(Baothanhhoa.vn) - Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh

Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta.

Nghiên cứu học tập và vận dụng phong cách dân chủ Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Để học tập và làm theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh cần phải hiểu được những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, đặc biệt là những nét riêng đặc sắc trong phong cách dân chủ Hồ Chí Minh, đó là:

Phong cách dân chủ trước hết là phải theo đúng đường lối nhân dân

Theo đúng đường lối nhân dân là một nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh. Có thể coi đó là minh triết Hồ Chí Minh về phong cách dân chủ - triết lý “Từ Dân”. Điểm nhất quán trong tư duy cũng như trong hành động của Người, đó chính là “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Bác căn dặn: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn: Mọi đường lối, chủ trương phải “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”(3). Thực tế đã chứng minh đó là nguyên nhân quyết định mọi thành công trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Hợp lòng dân, phản ánh được ý chí và nguyện vọng, nhu cầu của dân thì đường lối, nghị quyết của Đảng mới đi được vào cuộc sống, biến thành sức mạnh. Để mọi quyết định, quyết sách đều từ dân, đòi hỏi: i) cán bộ lãnh đạo, quản lý phải bám sát thực tiễn, cùng chung hơi thở và vận mệnh với tập thể, với nhân dân, thành tâm lắng nghe tập thể, lắng nghe nhân dân để thấu hiểu và đưa hơi thở cuộc sống từ thực tiễn phong phú vào trong các quyết sách, quyết định; ii) muốn lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của tập thể, của nhân dân, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở, phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để hỏi dân, học dân và hiểu dân. Qua đó mới có thể nắm được dân tâm, dân tình, dân ý; mới kiểm nghiệm được sự sát đúng của các quyết sách, quyết định. iii) cán bộ lãnh đạo, quản lý không bao giờ được độc tôn chân lý, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới, của nhân dân và nghiêm túc tự phê bình sửa mình với tinh thần cầu thị.

Phong cách dân chủ là phát huy trí dân, tài dân, sức dân

Phát huy “Trí dân”, “Tài dân”, “Sức dân” là một triết lý vô cùng độc đáo và hết sức sâu sắc, bởi vì người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ là người tổ chức, hướng dẫn, còn tất cả là do dân. Bác đã dạy: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân”(4), theo đó, chỉ có phát huy trí tuệ, tài năng, toàn bộ sức người, sức của, tinh thần, vật chất của dân góp vào sự nghiệp chung thì cách mạng mới giành được thắng lợi. Để phát huy được trí dân, tài dân, sức dân, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải: i) tận tâm, tận lực một lòng, một dạ phụng sự tập thể, phụng sự nhân dân vì sự phát triển toàn diện của tập thể, hạnh phúc của nhân dân. ii) phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của nhân dân, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. iii) phải luôn sâu sát quần chúng, xuất phát từ quần chúng để rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc sao cho phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phải phù hợp với quần chúng.

Phong cách dân chủ là “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”

Tư tưởng nổi bật, cốt lõi và xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí minh là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”(5). Bởi vậy, trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ các cấp, phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh”(6). Tư tưởng “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” chính là kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải ghi tạc lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(7).

Thực tiễn đang vận động nhanh chóng, sự nghiệp đẩy mạnh CNH HĐH, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi trong quá trình vận dụng người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về phong cách dân chủ Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và cần lưu ý một số điểm sau: i) lắng nghe dân nhưng không “theo đuôi” dân. Thực hành phong cách dân chủ, người cán bộ phải biết phân biệt đúng, sai; tránh lợi ích cá nhân, cục bộ. Bác dạy: “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”. Vì, “dân chúng trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn”(8). Hơn nữa “dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(9). Bởi vậy, cũng có ý kiến đúng, có ý kiến sai. Người căn dặn: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”(10); ii) dân chủ nhưng phải quyết đoán, chịu trách nhiệm cá nhân. Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng, tránh “cha chung không ai khóc”, đổ lỗi cho tập thể. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết..., khi đã thấy đúng thì phải quyết liệt thực hiện cho kỳ được. iii) “công bằng” nhưng không phải “cào bằng” trong đánh giá, ghi nhận sự tham gia, cống hiến của từng cá nhân trong tập thể, có như vậy mới có thể phát huy được “trí dân”, “tài dân” và “sức dân”. Để thực hiện được ba điều đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải: Bao quát nhưng sâu sát, cụ thể. Phải đi tận nơi, rõ tận việc, thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết. Hai là, phụng sự, kiến tạo trong điều kiện người dân phải thực sự phát huy vai trò là chủ và làm chủ của mình. Ba là, phê bình phải đi đôi với tự phê bình và phê bình phải gắn liền với sửa chữa, với biểu dương, khen thưởng.

Để xây dựng phong cách dân chủ người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần: i) nghiêm túc học tập và rèn luyện thông qua trường lớp để cập nhật kiến thức mới, phương pháp mới; ii) tự học tập, rèn luyện ngay từ tổng kết thực tiễn công việc hàng ngày, học từ sự góp ý của đồng chí, đồng nghiệp và của nhân dân. iii) cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải đề cao tính gương mẫu “thực hành trước”, “làm trước”, “làm mẫu” về phong cách dân chủ trên tinh thần thương yêu đồng chí từ đó hướng dẫn để cán bộ cấp dưới và quần chúng noi theo.

Cùng với việc học tập, rèn luyện, phong cách dân chủ của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ được hình thành trong môi trường (gia đình, cơ quan, đơn vị...) giàu động lực, theo đó cần: i) xây dựng, hoàn thiện thể chế: Các quy chế, quy định, nhất là tiêu chí đánh giá phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý để tập thể, người dân có thể tham gia giám sát và đánh giá; ii) hoàn thiện các thiết chế: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống hóa hồ sơ công khai, minh bạch: việc đăng ký, cam kết; kết quả rèn luyện; nhận xét đánh giá của tổ chức và nhân dân về quá trình rèn luyện của cán bộ lãnh đạo, quản lý; iii) xây dựng hệ thống các giá trị chuẩn mực về phong cách dân chủ, như: Tôn trọng quần chúng, lắng nghe quần chúng, yêu thương quần chúng, học hỏi quần chúng..., từ đó tạo cơ sở, tiêu chí, động lực thi đua xây dựng phong cách làm việc dân chủ của mỗi cán bộ và tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tóm lại, phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh thực chất là cách tư duy, hành động, ứng xử, sinh hoạt... đậm chất nhân văn của vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Theo đó, hiểu được giá trị cốt lõi của phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh sẽ là tiêu chí, cơ sở, động lực, nền tảng tư tưởng quan trọng để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý học tập, làm theo. Muốn xây dựng và hoàn thiện phong cách làm việc dân chủ thì mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có nhu cầu tự thân, biết gắn mình vào thực tiễn đời sống nhân dân, đề cao trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe, tôn trọng và yêu thương nhân dân. Làm được như thế thì hình ảnh của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ đẹp hơn, có sức lan tỏa hơn, tạo mối liên hệ bền chặt, niềm tin son sắt giữa người cán bộ lãnh đạo, quản lý với quần chúng, giữa nhân dân với Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh.

1. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 232.

2,3,8,9,10. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr.333, 268, 56, 336, 338.

4. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 232.

5,6. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 272, 51.

7. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập15, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr.542.


TS. Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]