(Baothanhhoa.vn) - Ngôi nhà 3 gian nhỏ, lợp mái tôn, chưa lát nền và chưa quét vôi ve là nơi ở của bệnh binh Phạm Hoàng Hà, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc). Ngôi nhà được dựng xây từ sự hỗ trợ của hội cựu chiến binh và các tổ chức, đoàn thể trong xã. Các vật dụng của gia đình chẳng có gì đáng giá. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cựu chiến binh Phạm Hoàng Hà vẫn tự nguyện làm một việc cao cả mà ít ai có thể làm được. Đó là hiến tặng hơn 1.500m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng trường mầm non cho các cháu học hành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người cựu chiến binh với tấm lòng nhân ái

Ngôi nhà 3 gian nhỏ, lợp mái tôn, chưa lát nền và chưa quét vôi ve là nơi ở của bệnh binh Phạm Hoàng Hà, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc). Ngôi nhà được dựng xây từ sự hỗ trợ của hội cựu chiến binh và các tổ chức, đoàn thể trong xã. Các vật dụng của gia đình chẳng có gì đáng giá. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cựu chiến binh Phạm Hoàng Hà vẫn tự nguyện làm một việc cao cả mà ít ai có thể làm được. Đó là hiến tặng hơn 1.500m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng trường mầm non cho các cháu học hành.

Sau 10 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam (1977 - 1987), bác Phạm Hoàng Hà trở về quê hương làm ăn sinh sống. Gia đình bác nhận 6 sào ruộng để sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, trồng ngô và nuôi thêm con lợn, con gà để có nguồn thu trang trải cuộc sống và nuôi dạy các con ăn học, trưởng thành. Khi xã Vĩnh Quang thực hiện việc dồn đổi ruộng đất để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, gia đình bác Hà nhận mảnh đất có diện tích hơn 1.500 m2, nằm cạnh trường mầm non xã Vĩnh Quang để canh tác.

Trường Mầm non xã Vĩnh Quang trước đây có diện tích chật hẹp, số lượng học sinh lại tăng nhanh qua các năm. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Quang phải mở rộng quy hoạch và đầu tư để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Các gia đình có diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng đều đã bán đất và nhận tiền theo quy định của Nhà nước, riêng bác Phạm Hoàng Hà, người có diện tích đất bị ảnh hưởng lớn nhất hơn 1.500 m2 đã tự nguyện hiến tặng cho chính quyền địa phương xây dựng trường mầm non. Mảnh đất trị giá khoảng 150 triệu đồng. Điều đáng nói, mảnh đất ấy đã từng là nguồn sống của gia đình bác nhiều năm qua. Chia sẻ về việc làm của mình, cựu chiến binh Phạm Hoàng Hà cho biết: “Tôi sống một mình, con gái đã lấy chồng, con trai đi làm ăn xa. Mọi sinh hoạt của tôi chỉ dựa vào tiền phụ cấp bệnh binh hơn 2,6 triệu đồng/tháng. Vẫn biết “tấc đất là tấc vàng”, trong khi cuộc sống còn khó khăn, tiền nợ xây nhà mãi mới trả hết nhưng nghĩ về tương lai của thế hệ mai sau, tôi đã thuyết phục các con đồng ý để tôi hiến đất xây trường. Việc tôi làm không mong được các cấp, các ngành ghi nhận mà điều tôi vui là nhìn thấy các cháu được vui chơi thoải mái trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp, thoáng đãng. Tôi thấy việc mình làm thật sự ý nghĩa”.

Nhiều người cho rằng đó là một hành động đẹp, rất đáng trân trọng, nhưng một số người lại cho bác là “gàn dở”. Những người bạn tốt thì khuyên bác nên bán đất lấy tiền chỉnh trang nhà ở, mua sắm nội thất dùng cho đàng hoàng hoặc cho con làm vốn phát triển kinh tế. Nhưng với suy nghĩ việc mình trở về sau chiến tranh là một điều may mắn, nay đóng góp thêm một phần cho quê hương là điều nên làm nên bác vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Ông Phạm Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Quang, cho biết: “Lâu nay, việc vận động người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới không phải nơi nào cũng thuận lợi bởi nhiều người không đồng tình, quan trọng là phải có người đi đầu, phải gương mẫu làm trước thì mọi người mới hiểu và tin theo. Cựu chiến binh Phạm Hoàng Hà là một điển hình, là tấm gương sáng của khu dân cư. Việc làm và tấm lòng của ông rất đáng khen ngợi, nó không chỉ đơn thuần là vật chất mà quan trọng hơn là tinh thần tự nguyện của ông đã tác động lớn đến nhận thức của nhiều người dân. Từ đó, tạo động lực để nhân dân chung sức cùng chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2018”.

Bác Phạm Hoàng Hà được khám xếp loại bệnh binh hạng 2/3, tỷ lệ mất sức 61%. Theo thời gian, tuổi ngày càng cao, bác không còn nhiều sức khỏe để làm kinh tế. Bác Hà chọn cho mình niềm vui khi tham gia câu lạc bộ nghệ thuật vùng Di sản Thành Nhà Hồ. Bàn tay của người lính quen cầm súng, người nông dân quen cầm cuốc, cầm cày nhưng vẫn khéo léo sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Là một người đa tài, bác Phạm Hoàng Hà có thể chơi được các loại đàn, đánh được các loại trống và thổi được các loại sáo. Mỗi khi địa phương có các hoạt động đối nội, đối ngoại, dịp lễ, tết, đặc biệt là thứ 7, chủ nhật hàng tuần, lượng du khách tới tham quan Thành Nhà Hồ đông, bác Hà cùng các thành viên trong câu lạc bộ lại tham gia biểu diễn. Không chỉ mang đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị, việc làm của bác còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương và dân tộc.

Mảnh đất hiến tặng có giá trị không nhỏ so với hoàn cảnh thực tế của cựu chiến binh Phạm Hoàng Hà. Nhưng nghĩa cử cao đẹp của người lính, người bệnh binh, người nông dân ấy đã góp phần nâng cánh ước mơ cho các thế hệ tương lai.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]