(Baothanhhoa.vn) - Tháng 3 năm 2018, huyện Như Xuân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Có được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Xuân trong phát huy nội lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Như Xuân ra khỏi huyện nghèo của cả nước

Tháng 3 năm 2018, huyện Như Xuân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Có được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Xuân trong phát huy nội lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cán bộ, công chức xã Thanh Quân (Như Xuân) trao đổi, hướng dẫn nhân dân đưa cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào cải tạo vườn tạp.

Trước đây, khi nói đến vùng “6 Thanh” hẳn mọi người đều cảm thấy ái ngại vì giao thông cách trở. Nhưng đó là “chuyện của ngày xưa”, từ khi tuyến đường từ thị trấn Yên Cát đến xã Thanh Quân, đi qua các xã: Yên Lễ, Cát Tân, Cát Vân, Thanh Xuân, Thanh Sơn được hoàn thành đã góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi của cả vùng “6 Thanh”.

Được sự giới thiệu của lãnh đạo huyện, chúng tôi đến Thanh Quân - xã nghèo nhất huyện Như Xuân để tìm hiểu về công tác giảm nghèo nơi đây, tiếp chúng tôi tại văn phòng đảng ủy xã, đồng chí Vi Văn Cói, phó bí thư thường trực đảng ủy xã, cho biết: Thanh Quân là xã nằm ở điểm cuối của vùng “6 Thanh”, trong những năm qua, nhờ được đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nên kinh tế - xã hội của xã đã phát triển hơn trước. Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể xã Thanh Quân đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo, như tuyên truyền cho nhân dân sử dụng phân viên dúi sâu vào thâm canh lúa; cải tạo các vùng đất hoang hóa đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, ổi, mít... vào sản xuất. Quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tổng hợp, hiện trên địa bàn đã xây dựng được 4 trang trại trâu, bò ở thôn Làng Trung, xây dựng mô hình trang trại gà tại thôn Chiềng Cà 1, Ná Cà 2... Nhờ vậy đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm (theo phương pháp nghèo đa chiều), như năm 2016 trên địa bàn xã có 711 hộ nghèo, chiếm 60,1%, sau 2 năm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo đến nay còn 575 hộ nghèo, chiếm 48,4%, giảm 136 hộ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 14,84 triệu đồng/người/năm, đến nay hơn 18 triệu đồng/người/năm.

Để minh chứng cho những gì đã trao đổi, đồng chí Vi Văn Cói dẫn chúng tôi đến thăm hộ ông Vi Văn Tám ở thôn Lâu Quán, đã có nhiều cố gắng trong lao động sản xuất, khắc phục khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Ông Tám cho biết: Trước năm 2013 gia đình thuộc hộ nghèo, nhưng từ khi được cấp ủy, chính quyền tập huấn kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp và hỗ trợ cho một cặp dê để xóa đói, giảm nghèo, với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, sau 3 năm gia đình ông đã thoát nghèo. Hiện nay, gia đình đã và đang cùng với một số hộ trong thôn tập trung phát triển nuôi trâu, bò và trồng cây keo; cây sắn... hằng năm cho tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Cũng như Thanh Quân, cấp ủy, chính quyền xã Cát Vân đã tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, ban xóa đói, giảm nghèo xã đã phân công các thành viên phụ trách ở từng thôn, làng trực tiếp điều hành, chỉ đạo sản xuất, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ để vận động nhân dân trồng rừng theo các dự án, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; đồng thời tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp cho nhân dân. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, nêu gương đi trước, làm trước của cán bộ, đảng viên trong việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, coi đây là những khâu đột phá để phát triển kinh tế. Năm 2015, xã Cát Vân đã xây dựng nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, như: Quy hoạch phát triển nguyên liệu cây cao su, sắn, mía..., mạnh dạn đầu tư trồng cây cam, bưởi... cho giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình thâm canh, luân canh cây ngắn ngày kết hợp với cây dài ngày cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm.

Có được kết quả trên, trong hơn hai năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, thị trấn; điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; thực hiện lồng ghép các hoạt động giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức tuyên truyền và phổ biến chính sách về giảm nghèo nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu biết về những chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó thay đổi nhận thức và cách thực hiện mô hình phát triển kinh tế phù hợp để giúp họ vươn lên thoát nghèo. Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Như Xuân đã ban hành Chương trình hành động số 109 nhằm tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích mía, sắn kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất, liên kết và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tích tụ ruộng đất. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao được nhân ra diện rộng. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đã huy động được 317 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa từ nhân dân và các doanh nghiệp được 55 tỷ đồng, huy động trên 30.000 ngày công, hiến gần 6 ha đất để xây dựng các công trình phúc lợi... Làm trên 80 km đường giao thông nông thôn, gần 150 km đường điện chiếu sáng; xây mới 11 công sở xã, 14 trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao xã; sửa chữa, làm mới 39 nhà văn hóa thôn; xây dựng 160 cổng chào; chỉnh trang trên 2.000 căn nhà; xây trên 2.000 hố xử lý rác thải sinh hoạt; cải tạo trên 400 ha vườn tạp; xây dựng được 25 mô hình trồng trọt với tổng diện tích 68,5 ha tại 435 hộ gia đình; 8 mô hình trình diễn với 176 hộ tham gia. Chương trình nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt; trung bình mỗi năm các xã tăng thêm từ 1 đến 2 tiêu chí mới, bình quân toàn huyện đạt 12,23 tiêu chí/xã, tăng 3,06 tiêu chí so với cuối năm 2015; có 4 xã, 36 thôn đạt chuẩn, tăng 3 xã và 32 thôn so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, từ 37,36% năm 2015 xuống còn 22,22% cuối năm 2017, bình quân giảm 7,57%/năm. Trong chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Thu nhập bình quân đầu người từ 17,2 triệu đồng năm 2015 tăng lên 24 triệu đồng năm 2018. Tư tưởng, tập quán sinh hoạt ở nhiều vùng có chuyển biến mạnh mẽ, chủ động trong sản xuất, nhiều hộ đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Đồng chí Dương Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà nghị quyết đề ra, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết sát với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Ý thức, tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo của nhân dân từng bước có thay đổi thông qua việc người dân tự giác lao động sản xuất, bớt trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng. Trong nửa nhiệm kỳ qua, với những chủ trương, định hướng đúng đắn của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện Như Xuân đã có bước phát triển, trong số 28 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra, đã có 7 chỉ tiêu vượt mục tiêu. Dự báo đến cuối nhiệm kỳ sẽ có 25 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó nổi bật là: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 17,02%; tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư.

Thời gian tới, huyện Như Xuân tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; đối với những mục tiêu đã hoàn thành, tập trung chỉ đạo để đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.


Bài và ảnh: Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]