Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Dù 44 năm đã đi qua nhưng cảm xúc về những ngày tháng tư năm ấy vẫn tràn chảy trong ký ức những chứng nhân lịch sử.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ký ức không quên

Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Dù 44 năm đã đi qua nhưng cảm xúc về những ngày tháng tư năm ấy vẫn tràn chảy trong ký ức những chứng nhân lịch sử.

Những ký ức không quên

Bác Nguyễn Văn Hồng, xã Quảng Giao (Quảng Xương) ôn lại kỷ niệm khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Tố Phương

Đã 44 năm đi qua nhưng khí thế hào hùng, oanh liệt của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ quân và dân Việt Nam. Trong những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những người lính từng sống và trực tiếp tham gia chiến đấu lại hân hoan ngược dòng lịch sử trở về thời khắc thiêng liêng ấy để sống lại không khí của mùa xuân thống nhất.

Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, Bắc – Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Dù 44 năm đã đi qua nhưng cảm xúc về những ngày tháng tư năm ấy vẫn tràn chảy trong ký ức những chứng nhân lịch sử. Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, cảm xúc về một thời máu lửa lại ùa về trong trái tim đầy cảm xúc của người báo cáo viên Nguyễn Văn Hồng, xã Quảng Giao (Quảng Xương). Bác kể cho chúng tôi nghe với giọng đầy tự hào, phấn khởi của người lính được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Theo dòng hồi tưởng, bác Nguyễn Văn Hồng nhớ lại: Sau khi cùng các đơn vị bạn chiến đấu giải phóng Huế - Đà Nẵng, đơn vị tôi được lệnh tiếp tục hành quân tiến về nhận nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Mỗi người được bổ sung quân trang, súng đạn và một khẩu hiệu “bí mật, bất ngờ, thần tốc, chiến thắng” để dán lên mũ. Đi đầu là xe tăng, tiếp đến là bộ binh, sau cùng là binh chủng hợp thành tạo thành mũi thọc sâu của Quân đoàn 2. Trên đường hành quân, gặp quân địch ở đâu thì chúng tôi đánh đấy. Khi vào đến tỉnh Khánh Hòa, phát hiện quân địch xây dựng phòng tuyến ở thị xã Xuân Lộc, cả quân đoàn chia thành nhiều hướng đánh địch. Trận đánh diễn ra ác liệt, kéo dài suốt 4 ngày từ 24 đến 28–4 và quân ta đã giành thắng lợi. Thừa thắng, đơn vị tiếp tục tiến về Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ. Đêm ngày 29, rạng sáng ngày 30-4, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 được lệnh tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Với nhiều hướng khác nhau, quân đội ta tấn công ồ ạt, quân Ngụy chống cự yếu ớt và tháo chạy, trên các tuyến đường, ba lô, quần áo, súng đạn của quân Ngụy vứt ngổn ngang.

Trong câu chuyện kể của Đại úy Nguyễn Như Minh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 1, không khí sục sôi của những ngày xông pha nơi hòn tên, mũi đạn lại được tái hiện một cách nguyên vẹn. Ngày 18-3, Sư đoàn 320 được lệnh vào Nam Khu 4 nhận nhiệm vụ. Cuộc hành quân với tốc độ nhanh phi thường của Sư đoàn 320 bắt đầu. Chỉ mất 12 ngày, Sư đoàn 320 đã vượt gần 2.000 km và có mặt tại Đồng Xoài, địa điểm tập kết được cấp trên ấn định. Sư đoàn 320 nằm trong đội hình Quân đoàn 1, cùng với 3 quân đoàn khác làm thành thế gọng kìm siết chặt hang ổ cuối cùng của chế độ Mỹ, Ngụy. Ngày 18-4, Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ cụ thể: Thần tốc, táo bạo, thọc sâu vào Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Chiều ngày 21-4, cả Sư đoàn 320 đã tập kết tại phía Bắc sông Bé, chuẩn bị chiến đấu. Lúc này, Bộ Chỉ huy chiến dịch điều chỉnh mục tiêu, Sư đoàn 320 sẽ thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy, tiểu khu Gia Định và Bộ Tư lệnh các binh chủng Ngụy. Cả đơn vị vui mừng vì đây là vinh dự quá lớn lao nên ai cũng chuẩn bị cho mình đầy đủ vũ khí, quân tư trang, đặc biệt không ai quên chuẩn bị thêm một lá cờ và mong muốn mình là người đến trước cắm cờ vào giờ phút lịch sử đó. Trong trận chiến quyết liệt những ngày cuối tháng tư, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Như Minh, Đại đội 7 tiếp tục tiến đánh vào cổng 2 Dinh Độc Lập và tiêu diệt nhiều quân địch. 9 giờ 30 phút ngày 30-4, đơn vị thừa thắng xông lên đánh chiếm Nhà tổng cục tiếp vận và Cục Quân huấn.

Từng xông pha trận mạc, vào sinh, ra tử và may mắn khi được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất, những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh luôn thấy vinh dự và tự hào. Trải qua nhiều năm tháng, câu chuyện của những người lính vẫn luôn xoay quanh chiến công từ khắp các chiến trường. Tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội cựu chiến binh - chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vừa mới được tổ chức cách đây không lâu, chúng tôi được nghe, được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của những người lính từng trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn ở nhiều chiến trường khác nhau, trong đó đáng nhớ nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cảm động, phấn khởi sau nhiều năm được hội ngộ, bác Nguyễn Như Minh, bác Lê Xuân Yến, nguyên Chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 và bác Trần Đình Ất, nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B không quên nhắc lại những ngày tháng vô cùng gian khổ, ác liệt làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Qua hồi ức của bác Lê Xuân Yến, không khí sục sôi của một thời lửa đạn lại được tái hiện như mới diễn ra ngày hôm qua: Ngày 17-4, đơn vị tôi nhận được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cả đơn vị bắt đầu hành quân thần tốc từ tỉnh Ninh Bình vào Sài Gòn để tham gia chiến dịch. Nhiệm vụ của đơn vị là đánh mũi thọc sâu vào Bộ Tổng tham mưu. Ngày 29-4, đơn vị đánh nhau với quân địch ở quận lỵ Tân Uyên, đến sáng ngày 30-4 chúng tôi tiếp tục đánh chiếm được cầu Bình Triệu, thu nhiều xe tăng, quân địch đầu hàng, bỏ vũ khí, súng đạn. Chúng tôi yêu cầu quân địch dẫn đường tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu. 10 giờ 30 phút ngày 30-4, chúng tôi đã thu được con dấu của Bộ Tổng tham mưu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, bác Trần Đình Ất, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn), nguyên chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B nhớ lại: “Trong quá trình hành quân, tôi đại diện cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 nhận lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Trung đoàn 48 để cắm lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu. 8 giờ 30 phút ngày 30-4, Đại đội 5 là mũi chủ công đi đầu đã đánh vào đường Võ Tánh - cổng chính của Bộ Tổng tham mưu. Ngồi trên xe tăng, tôi cùng đồng đội dùng các loại vũ khí chống trả lại sự bắn phá ác liệt của quân địch và tiêu diệt được nhiều kẻ thù. Đến 9 giờ 30 phút, Đại đội 5 đã tiến tràn vào khu vực Bộ Tổng tham mưu, đánh chiếm và chốt giữ các khu vực tại đây. Tổ cắm cờ của Đại đội 5 gồm đại đội trưởng Lại Đức Lưu, tôi và 3 đồng chí khác đã vượt qua những làn đạn của quân địch, tiến lên cắm được lá cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu vào lúc 10 giờ 30 phút. Cùng lúc đó, các cánh quân khác của ta cũng đồng loạt tiến công vào những mục tiêu trọng yếu của địch. 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng đổi mới, vươn mình lớn mạnh cùng thời gian nhưng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn mãi là niềm tự hào trong ký ức của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là với những người đã trực tiếp cầm súng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, trong thời bình, họ lại trở thành những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cho lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Truyền thống đấu tranh giữ nước, giá trị thiêng liêng của 2 tiếng “độc lập”, “tự do” được đánh đổi bằng máu xương của các thế hệ cha anh luôn là bài học quý giá nhắc nhở mỗi thế hệ hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]