Tin liên quan

Đọc nhiều

Sự vận dụng quan điểm của Ph.Ăng–ghen về con đường đi lên CNXH của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay

(THO) - Vào những ngày cuối tháng mười một hàng năm, lương tri của những người chính nghĩa lại nhớ về một con người vĩ đại - Ph.Ăngghen. Sự vĩ đại của ông thể hiện ở những đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng con người, ở những phẩm chất đạo đức vô cùng đáng quý.

Quan điểm về “phát triển rút ngắn” lên CNXH

Là nhà lý luận cách mạng thiên tài, Ph.Ăng-ghen có cống hiến kiệt xuất đối với việc hình thành, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ngoài những công trình viết chung với C.Mác, Ph.Ăng-ghen còn có hàng loạt tác phẩm lớn như: Tình cảnh giai cấp công nhân Anh; Chống Ðuyrinh; Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước; Biện chứng tự nhiên; Vấn đề nông dân ở Pháp và Ðức... Sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăng-ghen đã đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo giai cấp công nhân quốc tế và dồn toàn bộ tâm sức vào việc bảo vệ và phát triển Học thuyết Mác. Các tác phẩm của Ph.Ăng-ghen đã làm phong phú thêm lý luận thiên tài của C.Mác, trở thành bộ phận hợp thành hữu cơ của Chủ nghĩa Mác. Với sự uyên bác và mẫn cảm khoa học, cộng với khả năng phân tích và tổng kết thực tiễn lịch sử để khám phá lý luận, Ph.Ăng-ghen luôn đấu tranh chống lại sự giáo điều. Bằng bản lĩnh khoa học vững vàng và sự dũng cảm biết vượt lên mọi hoàn cảnh, ông không ngừng phát triển lý luận Mác-xít, hoàn thiện học thuyết CNXH khoa học.

Một trong những điểm nhấn sáng tạo của Ph.Ăng-ghen là tư duy biện chứng về con đường lên CNXH. Theo ông, quan niệm và thực tiễn quá trình kiến tạo xã hội XHCN luôn phải được bổ sung, hoàn thiện khi thực tiễn cuộc sống đặt ra những vấn đề mới. Phát triển lý luận Mác-xít về thời kỳ quá độ, Ph.Ăng-ghen nêu luận điểm “phát triển rút ngắn”, sau này Lê-nin nêu thành khả năng “không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” để tiến lên CNXH đối với các nước, các dân tộc chậm phát triển.

Ðề cập đến sự “quá độ lên xã hội cộng sản” trong hoàn cảnh của những năm cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen luôn nhấn mạnh rằng, cần phải suy nghĩ kỹ, không được nôn nóng, không được phép kết luận vội vàng, bởi đây là vấn đề khó nhất trong tất cả những vấn đề tồn tại ở một thời kỳ mà các điều kiện không ngừng thay đổi. Nét độc đáo trong tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen thể hiện ở sự nhận thức về tính thống nhất phổ biến giữa cái tất yếu và cái có thể trong vận động của toàn bộ thế giới khách quan. Phép biện chứng duy vật Mác-xít từng vạch rõ, tiến trình lịch sử nhân loại tất yếu phát triển từ thấp đến cao, và do đó xã hội cộng sản chủ nghĩa với tính cách một xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn xã hội tư bản, tất yếu sẽ thay thế xã hội tư bản. Ðây là quy luật của lịch sử, là quá trình lịch sử tự nhiên trong sự vận động của xã hội loài người. Nhưng do những điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị, truyền thống văn hóa khác nhau mà dân tộc này hay dân tộc khác có thể bỏ qua một hoặc một số bước phát triển nào đó trong những bước đi chung mà nhân loại phải trải qua. Quan điểm của Ph.Ăng-ghen về sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể là cơ sở phương pháp luận khoa học tiếp cận tính đa dạng, phong phú và nhiều vẻ của hình thức phát triển xã hội loài người.

Phát triển quan niệm về thời kỳ quá độ, Ph.Ăng-ghen khẳng định, đối với các nước đang ở giai đoạn tiền tư bản hoặc chưa từng trải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa đều “không những có thể mà còn chắc chắn... rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình lên xã hội XHCN và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu... phải trải qua”. Tư duy biện chứng mang tầm vóc vạch dòng thời đại này vẫn nóng hổi ý nghĩa lý luận và tính thời sự cấp bách đối với các đảng cộng sản, công nhân quốc tế, trong đó có Ðảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay

Tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen về phương thức phát triển “rút ngắn” cho thấy rõ, nước ta có điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên CNXH. Về khách quan, trước hết đó chính là yếu tố thời đại. Con đường tiến lên CNXH ở nước ta diễn ra trong thời đại mà nội dung chủ yếu của nó vẫn là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, gắn với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa. Thực tế khách quan này vừa đặt ra thách thức không nhỏ, đồng thời tạo thời cơ thuận lợi cho sự phát triển đất nước.

Thấm nhuần tư tưởng Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, của Ph. Ăng-ghen về con đường đi lên CNXH, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Đảng ta đã tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH, nhận thức của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ hơn, trên cơ sở đó Đảng đề ra và từng bước bổ sung, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Trong điều kiện khó khăn của sự tìm tòi, phát triển lý luận về CNXH, Đảng đã thể hiện ngày càng rõ quan niệm về CNXH và cần được tiếp tục bổ sung phát triển cùng với sự phát triển của thực tiễn đất nước và của thời đại. Kinh nghiệm và những bài học được tích lũy để Đảng ta từng bước hoàn thiện lý luận đổi mới để phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Nhờ đó, nội lực của đất nước và dân tộc đã được huy động vào các mục tiêu của phát triển, cùng với các nguồn ngoại lực ngày càng được tận dụng, khai thác có hiệu quả nội lực, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng CNXH của nhân dân Việt Nam đi tới thắng lợi. Vì vậy, tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”.

Có thể nói, phương pháp luận, phép biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen nói riêng về thời kỳ quá độ là một hệ thống tri thức quý báu, đòi hỏi cần được nghiên cứu nghiêm túc để có thêm cơ sở khoa học cho bổ sung, phát triển CNXH khoa học. Để tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


Th.s Trịnh Thị Phượng (Trường Chính trị tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]