(Baothanhhoa.vn) - Để chi viện kịp thời nhân lực, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, cùng với con đường vận tải trên bộ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở con đường vận chuyển chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển. “Con đường huyền thoại” với những đoàn “Tàu không số” ra đời đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ký ức những con “Tàu không số”

Để chi viện kịp thời nhân lực, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, cùng với con đường vận tải trên bộ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở con đường vận chuyển chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển. “Con đường huyền thoại” với những đoàn “Tàu không số” ra đời đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 62 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2023): Ký ức những con “Tàu không số”Một con tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: tư liệu

Ngày 19/5/1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt được thành lập, có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa và tổ chức đưa, đón cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125, Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng ngày nay) được thành lập. Từ quá trình trinh sát, trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Nhằm che mắt quân địch và để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải quân sự đặc biệt này, những chiếc tàu của Đoàn 759 đã cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, còn bộ đội đóng giả làm dân vạn chài để trà trộn, xen lẫn vào những chiếc tàu đánh cá của ngư dân để hoạt động. Tên gọi “Tàu không số” ra đời từ đó. Trên con đường biển mang tên Bác, cán bộ, chiến sĩ “Tàu không số” đã bí mật, mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn của biển cả và sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của kẻ thù để cập bến an toàn, chi viện đắc lực sức người, sức của cho nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà tuyến đường bộ không thể vươn tới được.

Thanh Hóa là địa phương có nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng vận tải quân sự đặc biệt ấy. Trò chuyện với chúng tôi, những kỷ niệm thời chiến lại ùa về khiến cựu chiến binh Trần Hữu Điểu, phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) nhớ đồng đội, nhớ những chuyến tàu bí mật luôn ẩn chứa đầy hiểm nguy. Trong 11 chuyến đi vận chuyển vũ khí, hàng hóa và cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam, ông Điểu nhớ nhất là chuyến đi cuối cùng. Theo dòng hồi tưởng, ngày 12/4/1972, Tàu 54 đổi phiên hiệu thành Tàu 645 xuất phát từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) để tránh sự phát hiện của kẻ thù. Trong chuyến đi này, Tàu 645 vận chuyển 100 tấn vũ khí cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tiếp ứng cho chiến trường miền Nam. Sau 10 ngày lênh đênh trên biển, ngày 23/4/1972, Tàu 645 đến đảo Phú Quốc và chờ đêm xuống sẽ cập bến ở Cà Mau theo kế hoạch. Thế nhưng đến chập tối, tàu địch xuất hiện, đánh tín hiệu yêu cầu kiểm tra. Quyết không để tàu rơi vào tay địch, thuyền trưởng Lê Hà bình tĩnh chỉ huy các thủy thủ cho tàu quay ra vùng biển quốc tế và ngụy trang làm ngư dân đánh cá. Sáng 24/4/1972, khi xác định rõ Tàu 645 giả danh tàu đánh cá, quân địch nổ súng bắn uy hiếp với mục tiêu bắt sống toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Trước tình thế vô cùng nguy hiểm, thuyền trưởng Lê Hà quyết định nổ súng chống trả. Tàu 645 trúng một quả đạn pháo lớn, bị hư hỏng nặng, một số chiến sĩ trên tàu hy sinh. Quyết không để con đường vận tải chiến lược bị bại lộ, thuyền trưởng Lê Hà nhanh chóng ra lệnh “nổ bộc phá, phá tàu”. Các đồng chí bị thương và những người không có nhiệm vụ nổ bộc phá chia từng tốp nhỏ để rời tàu. Bơi được một khoảng khá xa thì tôi nghe tiếng tàu nổ dữ dội, trên mặt biển bùng lên ngọn lửa khổng lồ. Tàu đã bị phá hủy, nhưng cả 15 người được lệnh rời tàu đều bị trực thăng của Mỹ trinh sát và bị tàu chiến của Mỹ vây bắt, đưa về trại giam Phú Quốc. Sau gần một năm bị giam cầm, quân địch đã sử dụng rất nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng cả 15 cán bộ, chiến sĩ đều không ai khai báo, vì thế quân địch không khai thác được gì. Cho đến khi Hiệp định Pari được ký kết thì chúng tôi được trao trả. Chuyến đi lịch sử ấy, tôi mãi mãi không bao giờ quên được.

Kỷ niệm 62 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2023): Ký ức những con “Tàu không số”Cựu chiến binh Trần Hữu Điểu, phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) ôn lại kỷ niệm tham gia đoàn “Tàu không số”.

Đã 81 tuổi, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồng, xã Đông Nam (Đông Sơn) còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Trong ký ức của ông vẫn hằn in những kỷ niệm cùng đoàn “Tàu không số”. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồng kể: Tháng 10/1969, tôi được bổ sung xuống Tàu 69B và làm đài trưởng của tàu. Chuyến đi đầu tiên tôi tham gia, Tàu 69B nhận lệnh chở 70 tấn vũ khí cập bến ở huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Thời kỳ ấy, máy bay của Mỹ phong tỏa, theo dõi gắt gao nên mới đi được một ngày, một đêm thì Tàu 69B bị quân địch nghi ngờ, chúng bám theo rất chặt nên chúng tôi phải giả danh tàu đánh cá để di chuyển. 3 ngày sau đó, lợi dụng sóng to, gió lớn và sương mù dày đặc, thuyền trưởng Tàu 69B quyết định cho tàu cập bến. Để mất mục tiêu, máy bay Mỹ thả đèn dù sáng rực trời truy tìm. Khi phát hiện Tàu 69B, máy bay Mỹ bắn liên tục, các tàu chiến của Mỹ cũng bắn xối xả để tiêu diệt. Cuộc chiến không cân sức diễn ra giữa con Tàu 69B đơn lẻ và kẻ thù hung hãn, được trang bị vũ khí tối tân. Sau một hồi chiến đấu, 10 chiến sĩ trên tàu đã hy sinh. Biết tàu không thể thoát, thuyền trưởng Tàu 69B lệnh cho những người còn lại rời tàu bơi vào bờ, còn 3 người ở lại làm nhiệm vụ nổ bộc phá phá hủy tàu và toàn bộ vũ khí. Trên tàu đã được cài sẵn thuốc nổ, sau lệnh điểm phá hủy tàu, một tiếng nổ dữ dội vang lên chấn động cả một vùng biển. Mệnh lệnh “đánh bộc phá, phá tàu” được phát ra là điều duy nhất đúng trong tình thế cấp bách đó. May mắn với chúng tôi là cả 9 người rời tàu đều bơi được vào bờ và được du kích tìm thấy đưa về trạm xá tiền phương chăm sóc. Sau chuyến đi ấy, tôi trở ra Bắc và tiếp tục tham gia vận chuyển vũ khí, hàng hóa bằng đường biển vào chiến trường tỉnh Quảng Trị cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Từ năm 1961 đến 1975, những con đường, những bến bãi tập kết vũ khí đều nằm trong vùng bị kìm kẹp, truy quét, đánh phá ác liệt của địch. Nhiều chuyến đi phải quay về không làm cán bộ, chiến sĩ nản lòng. Cách này không đi được ta nghĩ cách khác; đường này bị địch theo dõi ta mở đường mới; khi địch phát hiện, áp sát tấn công ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật con đường... Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm cho kẻ thù kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về tinh thần dũng cảm, tính sáng tạo của những con tàu và cả những con người trên tàu. Cùng với những con đường trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa dân tộc Việt Nam đi đến mùa xuân toàn thắng. Hơn 60 năm qua, những chiến công hiển hách, những câu chuyện huyền thoại của đoàn “Tàu không số” và đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn mãi là niềm tự hào của quân đội và Nhân dân Việt Nam.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]