(Baothanhhoa.vn) - Người cựu binh ấy từng tham gia trận đầu đánh thắng không quân Mỹ tại Thanh Hóa. Ông cũng có mặt trong chiến dịch chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, đặc biệt là 81 ngày đêm gian khổ chiến đấu giữ từng tấc đất Thành cổ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một đời lính

Một đời lính

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Trung Thướng ôn lại kỷ niệm chiến tranh.

Người cựu binh ấy từng tham gia trận đầu đánh thắng không quân Mỹ tại Thanh Hóa. Ông cũng có mặt trong chiến dịch chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, đặc biệt là 81 ngày đêm gian khổ chiến đấu giữ từng tấc đất Thành cổ.

Tiếp đó, ông lại có tên trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ vô cùng quan trọng là đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Trung Thướng.

Ngôi nhà của ông Vũ Trung Thướng nằm ngay cạnh Quốc lộ 1A cũ thuộc khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Ông đón chúng tôi bằng nụ cười điềm đạm của một người dạn dày binh lửa. Bằng chất giọng đầm ấm, ông kế lại cho chúng tôi nghe con đường binh nghiệp của đời mình. Ông sinh năm 1944 trên mảnh đất An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Năm 1961, chàng trai trẻ Vũ Trung Thướng nhập ngũ vào Trung đoàn 38, Sư đoàn 308 ở tỉnh Hà Đông. Nhờ huấn luyện tốt, chàng lính trẻ được làm khẩu đội trưởng và được cử đi học tại Trường sĩ quan pháo binh 400 ở Sơn Tây. Cuối năm 1965, Mỹ huy động nhiều máy bay ồ ạt ném bom bắn phá các mục tiêu quan trọng, trong đó địa danh Thanh Hóa là một trọng điểm đánh phá ác liệt. Tháng 2-1966, người lính trẻ Vũ Trung Thướng tham gia trận đánh đầu tiên tại vùng biển các xã Quảng Thái, Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Hòa, Hải Ninh (Tĩnh Gia), Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Quảng Cư (Quảng Xương, nay thuộc TP Sầm Sơn). Lúc này, người lính trẻ Vũ Trung Thướng là cán bộ Trung đội thuộc Tiểu đoàn 13, quân khu Hữu Ngạn. Trung đội được giao 2 quả pháo để bắn trả tàu khu trục của đế quốc Mỹ. Dưới sự chỉ huy của người cán bộ trẻ Vũ Trung Thướng, đơn vị đã bắn cháy tàu khu trục của Mỹ.

Hoàn thành nhiệm vụ, cả đơn vị chuyển về Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đóng tại tỉnh Hòa Bình làm nhiệm vụ huấn luyện, tăng cường để đi B. Đến năm 1971, Trung đoàn 48 chuyển về huyện Nông Cống (Thanh Hóa) để hoạt động. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Trung đoàn 48 được lệnh chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Bước vào chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị (tháng 3-1972), người cán bộ trinh sát Vũ Trung Thướng được giao nhiệm vụ theo dõi, bám nắm tình hình quân địch về cách chỉ huy, lực lượng, phương tiện chiến tranh, cách bố trí binh hỏa lực để báo cáo cấp trên lập phương án tác chiến. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, người cán bộ trinh sát phải len lỏi vào đội hình của địch nắm thông tin, chỉ cần sơ suất nhỏ là nguy hiểm đến tính mạng. Với phương châm đánh chắc, tiến chắc, Trung đoàn 48 cùng các lực lượng của quân đội ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1-5-1972. Nhận định mất Quảng Trị là mất miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa hỏa lực cùng các đơn vị tinh nhuệ tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Trung đoàn 48 lại được lệnh xây dựng trận địa phòng ngự tại thị xã Quảng Trị và các vùng phụ cận để đánh địch bảo vệ Thành cổ. Tháng 6-1972, chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 Vũ Trung Thướng cùng đơn vị được giao nhiệm vụ chốt giữ ngã ba Long Hưng (chốt tiền tiêu), không cho chúng tiến vào Thành cổ. Với quyết tâm “Quan Sơn còn, Quảng Trị còn” (Quan Sơn là tên gọi của Trung đoàn 48), “còn người còn trận địa, còn người còn tiến công, quyết không cho địch bước qua ngã ba Long Hưng”, dưới sự chỉ huy của chính trị viên Vũ Trung Thướng, Đại đội 5 chỉ có 57 cán bộ, chiến sĩ đã đánh thắng một tiểu đoàn dù tăng cường hơn 500 quân địch. Sau đó, đơn vị tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chính trị viên Vũ Trung Thướng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 29-3-1973.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, Phó Chính ủy Trung đoàn 48 Vũ Trung Thướng được lệnh cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong suốt 16 ngày đêm hành quân thần tốc từ Ninh Bình vào Sài Gòn, khi đến đường Đông Trường Sơn thì trời mưa rát mặt, đơn vị phải chuyển sang đường Tây Trường Sơn để tiếp tục hành quân thì nắng nóng gay gắt, bụi bay mù mịt, thế nhưng toàn đơn vị quyết tâm có mặt tại địa điểm tập kết đúng thời gian được cấp trên ấn định. Trong suốt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 48 được giao nhiệm vụ cắm cờ lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu. Phó Chính ủy Trung đoàn 48 Vũ Trung Thướng giao nhiệm vụ cho Đại đội 5 thực hiện. Sáng ngày 30-4, Đại đội 5 là mũi chủ công đi đầu đánh vào cổng chính của Bộ Tổng tham mưu. Tổ cắm cờ của Đại đội 5 gồm đại đội trưởng Lại Đức Lưu, chính trị viên Trần Đình Ất và 3 đồng chí khác đã vượt qua những làn đạn của quân địch, tiến lên cắm được lá cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu lúc 10 giờ 30 phút. Tại đây, đơn vị đã thu được sổ công tác, gậy chỉ huy, bản đồ tác chiến, con dấu của Bộ Tổng tham mưu.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Phó Chính ủy Trung đoàn 48 Vũ Trung Thướng được cử đi học, sau đó về làm Sư đoàn phó – tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 tại thị xã Bỉm Sơn năm 1985. Sau đó, ông đưa gia đình về sinh sống tại đây. Đến nay, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng mỗi khi nhắc lại, những chiến công từ khắp các chiến trường vẫn vẹn nguyên trong miền ký ức của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Trung Thướng như vừa mới diễn ra.

Thu Vui


Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]