(Baothanhhoa.vn) - Giữa những ngày hè rực lửa, núi Nấp thật là bình lặng giữa đất trời. Đã xanh lại những khoảng trời bom đạn, những đau thương cũng đã lắng dịu dần, riêng hồi ức về 13 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) tuổi đời mười tám, đôi mươi ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ vẫn khắc ghi trong lòng bao thế hệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Núi Nấp, vang mãi khúc tráng ca

Giữa những ngày hè rực lửa, núi Nấp thật là bình lặng giữa đất trời. Đã xanh lại những khoảng trời bom đạn, những đau thương cũng đã lắng dịu dần, riêng hồi ức về 13 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) tuổi đời mười tám, đôi mươi ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ vẫn khắc ghi trong lòng bao thế hệ.

Đồng đội trở về viếng 13 nữ TNXP ngày ấy.

Núi Nấp thuộc xã Đông Hưng (TP Thanh Hóa), nơi đây từng là “túi bom”, là “tọa độ lửa” của giặc Mỹ bởi trọng điểm này là “yết hầu” của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, màu xanh ngút ngát của cây cối, của lúa, ngô... cùng những ngôi nhà cao tầng mọc lên như muốn xóa đi những đau thương, mất mát một thời.

Vết thời gian đã hằn rõ lên tấm bia tưởng niệm nhưng rêu phong không thể che mờ được khúc tráng ca của 13 nữ TNXP ngày ấy. Nó như lời nhắc nhở thế hệ chúng ta không được phép lãng quên những tháng ngày cả dân tộc cùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Cuối tháng 10-1966, tiểu đội nữ xung kích Đại đội 873 - Đội 87 TNXP (được thành lập ngày 2-1-1966 gồm 200 đội viên trong đó 170 nữ và 30 nam. Họ đều là những người con của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về đóng quân tại xóm Văn Miếu, xã Đông Văn làm nhiệm vụ ứng cứu ga Thanh Hóa và đảm bảo giao thông trên tuyến đường sắt. Đây là trọng điểm chiến lược quan trọng, ta dựa vào thế núi để cất giấu tàu xe và nhiều vật tư, hàng hóa khác của đường sắt cũng như ngành giao thông, vì vậy mỗi năm nơi đây phải hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của địch.

Dọc con đường nhựa phẳng phiu dưới chân núi, chúng tôi tìm đến nhà cụ Lê Đình Pháo (xã Đông Văn, huyện Đông Sơn) – nhân chứng ít ỏi còn sống chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ nữ TNXP ngày ấy. Dù cụ Pháo đã ngoài 90 tuổi, có những chuyện nhớ nhớ quên quên, nhưng khi chúng tôi nhắc đến ngày đau thương đó, cụ chùng lại. Bằng giọng trầm, chất chứa đầy xúc cảm cụ kể: “Nhằm quyết tâm chặt đứt chi viện cho tiền tuyến miền Nam, máy bay Mỹ đã điên cuồng bắn phá liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhưng các cô gái TNXP đã bất kể bom rơi, đạn nổ vẫn ngày đêm “mở đường” để những đoàn tàu chở hàng hóa, vũ khí, đạn dược được đảm bảo thông suốt...”.

Xác định núi Nấp là một trong những trọng điểm bị bắn phá ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đại đội 873 đã thành lập đội xung kích, gồm những đội viên ưu tú sẵn sàng xả thân để giữ vững cho huyết mạch giao thông luôn thông suốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam.

Với khẩu hiệu: “Quyết tâm không để mạch máu giao thông ngừng trệ”; “đường chưa thông không tiếc máu xương”; hay “C873 quyết tử cho đường sắt quyết thông”; “địch phá thì ta làm lại”... những lời thề ấy đã khắc ghi trong tâm trí những người con của vùng đất Đông Hưng – Thái Bình.

Có thời điểm, Mỹ đã bắn phá 60 ngày đêm liên tục, có những ngày phá hỏng 500 – 600m đường sắt... nhằm làm tê liệt mạch máu giao thông quan trọng này. Nhưng dưới tiếng bom rơi, đạn nổ, những người lính TNXP như những con thoi, luôn có mặt ở các trọng điểm ác liệt từ Hàm Rồng tới ga Thị Long, cầu Cun, núi Nấp, núi Nhồi... để thông tuyến, mở đường, tháo bom, bảo đảm cho các chuyến tàu được bình yên, thông suốt.

Riêng năm 1966, đầu năm 1967, đội xung kích Đại đội 873 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đào đắp hơn 10.000m3 đất đá; khắc phục 140 trận đánh phá của giặc Mỹ trên địa bàn, giữ vững tuyến đường sắt thông suốt; đưa 16.000 tấn vũ khí, đạn dược, lương thực vào phục vụ chiến trường B-C-K.

Khoảng 4 giờ ngày 11-5-1967, đoạn đường sắt núi Nấp lại bị bom Mỹ oanh tạc dữ dội, đường ray bị lật tung, nhiều đoạn trúng bom bị hư hỏng nặng làm tê liệt cả tuyến đường. Nhận được mệnh lệnh phải sửa chữa đoạn đường sắt bị bom phá hỏng, đảm bảo thông đường nhanh nhất bằng mọi giá. Toàn đội đã cùng với 10 công nhân đường sắt, tổng cộng khoảng 70 người, nhanh chóng san lấp, chuyển đá, kê lót tà vẹt để nối ray. Dự kiến hoàn thành kế hoạch thông xe trước 21 giờ.

Bất chấp tiếng gầm réo của bom đạn, suốt một ngày ròng rã chạy đua với thời gian. Chỉ cần tiếng máy bay vừa ngớt, TNXP cùng với công nhân lại lao ra mặt đường lấp hố bom, nối lại đường ray, quyết tâm thực hiện đúng thời gian để đảm bảo giờ thông xe. Khi công việc bắt đầu hoàn tất, mọi người đang hối hả siết lại những bu lông cuối cùng, thu dọn đất đá, kiểm tra độ an toàn lần cuối, chuẩn bị thông xe thì bất ngờ máy bay Mỹ lao đến cắt bom tọa độ. 4 quả bom rơi trúng đội hình của tiểu đội xung kích, 13 cô gái TNXP cùng với 4 công nhân đường sắt đã hy sinh tại chỗ, 27 nam, nữ TNXP khác bị thương. Thời gian nghiệt ngã đó là vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 11-5-1967.

Chúng tôi cùng với cụ Pháo đi bộ trên con đường đất vòng quanh núi Nấp, để cảm nhận được sự ấm áp của đất dưới chân mình. Hàng trăm ngàn tấn bom ở tọa độ chết năm nào, đổ xuống nơi đây đã đốt cháy làm cho đất như đỏ hơn. Pha lẫn trong đó còn là máu của những người con đất Việt ngã xuống.

Dừng lại một chút, cụ Pháo kể tiếp: “Ngày ấy, tôi đang làm chủ nhiệm của HTX Nam Thắng. Khi đang chủ trì cuộc họp với các xã viên thì máy bay Mỹ ào đến ném bom. Nghe tin báo trận địa bị trúng bom tọa độ, các cô đã hy sinh, tôi liền huy động cán bộ và nhân dân địa phương nhanh chóng ra hiện trường gom nhặt thi hài các cô. 17 cụ già của hai xã Đông Nam và Đông Văn tình nguyện đưa 17 cỗ quan tài của mình nhường lại cho 13 TNXP và 4 thanh niên công nhân đã ngã xuống”, cụ Pháo mắt rưng rưng nước.

Bao nhiêu năm qua, những người con anh dũng ấy vẫn nằm lại cùng với các đồng đội ở vùng đất này. Năm 1985, nhân dân và các cấp chính quyền đã quy tập phần mộ các chị vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Đông Nam. Năm 1995, núi Nấp đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Những người con anh dũng của quê hương Đông Hưng – Thái Bình ấy gồm: Dương Thị Nhì, Vũ Thị Khánh, Trần Thị Nụ (đều 20 tuổi); Hạ Thị Việt, Hoàng Thị Bé, Vũ Thị Thu, Nguyễn Thị Duyên, Đinh Thị Thúy, Cao Thị Thúy (đều 19 tuổi); Chu Thị Sửu, Nguyễn Thị Na (đều 18 tuổi); Vũ Thị Hương (17 tuổi) và Nguyễn Thị Nhạn (21 tuổi).

Ông Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, vào ngày truyền thống lực lượng TNXP, Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, Tết Nguyên đán, tỉnh hội cũng như các đoàn thể địa phương, đặc biệt là Hội Cựu TNXP Thái Bình... đều đến đây thắp hương tưởng nhớ sự anh dũng hy sinh của 13 nữ liệt sĩ TNXP ngày ấy. Đây cũng là cách giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” giúp các thế hệ mai sau luôn khắc ghi công ơn to lớn của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Theo ông Sơn, sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2010), hàng năm vào những ngày lễ, tết các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đều đến thăm, tặng quà tri ân gia đình 13 nữ liệt sĩ. Hiện nay, mộ phần của các nữ TNXP cũng đã xuống cấp, vì vậy rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc trùng tu, tôn tạo.

Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, núi Nấp của một thời đạn bom ác liệt đã hồi sinh, phủ lên mình là màu xanh sự sống. Nhưng hình ảnh những nữ TNXP băng mình trong lửa đạn, san lấp mặt đường trong những tháng năm khói lửa sẽ còn in đậm trong tâm trí những đồng đội và nhân dân nơi đây. Có thể quá khứ chiến tranh sẽ được khép lại, nhưng không ai được phép lãng quên sự hy sinh anh dũng của các chị - những người con đất Việt đã ngã xuống nơi này.


Bài và ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]