(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại tổ 4 chiều 29.5.

Quy định điều kiện cụ thể để tránh lạm dụng

Thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí về việc cần thiết sửa đổi Bộ luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện và đồng bộ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bổ sung những vấn đề mới đang đặt ra, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng... Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quy định rõ điều kiện mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm để tránh sự lạm dụng.

Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quy định của dự thảo Bộ luật. Dù tán thành với quy định này, song ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu thực tế, hiện thu nhập duy nhất của người lao động là tiền lương nên có những chủ doanh nghiệp đã tạo cơ hội nhưng thực chất là cưỡng bức lao động để người lao động buộc phải làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống. Tất nhiên, nguyên tắc có sự thỏa thuận nhưng chúng ta cũng phải lường trước sự thỏa thuận cưỡng bức.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, Chính phủ cần cân nhắc đến kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu chúng ta tăng thời gian làm việc thì dường như đi ngược với xu thế tự động hóa, công nghiệp hóa. Bởi khi áp dụng theo xu thế mới thì sẽ giảm thời gian làm việc, giải phóng sức lao động thì chúng ta lại đi tăng thỏa thuận thời gian làm việc như vậy có thuyết phục không? Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, để lý giải cho tường minh thì nên theo hướng chỉ kích cầu vào sự tham gia vào giá trị gia tăng, thỏa thuận về thời giờ làm thêm, có thể tận dụng giá trị gia tăng của lao động trí thức và cá nhân có kỹ năng quản lý lãnh đạo thì nên khuyến khích, nhưng khuyến khích để khai thác sức lao động thì đó là điều cấm kỵ. Cho rằng, thời gian làm việc tăng từ 300 - 400 giờ, nếu không quy định chặt chẽ thì sẽ không tránh được sự lạm dụng thời giờ làm việc nhất là ở khu vực tư và các doanh nghiệp liên doanh, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị, cần phải có quy định để ngăn chặn vấn đề này.

Ủng hộ việc mở khung giờ thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, ĐBQH Hoàng Văn Trà (Phú Yên) cho rằng, điều chỉnh này là cần thiết nhằm giải quyết thực tiễn đang đặt ra hiện nay. Trước đây lao động cơ bản không khác biệt lắm giữa loại hình lao động, đối tượng lao động, nhưng giờ có đặc thù. Tuy vậy, việc nới khung ra phải có điều kiện cụ thể, ràng buộc, cụ thể người lao động phải đồng ý và tiền lương phải cao hơn, thậm chí là cao hơn đề xuất để người sử dụng lao động không lợi dụng quy định này.

Ở góc nhìn của cơ quan thẩm tra dự án Luật này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, trước đây chúng ta đã từng quy định thời gian làm thêm tối đa đến 400 giờ, sau đó quá trình đấu tranh giai cấp công nhân tăng lương giảm giờ làm nên chúng ta đã giảm 400 xuống còn 300 giờ. Đến nay, Chính phủ trình nâng trở lại lên 100 giờ, có hai lý do: thứ nhất, do sự thoả thuận lương giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Cả hai bên đều muốn làm thêm để giải quyết một số công việc có tính chất thời vụ. Hơn nữa, người lao động cũng muốn lao động để tăng thêm thu nhập, vì bản chất tiền lương tối thiểu theo vùng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 29.5

Cũng theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, qua tổng kết Bộ luật Lao động, thực tế dù không quy định làm việc tối đa trên 300 giờ nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã “phá rào” và làm việc đến 400 giờ, thậm chí còn hơn. Điều này đều được thỏa thuận từ người lao động. Do đó, Chính phủ muốn luật hóa để đảm bảo cho người lao động và chủ sử dụng lao động tham gia sản xuất kinh doanh để thúc đẩy kinh tế của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý đã làm thêm giờ thì cần đánh giá tác động vấn đề năng suất, vấn đề giải quyết thời vụ cho doanh nghiệp, nhưng cần đánh giá người lao động sức khoẻ có đảm bảo không?

Đồng tình việc tăng thêm 100 giờ, nhưng chỉ tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: da dày, dệt may, xuất khẩu có tính chất thời vụ mà không diễn ra cả năm. Trên cơ sở đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị, Chính phủ phải có danh mục của các ngành nghề để lấy thêm ý kiến, để khẳng định chỉ có ngành nghề đó mới được làm thêm, làm cơ sở để quản lý chặt chẽ hơn.

Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu

Theo ĐBQH Hoàng Văn Trà (ĐBQH đoàn Phú Yên) tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu. Bởi tuổi thọ và kể cả sức khỏe người Việt Nam đã cao lên như các nước. Sự xung đột việc làm giữa người được tăng tuổi với lớp trẻ là không có vì thị trường lao động khác nhau. Nhấn mạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải vì người này làm mất việc của người kia, song đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo luật cần phân tích rõ hơn để tăng tính thuyết phục cho lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo Luật cũng đề cập đến quyền được nghỉ hưu sớm, theo ĐB Hoàng Văn Trà, cần quy định rõ hơn. Bởi thực tế trong cơ quan nhà nước có người chỉ “đi đi, về về”, không làm được việc gì, muốn nghỉ hưu sớm lại vướng chế độ, chính sách nên không thực hiện được như: chưa đủ tháng, chưa đủ ngày, ảnh hưởng đến tiền lương. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật quy định “mềm” hơn về quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn.

Cùng đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nêu thực tế, hiện nhiều sinh viên ra trường không có việc làm ổn định, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì mất cơ hội của họ. Hơn nữa, hiện nay, cơ quan nhà nước đang tinh giản biên chế, việc tăng tuổi như vậy ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội của các cháu. Trên cơ sở đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cần phải xét vào từng đối tượng cụ thể, chứ không nên quy định đại trà. Thực tế cũng nhiều cán bộ, công chức “không ham” với việc tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra dự án Luật này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho biết, những ngày qua rất nhiều người quan tâm đến vấn đề tuổi nghỉ hưu. Đại biểu cũng cho biết, đối với người lao động hiện nay về hưu, tiền lương hưu bình quân rất thấp. Theo Chính phủ, đến năm 2039, nguồn nhân lực của chúng ta bắt đầu đến giai đoạn già hóa nên chúng ta chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hoá dân số.

Lý giải về lý do nhiều người phản đối tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho biết: “Cơ quan trình dự án chưa giải thích rõ cho người dân hiểu, không phải ai cũng về hưu ở độ tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Thay vào đó có 3 nhóm nghỉ hưu, nhóm đầu tiên là nhóm ở độ tuổi 62 với nam và 60 với nữ là nhóm hoàn toàn làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Nhóm thứ hai, cơ bản độ tuổi nghỉ hưu vẫn là 55-60, bởi người lao động làm việc trong những ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt nặng nhọc độc hại, những ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động. Nhóm thứ 3, những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thì có thể kéo dài thời gian công tác, thêm một điều kiện ngoài tuổi 62 đối với nam thì không tham gia quản lý, lãnh đạo mà chỉ tham gia phát huy chuyên môn trình độ thì phù hợp hơn.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc gia nhập Công ước số 98 là cần thiết, thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội luật hóa bảo đảm tính tương thích, phù hợp giữa các nội dung Công ước 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan; xây dựng đề án triển khai, có lộ trình, có sự phân công, phối hợp triển khai từng công việc cụ thể.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Nhiều ĐBQH cho biết, phương án bố trí của Chính phủ chưa bảo đảm trật tự ưu tiên như Nghị quyết 71/2018/QH14 của QH. Trong khi đó, lại bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là chưa hợp lý…

Hà An


Hà An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]