(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” hơn 10 năm qua, tỉnh đã quan tâm thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển các khu đô thị ven biển, như đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải, các khu bến dịch vụ, các cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực thực hiện chiến lược biển Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” hơn 10 năm qua, tỉnh đã quan tâm thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển các khu đô thị ven biển, như đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải, các khu bến dịch vụ, các cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá...

Tàu hàng cập Cảng Nghi Sơn (Tĩnh Gia).

Đến nay, đã đưa vào sử dụng bến số 3, 4, 5 Cảng Nghi Sơn; Cảng Nhiệt điện Nghi Sơn; bến 1, 2, 2a Cảng tổng hợp Quốc tế gang thép Nghi Sơn và các khu bến chuyên dụng. Các khu neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư và đã đưa vào sử dụng 3 cảng cá, 4 bến cá, 3 âu trú bão;... Trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, trên địa bàn tỉnh có Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai xây dựng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, đến nay đã sản xuất sản phẩm thương mại. Sau khi vận hành 100% công suất thiết kế với 10 triệu thùng dầu thô/năm, dự án sẽ đáp ứng khoảng 40% xăng dầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Về phát triển du lịch biển, trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều dự án lớn đầu tư, nhất là dự án sân golf và Khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golflinks với tổng mức đầu tư gần 5.500 tỷ đồng tại TP Sầm Sơn. Giai đoạn 2007 – 2017, có 28 dự án du lịch đầu tư vào vùng ven biển của tỉnh, góp phần tăng lượng khách du lịch giai đoạn này lên 30,58 triệu lượt khách. Hiện tỉnh đã có quy hoạch và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch tại đảo Mê, khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn và một số vùng ven biển của tỉnh. Đối với khai thác, chế biến hải sản, tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nghề cá, để ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản. UBND tỉnh đã phê duyệt chính sách tín dụng cho 65 chủ tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Hiện, toàn tỉnh phát triển được 7.337 tàu cá khai thác hải sản với tổng công suất gần 561.500 CV, sản lượng hải sản khai thác hàng năm đạt hơn 100.000 tấn.

Tuy nhiên, hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực vùng biển của tỉnh còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật đầu tư từ nguồn vốn ngân sách triển khai chưa bảo đảm tiến độ, kéo dài trong nhiều năm, làm giảm hiệu quả đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao, huy động các nguồn vốn ODA, PPP để đầu tư xây dựng hạ tầng còn hạn chế. Giải quyết việc làm khu vực ven biển còn hạn chế, công tác đào tạo chuyển đổi nghề, phục hồi sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, tay nghề còn thiếu... Ngoài ra, khu vực ven biển của tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... tác động nặng nề đến cơ sở hạ tầng khu vực ven biển, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội vùng. Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh ta tiếp tục mở cửa, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện. Phát huy có hiệu quả nguồn lực bên trong, kết hợp với hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi. Coi phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Kinh tế biển và vùng ven biển là “hạt nhân” tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế biển và vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng các vùng biển và ven biển. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo, nhất là các lĩnh vực: Giao thông đường bộ, bến cảng, cấp điện, nước sinh hoạt, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, bảo đảm phát triển kinh tế biển ngang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực căn cứ theo quy hoạch từng ngành, lĩnh vực thuộc kinh tế biển và vùng ven biển...

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển sẽ mở ra nhiều cơ hội để tỉnh huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, các khu du lịch, khu đô thị mới ven biển và tại các đảo. Từ đó tạo đột phá để phát triển nhanh, vững chắc kinh tế - xã hội vùng biển, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Bài và ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]