(Baothanhhoa.vn) - Nhằm tăng cường và cụ thể hóa quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài (các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp...), tỉnh Thanh Hóa đã đàm phán, ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận quốc tế với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Lào...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy” trong hợp tác đầu tư với các nước

Thanh Hóa “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy” trong hợp tác đầu tư với các nước

Đoàn đại biểu cao cấp của tỉnh Thanh Hóa làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Nhà nước Cô-oét, năm 2018. Ảnh: Minh Hiếu

Nhằm tăng cường và cụ thể hóa quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài (các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp...), tỉnh Thanh Hóa đã đàm phán, ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận quốc tế với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Lào...

Trong 3 năm gần đây (2017-2019), tỉnh Thanh Hóa tích cực trao đổi, đàm phán đã ký kết 66 thỏa thuận quốc tế trên nhiều lĩnh vực với các đối tác quốc tế, trong đó đáng chú ý là các đối tác quan trọng như Lào, Liên Bang Nga, Hàn Quốc.

Thực hiện đường lối đối ngoại “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” của Đảng và Nhà nước, trong nhiệm kỳ 2015-2020 tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tăng cường mở rộng, đa dạng hóa hợp tác quốc tế với các nước, các cơ quan đại diện, cơ quan phát triển quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của tỉnh. Các hoạt động kinh tế đối ngoại ngày càng phong phú, đa dạng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của vùng đất và con người tỉnh Thanh Hóa “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy” trong hợp tác đầu tư với các nước.

Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2014 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Trên tinh thần “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” tỉnh Thanh Hóa đã chủ động cử nhiều đoàn công tác các cấp, các ngành, dưới nhiều hình thức thăm, làm việc tại nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, quảng bá địa phương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế - văn hóa – du lịch – lao động, thu hút đầu tư nước ngoài. Về tổng thể, công tác quản lý đoàn ra được quản lý ngày càng chặt chẽ và ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo mục tiêu nêu trên, thúc đẩy hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác nước ngoài. Từ đó, hình ảnh và uy tín của tỉnh ngày càng được nâng cao, thu hút sự quan tâm ngày càng cao của các đối tác quốc tế, thể hiện rõ qua số các đoàn quốc tế tới thăm, làm việc tại tỉnh cũng như chỉ số tăng trưởng về đầu tư trực tiếp (FDI), ODA... Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng tận dụng tốt những cơ hội tiếp xúc với các đối tác quốc tế bên lề các sự kiện lớn tại Việt Nam. Ví dụ, bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng, Đoàn đại biểu của tỉnh đã có các cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cũng như nhiều đối tác tiềm năng khác.

Nhằm tăng cường và cụ thể hóa quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài (các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp...), tỉnh Thanh Hóa đã đàm phán, ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận quốc tế với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Lào... Trong 3 năm gần đây (2017-2019), tỉnh Thanh Hóa tích cực trao đổi, đàm phán đã ký kết 66 thỏa thuận quốc tế trên nhiều lĩnh vực với các đối tác quốc tế, trong đó đáng chú ý là các đối tác quan trọng như Lào, Liên Bang Nga, Hàn Quốc. Riêng năm 2019, các cơ quan, đơn vị tỉnh Thanh Hóa đã ký kết 22 Bản ghi nhớ hợp tác và các hình thức thỏa thuận quốc tế khác với các đối tác nước ngoài, trong đó có 5 văn bản do lãnh đạo tỉnh trực tiếp ký kết.

Trong quan hệ hợp tác ở khu vực Đông Nam Á, tỉnh Thanh Hóa có quan hệ hợp tác kinh tế nổi bật với Lào, đặc biệt là với tỉnh Hủa Phăn. Hai địa phương chia sẻ mối quan hệ hợp tác toàn diện và sự gắn bó, tin cậy được xây đắp trong nhiều năm. Trên cơ sở “Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2016-2020” và “Thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019”, hai bên duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi. Quan hệ thương mại giữa hai tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 13 doanh nghiệp đang hoạt động xuất - nhập khẩu sang tỉnh Hủa Phăn. Với các nước Đông Nam Á - Nam Á khác, tỉnh đã bắt đầu xúc tiến quan hệ với một số đối tác tiềm năng như Thái Lan, Singapore, Ấn Độ... Năm 2016, Thanh Hóa đã gửi ấn phẩm tài liệu tham gia trưng bày triển lãm về công nghệ thông tin và truyền thông Communic Asia 2016 tại Singapore để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các khu công nghệ cao, khu công nghệ tập trung của tỉnh.

Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác khu vực Đông Bắc Á, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian qua đã phát triển tích cực, thực chất hơn. Trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản chủ yếu là quan hệ đầu tư (FDI) và hợp tác phát triển (ODA). Về FDI, Nhật Bản hiện là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Thanh Hóa. Các dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như: lọc hóa dầu, sản xuất xi măng, sản xuất điện, may mặc, kết cấu thép... Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đang hợp tác với Đại học Việt Nhật (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) để thực hiện một số nhiệm vụ về nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư.

Về quan hệ với Hàn Quốc, tỉnh Thanh Hóa đã thiết lập quan hệ hợp tác với thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc từ năm 2013; ký kết thỏa thuận hợp tác với thành phố Gapyoung năm 2019; thường xuyên duy trì tiếp xúc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); đã trao đổi kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh với Trung tâm điều hành của thành phố thương mại Incheon... Về FDI, tỉnh Thanh Hóa có 22 dự án FDI của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực may mặc; một số dự án triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách với địa phương. Về ODA, đến tháng 5-2019, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 41,6 triệu USD từ Chính phủ Hàn Quốc cho các dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa.

Cùng với đẩy mạnh quan hệ với các nước truyền thống, tỉnh Thanh Hóa cũng chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác ở các khu vực khác trên thế giới, trong đó có những bước tiến rõ rệt với Liên Bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Nhà nước Cô-oét. Với Liên Bang Nga, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công “Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch vào tỉnh Thanh Hóa tại Liên Bang Nga năm 2019” với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp Nga và Việt Nam trong khuôn khổ Đoàn công tác cấp cao của tỉnh sang thăm, làm việc tại Nga.

Về giao lưu quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Tula thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai tỉnh, đồng thời mở ra các cơ hội và hoạt động hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng cho phép TP Sầm Sơn ký kết Biên bản hợp tác hữu nghị với Quận trung tâm của thành phố Saint Peterburg, Liên Bang Nga. Nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác với các đối tác Nga, tỉnh cũng đã tổ chức đoàn công tác sang tham dự Diễn đàn du lịch Việt Nam - Saint Petersburg (10-2019) và khai trương gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tỉnh Thanh Hóa tại thành phố Matxcơva.

Với Cộng hòa Liên Bang Đức, tỉnh Thanh Hóa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với bang Mittelsachen (CHLB Đức); tổ chức buổi làm việc với đại diện Văn phòng hợp tác GIZEF để trao đổi, thảo luận về các nội dung hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Mittelsachsen, trong đó tập trung vào các dự án hợp tác kinh tế, giáo dục, xây dựng trung tâm đào tạo tại tỉnh Thanh Hóa, xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, sản xuất vật liệu sinh khối... Trong quan hệ với Nhà nước Cô-oét, năm 2018 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đoàn đại biểu cao cấp của tỉnh sang thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại Nhà nước Cô-oét đạt kết quả tốt đẹp; đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Thanh Hóa với tỉnh Farwaniyah (Cô-oét), xúc tiến đầu tư thành công giai đoạn 2 Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dự án tổng kho dầu thô tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD.

Về công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), tỉnh Thanh Hóa nhiều năm thuộc nhóm dẫn đầu về vận động thu hút viện trợ PCPNN. Hiện trên địa bàn tỉnh có 59 tổ chức PCPNN được cấp phép hoạt động và đang thực hiện 49 chương trình, dự án viện trợ. Giá trị giải ngân năm 2019 đạt hơn 7 triệu USD, tiếp cận 1,7 triệu lượt người hưởng lợi trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo, khắc phục thiên tai...

Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ 2015-2020 với nhiều hoạt động phong phú về công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo vị thế và uy tín vững chắc cho Thanh Hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.

Minh Hiếu


Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]