(Baothanhhoa.vn) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao công tác dân vận. Nhờ làm tốt công tác dân vận, xây dựng được “thế trận lòng dân”, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Suốt chặng đường 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác dân vận của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào những thắng lợi vẻ vang và sự phát triển lớn mạnh của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác dân vận trong tình hình mới

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao công tác dân vận. Nhờ làm tốt công tác dân vận, xây dựng được “thế trận lòng dân”, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Suốt chặng đường 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác dân vận của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào những thắng lợi vẻ vang và sự phát triển lớn mạnh của tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác dân vận trong tình hình mới

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh thăm hỏi mẹ liệt sĩ Vi Văn Nhất, ở xã Bát Mọt (Thường Xuân) - hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Ảnh: P.N

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, tại Hương Cảng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động, nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận. Từ tháng 10-1930, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật số ra ngày 15-10-1949. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Chính vì vậy, vào tháng 10-1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận của cả nước”.

Ngay khi mới thành lập vào ngày 29-7-1930, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thành lập các tổ chức cách mạng trong quần chúng Nhân dân, như: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, mặt trận phản đế. Thông qua phong trào cách mạng quần chúng đã xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng đông đảo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nhất tề đứng lên giành chính quyền, góp phần đẩy mạnh cao trào cách mạng, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã động viên, khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tinh thần dũng cảm, ý chí cách mạng. Quân và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng thi đua sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sự đóng góp to lớn của Thanh Hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Ở giai đoạn đất nước thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, ngành nhằm cổ vũ, động viên Nhân dân tỉnh nhà vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Trong thời gian này, đã xuất hiện nhiều phong trào hành động cách mạng, thu hút, tập hợp đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, như: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Thanh niên ba sẵn sàng”; “Phụ nữ ba đảm đang”... Cùng với đóng góp lớn nhất về lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam, các địa phương trong tỉnh còn động viên hàng trăm ngàn con em lên đường nhập ngũ, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, cùng với quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng ta tiếp tục đổi mới công tác dân vận. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 8B-NQ/HNTW, ngày 27-3-1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”. Đây là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân trước tình hình mới. Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới công tác dân vận và tình hình thực tiễn đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận tỉnh nhà đã tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp ban hành, triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, đề án, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về công tác dân vận trên các lĩnh vực, vùng miền, đối tượng cụ thể. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương và Tỉnh ủy, công tác dân vận tỉnh nhà đã tập trung hướng vào vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 8.509 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những kết quả quan trọng đó đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Công tác dân vận chính quyền hướng mạnh vào nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác dân vận của tỉnh đã có sự đổi mới theo hướng sát cơ sở, gần dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, không để phát sinh thành điểm nóng, giữ vững ổn định tình hình cơ sở, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Từ kết quả của các phong trào thi đua, nhất là thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, ngành dân vận đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,1%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 133.816 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 313 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, có 950 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ, nhất là giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả. Trong đó, Thanh Hóa là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố theo các nghị quyết của Trung ương.

Phát huy truyền thống và thành tựu đạt được trong suốt 90 năm qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa của công tác dân vận đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong thời gian tới, công tác dân vận của tỉnh Thanh Hóa tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Xây dựng sự đồng thuận, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, cũng như trong tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở cơ sở.

Hai là, đề cao vai trò, trách nhiệm và nâng cao chất lượng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước, chăm lo đến quyền, lợi ích thiết thực, hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Xây dựng phong cách, thái độ “trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong hình mới gắn với đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân. Chủ động nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội ở thôn, bản, khu phố, ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Bốn là, chú trọng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào miền núi, dân tộc, vùng đồng bào có đạo. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Năm là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận các cấp trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Coi trọng xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống Nhân dân. Quan tâm củng cố tổ chức bộ máy và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gắn với phong cách làm việc “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2020), khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” ngành dân vận Thanh Hóa quyết tâm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Phạm Thị Thanh Thủy

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh


Phạm Thị Thanh Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]