(Baothanhhoa.vn) - Trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19, họ - những chiến sĩ biên phòng ngày đêm đang băng rừng lội suối để tuần tra, kiểm soát. Những “lá chắn thép” nơi miền biên viễn không quản ngại gian khó, chỉ mơ ước một ngày cơn đại dịch sẽ đi qua, bình yên sẽ trở lại trên mọi miền đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Lá chắn thép” chống dịch miền biên viễn

“Lá chắn thép” chống dịch miền biên viễn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt tuyên truyền lưu động về công tác phòng, chống COVID-19. Ảnh: Hoàng Đông

Trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19, họ - những chiến sĩ biên phòng ngày đêm đang băng rừng lội suối để tuần tra, kiểm soát. Những “lá chắn thép” nơi miền biên viễn không quản ngại gian khó, chỉ mơ ước một ngày cơn đại dịch sẽ đi qua, bình yên sẽ trở lại trên mọi miền đất nước.

“Ăn lán - ngủ rừng”

Xã biên giới Bát Mọt (Thường Xuân) một ngày đầu tháng 4. Không khí lạnh tràn về và những cơn mưa giăng mắc khiến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt gặp nhiều gian nan trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Hai khóe mắt đỏ hoe, râu tóc lòa xòa, đôi chân chi chít vết vắt cắn, tôi gặp anh vừa lúc anh trở về đơn vị nhận tiếp phẩm cho tổ công tác. “Hết sạch gạo rồi đồng chí ạ, vừa đi tuần xong tôi phải vội ra ngay ngoài này để đưa thực phẩm vào cho anh em. Lát đồng chí có vào thì đi cùng tôi luôn” - Thượng úy Bùi Như Lực, Đội trưởng đội Kiểm soát Hành chính - Tổ trưởng chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 tại bản Đục, xã Bát Mọt, vội vã.

Như mở tấm lòng, chúng tôi theo chân anh vào “chiến tuyến”. 10h sáng, đường tuần tra biên giới Bát Mọt mịt mù sương, những con dốc cao uốn lượn quanh co, phải mất hơn 1 tiếng chúng tôi mới đến khu lán trại của tổ công tác nằm bên bìa rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Do đường vào địa bàn khó khăn, xa cách, tổ công tác được bố trí sinh hoạt tại một lán trại nhỏ ven rừng. Tổ công tác của thượng úy Lực gồm 8 người, lúc chúng tôi đến cũng là lúc các anh thay ca trực. “4 đi rồi lại 4 về, chúng tôi thay nhau túc trực 24/24h, hôm nay mưa thế này còn đỡ, mọi hôm phải 12 rưỡi trưa mới thay ca trực”, vị tổ trưởng chia sẻ.

“Lá chắn thép” chống dịch miền biên viễn

Bữa ăn vội tại chốt kiểm soát dịch của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt. Ảnh: Hoàng Đông

Vốn là khu vực rừng tự nhiên quanh năm ẩm ướt, sương mù bao phủ suốt ngày đêm, địa bàn công tác của cán bộ, chiến sĩ càng trở nên gian khó. Vắt rừng, ong đốt là chuyện xảy ra thường nhật. Trong khu lán trại được dựng tạm bằng những tấm nan tre, ngồi nói chuyện chưa đầy 30 phút, chiếc chiếu nan trên sàn đã ướt sũng, thượng úy Lực vội vàng nhóm lửa để xua muỗi.

Thượng úy Lực kể: “Khoảng 1 tuần đầu, nhiều đồng chí gần như kiệt sức, ban ngày đi khắp rừng sâu, đêm chợp mắt đôi chút thì bị lũ vắt, muỗi, côn trùng quấy phá. Những ngày sau anh em mới đỡ vất vả đôi chút, ngặt nỗi ở đây như chốn biệt lập nên đôi lúc cũng thấy buồn, anh em tự động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ...”.

“4 tại chỗ ở địa bàn biên giới”

Với địa bàn 17km đường biên giới kéo dài tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), ngoài công tác tuần tra, kiểm soát an ninh khu vực vùng biên, giữa cơn đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xác định những nhiệm vụ quan trọng nhất, ban chỉ đạo Đồn Biên phòng Bát Mọt đã lên kế hoạch, lập phương án tối ưu nhất để công tác chống dịch đạt hiệu quả.

Để ứng phó kịp thời, phương châm 4 tại chỗ “Hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ động tại chỗ” đã được vận dụng vào “cuộc chiến”.

12h trưa, sau thời gian nghỉ hồi sức, các chiến sĩ tại tổ công tác bản Đục bắt đầu cho bữa cơm trưa. Nói rồi người hái lá tàu bay bên suối, người mang can đi lấy nước bên khe, người thổi cơm, mỗi người 1 tay, chưa đầy 30 phút bữa cơm tạm với đử thứ rau rừng được dọn sẵn. Ở tổ công tác bản Đục này, đồng chí Vi Văn Chon được mệnh danh là “vua đầu bếp”, với biệt tài săn lá tàu bay, thổi cơm cháy nồi gang... siêu ngon, nên đầu bếp Chon thường luôn nhận công tác hậu cần tại tổ.

“Hai ngày chúng tôi lại ra đơn vị để tiếp phẩm 1 lần, vì thực phẩm không để được lâu nên bữa thứ 2 chủ yếu là rau rừng và cá khô cho tiện, cái gì chứ hoa chuối rừng với măng luộc lúc nào tôi cũng bao trọn gói, một buổi lội rừng là có ngay. Ngặt nỗi, biên giới những ngày này đang là mùa khô nên nước từ các khe suối cũng khan hiếm. Để có được nước sinh hoạt, phải dùng máng tre dẫn nước rồi dùng bạt làm mó trữ. Đôi lúc, buổi sáng vừa hứng được mó nước đầy, chiều về gặp đàn trâu ngang qua đẫm đen sì, khiến cả buổi sinh hoạt bị chững lại đến đêm khuya” - đầu bếp Chon vui vẻ kể.

Theo chia sẻ từ tổ công tác, đây là thời điểm hết sức “nóng”. Một mặt do diễn biến của dịch bệnh đang phức tạp, mặt khác lượng người lao động từ bên kia biên giới về cũng nhiều. Địa hình phức tạp, sương mù, mưa phùn khiến công tác tuần tra khó khăn, vất vả. “Chủ yếu họ di chuyển theo đường rừng, lợi dụng những hôm sương mù, mưa lớn để vượt biên nên rất khó kiểm soát, nếu để sơ suất sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng khi 1 trong số các trường hợp nhiễm bệnh về địa phương”. Một chiến sĩ trong tổ công tác chia sẻ.

Khó khăn vất vả là vậy, nhưng họ, những “lá chắn thép” giữa đại ngàn đang ngày đêm hy sinh tất cả chỉ với hy vọng rồi một ngày sớm mai họ thức dậy khi mặt trời hửng nắng, sự bình yên trở lại, đại dịch COVID-19 được dập tắt.

Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn biên phòng Bát Mọt, cho biết: “Do địa bàn công tác hiểm trở, phức tạp nên các tổ, chốt (tổ công tác, chốt kiểm soát phòng chống dịch) luôn được hướng dẫn sát sao. Đặc biệt phải áp dụng phương châm 4 tại chỗ vào những trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, không ngừng tuyên truyền đến người dân trên địa phương phải ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh để kiểm soát được người lao động từ bên kia biên giới trở về”.

Ngay từ cuối tháng 3, các cấp, ngành chức năng trên cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã xác định mục tiêu quan trọng nhất lúc này đó là tìm mọi phương án để phòng chống dịch hiệu quả, người người chống dịch, nhà nhà chống dịch.

Tại Đồn Biên phòng Bát Mọt, 12 tổ công tác được thành lập để thay nhau tuần tra, kiểm soát trên địa bàn. Xác định “chống dịch như chống giặc”, trước tình hình dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, nhất là khu vực biên giới giáp ranh có nhiều người lao động trái phép thường xuyên qua lại nên mọi nguồn nhân lực được chỉ đạo sát sao, chặt chẽ. Chưa đầy 1 tuần kể từ khi chiến dịch được thực hiện, tại các tổ công tác của đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 8 trường hợp người lao động trái phép đang di chuyển trong rừng. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, 8 trường hợp này đã được bàn giao đưa về khu cách ly tập trung.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về dịch bệnh cũng được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt chú trọng. Để truyền tải những thông tin hữu ích, kịp thời đến người dân. Các chiến sĩ đã “đến tận nơi, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, phát tờ rơi, đồng thời phát miễn phí hơn 200 khẩu trang y tế cho người dân trên địa bàn xã Bát Mọt, tư vấn sức khỏe cho người dân, khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người, tự giác khai báo y tế để chung tay phòng chống dịch COVID-19.

...

Đã gần một tháng, Thượng úy Bùi Như Lực chưa về quê thăm người vợ trẻ đang mang bầu. Đồng đội của anh, Trung úy Nguyễn Văn Dương, Đội trưởng Đội trinh sát cũng từ miền biên viễn thắp nén hương thơm nhân ngày giỗ bố... Chia tay những “lá chắn thép” nơi miền biên viễn, chúng tôi đầy ắp niềm tin về một tuyến biên giới bình yên. Nơi đó, dẫu còn muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng những người lính mang quân hàm xanh đang từng ngày, từng giờ sát cánh cùng đồng bào các dân tộc tạo nên phòng tuyến vững vàng chống dịch.

Tuấn Kiệt - Hoàng Đông


Tuấn Kiệt - Hoàng Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]