-2020” lần thứ nhất, trao giải nhất cho ý tưởng dịch vụ vệ sinh môi trường thanh niên của tác giả Trần Huyền Trang, đoàn phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa. Bước ra và thành công từ tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp lần thứ nhất, Trần Huyền Trang đã hiện thực hóa ý tưởng của mình và triển khai thực hiện hiệu quả. Trần Huyền Trang, chia sẻ: Từ ý tưởng, tôi đã quyết định thành lập Công ty TNHH dịch vụ vệ sinh môi trường thanh niên. Công ty sau khi đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho nhiều lao động không chỉ trong độ tuổi thanh niên, với mức thu nhập từ 170.000 đồng - 200.000 đồng/lao động/8 tiếng. Hiện công ty của Trang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ vệ sinh công nghiệp, như: Vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, văn phòng, khu vực công cộng hay thậm chí là chăm sóc cây hoa, cây cảnh... Trang cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng và phát triển dịch vụ thu gom rác thải tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương.

Có thể khẳng định, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, là sân chơi bổ ích, giúp ĐVTN có cơ hội trải nghiệm thực tế để tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp, từ đó tìm kiếm, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Tuy vậy, để phong trào khởi nghiệp không mang tính hình thức và để có thêm nhiều ý tưởng được hiện thực hóa hơn nữa thì cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực.

Thực tế, ngay sau cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp lần thứ nhất, 2 ý tưởng gồm: Kinh doanh đặc sản vùng quê Thọ Xuân của tác giả Hoàng Thị Thu Hiền (Xuân Thắng, Thọ Xuân) và Dự án vườn treo rau sạch của nhóm tác giả Khâu Ngọc Bình, Lê Trí Tính, Nguyễn Trung Hậu, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa đã được Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông bảo trợ, đầu tư. Tuy vậy, hiện nay ý tưởng “Kinh doanh đặc sản vùng quê Thọ Xuân” của tác giả Hoàng Thị Thu Hiền (Xuân Thắng, Thọ Xuân) đang triển khai ở quy mô hộ gia đình; ý tưởng còn lại vẫn chưa được triển khai; việc hỗ trợ của nhà đầu tư đối với các tác giả cũng mới chỉ dừng ở hỗ trợ về mặt thị trường, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản trị chứ chưa thể rót vốn vào 2 dự án vì còn nhiều vấn đề vướng mắc về tính pháp lý trong đầu tư. Nguyên nhân ở đây bên cạnh khuôn khổ, hành lang pháp lý thì có một phần rất lớn xuất phát từ việc các tác giả chưa thực sự nỗ lực, vượt qua những rào cản ban đầu, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần sáng tạo để có thể thành công trên con đường kinh doanh của mình.

Theo ông Đỗ Minh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông: Cộng đồng khởi nghiệp hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có những ý tưởng rất táo bạo. Nhưng bên cạnh sự táo bạo, các bạn cần thực tế hơn, cần xác định khởi nghiệp để lập nghiệp hay chỉ khởi nghiệp theo phong trào của thanh niên. Bởi, nếu xác định rõ khởi nghiệp để lập nghiệp thì sẽ giúp các bạn có cái nhìn nghiêm túc, đúng đắn hơn, có tâm thế, có tư duy, cách làm, định hướng và lộ trình rõ ràng xem mình có gì để khởi nghiệp và kiên trì, theo đuổi sự nghiệp của mình.

Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng, đặc biệt trong đông đảo ĐVTN với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng, cùng khả năng thích ứng và đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, nếu không dấn thân, mạnh dạn, dám đối mặt với thách thức và đặc biệt không có được niềm đam mê và khát vọng cống hiến để tự khẳng định bản thân mình, để có thể làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước thì rõ ràng không thể khởi nghiệp thành công. Từ phong trào hay các cuộc thi khởi nghiệp, người ta nói nhiều về vườn ươm, về quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần... và gần đây người ta còn nói nhiều hơn nữa về sự kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau, kết nối với các nhà đầu tư. “Theo đó, các bạn trẻ cần liên kết với nhau, phải làm sao để tiếp cận được các nhà đầu tư, những người hỗ trợ hoặc hợp tác được với mình trong quá trình khởi nghiệp. Như vậy con đường sẽ ngắn hơn để dẫn tới khởi nghiệp thành công” - ông Đỗ Minh Thủy, nhấn mạnh.


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]