(Baothanhhoa.vn) - Sáng 28-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị trực tuyến đến 27 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố để quán triệt, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

Sáng 28-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị trực tuyến đến 27 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố để quán triệt, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thanh Hoá đã triệt để thực hiện việc đo thân nhiệt, thành phần không quá 20 người trong một phòng, giữ khoảng cách giữa các đại biểu và đeo khẩu trang.

Tại Thanh Hóa, tính đến nay đã ghi nhận 2 bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2 gồm: 1 bệnh nhân tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, đã được điều trị khỏi và 1 bệnh nhân địa chỉ huyện Thạch Thất, Hà Nội được phát hiện từ những người cách ly y tế của Sư đoàn 390 thị xã Bỉm Sơn, đã chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Từ ngày 24-1-2020 (30 Tết Canh Tý) tới nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 83 bệnh nhân nghi ngờ, tại 23 huyện, thị xã, thành phố (trừ Như Thanh, Quan Sơn, Quan Hóa). Trong số đó 70 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính và điều trị khỏi, hiện còn 13 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh.

Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

Đáp ứng công tác phòng chống dịch, tỉnh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh. Triển khai, tổ chức công tác phòng chống dịch chủ động, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức giám sát cách ly y tế; khoanh vùng xử lý dịch từ khi còn ở diện hẹp; Thông tin tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng chống dịch; Đáp ứng hậu cần; Hạn chế tập trung đông người; Thành lập các tổ giám sát từ tỉnh tới thôn, bản, khu phố; Phân luồng khám chữa bệnh, kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế… Công tác giám sát, kiểm soát nguồn lây nhiễm đã và đang được các địa phương tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

Toàn tỉnh đã tổ chức cách ly gần 7.390 người đến từ vùng có dịch (cả ở Việt Nam và trên thế giới), bao gồm 5.239 người Việt Nam, 1.064 người nước ngoài được cách ly tại nhà, nơi ở, nơi cư trú và 1.064 người tại các khu cách ly tập trung. Hiện nay còn 1.344 người đang được cách ly tại nhà, nơi ở và 661 đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh. Vì vậy tình hình dịch trên địa bàn tỉnh được kiểm soát ổn định, không để lây lan thứ phát ra cộng đồng.

Mặc dù công tác phòng, chống dịch đã được triển khai chủ động, đồng bộ và quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tuy nhiên vẫn thường trực các nguy cơ dịch tái xâm nhập, bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh. Các nguy cơ dịch hiện nay chủ yếu là nguồn lây từ những người mang mầm bệnh ở những vùng có dịch (trong nước và trên thế giới) vào Thanh Hóa qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không, qua các cửa khẩu, cảng biển, các đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Thêm vào đó, tình hình dịch trong nước có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là nguy cơ tạo ra những nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, mà theo dự báo là Thanh Hóa khó tránh khỏi; vì trong nước đã phát hiện một số người mắc bệnh chưa xác định được nguồn lây, nhiều bệnh nhân COVID–19 có tiền sử đi lại rất phức tạp, có những nhân viên y tế đã bị lây nhiễm COVID–19 trong quá trình làm việc.

Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến đề xuất các giải pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Với phương châm: Kịp thời phát hiện, Nhanh chóng cách ly, Triệt để khoanh vùng, Điều trị tích cực, toàn hệ thống cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện, cách ly y tế phù hợp các đối tượng có nguy cơ lây truyền bệnh, tập trung mở rộng quy mô cách ly và tổ chức tốt các điều kiện cách ly y tế tập trung, triển khai các bệnh viện dã chiến trong điều kiện dịch lây lan diện rộng.

Triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp hạn chế tập trung đông người như: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người; Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết; Hạn chế đi lại tập trung đông người; Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo tập trung đông người và các biện pháp khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh; Kiện toàn, bổ sung chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt hoạt động của các Tổ giám sát từ tỉnh đến các thôn, bản, khu phố, làm tốt công tác giám sát, phát hiện, cách ly y tế phòng chống dịch, nhất là kiểm tra, giám sát việc cách ly y tế tại nhà, tại nơi ở, đeo khẩu trang nơi công cộng; vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, cơ quan, đơn vị.

Nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm tại tỉnh để tổ chức thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm, trên diện rộng để kịp thời khoang vùng, cách ly và tổ chức phòng chống dịch đạt hiệu quả; bảo đảm các điều kiện vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế, trang thiết bị phòng chống dịch, các điều kiện phòng ngừa lây nhiễm trong các cơ sở y tế, nhất là lây nhiễm cho cán bộ y tế để thực hiện tốt công tác cách ly điều trị người mắc bệnh.

Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, nhấn mạnh về tính chất phức tạp và sự bùng phát dịch mạnh trên thế giới. Trong nước dịch bệnh diễn biến khó lường, đã lây lan ra cộng đồng ở TP Hồ chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Đây là những địa phương có công dân Thanh Hoá sinh sống, học tập với số lượng lớn nên nguy cơ dịch xâm nhập, bùng phát ở Thanh Hoá là rất cao, cần triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia phòng chống dịch với quyết tâm chính trị cao nhất, chống dịch như chống giặc. Trong đó thực hiện triệt để Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, trọng tâm là hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người, dừng các dịch vụ công cộng không cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chỉ đạo trong thời gian qua.

Từ ngày 28-3-2020 đến hết ngày 15-4-2020, tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các điểm công cộng; dừng các dịch vụ vận tải hành khách công cộng từ 10 người trở lên trên địa bàn tỉnh và từ các tỉnh ngoài vào Thanh Hóa.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, cụ thể: quán bar, vũ trường, karaoke, massage, spa, gội đầu, cắt tóc, gym, thể thao, khiêu vũ, yoga, internet, giải khát cà phê, trà chanh, trà đá, trà chén, giải khát vỉa hè…; các dịch vụ tụ tập đông người do Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quy định; trừ các hoạt động hiến máu nhân đạo dưới sự chỉ đạo, giám sát của Hội Chữ thập đỏ và ngành Y tế; các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.

Riêng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, nghiêm cấm tổ chức phục vụ khách hàng ăn, uống tại cơ sở (kể cả ăn sáng, uống bia), khuyến khích cung cấp các suất ăn, uống theo địa chỉ của khách hàng.

Đối với hoạt động tại chợ, giao tổ chức kinh doanh phải quản lý chợ phải bảo đảm việc đeo khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, khi giao dịch phải đứng cách xa, không tập trung đông người; trong chợ chỉ kinh doanh mua bán hàng hoá thiết yếu, không thực hiện các dịch vụ trong chợ, nếu không quản lý được, có nguy cơ cao Chủ tịch địa phương đó sẽ quyết định dựng hoạt động chợ trong vòng 15 ngày.

Trên cơ sở ý kiến, đề xuất của các địa phương, các ngành bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, về giao chỉ tiêu thành lập các khu cách ly y tế tập trung tại các địa phương và thảo luận dự thảo Chỉ thị về việc tập trung triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thống nhất nâng suất ăn tại các cơ sở cách ly tập trung từ 57.000 đồng lên 80.000 đồng, tỉnh sẽ cấp bù kinh phí thiếu để bảo đảm các suất ăn cho các đối tượng cách ly tập trung.

Các địa phương cần lưu ý phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung theo chỉ tiêu được giao bởi đây là huy động cho tình huống khẩn cấp, cần phải đáp ứng để bảo đảm cho công tác phòng chống dịch ở mức cao hơn; cần đấu mối với các cơ sở, trường nghề, khách sạn để huy động trưng dụng làm nơi cách ly tập trung đáp ứng tình huống cao nhất xảy ra. Đối với việc tổ chức cách ly trong các cơ sở cách ly tập trung phải tổ chức dưới 10 người/phòng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.

Giao Sở Y tế có phương án tổ chức điều trị bệnh nhân khi dịch bùng phát trước ngày 31-3; tích cực chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng ngay khi tăng bệnh nhân điều trị COVID-19 và báo cáo phương án thiết kế thi công xây dựng bệnh viện dã chiến ở thành phố Thanh Hóa bảo đảm tiến độ; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo đảm các điều kiện, nhanh chóng triển khai thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và đồng ý đầu tư thêm 1 hệ thống xét nghiệm mới nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm sàng lọc nguy cơ nhiễm COVID-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới. Đấu mối danh sách bệnh nhân, người nhà bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai để thông báo cho các huyện rà soát đưa vào quản lý.

Đối với vật tư trang thiết bị phòng chống dịch, giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị, địa phương thống nhất giá mua, nơi mua trong ngày hôm nay (28-3).

Đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động có các giải pháp cụ thể kiểm soát, hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh ở từng địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân về chủ động phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang, bảo đảm vệ sinh, hạn chế tiếp xúc, đi lại theo tinh thần “ở nhà là yêu nước cũng chính là yêu mình”; phân công giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân thực hiện theo từng công việc cụ thể; phát huy vai trò của các tổ giám sát từ huyện đến thôn xóm, các phòng ban, đơn vị vào cuộc đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ; Ban chỉ đạo huyện thường xuyên giao ban nắm tình hình trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức doàn thể tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các đoàn viên, hội viên thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Nhấn mạnh sự thành bại của phòng chống dịch là việc huy động nhân dân tham gia hưởng ứng, tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch – đây là giải pháp quan trọng nhất quyết định sự thành công, vì thế cả hệ thống chính trị phải tăng cường tuyên truyền vận động, kiểm soát việc thực hiện trong cộng đồng, để mọi người phải chấp hành nghiêm túc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bí thư các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, chủ tịch UNND các huyện, thị xã, thành phố đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm.

Tô Hà


Tô Hà

Từ khóa: COVID-19 SARS-CoV-2

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Lê Trường Giang - 10:03 29/03/20

 Trả lời

Đến sáng ngày 29/03 rất nhiều người dân tham gia giao thông vẫn k đeo khẩu trang đã có chế tài xử phạt tại sao chúng ta k thực hiện vì sức khỏe cho cộng đồng

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]