(Baothanhhoa.vn) - Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành thế giới quan, phương pháp luận trong thực tiễn công tác. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng LLCT cho đảng viên (đảng viên mới, đối tượng nguồn) hiện nay đang gặp khó do công tác tạo nguồn thiếu và tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ, giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị theo Quyết định 1853-QĐ/BTGTW còn bất cập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những khó khăn trong công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành thế giới quan, phương pháp luận trong thực tiễn công tác. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng LLCT cho đảng viên (đảng viên mới, đối tượng nguồn) hiện nay đang gặp khó do công tác tạo nguồn thiếu và tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ, giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị theo Quyết định 1853-QĐ/BTGTW còn bất cập.

Những khó khăn trong công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên

Lớp Trung cấp Bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính, khóa học 2019-2020 huyện Quảng Xương.

Nhiệm kỳ 2015-2020, công tác phát triển Đảng và bồi dưỡng LLCT của đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi, trung bình mỗi năm, các đơn vị thường mở được từ 6 đến 10 lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng và đảng viên mới, mỗi lớp từ 70 đến 80 học viên trở lên. Do bảo đảm về số lượng phát triển Đảng cũng như công tác bồi dưỡng LLCT, đội ngũ đảng viên mới của các đơn vị đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, đầu nhiệm kỳ 2020-2025 công tác phát triển Đảng và bồi dưỡng LLCT cho đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn. Dấu hiệu khó khăn đã bắt đầu từ những năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020, đó là thiếu nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng. Đầu năm 2020 đến nay do thiếu nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng nên chỉ tiêu kết nạp không đạt kế hoạch đề ra, số lớp bồi dưỡng LLCT cho các đối tượng cũng không đạt chỉ tiêu. Trước thực tế trên, hầu hết các đảng bộ đều tính toán lại chỉ tiêu để đưa vào nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 sát với thực tiễn hơn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Xương lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu phát triển Đảng toàn khóa là 1.000 đảng viên trở lên, trung bình mỗi năm phát triển 200 đảng viên. Ngay từ khi xây dựng chỉ tiêu, đảng bộ huyện đã xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi thực tế công tác phát triển Đảng ở Đảng bộ huyện Quảng Xương đã có dấu hiệu khó tạo nguồn để kết nạp đảng viên từ những năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020, đặc biệt là 9 tháng năm 2020, huyện mới kết nạp được 19 đồng chí và hiện đang trình kết nạp 35 đồng chí (chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới 2020 là 200 đồng chí), do đó huyện mới tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng kết nạp đảng viên và bồi dưỡng đảng viên mới cho 105 đồng chí.

Đảng bộ huyện Nông Cống nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chỉ tiêu bình quân mỗi năm kết nạp 350 đảng viên, nhưng cũng vì lý do khó tạo nguồn nên nhiệm kỳ 2020-2025 đã giảm chỉ tiêu phát triển Đảng xuống còn 250 đến 300 đảng viên/năm. Việc phát triển Đảng cũng căn cứ vào thực tế từng năm để thực hiện. 9 tháng năm 2020, đảng bộ huyện mới kết nạp được 149 đảng viên.

Việc phát triển Đảng gắn với công tác bồi dưỡng LLCT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, bởi ngoài nỗ lực tự thân phấn đấu, trau dồi học hỏi thì mỗi quần chúng, mỗi đảng viên mới rất cần được bổ sung, bồi dưỡng những kiến thức lý luận, cập nhật thời sự để có thêm mối liên hệ giữa lý thuyết với thực hành và có thêm phương pháp, cách làm hiệu quả trong công việc, cuộc sống. Tuy nhiên do số lượng tạo nguồn và kết nạp đảng viên mới ở các đơn vị ít nên số lượng lớp bồi dưỡng LLCT cũng giảm.

Nguyên nhân chủ yếu là đầu năm nay các tổ chức cơ sở đảng tập trung cho đại hội, kiện toàn tổ chức sắp xếp cán bộ sau sáp nhập thôn, xã nên bộ máy tổ chức mới chưa ổn định; tập trung cho phòng chống dịch COVID-19... Mặt khác, đối với lực lượng thanh niên nông thôn do điều kiện kinh tế đi làm ăn xa nên thiếu nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng, đào tạo cán bộ hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nên số lượng cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan Đảng, đoàn thể được tinh gọn, đa số tỷ lệ đảng viên công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp chiếm tỷ lệ cao, nhiều đơn vị không còn nguồn để đào tạo bồi dưỡng phát triển Đảng.

Bên cạnh đó, mặc dù các trung tâm chính trị huyện được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng LLCT, nhưng lại gặp khó khăn về tổ chức bộ máy. Theo Quyết định 1853-QĐ/BTGTW ngày 4-3-2010 ban hành Quy chế giảng dạy và học tập của trung tâm bồi dưỡng chính trị (nay là trung tâm chính trị) huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc thì tiêu chuẩn giảng viên chính trị cấp huyện ngoài bằng cao đẳng, đại học chuyên môn phù hợp trở lên phải có bằng cao cấp LLCT (riêng đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong thời gian trước mắt, có thể là trung cấp) nên việc tuyển giảng viên về công tác tại trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Lê Như Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Quảng Xương cho biết: Hiện nay ngoài ban giám đốc, trung tâm chính trị huyện chỉ có 1 giảng viên có bằng cao cấp LLCT. Điều này gây khó trong công tác bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên. Để khắc phục khó khăn, tạm thời huyện tăng cường giờ giảng của các giảng viên kiêm chức để phần nào đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện.

Đồng chí Phạm Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Đông Sơn cho biết thêm: Hiện nay, trung tâm mới có 1/3 giảng viên chuyên trách có bằng cao cấp LLCT. Mặc dù Quyết định 1853-QĐ/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương quy định giảng viên Trung tâm phải có bằng cao cấp LLCT nhưng giảng viên lại không thuộc đối tượng được cấp ủy cử đi học theo Công văn 4741-CV/BTCTW năm 2013 về một số vấn đề về đào tạo cao cấp LLCT - hành chính (trưởng, phó phòng và tương đương của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố; cấp ủy viên cấp huyện, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương; trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh nêu trên). Tuy nhiên giảng viên khối trung tâm chính trị có đặc thù riêng là bồi dưỡng, nâng cao LLCT cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn nên rất cần được bồi dưỡng cao cấp LLCT để có thêm kiến thức, kỹ năng, phương pháp truyền đạt, bồi dưỡng cho học viên, đáp ứng với yêu cầu thời kỳ đổi mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước những khó khăn trên, ban thường vụ huyện ủy các địa phương đã xây dựng một số giải pháp ban đầu để tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi dưỡng đào tạo LLCT cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là công tác phát triển Đảng; tăng cường giờ giảng của giảng viên kiêm chức... nhưng đại diện lãnh đạo các trung tâm chính trị cấp huyện có chung đề xuất với tỉnh kiến nghị với Trung ương có sự thống nhất, hoặc có cơ chế mở cho đối tượng giảng viên trung tâm, để giảng viên được học cao cấp LLCT vừa phục vụ công tác nâng cao chất lượng bồi dưỡng, vừa đảm bảo tiêu chí đối với trung tâm đạt chuẩn.

Bài và ảnh: Lê Hà


Bài Và Ảnh: Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]