(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội ở 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã miền xuôi có xã miền núi ngày một phát triển; an ninh - quốc phòng được đảm bảo, giữ vững. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội ở 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã miền xuôi có xã miền núi ngày một phát triển; an ninh - quốc phòng được đảm bảo, giữ vững. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Bác Phùng Quang Du (ngoài cùng bên trái) - người có uy tín khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, trao đổi chương trình dạy tiếng Dao với các thành viên ban quản lý lớp học Nôm - Dao phố Hạ Sơn.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Huyền, người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua vùng đồng bào DTTS; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM); giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Vì vậy, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nói riêng, sự nghiệp phát triển của tỉnh nói chung.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.330 người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mường 652 người, dân tộc Thái 495 người, dân tộc Kinh 92 người, dân tộc Mông 44 người, dân tộc Thổ 31 người, dân tộc Dao 13 người, Khơ Mú 2 người và dân tộc Hoa 1 người. Đó là những người được thôn, bản bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với Nhân dân; không quản ngại khó khăn, gian khổ đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM, người có uy tín luôn đi đầu trong việc tìm những biện pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình mới, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Tại các huyện Như Thanh, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân... đã có hàng trăm hộ nông dân người DTTS đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như các ông: Bùi Công Bằng, dân tộc Mường, xã Thành Long, huyện Thạch Thành; Quách Đức Ban, dân tộc Mường, thôn Bái Gạo 1, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh; bà Cao Thị Thịnh, dân tộc Thái, thôn Cả, xã Ban Công, huyện Bá Thước...

Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, đội ngũ người có uy tín đã vận động Nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, đóng góp hàng tỷ đồng làm đường bê tông giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, tu sửa phòng học, trạm y tế xã; khai hoang, cải tạo ruộng đất, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các ông: Triệu Văn Long, dân tộc Dao, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy); Phạm Vương Thư, dân tộc Mường, thôn Thuận Hòa, xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc); bà Hà Thị Huyền, dân tộc Mường, thôn Đồng Khanh, xã Thành Thọ (huyện Thạch Thành)...

Ngoài ra, còn có rất nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ truyền dạy cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, truyền dạy các điệu khặp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như: Khặp, múa sạp, khua luống của dân tộc Thái, Mường; múa khèn, thổi khèn, ném còn, đánh cù của dân tộc Mông; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao... Tiêu biểu trong lĩnh vực này có các ông: Vi Văn Cường, dân tộc Thái, bản Khằm, xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa); Hà Xuân Cường, dân tộc Mường, thôn Sông Mã, xã Điền Lư (huyện Bá Thước); bà Đinh Thị Na, dân tộc Mường, phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh)... Chính những việc làm thiết thực đó, đã góp phần tích cực cùng tỉnh thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Đến nay, đã có 592/1.787 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, 63/225 xã miền núi được công nhận xã NTM; có 1 huyện (Như Xuân) thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Sự góp sức của người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương. Nhiều người đã kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho các ngành chức năng trong công tác điều tra, xử lý vi phạm. Tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; truyền đạo trái phép; tham gia giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, trong dân tộc và tôn giáo; quản lý, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, tích cực vận động con cháu trong gia đình không tham gia các tệ nạn xã hội, tránh xa ma túy, không vi phạm pháp luật, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu... Tiêu biểu trên lĩnh vực này có các ông: Hơ Chứ Hơ, Sung Văn Cấu, dân tộc Mông; Mong Văn Dôm, dân tộc Khơ Mú (huyện Mường Lát); Hà Trường Sinh, dân tộc Thái, bản Muống, xã Tam Lư (huyện Quan Sơn); Cao Xuân Huy, dân tộc Thái, bản Nam Tân, xã Nam Xuân (huyện Quan Hóa)...

Với trách nhiệm của mình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người có uy tín đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp. Nhiều người là cán bộ hưu trí, là các già làng, trưởng bản, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, tham gia công tác hòa giải, đóng góp nhiều việc làm thiết thực ở địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết... Từ đó, bà con DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, không ngừng ra sức thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và góp sức xây dựng quê hương.

Những công lao đóng góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước; thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng đều, bền vững của tỉnh trong thời gian qua.

Bài và ảnh: Phan Nga

Tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước

Với nhận thức bản thân là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, Nhân dân trong thôn thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, tôi đã vận động Nhân dân mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất bằng phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng nhằm ổn định cuộc sống gia đình. Bản thân tôi tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn thôn.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện chương trình XDNTM, tôi thường xuyên “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn. Bản thân tôi cũng phối hợp với các đoàn thể của thôn tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vận động Nhân dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp, đồng thời tiếp thu những cái hay, tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Với những nỗ lực cố gắng của bản thân và bà con, thôn Thanh Sơn đang nỗ lực giữ vững các tiêu chí thôn NTM để xây dựng thành công thôn NTM nâng cao đầu tiên của xã Ngọc Sơn.

Bùi Quốc Phòng

Người có uy tín thôn Thanh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc

Đoàn kết để cộng đồng người Dao ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững

Những năm qua, trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy), tôi cùng các đồng chí cán bộ xã thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi... Được phân công phụ trách thôn Bình Sơn - đơn vị có 100% đồng bào người Dao sinh sống, để vận động, thuyết phục được bà con, tôi xác định phải “miệng nói, tay làm” bởi bà con trong thôn chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực có hiệu quả. Bản thân gia đình tôi cũng tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ớt và ngô ngọt, cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ những phương pháp đúng đắn mà tính đến tháng 5-2020, thu nhập bình quân đầu người của người dân thôn Bình Sơn đã đạt 36 triệu đồng/năm; toàn thôn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,31%; trong thôn đã có nhiều nhà kiên cố, khang trang.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, tham gia đóng góp tiền, hiến đất, ngày công lao động làm đường giao thông, tôi luôn vận động Nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những hủ tục: Người chết không để lâu trong nhà, cưới xin không thách cưới; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn nên việc cưới xin, ma chay không còn tổ chức dài ngày; người dân đã ăn, ở hợp vệ sinh. Năm 2016, thôn Bình Sơn đạt thôn văn hóa cấp huyện. Năm 2019, toàn thôn có 86/91 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục.

Triệu Văn Long

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy

Phát triển kinh tế trang trại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Là người uy tín trong đồng bào DTTS, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Kinh tế trang trại (KTTT) xã Thành Long, tôi đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây măng tây xanh, chăn nuôi lợn gia công cho Tập đoàn Chăn nuôi New Hope... Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình trang trại của huyện, của các xã lân cận; hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến có những sáng kiến hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã Thành Long có 73 trang trại, trong đó có 53 trang trại hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định. Đối với gia đình tôi, sau khi nghỉ hưu, tôi đã tập trung cải tạo 0,5 ha ao để nuôi cá, xây dựng 200m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, nuôi vịt, chim cút và trồng 1 ha cây ăn quả, đem lại thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Để phát triển KTTT theo hướng bền vững, theo tôi, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con Nhân dân về tầm quan trọng, khả năng phát triển, xu hướng trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay để chủ động hơn trong phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước; đồng thời, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước về vốn, về đất đai cho phát triển KTTT, đơn giản hóa thủ tục hành chính để người dân được tiếp cận sớm, có đủ nguồn lực để thực hiện dự án, kế hoạch phát triển KTTT.

Bùi Công Bằng

Người có uy tín xã Thành Long, huyện Thạch Thành

Cùng bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới

Với hành trang chỉ vẻn vẹn con dao nhỏ và cơm nắm muối vừng mang ăn trên đường, từ năm 2011 đến nay, cứ hằng tháng, bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa bão, tôi lại cùng các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Tam Thanh băng rừng, vượt đèo, lội suối hơn 5 tiếng đồng hồ để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 342 ở biên giới Việt - Lào.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Công việc trong mỗi chuyến tuần tra cột mốc của tôi là phát quang cỏ dại, sơn vẽ lại chính xác thông tin trên cây cột mốc quốc gia và ghi chép những điều bất thường về báo cáo cơ quan chức năng. Là người có uy tín trong cộng đồng người Thái ở bản Cha Lung, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, mỗi lần có cuộc họp dân bản, tôi lại tuyên truyền để dân làng hiểu được tầm quan trọng rồi cùng nhau bảo vệ, chăm sóc cột mốc. Không những thế, tôi còn trực tiếp đến từng hộ dân, gặp từng người để nhắc nhở bà con mỗi lần lên rừng, lên nương là phải lên đến cột mốc quan sát tình hình ngoại biên, nội biên, nếu thấy có gì khác thường thì phải báo cáo kịp thời cho bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương. Với tôi, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc là góp phần giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo an ninh biên giới và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào, vì thế, đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, hạnh phúc. Tôi còn tiếp tục truyền lại trách nhiệm cao cả này cho con, cháu của mình.

Hà Văn Xiêm

Người có uy tín bản Cha Lung, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Với cương vị là một bí thư chi bộ, trưởng thôn có tới hơn 80% là bà con dân tộc Mường sinh sống, tôi không chỉ cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Để duy trì và khôi phục các điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của bà con dân tộc Mường, tôi cùng các cụ cao niên trong thôn đã thành lập câu lạc bộ liên thế hệ; tích cực vận động bà con duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống; khôi phục lễ hội Cầu Yên được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng. Hiện nay, trong các ngày lễ, tết, các sự kiện văn hóa của thôn, những hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu múa, hát xường, đánh cồng chiêng, đánh mảng, ném còn... thường được chị em phụ nữ biểu diễn trong những bộ trang phục truyền thống, tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Hà Xuân Cường

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Sông Mã, xã Điền Lư, huyện Bá Thước


Bài Và Ảnh: Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]