(Baothanhhoa.vn) - Sáng một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm về căn nhà số 310 phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) để gặp lại nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, người vinh dự 3 lần được gặp Hồ Chủ tịch. Đôi mắt bà rưng rưng, tôi cảm nhận được sự xúc động dâng lên trong lòng khi bà kể với chúng tôi về những lần được gặp Bác Hồ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:

Nhớ lời Bác dạy “Hai chớ, hai nên”

Nhớ lời Bác dạy “Hai chớ, hai nên”

Bà Ngô Thị Tuyển gìn giữ, trân trọng tấm ảnh bà được ngồi cạnh Bác Hồ.

Sáng một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm về căn nhà số 310 phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) để gặp lại nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, người vinh dự 3 lần được gặp Hồ Chủ tịch. Đôi mắt bà rưng rưng, tôi cảm nhận được sự xúc động dâng lên trong lòng khi bà kể với chúng tôi về những lần được gặp Bác Hồ.

Năm 1965, không quân Mỹ đã tập trung lực lượng hùng mạnh đánh phá cầu Hàm Rồng hòng chặt đứt con đường huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Quân dân Thanh Hóa nói chung, quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng đã đoàn kết một lòng, dũng cảm, kiên cường giáng trả lại những đòn tấn công tàn bạo của đế quốc Mỹ. Trong cuộc quyết chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng, trong đó hình ảnh cô dân quân bé nhỏ làng Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển với thành tích vác 2 hòm đạn nặng 98 kg, hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể đã đi vào lòng hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Với nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, nữ dân quân trẻ tuổi Ngô Thị Tuyển vinh dự được tham gia đoàn chủ tịch Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội diễn ra đầu năm 1967. Đây là lần đầu tiên nữ dân quân Ngô Thị Tuyển được gặp Bác Hồ và cũng là lần gặp để lại trong trái tim cô gái trẻ nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Không chỉ được đón Bác tới dự đại hội, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển còn được ưu tiên ngồi cạnh Bác lúc đại hội giải lao, được Bác đặt tay lên vai ân cần trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, hỏi chuyện đồng đội, hỏi chuyện gia đình và cả chuyện tình cảm riêng tư. “Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được cảm xúc lúc đó cháu ạ. Thật là hiếm có và vinh dự”, bà Tuyển chia sẻ. “Sau khi bế mạc đại hội, chiều ngày 1-1-1967, Bác mời các đại biểu đến Văn phòng Chủ tịch nước để gặp mặt. Khi mọi người quây quần quanh Bác, Bác chia kẹo, hỏi chuyện, Bác nhìn một lượt tất cả cán bộ, chiến sĩ rồi hỏi: “Cháu nào biết hai chớ, hai nên”?. Lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi cạnh và khuyến khích tôi đứng dậy trả lời. Sau một thoáng hồi hộp, tôi nói to: “Thưa Bác, hai chớ là chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng, hai nên là nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi quần chúng. Bác khen cháu Tuyển nói đúng rồi và hỏi mọi người rằng có cháu nào làm được như cháu Tuyển không thì mọi người đồng thanh: Thưa Bác, cháu làm được ạ. Không khí cuộc gặp ấm cúng vô cùng”, bà Tuyển nhớ lại. Điều vô cùng ý nghĩa và đáng nhớ đối với nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển là ngoài được gặp Bác, bà còn được trao tặng Huy hiệu của Người và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc vì thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại tọa độ lửa Nam Ngạn - Hàm Rồng.

Năm nay đã bước sang tuổi 74, cái tuổi khiến bà đôi lúc lãng đãng quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cái cảm xúc những lần được gặp Bác Hồ thì vẫn còn vẹn nguyên. Sau lần gặp đầu tiên, năm 1969 bà Tuyển bị ốm và điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội. “Thật bất ngờ, tôi được đón đi đo quần áo và đưa về nhà khách Bộ Quốc phòng cùng một số cán bộ cấp cao. Đến đây, tôi mới biết mình là một trong số rất ít người được gặp Bác lúc Bác đang ốm nặng. Lần này được gặp Bác, vừa vui vừa lo vì thấy sức khỏe của Bác đã yếu đi nhiều so với trước. Trong thời gian túc trực bên Bác, chúng tôi được nghe từng hơi thở của Bác và thường xuyên được thông báo về tình hình sức khỏe của Bác. Cảm giác lo lắng, bồn chồn hiện hữu trên khuôn mặt những người được ở cạnh Bác lúc đó”. Giọng bà Tuyển chùng xuống khi kể cho tôi nghe về lần thứ 2 được gặp Bác.

Lần cuối cùng nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển được nhìn thấy Bác, đó là khi Bác của chúng ta đã mãi mãi đi xa, vĩnh biệt cả dân tộc Việt Nam. Bà Tuyển vẫn nhớ như in lần thứ 3 được gặp Bác. “Sau khi nghe tin Bác đã ra đi, mọi người túc trực bên Bác đã òa khóc rất to. Ngay lập tức, chúng tôi được quán triệt các đồng chí phải nén đau thương thành hành động, kiềm chế cảm xúc, không được khóc. Sau đó, chúng tôi được quán triệt nhiệm vụ túc trực bên linh cữu Bác trong ngày đại tang của dân tộc và tôi vinh dự được dự lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Mỗi ca trực có 4 người, mặc trang phục quân đội và chỉ trực 15 phút để ca khác vào thay thế. Trong khi làm nhiệm vụ, tôi phải tự động viên bản thân thật bản lĩnh để đứng nghiêm, không được quá xúc động, không biểu lộ cảm xúc dù trong lòng thì vô cùng đau thương. Tôi được nhìn thấy hình hài của Bác. Trong tiềm thức tôi vẫn nghĩ, Bác của chúng ta đang nằm ngủ và Bác vẫn dõi theo đồng bào cả nước”.

Được gặp Bác khi Bác còn sống, lúc Bác ốm nặng và khi Bác qua đời, đó là niềm vinh dự, tự hào lớn lao thôi thúc bà Ngô Thị Tuyển luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, bà Ngô Thị Tuyển đã phấn đấu, đóng góp công sức, trí tuệ cho ngành, cho quê hương, xứng đáng với sự quan tâm của Bác kính yêu đã dành cho mình.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]