(Baothanhhoa.vn) - Được ví như “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn, bản có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở những thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản trong giai đoạn hiện nay là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy vai trò của cán bộ thôn, bản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa: Quan tâm chuẩn hóa đội ngũ

Được ví như “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn, bản có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở những thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản trong giai đoạn hiện nay là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Phát huy vai trò của cán bộ thôn, bản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa: Quan tâm chuẩn hóa đội ngũ

Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Ngọc Năm, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng/năm.

“Công bộc” gần dân nhất...

Thực tế chứng minh, ở đâu có đội ngũ cán bộ thôn, bản có đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững chủ trương, chính sách, có kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng dân vận, tổ chức; nhiệt tình, trách nhiệm với việc làng, việc bản, ở đó cán bộ và nhân dân đoàn kết, an ninh trật tự được giữ vững, chủ trương, chính sách, các phong trào, các cuộc vận động được thực hiện một cách hiệu quả, ngược lại sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém, trì trệ...

Thế nhưng, hiện nay có một thực tế “hiển hiện” là hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, bản nổi lên nhiều “cái nhất”, trong đó, đáng chú ý là “nhóm cán bộ cơ sở có nhiều loại công việc nhất”. Nào là vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng thôn, bản văn hóa, gia đình, dòng họ văn hóa cũng như trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân... Họ còn tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khi có dịch bệnh xảy ra phải tham gia dập dịch. Việc rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng thuộc về trách nhiệm của cán bộ thôn, bản. Ngoài ra, họ còn phải trực tiếp chỉ đạo tổ dân phòng, các tổ an ninh nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự thôn và nhiều việc không tên khác... Đặc biệt, trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; việc sắp xếp các thôn, bản, khu dân cư ở các địa phương, có thể thấy chính sự vào cuộc có trách nhiệm của cán bộ thôn, bản trong tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện đã tạo nên hiệu ứng tốt, đem lại hiệu quả thiết thực.

Tại những thôn, bản đã thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, nhiệm vụ của những người “đầu tàu” nặng nề, khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều thôn, bản sau sáp nhập có địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, dân cư đông đúc nên bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản không chỉ đòi hỏi phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, mà phải có sức khỏe bảo đảm thì mới có thể thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

... nhưng chế độ chưa tương xứng

Bao năm qua, đội ngũ cán bộ thôn, bản ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn lặng lẽ bám cơ sở bất kể ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Là cán bộ, nhóm cán bộ cơ sở có nhiều loại công việc nhất, thế nhưng, có một điều bất cập là họ lại hưởng chế độ phụ cấp thấp nhất. Theo quy định hiện hành, bí thư chi bộ, trưởng thôn hưởng phụ cấp hàng tháng hệ số 0,9 theo tháng lương tối thiểu chung. Trường hợp bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được hưởng thêm mức phụ cấp bằng 30% mức phụ cấp của trưởng thôn.

Trong nhiều năm qua, cán cân giữa trọng trách được giao và quyền lợi được hưởng của cán bộ thôn, bản luôn chênh lệch lớn, trong khi, giá cả hàng hóa, giá trị ngày công lao động ngày một tăng. Phụ cấp quá thấp nhưng áp lực công việc nhiều - chính điều này làm cho nhiều cán bộ thôn, bản không mặn mà với công việc, thậm chí xin nghỉ việc. Trường hợp anh Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Bí thư chi bộ thôn Quảng Hợp, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) - nay là thôn Thanh Xuân là một ví dụ điển hình. Sau 2 năm làm bí thư chi bộ thôn, được lãnh đạo UBND xã Hóa Quỳ đánh giá là một cán bộ trẻ, có trình độ, năng nổ, nhiệt tình, là trung tâm đoàn kết, tổ chức hiệu quả các phong trào, nhiệm vụ được giao nhưng vì gánh nặng mưu sinh, anh “đành” xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động bảo đảm cuộc sống.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Nguyễn Minh Châu, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Sẻ, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy) cho biết: “Nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn từ nhiều năm nay nhưng khối lượng công việc quá nhiều, lịch họp UBND xã, thôn, chi bộ cũng nhiều, cái gì dân cũng gọi trưởng thôn nhưng phụ cấp mỗi tháng chỉ được hơn 1,6 triệu đồng nên chúng tôi chưa an tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Phần lớn anh em có tâm huyết với phong trào, muốn chung sức để xây dựng quê hương và tính Đảng cao mới dám nhận cả hai nhiệm vụ”.

Nhiều năm trước đây, rất nhiều cán bộ chủ chốt của xã trưởng thành từ đội ngũ cán bộ thôn, bản. Thế nhưng, khi công chức hóa bộ máy cán bộ xã, cánh cửa phát triển của đội ngũ cán bộ thôn, bản gần như bị đóng chặt. Thực trạng này chính là nguyên nhân dẫn đến những người trẻ tuổi, có trình độ không thích làm cán bộ thôn nên nhiều thôn, bản đội ngũ cán bộ bị hẫng hụt. Về một mặt nào đó, đây cũng là nguyên nhân làm cho công tác phát triển đảng viên trong chi bộ thôn, bản gặp khó khăn. Trong khi đó, để thực hiện tốt đồng thời các nhiệm vụ, họ phải dành phần lớn thời gian cho vai trò và trách nhiệm của mình đối với công việc được giao, chưa kể việc đụng chạm trực tiếp với người dân.

Cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ thôn, bản

Đích của chủ trương, chính sách cuối cùng vẫn là người dân. Ở đó, mấu chốt trong triển khai thực hiện là cán bộ thôn, bản. Điều này đã đặt lên vai những cán bộ không chuyên trách này những trọng trách nặng nề, nhất là sau khi sáp nhập thôn, bản phạm vi quản lý mở rộng. Song, xuất phát từ sự đặc thù của đội ngũ cán bộ thôn, bản nên không dễ tìm được những người cùng lúc đảm bảo các tiêu chuẩn: Có kinh nghiệm sống, có uy tín, trình độ, khả năng vận động quần chúng và đạo đức tốt, nhiệt tình gắn bó lâu dài với công việc “vác tù và hàng tổng”. Bên cạnh đó, đội ngũ này thường có độ tuổi cao, biến động thường xuyên. Chính điều này đã làm cho công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nội lực, ngoại lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế, phòng chống thiên tai...

Đánh giá về đội ngũ cán bộ thôn, bản của đơn vị mình, đồng chí Lê Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương (Lang Chánh) thẳng thắn: “Xã Yên Khương có 9 thôn, bản, trong đó có 1 đơn vị thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đội ngũ cán bộ thôn, bản tại địa phương đều rất nhiệt tình, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân nhưng để hoạt động có khuôn khổ, bài bản thì rất khó khăn vì không được đào tạo kiến thức chuyên môn, thiếu các kỹ năng trong công tác. Do vậy, họ chưa chủ động tham mưu tổ chức các hoạt động tại cơ sở mà chủ yếu chỉ thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của đảng ủy, UBND xã”.

Không thể chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhưng để bù đắp phần nào lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở trong thời gian qua đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ thôn, bản, nhất là khi có chủ trương, chính sách mới. Tuy nhiên, dù đã có những đợt tập huấn cho cán bộ thôn, bản như tại huyện Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Xuân... nhưng cũng chỉ mới được 1 lớp/năm. Chừng đó vẫn chưa đủ để trang bị cho đội ngũ cán bộ thôn, bản “cẩm nang” cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Theo đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện - cơ sở đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Đa số lực lượng cán bộ thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tận tụy với công việc, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, đã có nhiều đóng góp trong xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự an ninh, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cơ bản trên, cán bộ thôn, bản còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đội ngũ này có nhiều đồng chí là cán bộ về hưu (tuổi cao), do vậy thường xuyên biến động về nhân sự. Nhiều người trong số đó còn hạn chế về nghiệp vụ công tác quản lý hành chính Nhà nước và thiếu hụt về kiến thức pháp luật. Ở một số nơi vì nhiều lý do hoặc do thiếu sự quan tâm lãnh đạo của tổ chức đảng mà không chọn được những người có đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm công việc này...

Cũng theo đồng chí Vũ Đức Soãn, để nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ thôn, bản, cấp ủy và chính quyền địa phương cần rà soát, đánh giá chính xác, đúng thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản để có phương hướng bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, lối sống, năng lực và trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản... Các chi bộ Đảng phải coi trọng lãnh đạo và thực hiện công tác nhân sự một cách quyết liệt và triệt để nhằm chọn được những người làm cán bộ thôn, bản có đủ tiêu chuẩn đảm đương được chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở những thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cần tính toán thật kỹ lưỡng bởi nếu lựa chọn nhân sự không thực sự phù hợp sẽ dẫn đến hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện. Cần quan tâm nâng mức phụ cấp và có thể xem xét mua bảo hiểm xã hội cho các cán bộ thôn, bản, tốt nhất là theo loại hình bảo hiểm tự nguyện. Ngoài ra, việc mua bảo hiểm cho đội ngũ bí thư, trưởng thôn cũng sẽ tạo tâm lý yên tâm công tác, hoạt động hiệu quả và nhiệt tình hơn trong công việc được giao.

Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố có hiệu lực từ ngày 25-6-2019. Theo đó, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư chi bộ; trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận. Cụ thể, ngân sách Nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5 lần mức lương cơ sở.

Đây thực sự là một tin vui đối với cán bộ thôn, tổ dân phố nói chung và cán bộ thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nói riêng. Bởi khi chế độ, chính sách tăng lên, không chỉ giúp “công bộc” vùng cao yên tâm công tác, đảm bảo đời sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người làm, mà còn tạo động lực để thu hút những người có năng lực, trình độ và người trẻ tham gia đóng góp cho quê hương.

Đức Thắng – Minh Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]