(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII, sáng 9-7, các đại biểu đã chia thành 5 tổ để thảo luận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII, sáng 9-7, các đại biểu đã chia thành 5 tổ để thảo luận.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu tổ 3 tiến hành thảo luận tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII. (Ảnh: Minh Hiếu)

Tổ 1 do đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm tổ trưởng; Tổ 2 do đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí Thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh làm tổ trưởng; Tổ 3 do đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm tổ trưởng; Tổ 4 do đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm tổ trưởng; Tổ 5 do đồng chí Lại Thế Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm tổ trưởng.

Bám sát vào các tài liệu của kỳ họp và 3 nhóm vấn đề lớn mà đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gợi ý thảo luận, với sự điều hành của các tổ trưởng, các đại biểu tập trung phân tích và làm rõ bức tranh toàn diện về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019 với nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, đặc biệt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 22,18% là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả đó, các đại biểu cũng chỉ rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019.

Bên cạnh đó, các đại biểu đi sâu phân tích những hạn chế, đề ra những giải pháp khắc phục; bàn về những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2019 mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.

Thảo luận tại tổ 3, đại biểu Dương Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Như Xuân thống nhất cao với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Điều này thể hiện hướng đi đúng đắn của tỉnh, tạo ra hiệu quả và niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Đồng chí nhấn mạnh, hiện nay thực trạng quản lý, sử dụng đất nông lâm trường không hiệu quả. Một số diện tích đất cho thuê khoán, chưa tập trung vào đầu tư nên giá trị thu được trên một diện tích thấp. Việc giao đất của các nông lâm trường cho các địa phương quản lý còn chậm. Đối với sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là cây cao su hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trước đây tỉnh rất coi trọng sự phát triển của giống cây này với nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển. Tuy nhiên, nhiều năm nay giá cao su xuống thấp, tỉnh lại không có chính sách hỗ trợ nên người dân gặp không ít khó khăn, một số gia đình đang có xu hướng chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần đánh giá tổng thể về diện tích và hiệu quả kinh tế để cho chủ trương giữ nguyên hay chuyển đổi diện tích trồng cây cao su sang các giống cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn để bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Dương Văn Mạnh. (Ảnh: Thu Vui)

Như Xuân đã ra khỏi huyện nghèo tháng 3-2018. Sau khi ra khỏi huyện nghèo, Chính phủ cắt giảm các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và vốn duy tu, bảo dưỡng các công trình trên địa bàn huyện. Trong khi đó, tỉnh lại chưa đưa vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 nên huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn nâng cấp, cải tạo các công trình hư hỏng, xuống cấp và bổ sung các công trình đã được phê duyệt theo Đề án 30a vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, giúp huyện giảm bớt khó khăn trong thời gian đầu thoát khỏi huyện nghèo.

Thảo luận tại tổ 5, đại biểu Ngô Tôn Tẫn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 22,18%, là một trong những tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, tạo sức lan toả, phát huy truyền thống của đảng bộ tỉnh trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; tình hình an ninh trật tự , trật tự an toàn xã hội bảo đảm, lực lượng công an đã thực hiện thành công nhiều chuyên án lớn, triệt xóa một số tổ chức tín dựng đen hoạt động với quy mô liên tỉnh, đường đây đánh bạc “nghìn tỷ” trên mạng internet…

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Ngô Tôn Tẫn. (Ảnh: Thanh Huê)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Một trong những nguyên nhân của hạn chế yếu kém là: một bộ phận cán bộ tham mưu từ huyện đến tỉnh trình độ, năng lực hạn chế, công tác tham mưu chưa sát với tình hình; một số cán bộ chưa tâm huyết nhiệt tình với công việc nên chưa có những giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong công việc; trong chỉ đạo điều hành; một bộ phận cán bộ chỉ đạo điều hành chưa thực sự quyết liệt; công tác quản lý, còn nhiều dự án chậm tiến độ… Do vậy thời gian tới, tỉnh cần có những pháp quyết liệt để nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Phạm Bá Diệm. (Ảnh: Lê Phượng)

Đề cập đến tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, đại biểu Phạm Bá Diệm, Bí thư Huyện uỷ Quan Hoá (tổ 1), cho biết, trước thực trạng các cơ sở sản xuất, chế biến giấy trên địa bàn xả thải, gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, huyện QUan Hóa đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện công tác quản lý môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nhờ đó đã giảm thiểu đáng kể các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, sở dĩ tình trạng này vẫn còn tiếp tục tái diễn là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ. Cùng với đó, ở góc độ vai trò quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương vẫn còn khá lúng túng, thiếu cán bộ chuyên trách, hạn chế về các thiết bị, kỹ thuật, trình độ chuyên môn để xác định vi phạm trong lĩnh vực này. Bởi vậy, để khắc phục triệt để vấn đề này, huyện đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng công tác khắc phục của các cơ sở sau xử lý vi phạm.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Nguyễn Tiến Ngọc thảo luận tại tổ 2. (Ảnh: Trần Thanh)

Trăn trở với câu chuyện “chuyển dịch cơ cấu cây trồng", đại biểu Nguyễn Tiến Ngọc, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc (Tổ 2) cho rằng: Trong thời gian qua, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn chậm, chưa tạo ra những vùng liên kết theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, các địa phương có tiềm năng, lợi thế dọc tuyến đường Hồ Chí Minh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tiến Ngọc, cũng đề cập đến việc đề nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đang còn phân tán, manh mún nhỏ lẻ, gây khó khăn trong đầu tư.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp, đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nga Sơn khẳng định, thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai hiệu quả vấn đề tích tục ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người nông dân. Mới đây, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị Quyết số 13 -NQ/TU về “Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn ở các địa phương, tỉnh cần sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Mai Văn Hải: Thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai hiệu quả vấn đề tích tục ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người nông dân. (Ảnh: Trần Thanh)

Bên cạnh đó, đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục hướng dẫn và có những giải pháp, cơ chế sát hợp để giúp các địa phương triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đại biểu Nguyễn Văn Ấp, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Hậu Lộc cho rằng kinh tế biển hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức trong đó nổi cộm là các vấn đề như khó khăn trong tổ chức đánh bắt xa bờ; trình độ dân trí, trình độ công nghệ trong khai thác, nuôi trồng của người dân còn hạn chế; hoạt động sản xuấn vẫn còn mang tính tự cung, tự cấp, công nghệ sản xuất thô sơ, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình, thời tiết; thị trường ngày càng khắt khe hơn với yêu cầu vệ sinh và chất lượng; hoạt động hỗ trợ vốn vay cho ngưu dân còn hạn chế… Để khắc phục tình trạng khó khăn trong phát triển kinh tế biển hiện nay, huyện đề nghị tỉnh cần sớm có nghị quyết chuyên đề, tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển và nuôi trồng, phát triển kinh tế nghề biển.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Lê Tiến Lam. (Ảnh: Lê Hà)

Trong phần thảo luận, đại biểu Lê Tiến Lam, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương đã phân tích, giải trình hạn chế của ngành về những sản phẩm truyền thống của tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn đầu ra do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống chưa được áp dụng khoa học kỹ thuật, công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp lớn chưa nhiều, đầu tư cho cụm công nghiệp dàn trải... Giải trình về ý kiến của cử tri về công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp lớn chậm dẫn đến việc thu hút nhà đầu tư chậm, đồng chí Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành và tỉnh đã rất quan tâm nhưng do chính quyền địa phương, Ban quản lý dự án chưa thực sự tích cực vào cuộc đẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện theo tiến độ đề ra.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Lê Anh Xuân. (Ảnh: Trần Thanh)

Đại biểu Lê Anh Xuân, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá cho biết, đối với công tác GPMB các dự án, những khó khăn, vướng mắc liên quan chủ yếu đến từ việc xác định nguồn gốc đất. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, nhất là công tác quản lý nhà nước về đất đai trước đây lỏng lẻo nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Lê Đình Hải. (Ảnh Lê Phượng)

Đại biểu Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân đề nghị cần sớm thực hiện tái định cư, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trong các khu quy hoạch, trong đó đặc biệt là 31 hộ dân trong vùng quy hoạch Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Năm 2004, thực hiện quy hoạch mở rộng và trùng tu tôn tạo, xây dựng Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, tỉnh đã khuyến khích và có kế hoạch di dời 31 hộ dân trong vùng quy hoạch, đến nay đã 15 năm nhiều hộ dân gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở, nhà xuống cấp không được sửa chữa hay xây dựng mới… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: Tố Phương)

Về việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đại biểu Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, Thanh Hóa là tỉnh đi đầu cả nước với 4 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản thực phẩm. Nhưng sau khi xây dựng xong, việc phát triển lại kém hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh còn có 13 nhãn hiệu tập thể được công nhận nhưng cũng chưa phát triển được nhiều. Nguyên nhân là do chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào những lĩnh vực này nên thị trường tiêu thụ chưa bền vững, việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng chưa đạt chất lượng cao. Đối với chất lượng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, từ 2016 đến nay, toàn tỉnh có 119 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu, không có nhiệm vụ nào không phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, số nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở nhóm xã hội nhân văn hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn rất thấp, chỉ có lĩnh vực phát triển nông nghiệp mới cho hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn cao.

Phát biểu ý kiến tại tổ 2, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao tinh thần tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm, thẳng thắn của các đại biểu trong việc chỉ ra những tồn tại hạn chế, bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, nêu lên nhiều giải pháp để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại tổ 2. (Ảnh: Trần Thanh)

Để có tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân tích, làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu thảo luận, như: Việc triển khai hiệu quả các dự án đầu tư đã có và thu hút các dự án đầu tư mới; quan tâm phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp theo hướng bền vững; ưu tiên phát triển doanh nghiệp thành lập mới, quan tâm đến doanh nghiệp đã có; tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp giữa các ngành, địa phương để làm tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tình trạng thiếu giáo viên; vấn đề bảo vệ môi trường ở các địa phương; việc thực hiện các tiêu chí cứng trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhóm PV


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]