(Baothanhhoa.vn) - 48 năm về trước, mảnh đất Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt, là “túi bom” của kẻ thù. Cuộc chiến tại Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 390 anh hùng thông qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử quý giá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức Quảng Trị qua những hiện vật lịch sử

48 năm về trước, mảnh đất Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt, là “túi bom” của kẻ thù. Cuộc chiến tại Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 390 anh hùng thông qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử quý giá.

Ký ức Quảng Trị qua những hiện vật lịch sửSa bàn chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.

Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 tiền thân là Đại đoàn Đồng Bằng (mang phiên hiệu 320) được thành lập năm 1951 xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Năm 1965, Sư đoàn 320 rút gọn cán bộ thành lập một Sư đoàn mang phiên hiệu 320B. Đến năm 1979, Sư đoàn 320B đổi phiên hiệu thành Sư đoàn 390. Tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, tất cả những chiến công vang dội, oanh liệt của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng cho sư đoàn được lưu giữ trang trọng, cẩn thận. Trong đó, phần hình ảnh, hiện vật về chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 khá phong phú và đa dạng, thể hiện sinh động, trọn vẹn từng sự kiện lịch sử của sư đoàn.

Trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, Sư đoàn 320B đã cùng các đơn vị bạn tham gia chiến đấu và chiến thắng nhiều trận lớn nhỏ. Từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Ái Tử, Quán Ngang, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cửa Việt đến đỉnh cao là 81 ngày đêm kiên cường chốt giữ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Với khẩu hiệu “Còn một người còn trận địa, còn một mũi vẫn tiến công”, 500 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng ở chiến trường Quảng Trị đã tạo niềm tin và sức mạnh to lớn để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320B tiếp tục bước vào trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn. Sau khi giải phóng các huyện ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị, các đơn vị thuộc Sư đoàn 320B đã cùng các đơn vị bạn thừa thắng xông lên truy kích tiêu diệt địch. Trong đó, Trung đoàn 27 triển khai phương án tiến công điểm cao 544; Đoàn hải quân 14 hiệp đồng chặt chẽ, liên tục bám trụ đánh địch trên vùng biển và lập nhiều chiến công oanh liệt; Trung đoàn 48 với hơn 2.000 chiến sĩ là con em Thanh Hóa tiến công trải rộng từ Dốc Miếu - Cồn Tiên đến Quất Xá - Tân Tường, đánh chiếm toàn bộ chi khu, huyện lỵ Cam Lộ... Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Trung đoàn 48 cùng các lực lượng của quân đội ta đã chiến đấu không khoan nhượng trước kẻ thù và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1-5-1972.

Qua lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhân viên tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 390, mỗi hiện vật đưa chúng tôi trở về thời kỳ rực lửa của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn năm xưa. Nhận định mất Quảng Trị là mất miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa hỏa lực cùng các đơn vị tinh nhuệ tập trung tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị trở thành tâm điểm nóng bỏng trong mùa hè rực lửa 1972, là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và quân địch. Để phá hủy mục tiêu rộng chỉ 2.160 m2, Mỹ đã huy động một lực lượng đông đảo, cùng khối lượng bom đạn khổng lồ trút xuống thị xã nhỏ bé này. Hứng 328.000 tấn bom các loại, mọi sự sống trong Thành cổ tưởng chừng đã bị xóa sạch. Thế nhưng, cuộc đối đầu giữa mặt đất và bầu trời vẫn không dừng lại. Trong lòng Thành cổ, nơi những bức tường không còn nguyên vẹn và trên mỗi tấc đất đã bị bom đạn cày xới vô số lần, nhiều cuộc chiến đấu ngoan cường vẫn diễn ra.

Khẩu hiệu “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” được lưu giữ cho đến hôm nay thể hiện quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Để chống trả lại sự tàn phá ác liệt, thâm độc của kẻ thù, các mũi tiến công của quân đội ta đồng loạt bắn phá vào đội hình quân địch. Trung đoàn 48 tiến công chi khu quân sự Gio Linh; Tiểu đoàn 3 bằng những viên đạn cối chính xác giáng xuống đầu lính dù Ngụy tại ngã ba Long Hưng; các mũi tiến công khác đánh chiếm căn cứ Ái Tử, Triệu Phong, Hải Lăng... Tại chiến trường vô cùng ác liệt ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên mình mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn quyết không rời trận địa, kiên cường bám trụ, cứ người này ngã xuống người khác lại bước đến thay thế. Vì vậy mà mục tiêu của giặc Mỹ là cắm cờ trong Thành cổ, nhưng hết lần này đến lần khác chúng vẫn không thực hiện được.

Trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất. Điển hình là tấm gương anh hùng Mai Ngọc Thoảng, người bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng nối dây điện giữa dòng sông Thạch Hãn trong lúc bom đạn của quân địch trút xuống như mưa để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc. Anh hùng Kiều Ngọc Luân, người đạt danh hiệu dũng sĩ ưu tú có thể sử dụng được 6 loại vũ khí và cùng đồng đội đánh thắng nhiều đợt phản kích của địch. Với nhiều thành tích trong chiến đấu, anh hùng Kiều Ngọc Luân được vinh dự ra Hà Nội gặp Bác và chụp ảnh với Bác Hồ. Nhiều loại súng anh hùng Kiều Ngọc Luân sử dụng để tiêu diệt xe tăng, phá hủy xe cơ giới và tiêu diệt nhiều tên địch hiện vẫn được lưu giữ cẩn thận.

Tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, tấm ảnh chiến sĩ Trần Xuân Mớn, Trung đoàn 48 - người bắn chết tên địch cắm cờ trên nóc Thành cổ Quảng Trị và hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay trên tháp canh của thị xã Quảng Trị năm 1972 được treo trang trọng. Bên cạnh những hiện vật minh chứng cho thắng lợi của chiến dịch Quảng Trị là mảnh xác máy bay OV10 của quân địch bị pháo cao xạ của Tiểu đoàn 16 và đơn vị tên lửa A72 phối thuộc bắn rơi tại chốt Long Quang, mảnh xích xe tăng và một số giấy tờ, phù hiệu, biển tên, cầu vai của tướng tá Ngụy do cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320B thu được của địch trong chiến dịch.

Những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật về chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị được lưu giữ, trưng bày không chỉ góp phần soi sáng lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 390 hôm nay đối với các thế hệ cha anh đi trước. Để âm vang cách mạng mãi mãi trường tồn, việc giáo dục truyền thống qua các hình ảnh, kỷ vật sẽ giúp mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy “thiên sử vàng” chói lọi trong thời đại mới.

Bài và ảnh: Thu Vui


Bài Và Ảnh: Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]