(Baothanhhoa.vn) - Tháng 7, tháng của tri ân và hàm ơn, tháng của ẩn ức và hoài niệm. Để rồi, khắp các nghĩa trang liệt sĩ dọc dải đất hình chữ S lại sáng dậy khói hương như “dải ngân hà cháy trên mặt đất” mỗi độ tháng 7 về.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghĩ về giá trị của lòng yêu nước

Tháng 7, tháng của tri ân và hàm ơn, tháng của ẩn ức và hoài niệm. Để rồi, khắp các nghĩa trang liệt sĩ dọc dải đất hình chữ S lại sáng dậy khói hương như “dải ngân hà cháy trên mặt đất” mỗi độ tháng 7 về.

Các cựu chiến binh thăm chiến trường xưa và dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Vĩ đại và gian khổ! Đó là những gì được đúc kết lại để gợi lên ý nghĩa và giá trị thời đại to lớn của hai cuộc kháng chiến trường kỳ mà dân tộc ta đã đi qua dọc thế kỷ XX và nhờ đó, một quốc gia “vô danh” đã in một dấu tươi đỏ lên bản đồ thế giới bằng hai tiếng thiêng liêng: Việt Nam! Có một điều làm thế giới kinh ngạc là, không phải sức mạnh kỹ thuật hay vũ khí tối tân, mà chính sức mạnh của lòng yêu nước và một niềm tin không lay chuyển về hòa bình - độc lập - thống nhất cho dân tộc của triệu triệu con người, mới là nhân tố quyết định kết cục cuộc chiến. Điều đó có lẽ đã minh chứng cho điều mà một sử gia phương Tây đã từng thốt lên, rằng “Ở Việt Nam không có người tầm thường. Họ đều là những anh hùng trong chiến tranh. Trong họ chứa một phần lịch sử của đất nước họ và cả một phần lịch sử của nhân loại nữa”!

Tháng 7, tháng của tri ân và hàm ơn, tháng của ẩn ức và hoài niệm. Để rồi, khắp các nghĩa trang liệt sĩ dọc dải đất hình chữ S lại sáng dậy khói hương như “dải ngân hà cháy trên mặt đất” mỗi độ tháng 7 về. Mỗi nén hương được thắp nơi đầu gió, dường như đã thắp dậy cả cái không khí trầm lắng, thiêng liêng, để gió đưa mùi hương của nhớ nhung thao thiết tỏa khắp các phần mộ - có tên và không tên - nơi người lính “mãi mãi tuổi hai mươi”. Mỗi phần mộ liệt sĩ là một thiên tiểu thuyết về những gương mặt bình thường như lẽ phải, những cái tên bình thường quá đỗi đã xếp chồng lên nhau mà khắc thành tên Tổ quốc. Với dân tộc này, cuốn biên niên sử không chỉ được chạm bằng danh xưng của những bậc vĩ nhân, mà còn được ghép từ vô vàn tên họ của những con người bình thường nhất. Họ có thể là những binh nhất, binh nhì, những du kích, giao liên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những giáo viên, học sinh hay hàng triệu con người đã sống qua những đoạn thời gian dữ dội và đau thương, song cũng vô cùng hào hùng và gây kinh ngạc. Bởi một lẽ hiển nhiên đã trở thành chân lý, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và thế hệ này chưa hoàn thành, thế hệ sau lại ghé vai gánh vác. Vậy nên, dẫu bánh xe lịch sử có vận hành theo guồng quay của các cuộc chiến chống ngoại xâm, thì chiến tranh - cái hoàn cảnh vốn dĩ bất thường - dường như, cũng trở nên bình thường, khi người ta vẫn sống, lao động, yêu thương và vẫn chiến đấu, như một lẽ tất yếu!

Dẫu vậy, như lời nhà văn Xô Viết nổi tiếng Ts. Aitmatov, thì không thể nói về chiến tranh một cách giản dị, cũng như không thể từ đó tạo nên một chuyện cổ tích đưa ta vào giấc ngủ. Chiến tranh đọng lại thành máu vón cục trong cùng thẳm tâm linh và kể chuyện về nó không phải việc dễ dàng. Nhận định ấy càng đúng với Việt Nam, một dân tộc mà tiếng súng dẫu đã ngưng và máu đã ngừng chảy, nhưng có những vết thương dù đã kết vảy, thì sự đau đớn, nhức nhối vẫn luôn âm ỉ. Chiến tranh vẫn hằn dấu tích trên da thịt những thương, bệnh binh và những đứa trẻ dị dạng dị tật vẫn hàng ngày nhắc nhở về sự thảm khốc của cuộc chiến hay sự vô nhân tính của con người, khi cố tình nhân danh những điều được cho là “lẽ phải” hay “công lý”. Chiến tranh còn để lại phía sau nó là những người mẹ mà cuộc sống là chuỗi dài ký ức, là những giấc mơ và cái tên người con vẫn được mẹ gọi trong âm thầm; là muôn nẻo kiếm tìm đồng đội trong rừng sâu núi thẳm, nơi vách đá bìa rừng các anh, các chị còn nằm lại; là những “nấm mộ chiêu hồn” dưới đáy hàng nghìn con suối, dòng sông mà có người đã đặt tên là những “nghĩa trang bằng nước” – trong vắt và buốt lạnh như nước mắt; là những “vùng đất chết” còn nặng nề di chứng do hàng triệu lít chất độc hóa học đã ngấm xuống và ăn mòn cả đất đai, cây cỏ, sự sống, cùng vô số bom đạn còn sót lại... Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ để trở thành một phần di sản ký ức. Song, với những gì còn đọng lại và đang từng ngày hiện hữu, đó vẫn luôn là phần “ký ức sống” để nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình, độc lập và về cách chúng ta ứng xử với lịch sử - vốn là “một câu chuyện nói chúng ta là ai”.

Tôi đã đọc ở đâu đó đoạn văn ngắn – một chân lý đơn giản nhất, chân thực nhất và cũng vĩ đại nhất – được người viết đúc kết thành. Rằng “những con người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi đời này, nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống!”. Trong thời khắc chỉ có một sự lựa chọn duy nhất và không cho họ thời gian suy nghĩ, thì cái phần nhân tính tốt đẹp trong con người trỗi dậy. Để rồi, sự hy sinh dẫu là quy luật nghiệt ngã của chiến tranh, lại cho thấy cái đẹp của tình người, tình đồng đội, đồng chí, đồng bào trong nghịch cảnh. Tinh thần ấy chỉ có thể được lý giải bằng sức mạnh tinh thần đã được hun đúc từ trường kỳ nghìn năm chống chọi với kẻ thù xâm lược, mà ăn sâu vào máu, vào hơi thở và tiềm thức của dân tộc này. Đó là “một lòng nồng nàn yêu nước” và tinh thần sẵn sàng ra đi khi “Tổ quốc gọi tên mình”. Như là cách để “đối chứng” cho điều vốn đã trở thành niềm tin tuyệt đối này, tôi đã hỏi chuyện thương binh Lương Xuân Nguyện (xã Tam Chung, huyện Mường Lát), người đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn suốt từ Chiến dịch Mậu Thân 1968 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Khi ấy, chàng trai vừa tròn 18 lên đường nhập ngũ, do sự thôi thúc từ lương tri và trách nhiệm của người con sinh ra giữa thời chiến. Với quyết tâm “dù chỉ còn một hơi thở, một viên đạn cũng phải chiến đấu đến phút cuối cùng”, người cựu chiến binh này đã lập vô số chiến công, cùng nhiều danh hiệu cao quý “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Chiến sĩ quyết thắng”... Song, điều khiến ông tự hào hơn cả có lẽ là thời thanh xuân sôi nổi đã dâng trọn cho Tổ quốc, để bản thân không cảm thấy sống hoài, sống phí. Thậm chí, khi đã ở tuổi gần 70 nhưng “nếu Tổ quốc cần đến một người đã có kinh nghiệm qua hàng chục năm chinh chiến, tôi luôn sẵn sàng”. Đó là điều ông gửi gắm lại khi cuộc trò chuyện giữa chúng tôi kết thúc, cũng là điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi, tâm nguyện của ông khó có thể xuất phát từ cái lý mang tên “lợi ích” mà nhiều người vẫn quen dựa vào để lý giải cho điều khó lý giải. Tâm nguyện ấy chỉ có thể xuất phát từ một lý do cao đẹp hơn, đó là lòng yêu nước luôn thường trực trong con người ông.

Mỗi cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... có thể ví như một “biên bản chiến tranh sống”, để thế hệ hôm nay có thể phần nào nhìn thấu, nhìn rõ cái gọi là bản chất của chiến tranh. Song, câu chuyện về họ không chỉ có chiến tranh, mà vượt lên trên hết đó là thiên trường ca về sự hàn gắn và hòa bình. Việt Nam là dân tộc yêu nước, yêu các giá trị của hòa bình. Dẫu hiện thực khắc nghiệt là lịch sử dân tộc là lịch sử của những cuộc chiến giành, giữ nền độc lập và cái giá của hòa bình được trả bằng mồ hôi và máu của hàng triệu, hàng triệu con người. Hồi ức luôn quan trọng và lịch sử cũng không bao giờ ngừng vận động, cho nên, giữa muôn vàn biến thiên, muôn vàn xu thế khó nắm bắt của thời đại ngày nay, hơn lúc nào hết, lòng yêu nước lại càng phải được gìn giữ và phát huy như một “bảo vật quốc gia” vô giá.

Bất tử ở độ “mãi mãi tuổi hai mươi” vốn dĩ là những câu từ đẹp mà thơ ca, văn chương dùng để ngợi ca, hình tượng hóa những con người đã hy sinh tuổi trẻ, sức sống, hy vọng, hoài bão và cả sinh mạng mình cho Tổ quốc. Còn với chúng ta – những con người bình thường, sống trong hòa bình, liệu có mấy ai muốn tạc tên mình vào tấm bia lạnh ngắt 2 từ “bất tử” giữa độ thanh xuân phơi phới? Vậy nên, tinh thần sẵn sàng hy sinh cho những điều cao cả hơn lợi ích cá nhân, liệu đã trở thành một lối sống, lối tư duy, lối ứng xử và hành động của mỗi con người? Chúng ta giáo dục cho thế hệ trẻ - một thế hệ mà phần lớn trong đó chỉ biết đến lịch sử hay các cuộc chiến tranh qua sách vở - về “lòng yêu nước” và “sự hy sinh” ra sao nếu môn Lịch sử luôn là môn nhạt nhẽo, khô khan và thiếu hấp dẫn? Hay khi mà nhiều đứa trẻ, qua phim ảnh, có thể biết rõ hàng chục nhân vật lịch sử của các quốc gia, nhưng lại mơ màng về thân thế, sự nghiệp những người đã viết nên lịch sử dân tộc, vốn rạng rỡ và đáng tự hào?... Phải chăng, đã và đang có những “lệch chuẩn” nhất định trong việc giáo dục con người về truyền thống yêu nước, về vẻ đẹp nhân văn trong tính cách dân tộc hay phẩm giá con người Việt Nam? Vậy nên, mới có những kẻ nhân danh “lòng yêu nước” để thực hiện mưu đồ bất chính, kích động bạo lực và mới có những người dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc? Lòng yêu nước nếu không được dưỡng nuôi trong trái tim nóng và sự tỉnh táo, mà được sinh ra trong hiệu ứng đám đông thì rất dễ bị lợi dụng một cách mù quáng và trở thành tội ác, chà đạp lên chính truyền thống, đạo lý, niềm tin của cả dân tộc.

...

Có người đã nói, quá khứ là điều không thể thay đổi, nhưng tương lai là điều có thể kiến tạo. Và rằng, bài học quan trọng nhất của lịch sử rút ra từ chiến tranh và lòng hận thù phải là hạt giống cho hòa bình, sự công bằng, phát triển và thân thiện nảy mầm. Bởi vậy mà mỗi người, dẫu đã khuất hay đang sống, đều chứa đựng một phần lịch sử dân tộc và trách nhiệm của chúng ta là làm thế nào cho cái phần lịch sử ấy ươm lên mầm giống quý của lòng yêu nước!


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]