(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù nhiều tấn bom đạn đã trút xuống các trục lộ giao thông, nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt. Không phải vì viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh thắng tướng Nava, mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200 - 300 kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni-lông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vết xe hằn in trong lịch sử

Mặc dù nhiều tấn bom đạn đã trút xuống các trục lộ giao thông, nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt. Không phải vì viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh thắng tướng Nava, mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200 - 300 kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni-lông.

Những vết xe hằn in trong lịch sử

Chiếc xe đạp thồ của dân công Thanh Hóa sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Triển lãm Thanh Hóa xưa và nay. Ảnh: H.T

Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương!” – đó là lời thú nhận của viên cựu đại tá không quân Pháp Gi-uyn Roa về sự thất bại thảm hại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Lời thú nhận ấy tựa hồ như thước phim lịch sử quay chậm, đưa chúng ta quay trở lại những năm tháng chiến đấu kiên cường, quả cảm của “binh đoàn tay ngai” Thanh Hóa. Lần đầu tiên trong lịch sử vận chuyển phục vụ tiền tuyến xuất hiện đội ngũ xe thồ nườm nượp lên đường tải lương với ý chí ngút ngàn: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi đôi mươi” (Tố Hữu).

Suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa luôn là một căn cứ địa quan trọng, là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến, đã không ngừng cung cấp sức người, sức của, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước. Đặc biệt, khi Bác Hồ cùng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng quyết định mở Chiến dịch Đông – Xuân (1953 – 1954), sau đó chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã nêu cao tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, hừng hực khí thế, hăng hái thực hiện vai trò hậu phương quan trọng cho chiến dịch. 56 ngày đêm phục vụ chiến dịch mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của quân và dân Thanh Hóa với nhiều đóng góp to lớn: Huy động 102.254 dân công dài hạn, 76.670 dân công ngắn hạn. Tổng số dân công phục vụ chiến dịch là: 1.061.593 lượt người với 27.227.000 ngày công, 10.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền nan, thuyền ván, 47 ngựa thồ, 31 xe ô tô, vận chuyển 10 ngàn tấn gạo và hàng chục tấn vũ khí... Trong những trang sử vàng chói lọi ấy, hình ảnh những chiếc xe đạp thồ xếp thành từng hàng dài mang theo lương thực, thực phẩm hiên ngang tiến về phía trước, vượt đèo cao, núi dựng, băng qua bom đạn quân thù phục vụ chiến dịch được xem như kỳ tích. Từ một chiếc xe đạp thồ - vật dụng thô sơ, gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống lam lũ đời thường của người nông dân hiền lương, chất phác. Ấy vậy mà, khi Tổ quốc cất tiếng gọi, chiếc xe đạp thồ ấy được cải tiến, trở thành những “con ngựa sắt”, đủ sức tải từ 100 – 300kg; thậm chí đạt kỷ lục 320kg như dân công Cao Tỵ. Tinh thần, sức chịu đựng cùng sự sáng tạo tài tình của những “chiến sĩ tay ngai” ấy đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

“Đoàn chúng tôi có mười lăm người, ăn Tết Giáp Ngọ (1954) xong là sắm tay ngai, cọc thồ nhận lệnh của ban chỉ huy xã đội lên đường đi phục vụ tiền phương.

Tất cả đều là lính mới nên phải tập dượt từ cách buộc tay ngai, cọc thồ, đóng hàng và thồ thử trên sân gạch, trên đường làng, ngõ xóm cho quen chân, quen tay. Ban đầu thồ được vài bước là đã đổ kềnh, mà nào có nặng nề gì đâu, tối đa không quá tám chục cân hàng nhưng rồi cũng quen dần...” – những dòng hồi ký của Tạ Quang như đang tái hiện lại trước mắt chúng ta khung cảnh hào hùng, bi tráng của những đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa trên đường tải lương lên Điện Biên. Ngày ấy, những đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa đến với Điện Biên không phải chỉ có một con đường duy nhất. Từ khắp mọi ngả đường, các đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa tập trung lương thực tại Kho Lược (Thọ Xuân). Từ điểm tập kết Kho Lược, con đường tải lương tiếp tục được chia thành nhiều hướng với nhiều cung đường khác nhau. Đường thứ nhất, từ Thọ Xuân lên Lang Chánh rồi đến Hồi Xuân (Quan Hóa). Đường thứ hai từ Thọ Xuân qua Cẩm Thủy, lên Cành Nàng (Bá Thước), qua Eo Mân, Na Sài rồi đưa về Hồi Xuân. Chặng xa hơn, hàng từ Hồi Xuân đi Phú Lệ, qua đường 15 ngày nay, ra Quốc lộ 6, đến Suối Rút (Mai Châu - Hòa Bình). Tại đây, hàng tiếp tục được chuyển qua Ngã ba Cò Nòi (Sơn La) rồi qua đèo Pha Đin, đến huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên.

Những cung đường ấy có thể khác nhau về mặt địa danh nhưng hiểm nguy, gian khó mà đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa phải gồng mình, gắng sức vượt qua thì dù ở bất kỳ đâu cũng thấy trùng trùng lớp lớp như thế. Đó đều là những con đường “bị bom đạn quân thù băm nát, đào bới, chặt ra từng khúc, từng đoạn và từng đoạn lại đắp lên ụ đất chắn ngang đường”. Trên đường đi mà gặp đoạn dốc nào là coi như trăm bề khổ cực. Ví như, từ đoạn dốc Yên Ngựa để lên trạm Hồi Xuân. Con dốc chạy dài 5 cây số, người gánh bộ chẳng khác nào đang leo thang, cứ ì à ì ạch trèo từng bước. Đối với xe đạp thồ thì giữa trời nắng chang chang mà cứ phải ba người hò nhau đẩy một xe lên dốc; gặp trời mưa dốc trơn huy động tới năm, bảy người xúm vào vừa kéo vừa đẩy, xe mới chịu lăn bánh. Nhưng đoạn cho xe lao xuống dốc mới thật sự hãi hùng, xe hư hỏng, người thương vong là chuyện thường. Vì vậy, xe xuống dốc thấp, thoai thoải thì cứ việc thả phanh, người lao theo xe. Còn nếu độ dốc lớn, muốn xe và người tránh được hư tổn, thương vong thì đoàn dân công phải sử dụng tới 3 loại “phanh”: Đằng trước, một anh tay trái nắm chặt ghi đông xe đẩy ngược; tay phải bóp chặt bánh xe trước cho lăn từ từ. Đằng sau, một người buộc thừng vào gác ba ga kéo lại. Một người chịu trách nhiệm cầm tay ngai, cọc thồ điều khiển xe và phanh xe. Gọi là phanh cho oách chứ thực ra, phanh xe đạp thồ của dân công Thanh Hóa khi đó chỉ là khúc gỗ nhỏ chặt vát một nửa dùng để chèn vào bánh sau của xe; sau vì thấy loại phanh này hại lốp xe quá nên có người nảy ra sáng kiến bọc lốp cũ vào khúc gỗ để chèn vào sẽ đỡ hại lốp hơn. Đâu chỉ có khó khăn về mặt địa hình, hằng ngày, trên những cung đường đó “máy bay trinh sát của giặc Pháp vẫn bay lượn rà sát. Rẹt một phát là đã thấy thằng Hen–cát, thằng Phít–phai bay sát ngọn cây, nóc nhà. Rẹt một phát là chúng vãi đạn rốc két, đạn 12 ly 7 trên con đường, gây đau thương, chết chóc cho nhiều người đi đường”.

Những tưởng ngần ấy chông gai, thử thách sẽ khiến cho bước chân của “binh đoàn tay ngai” ngập ngừng e sợ, vòng quay của chiếc xe đạp thồ thưa thớt dần. Nhưng ngược lại, trên đèo cao, dốc đứng, những người con kiên cường, dũng cảm của mảnh đất xứ Thanh vẫn cất vang lời ca, tiếng hát. Họ đi trong niềm lạc quan phơi phới: “Đèo cao thì mặc đèo cao/ Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo”. Tiếng hò, tiếng hát chen lẫn tiếng gọi nhau í ới suốt đêm ngày: “Mau mau hỡi bạn xe thồ/ Đường lên mặt trận, nơi mô vui bằng/ Qua rừng, qua núi băng băng/ Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù”. Hiện thực ấy được ghi lại một cách chân thực, sống động trong hồi ký của Tạ Quang: “Ban ngày, con đường rất ít người qua lại, nhưng khi mặt trời vừa xuống núi là đã thấy từng đoàn gồng gánh, từng đoàn xe thồ ùn ùn từ phía lũy tre làng kéo ra. Ban đêm nếu như ai đó đếm được sao trên trời thì mới đếm được bao nhiêu ánh đèn chai lấp ló, chao đảo của đoàn dân công gánh bộ rồng rắn trên đường”. Còn riêng với “cánh xe thồ” thì đi “đèn gầm” do họ tự chế, buộc vào càng xe phía trước, “chụp đèn là nửa trên vỏ chai trắng cắt đôi, chụp và phao được đặt vào một ống luồng cắt hổng lỗ, tròn bằng nắm tay để ánh sáng ló ra phía trước chỉ đủ soi đường cho bánh xe lăn vì phải đề phòng máy bay địch phát hiện”.

Không đơn thuần chỉ có tinh thần hăng hái, dũng cảm xông pha phục vụ tiền tuyến, “binh đoàn tay ngai” tuy xuất thân từ mọi tầng lớp nhân dân, lại chưa từng trải qua bất kỳ lớp huấn luyện quân sự nào nhưng trên đường hành quân đều tuân thủ nghiêm ngặt tính tổ chức, đội hình, đội ngũ chỉnh tề, chấp hành kỷ luật cao. Mặc dù cơm không đủ no, ngủ không đủ giấc nhưng những người dân công ấy chưa bao giờ mảy may suy nghĩ sẽ đụng đến dù chỉ là chút ít quân lương đã được niêm phong số lượng, trọng lượng từ quê nhà. Bởi trong thâm tâm họ, “những hạt gạo ấy là của các chiến sĩ ngoài tiền phương”.

Trải qua “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn”, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải”, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành hậu phương vững chắc của Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nói chung; xứng đáng là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc trong sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ độc lập, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong niềm vinh dự, tự hào lớn lao ấy, lịch sử dân tộc vẫn mãi lưu dấu những vết xe đạp thồ của dân công Thanh Hóa mang theo cả ân tình vời vợi của hậu phương vượt đèo cao, vượt thác ghềnh nhằm cổ vũ, tiếp thêm tinh thần, sức lực, ý chí chiến đấu cho các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm nao.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]