(Baothanhhoa.vn) - Những mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Những mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Trang trại trồng cây ăn quả của cựu chiến binh Lê Khắc Phú, xã Đông Minh (Đông Sơn).

“Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy, chính quyền và hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngay sau khi Ban Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26-2-2009 về việc tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 532-CV/TU ngày 16-4-2009 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị. Đáng chú ý, các huyện Như Xuân, Cẩm Thủy, Như Thanh đã có Đề án “Nâng cao chất lượng công tác “Dân vận khéo” ở cơ sở” để tổ chức triển khai thực hiện. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đều gắn với những nhiệm vụ trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền địa phương đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp ở cơ sở. Đáng chú ý, nhiều nội dung “Dân vận khéo” được gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 8.419 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nổi bật trong thành quả 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trước hết là ở lĩnh vực phát triển kinh tế. Suốt một thập kỷ qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 2.325 mô hình, điển hình, trong đó nhiều mô hình, điển hình đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tích cực đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, thương mại, dịch vụ với những cách làm “Dân vận khéo” khác nhau. Trọng tâm là vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đổi điền, dồn thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển trang trại, gia trại. Đồng thời, mở rộng thị trường lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy, hải sản, nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

Với chủ trương từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Thọ Xuân đã chú trọng tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Qua đó, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở ưu tiên xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Tiêu biểu, phải kể đến mô hình “Dân vận khéo” về chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao tại 11 xã, với diện tích hơn 589 ha. Đó còn là 9 mô hình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ trong nhà màng, nhà lưới có ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm cho thu nhập trên 800 triệu đồng/ha.

Nếu xem huyện Thọ Xuân là bức tranh sáng về “Dân vận khéo” trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, thì huyện Tĩnh Gia lại có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác giải phóng mặt bằng. Bằng việc thực hành “Dân vận khéo”, huyện đã thành lập các tổ vận động giải quyết tồn đọng, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, với sự tham gia của Ban Dân vận Huyện ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị và các phòng, ban chuyên môn. Thông qua công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hệ thống dân vận ở cơ sở, các tổ vận động trực tiếp gặp gỡ tuyên truyền, giải thích các chế độ, chính sách, quyền lợi của nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong huyện thường xuyên đối thoại trực tiếp với nhân dân, trên tinh thần “gần dân, trọng dân”. Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đã thu được những kết quả quan trọng, nhiều “nút thắt” tưởng chừng khó giải quyết đã được tháo gỡ, nhất là các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Đến đầu năm 2019, toàn huyện đã thu hồi được hơn 3.894 ha đất phục vụ cho 195 dự án và chi trả 4.549 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; thực hiện tái định cư cho 2.500 hộ dân.

Cùng với huyện Tĩnh Gia, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nổi bật là giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh như: Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Cảng Nghi Sơn, sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Sầm Sơn, các khu, cụm công nghiệp... Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đều được giải quyết, chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận với các chủ trương, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Trong thành công của phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Bằng nhiều mô hình “Dân vận khéo”, các địa phương trong tỉnh đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để phát triển giao thông liên xã, liên thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa và khu thể thao ở thôn, bản theo hướng văn minh, hiện đại. Nhờ làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ nên nhân dân đồng thuận và tích cực chung sức cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và TP Thanh Hóa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 341 xã và 897 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Song song với đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh coi trọng. Cả hệ thống chính trị đã tập trung vận động nhân dân huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa ở cơ sở. Khi triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa – xã hội nhiều địa phương đã gắn với các phong trào, các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Cựu chiến binh gương mẫu”. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 2.186 mô hình, điển hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở các địa phương trong tỉnh đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Đáng kể là các mô hình: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “5 không, 3 sạch”, “nhà đẹp, vườn mẫu” của hội phụ nữ “Mái ấm công đoàn” của liên đoàn lao động; “Xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội” của hội cựu chiến binh; xóa bỏ hủ tục trong việc cưới và việc tang ở huyện Quan Sơn, Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; “Trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường” ở các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hà Trung, Như Thanh; “Chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật” ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa; “Tiếng trống khuyến học” ở huyện Vĩnh Lộc; “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” ở huyện Nga Sơn, Thọ Xuân...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống với những việc làm cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã làm nền tảng vững chắc để nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ta phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong thực hiện “Dân vận khéo”

Những mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp thực hiện của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện Thạch Thành đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sâu sát cơ sở, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều nội dung của “Dân vận khéo” được lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nét nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện chính là các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng đóng góp tiền của, công sức với tổng giá trị 466,314 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong huyện Thạch Thành tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, bảo đảm có trọng tâm, thực chất, sát thực tiễn, tập trung vào những vấn đề khó, vướng mắc ở cơ sở.

Nguyễn Minh Tuân

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy,

Chủ tịch MTTQ huyện Thạch Thành

Đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền theo hướng “gần dân, trọng dân, sát dân”

Những mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

UBND xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) xác định công tác dân vận chính quyền có vai trò quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Do đó, trong những năm qua, chính quyền xã luôn chú trọng thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg, xã Hoằng Giang đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ với tinh thần vì dân phục vụ. Bằng việc đổi mới công tác dân vận chính quyền theo hướng “gần dân, trọng dân, sát dân”, UBND xã đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập, phát sinh ở cơ sở. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Song song với đó, chính quyền xã còn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cao Văn Bắc

Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang,

huyện Hoằng Hóa

Xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo”

Những mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Để thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội LHPN thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) đã tập trung hướng về cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chị em hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua với nhiều hình thức, nội dung phong phú đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Nổi bật là hội LHPN thị trấn đã triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Các mô hình do hội LHPN thị trấn xây dựng như: “Tuyến đường phụ nữ tự quản sáng – xanh – sạch – đẹp”, “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Chống rác thải nhựa”,... đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên và nhân dân về bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, hội LHPN thị trấn tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ đối với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Đa dạng các hình thức vận động hội viên và xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo”, nhằm thu hút hội viên và nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Trương Thị Hương

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hậu Lộc,

huyện Hậu Lộc

Gắn “Dân vận khéo” với công tác giảm nghèo bền vững

Những mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Thôn Cao Tiến, xã Luận Thành (Thường Xuân) hiện có 340 hộ dân, với 1.210 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 70%. Bám sát Chỉ thị 49-CT/TW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, những năm qua, chi bộ thôn Cao Tiến đã tập trung xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về giảm nghèo bền vững, gắn với các phong trào, các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo được sức lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân trong việc nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ của Nhà nước, chủ động đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 34 triệu đồng/năm. Có thể khẳng định, đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân và góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo của thôn nói riêng và xã Luận Thành nói chung.

Hà Thị Thủy

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Cao Tiến,

xã Luận Thành

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]