(Baothanhhoa.vn) - Cách đây 90 năm, ngày 1-9-1930, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, với những nỗ lực và hoạt động nhạy bén chính trị của các đồng chí cách mạng tiền bối, được sự chỉ đạo của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong và ngoài nước, mà trực tiếp là đồng chí Lê Hữu Lập, trên quê hương Hoằng Hóa đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện, là một trong những chi bộ được hình thành sớm nhất của tỉnh sau khi Đảng bộ tỉnh được thành lập. Ngày 1-9-1930 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà, mốc son tươi thắm viết lên bản anh hùng ca cách mạng của quân và dân Hoằng Hóa anh hùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương Hoằng Hóa trở thành thị xã trước năm 2030

Cách đây 90 năm, ngày 1-9-1930, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, với những nỗ lực và hoạt động nhạy bén chính trị của các đồng chí cách mạng tiền bối, được sự chỉ đạo của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong và ngoài nước, mà trực tiếp là đồng chí Lê Hữu Lập, trên quê hương Hoằng Hóa đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện, là một trong những chi bộ được hình thành sớm nhất của tỉnh sau khi Đảng bộ tỉnh được thành lập. Ngày 1-9-1930 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà, mốc son tươi thắm viết lên bản anh hùng ca cách mạng của quân và dân Hoằng Hóa anh hùng.

Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương Hoằng Hóa trở thành thị xã trước năm 2030

Đình Liên Châu (xã Hoằng Châu) – di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp quốc gia. Ảnh: Tư liệu

Nhớ lại lịch sử, ngay từ năm 1926, ở Hoằng Hóa, người thanh niên yêu nước là Nguyễn Văn Đạt (quê xã Hoằng Đức) đã cùng với một số thanh niên tích cực như Hoàng Khắc Trung và Hoàng Trọng Phựu (quê huyện Thiệu Hóa) được đồng chí Lê Hữu Lập (quê huyện Hậu Lộc), lựa chọn đưa sang Quảng Châu để tiếp thu đường lối cách mạng, song bị địch phát hiện, bao vây nên chuyến đi của Nguyễn Văn Đạt không thành. Cũng trong năm đó, đồng chí Lê Mạnh Trinh ở Hoằng Nghĩa (nay là xã Hoằng Lộc) rời quê hương vào Sài Gòn tiếp xúc với nhiều người yêu nước, tại đây, đồng chí Lê Mạnh Trinh đã sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách. Sau khóa huấn luyện, đồng chí Lê Mạnh Trinh được phân công sang Thái Lan hoạt động trong tổ chức Việt Kiều yêu nước. Cũng năm 1926, tại Hoằng Hóa đã hình thành “Hội đọc sách báo cách mạng” ở thôn Cự Đà, xã Hoằng Minh (nay là xã Hoằng Đức), gồm 10 người, được gọi là “Thập nhân chi hội”, đồng chí Lê Viết Phồn được cử phụ trách. Tháng 2-1927, “Hội đọc sách báo cách mạng Cự Đà” chuyển thành “Tiểu tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” và mở một chi điếm “Hưng nghiệp hội xá” để kinh doanh hàng nội hóa, vừa nhằm tạo điều kiện về tài chính cho hoạt động của hội vừa mở rộng tổ chức. Sang đầu năm 1929, “Tiểu tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” phát triển thành Chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Lê Viết Phồn làm Bí thư, thuộc Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Tân Việt cách mạng Đảng Thanh Hóa, do đồng chí Ngô Đức Mậu (quê ở Hà Tĩnh), đảng viên Tân Việt Thanh Hóa, đang dạy học tại trường sơ học Pháp - Việt Phú Khê (xã Hoằng Phú ngày nay), được giao trách nhiệm tổ chức cơ sở tại Hoằng Hóa, đứng ra thành lập chi bộ đầu tiên của Tân Việt trong huyện vào tháng 10-1927 tại thôn Phú Khê gồm ba đảng viên. Cuối tháng 11-1927, một chi bộ Tân Việt nữa được thành lập tại Yên Vực, cạnh Nhà máy Diêm Hàm Rồng. Chi bộ gồm 4 đảng viên là công nhân Nhà máy Diêm Hàm Rồng. Mùa thu năm 1928, đồng chí Ngô Đức Mậu chuyển đến dạy học ở Trường Sơ học Pháp - Việt tổng Bái Trạch đặt ở thôn Hà Đồ, xã Hoằng Trạch. Tại đây, sau thời gian bắt mối hoạt động, đồng chí Mậu đã xây dựng được một chi bộ Tân Việt nữa cũng gồm ba đảng viên.

Các chi bộ Tân Việt trên ra đời khẩn trương tuyên truyền phát triển đảng viên trong huyện. Đến năm 1929, số đảng viên Tân Việt ở Hoằng Hóa đã có trên 10 người. Ngoài ra, cũng vào thời gian này, ở Hoằng Hóa có một số thanh niên yêu nước trong huyện đã được giác ngộ đứng vào tổ chức tiền thân của Đảng. Như vậy, hai tổ chức tiền thân cách mạng của Đảng ở Hoằng Hóa ra đời và nhanh chóng phát triển, đáp ứng được đòi hỏi khách quan của lịch sử trong việc chuẩn bị xây dựng một Đảng tiền phong lãnh đạo cách mạng, đảng của giai cấp vô sản. Nó đã tạo tiền đề về chính trị tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Hoằng Hóa.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một mốc son chói lọi trong lịch sử, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta. Thời gian này, đồng chí Lê Hữu Lập từ Thái Lan về Thanh Hóa để thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản. Khi về nước, đồng chí bắt mối, liên lạc với Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, “Hội đọc sách báo cách mạng” tại thôn Cự Đà. Tại đây, đồng chí đã tổ chức kết nạp 3 đồng chí trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội của huyện vào Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm các đồng chí: Lê Viết Phồn, Trương Khắc Cần, Trương Khắc Khoan. Ngày 1-9-1930 tại nhà đồng chí Lê Viết Phồn, thôn Cự Đà (xã Hoằng Minh cũ, nay là xã Hoằng Đức) dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện Hoằng Hóa chính thức được thành lập, thường gọi là Chi bộ Cự Đà; đồng chí Lê Viết Phồn được cử làm Bí thư.

Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương Hoằng Hóa trở thành thị xã trước năm 2030

Hoằng Hóa hôm nay. Ảnh: Phạm Nam

Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào yêu nước, cách mạng huyện nhà. Từ đây, phong trào đấu tranh yêu nước trên địa bàn huyện đã có một đường lối rõ ràng, cách mạng Hoằng Hóa đã có tổ chức, có tôn chỉ, mục đích soi đường để hoạt động. Tuy nhiên, Chi bộ Cự Đà ra đời chưa được bao lâu đã bị kẻ thù đánh phá, khủng bố, song những hạt giống cách mạng vô sản, tư tưởng cứu nước của Đảng được gieo mầm tại đây vẫn được quần chúng Nhân dân, những người con yêu nước của huyện Hoằng Hóa duy trì có hiệu quả. Đến tháng 6-1944, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng Hoằng Hóa được tái lập. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, Nhân dân Hoằng Hóa đã làm nên sự kiện 24-7-1945 - khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh Thanh Hóa. Thắng lợi này đã minh chứng một cách sinh động, đúng đắn đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta về nghệ thuật chớp thời cơ - chủ động - sáng tạo - táo bạo và trọn vẹn; là cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa, trở thành một mốc son, đánh dấu sự đổi đời của Nhân dân Hoằng Hóa từ thân phận nô lệ mất nước, trở thành người làm chủ.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và Nhân dân Hoằng Hóa cùng Nhân dân cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân tham gia kháng chiến cứu quốc, củng cố chính quyền cách mạng, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hoằng Hóa đã tiễn đưa hơn 4.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, hàng vạn dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ chiến trường, 513 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần xương máu ở chiến trường, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ năm 1954 - 1975, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân Hoằng Hóa bước vào thời kỳ cách mạng mới, vừa lao động sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện sức người, sức của cho miền Nam; ra sức xây dựng quê hương vững mạnh, thực sự là hậu phương lớn đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến lớn. Trong các cuộc kháng chiến, Hoằng Hóa có hàng chục ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong phục vụ kháng chiến, hơn 6.000 người đã anh dũng hy sinh, hơn 2.000 thương, bệnh binh.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng bộ huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp và triển khai tổ chức thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy luật vận động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhất là những năm gần đây, thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, với sự đoàn kết, nhất trí của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã có quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu vượt qua thách thức và đã giành được nhiều thành tích xuất sắc, trong đó kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng trung bình trên 15%; sản lượng lương thực bình quân hằng năm ổn định đạt trên 100.000 tấn; tổng huy động vốn đầu tư hằng năm đạt trên 5.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch tích cực trong cả cơ cấu ngành và trong nội bộ, ngành, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. Huy động và khai thác được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều dự án, công trình đã, đang được đầu tư xây dựng như các khu, cụm công nghiệp Nam Goòng, Thái Thắng, phía Bắc huyện, nhất là Khu du lịch biển Hải Tiến mới đưa vào khai thác từ năm 2012, đến nay đã có gần 6.000 phòng nghỉ, thu hút mỗi năm hơn 1,5 triệu lượt du khách. Hiện nay, huyện đang kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn, nổi bật là Tập đoàn Flamingo đang xúc tiến đầu tư với diện tích trên 1.300 ha, sẽ góp phần làm thay đổi vị thế du lịch của huyện... 100% đường giao thông liên xã và đường liên thôn đã được cứng hóa, nhựa hóa, nổi bật là các tuyến đường đôi Goòng - Hải Tiến, Goòng - Quăng; 100% phòng lớp học, 100% công sở xã, thị trấn đã kiên cố, cao tầng; hầu hết các tuyến đường chính của huyện, xã, thị trấn đều được mở mang, chỉnh trang theo hướng đô thị, xanh - sạch - đẹp, có hệ thống đường điện chiếu sáng hiện đại đến tận từng đường làng, ngõ xóm. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 100% xã đạt chuẩn và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là huyện nông thôn mới... Từ một chi bộ Đảng ban đầu thành lập cách đây 90 năm tại thôn Cự Đà chỉ với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có hơn 12.000 đảng viên, sinh hoạt tại 65 tổ chức cơ sở đảng.

Ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa, Đảng, Nhà nước đã phong tặng những phần thưởng cao quý: Huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cùng với 22 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tiêu biểu như: Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường, Trung đội dân quân gái Hoằng Hải, Tiểu đội 8 liệt sĩ thanh niên xung phong Anh hùng trên Đường 20 Quyết Thắng, 18 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 5 Anh hùng Lao động, 479 mẹ Việt Nam Anh hùng, 16 làng có công với nước, 33 gia đình, cá nhân có công với nước và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và 90 năm truyền thống Đảng bộ, thành tựu trong những năm đổi mới, thời gian tới, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; chủ động, sáng tạo, thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; phấn đấu đến năm 2025 là huyện trong tốp dẫn đầu của tỉnh và trở thành thị xã trước năm 2030”, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu quê hương Hoằng Hóa Anh hùng.

Lê Xuân Thu

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoằng Hóa


Lê Xuân Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]