(Baothanhhoa.vn) - Ngày 11-1-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Ngày 11-1-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với 915.677 ha; trong đó, đất trồng trọt: 249.122 ha, đất nuôi trồng thủy sản: 19.000 ha và đất sản xuất lâm nghiệp: 647.555 ha. Xác định rõ tầm quan trọng của việc tích tụ, tập trung đất đai đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, ngay từ năm 1998, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khóa XIV đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU "về thực hiện cuộc vận động đổi điền, dồn thửa trong toàn tỉnh", nhằm tích tụ, tập trung đất đai để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Cùng với triển khai thực hiện chủ trương đổi điền, dồn thửa; hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều có định hướng đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, coi đây là nhiệm vụ, giải pháp đột phá, động lực quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Nhiều địa phương trong tỉnh đã ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh đổi điền, dồn thửa, tích tụ, tập trung đất đai để khắc phục tình trạng manh mún, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Việc thực hiện chủ trương đổi điền, dồn thửa, tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng; diện tích bình quân một thửa tăng từ 330 m2 (năm 1998) lên 1.000 m2 (năm 2017), giảm từ 10 thửa/hộ xuống còn 3 thửa/hộ, có nơi chỉ còn 1 thửa/hộ; đến nay có 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp ở 25/27 huyện, thị xã, thành phố được tích tụ, tập trung, bằng các hình thức: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để liên kết sản xuất. Đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung đã tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư nâng cấp hạ tầng; đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh (bình quân giai đoạn 2011 - 2017 đạt 2,9%), bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh mới đạt kết quả bước đầu; tỷ lệ diện tích đất được tích tụ, tập trung để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao so với tổng diện tích đất sản xuất còn rất thấp. Nhiều nơi sản xuất còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chủ yếu vẫn là sản xuất nông hộ, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đất sản xuất ở một số địa phương chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả; chưa có giải pháp hữu hiệu để tập trung, đưa vào sản xuất những diện tích đất bị bỏ hoang do tình trạng người dân bỏ ruộng ở một số địa phương. Một số diện tích đất đã được tích tụ, tập trung nhưng chưa gắn với đổi mới phương thức sản xuất, chưa có phương án sản xuất cụ thể nên chưa phát huy được hiệu quả.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do: Chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách định hướng toàn diện, cụ thể để đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh; nguồn lực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của việc tích tụ, tập trung đất đai đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, vẫn còn tư tưởng giữ đất trong khi không có nhu cầu sản xuất hoặc không có khả năng tổ chức sản xuất hiệu quả; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân có nhu cầu thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nông dân để tổ chức sản xuất nhưng thủ tục pháp lý còn phức tạp, khó khăn.

Tình hình trên đòi hỏi phải có chủ trương, định hướng lớn mang tính tổng thể, toàn diện; có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tổ chức thực hiện quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh; sự đồng thuận, ủng hộ, tích cực thực hiện của người dân trong tỉnh.

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân làm nhân tố trung tâm; thu hút các nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực trong nhân dân làm động lực chủ yếu; vận dụng sáng tạo các quy định của Nhà nước để tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết.

2. Tích tụ, tập trung đất đai có tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ nông dân, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội và ổn định tình hình ở khu vực nông thôn. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phải bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc; phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là các hộ nông dân bị ảnh hưởng; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và của hộ nông dân.

3. Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, của từng huyện, từng xã và định hướng phát triển nông nghiệp của các địa phương. Phát huy vai trò, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao; gắn kết sản xuất với chế biến và thị trường.

4. Tích tụ, tập trung đất đai phải được rà soát, tính toán kỹ lưỡng để có cách làm, bước đi hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; gắn với quá trình tái cơ cấu các ngành kinh tế, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ phù hợp; lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân làm mục tiêu thực hiện.

II MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu

Tích tụ, tập trung đất đai để khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh phát triển.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- Về diện tích đất được tích tụ, tập trung:

+ Đến năm 2020 tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung tăng thêm 20.400 ha; trong đó: Trồng trọt 6.000 ha, chăn nuôi 6.000 ha, thủy sản 400 ha, lâm nghiệp 8.000 ha.

+ Giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung tiếp tục tăng thêm 32.000 ha; trong đó: Trồng trọt 12.000 ha, chăn nuôi 3.000 ha, thủy sản 1.000 ha, lâm nghiệp 16.000 ha.

+ Giai đoạn 2026 - 2030, tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung tiếp tục tăng thêm khoảng 50.000 ha; trong đó: Trồng trọt 12.500 ha, chăn nuôi 5.000 ha, thủy sản 2.500 ha, lâm nghiệp 30.000 ha.

- Về công nghệ trong sản xuất:

+ Đến năm 2020, đối với 20.400 ha đất được tích tụ, tập trung tăng thêm; có 1.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao; trong đó: Trồng trọt 800 ha, chăn nuôi 400 ha, thủy sản 100 ha; 19.100 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao.

+ Giai đoạn 2021 - 2025, đối với 32.000 ha đất được tích tụ, tập trung tăng thêm; có 3.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao; trong đó: Trồng trọt 2.000 ha, chăn nuôi 900 ha, thủy sản 400 ha; 28.700 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao.

+ Đến năm 2030 có 50% diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi; 80% diện tích đất nuôi trồng thủy sản được tích tụ, tập trung; 10% diện tích đất rừng trồng sản xuất đạt tiêu chuẩn công nghệ cao.

- Về giá trị:

Đến năm 2020, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao trong trồng trọt đạt 400 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong chăn nuôi đạt 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong nuôi trồng thủy sản đạt 4.000 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao trong trồng trọt đạt 200 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong chăn nuôi đạt 300 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong nuôi trồng thủy sản đạt 2.000 triệu đồng/ha năm trở lên; trong lâm nghiệp đạt 200 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất.

Bình quân giai đoạn 2021 - 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ cao trong trồng trọt đạt 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong chăn nuôi đạt 600 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong nuôi trồng thủy sản đạt 5.000 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao trong trồng trọt đạt 300 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong chăn nuôi đạt 400 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong nuôi trồng thủy sản đạt 2.500 triệu đồng/ha/năm trở lên; trong lâm nghiệp đạt 300 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất trở lên.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, vận động về thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao

Các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy các xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên tuyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để chuyển từ sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, không bền vững, hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, đạt năng suất, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn. Từ đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của nhân dân, đặc biệt là nông dân trong quá trình triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Trong quá trình thực hiện, cán bộ, đảng viên phải tích cực, gương mẫu đi đầu, đồng thời phải là hạt nhân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, thường xuyên cập nhật, thông tin về tình hình triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh; tuyên truyền, giới thiệu các mô hình, các dự án phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhờ việc tích tụ, tập trung đất đai.

Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tham mưu khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả, hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao về thực hiện tích tụ, tập trung đất đai.

2. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức tích tụ, tập trung đất đai; xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị và huy động doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân đẩy mạnh thực hiện các hình thức tích tụ, tập trung đất đai bảo đảm đúng quy định của pháp luật và điều kiện thực tế ở các địa phương, bao gồm các hình thức chủ yếu sau đây:

2.1. Đổi điền, dồn thửa

Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện đổi điền, dồn thửa, giảm nhanh số thửa ruộng/hộ nông dân; đối với khu vực đồng bằng, ven biển phấn đấu còn 01 thửa/01 hộ, nhất là trên những cánh đồng chuyên canh, cùng cơ cấu cây trồng, để thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Căn cứ các quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế của từng địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền lựa chọn phương thức, cách làm phù hợp, xây dựng phương án, kế hoạch, vận động các hộ nông dân tự nguyện thực hiện đổi điền, dồn thửa. Cùng với thực hiện đổi điền, dồn thửa, phải thực hiện các thủ tục cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho các hộ dân thực hiện các quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để sản xuất quy mô lớn.

2.2. Thuê đất

- Đối với diện tích đất đai do các cơ quan nhà nước đang quản lý (đất công ích, đất dự phòng, đất chưa sử dụng,...), chủ yếu là diện tích đất do các nông trường, ban quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã, thị trấn quản lý: Khi các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân có nhu cầu đầu tư sản xuất phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, định hướng, quy hoạch sản xuất, thì Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuê đất với quy mô diện tích đủ lớn để đầu tư sản xuất. Các tổ chức, cá nhân thuê đất phải sử dụng đất đúng mục đích, chỉ được cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất khi có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giá thuê đất được thực hiện theo quy định.

- Đối với đất sản xuất đã giao quyền sử dụng cho các hộ dân: Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tự thỏa thuận, thuê lại đất của các hộ dân không còn nhu cầu, không có khả năng sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả không cao, để đầu tư sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao. Thủ tục thuê đất phải bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành, không thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thông qua hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận. Giá thuê đất theo thỏa thuận giữa bên thuê đất và bên cho thuê đất. Hình thức thuê đất này phải có sự quản lý của chính quyền địa phương theo đúng kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với định hướng sản xuất, đặc điểm, điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương; chính quyền là trọng tài đứng ra tổ chức các hoạt động đàm phán, giám sát thực hiện và giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân.

- Tiến hành thu hồi đất sản xuất nông nghiệp đối với các hộ dân được giao quyền sử dụng đất nhưng không tổ chức sản xuất, bỏ hoang để giao cho các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất theo quy định của pháp luật.

2.3. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Hình thức này được thực hiện khi người dân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nhưng không còn nhu cầu sản xuất chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. Các tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng đất đai trên diện tích đất được chuyển nhượng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp phải được thực hiện theo đúng quy định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các tổ chức, cá nhân. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nhận chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp sử dụng lao động tại địa phương trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh.

2.4. Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn

Khuyến khích các hộ dân có quyền sử dụng đất tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác là chủ thể đầu tư tổ chức sản xuất, các hộ dân tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; giá trị đất góp vốn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ dân.

Việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tổ chức sản xuất được thực hiện trên cơ sở tự thỏa thuận giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhưng phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi triển khai thực hiện. Nhà nước quản lý hình thức tổ chức sản xuất; quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.

Về tích tụ, tập trung đất đai thông qua hình thức các hộ dân tự nguyện góp đất cùng tổ chức sản xuất, tự liên kết sản xuất thì khuyến khích thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để tổ chức sản xuất.

2.5. Về xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai

Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, trong năm 2019 mỗi huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng ít nhất 1 mô hình tích tụ, tập trung đất đai. Sau khi kết thúc 1 chu kỳ sản xuất, tổ chức đánh giá cụ thể để làm cơ sở xây dựng phương án, kế hoạch nhân ra diện rộng.

3. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Kết hợp giữa huy động nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với nguồn lực từ doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, trong nhân dân để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; đặc biệt là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các khu sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản,…

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thông qua các hình thức thuê đất, nhận chuyển nhượng và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của các hộ dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao. Giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện thành công các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia các diễn đàn, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và ở nước ngoài để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quản lý vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và chất lượng sản phẩm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp.

Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp; trước mắt là giải quyết những bất cập trong sản xuất nông hộ, trong mối quan hệ sản xuất giữa hợp tác xã và nông dân, giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

4. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Thu hút các dự án công nghiệp sử dụng nhiều lao động vào khu vực nông thôn; phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển, nhất là các nghề truyền thống, để tạo nhiều việc làm cho lao động nông nghiệp.

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động ở khu vực nông thôn, nhất là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp để chuyển đổi nghề. Từng địa phương phải nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và năng lực dạy nghề của các cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp và địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động của địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành luật pháp, kỷ luật lao động, an toàn lao động, hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ tín dụng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tổ chức các hội chợ lao động trong tỉnh, tham gia các hội chợ lao động trong nước; mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài đến tìm hiểu, tuyển dụng nguồn lao động tại Thanh Hóa.

5. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh đã ban hành liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để có biện pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc; đồng thời nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách mới, có hiệu lực, hiệu quả cao bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, gồm:

- Cơ chế, chính sách thực hiện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp của nông dân khi nông dân không còn nhu cầu sử dụng đất để sản xuất.

- Cơ chế, chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, mặt nước cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đạt tiêu chuẩn công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Các cấp ủy đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy; các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các nội dung của Nghị quyết, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong tổ chức triển khai thực hiện.

  2. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng, ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, cần lưu ý:

- Giao chỉ tiêu thực hiện tích tụ, tập trung đất đai giai đoạn từ nay đến 30/6/2020, từ 2020 đến 2025 và từ 2026 đến 2030 cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, hoàn thành trước ngày 30/3/2019.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 30/4/2019.

- Xây dựng, ban hành hướng dẫn về thủ tục chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 30/6/2019.

- Xây dựng bộ tiêu chí về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao để làm cơ sở thực hiện tích tụ, tập trung đất đai trong toàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 30/4/2019.

- Chỉ đạo chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao.

  1. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh ban hành và giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai của tỉnh.

  2. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị; tập trung huy động nguồn lực để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai tại địa phương. Định kỳ hàng tháng, quý, năm, trong sinh hoạt cấp ủy phải đánh giá, kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung đất đai gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; phê bình, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

  3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Nghị quyết.

  4. Các Ban, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết; theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở các địa phương, đơn vị.

Văn phòng Tỉnh ủy định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết được phổ biến đến các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh./.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]