(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hoằng Hóa quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào nền nếp. Qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi quy chế dân chủ được phát huy

Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hoằng Hóa quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào nền nếp. Qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nhờ thực hiện tốt QCDC, người dân xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) đã đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Sức mạnh của dân chủ

Chúng tôi đến xã Hoằng Phú một ngày tháng 10, nắng trải vàng trên cánh đồng bao la bát ngát của vụ lúa mùa 2018 đang thời kỳ thu hoạch. Trên con đường giao thông nội đồng thẳng tắp, rộng lớn, bà con nông dân rôm rả trò chuyện: Lúa trồng thử nghiệm mà cho năng suất như thế này thì thắng lợi rồi. Nếu để bà con mình trồng nhỏ lẻ thì chắc chắn năng suất không được như thế này.

Giải thích về câu chuyện rôm rả của bà con nông dân, đồng chí Lê Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Phú, cho biết: Hoằng Phú là một trong những địa phương có truyền thống sản xuất lúa từ trước đến nay, bởi thổ nhưỡng nơi đây rất thuận lợi cho trồng những giống lúa chất lượng cao. Tuy cùng trồng từ một giống lúa nhưng hạt gạo trên vùng đất Hoằng Phú bao giờ cũng cho cơm dẻo, có mùi thơm và vị đậm đà hơn vùng khác. Xuất phát từ điều kiện thổ nhưỡng trên, đảng ủy, UBND xã có chủ trương và thực hiện xây dựng 25 ha sản xuất lúa làm ra hạt gạo sạch Phú Khê. Để thực hiện được vùng trồng lúa và làm ra thương hiệu gạo sạch Phú Khê này, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân cho HTX dịch vụ nông nghiệp thuê đất sản xuất. Sau đó, HTX đứng ra thuê lao động của các hộ có đất cho HTX thuê để sản xuất theo hướng dẫn của HTX. Bước đầu, cho kết quả khả quan, người dân không cần phải bỏ vốn sản xuất, không phải lo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, không lo thất thu vì dịch bệnh... mà ngược lại được tiền cho thuê ruộng, được hưởng công lao động trên chính đồng đất của mình nên rất đồng tình, ủng hộ phát triển sản xuất.

Không chỉ người dân đồng thuận trong xây dựng cánh đồng sản xuất lúa, làm ra thương hiệu gạo sạch Phú Khê mà trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bà con nông dân cũng rất đồng thuận, bởi mọi việc đều được công khai, bàn bạc một cách dân chủ, người dân thấy hợp tình, hợp lý là ủng hộ rất nhiệt tình. Chính vì vậy mà từ năm 2012-2017, xã đã huy động nguồn lực với tổng kinh phí gần 136,4 tỷ đồng XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp 90.419 triệu đồng. Xã đã về đích NTM so với mục tiêu đề ra trước một năm. Không bằng lòng với kết quả đạt được, xã đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường giao thông trong xã, các công trình bổ trợ cho trường học....

Cũng như Hoằng Phú, khi huy động nguồn lực trong dân lớn cần phải thực hiện nghiêm túc QCDC. Bởi dân chủ là gốc của công tác vận động quần chúng. Với phương thức này, xã Hoằng Đạo đã huy động nhân dân đóng góp trên 142,6 tỷ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng, chỉnh trang và xây dựng nhà cửa theo chuẩn NTM. “Từ những việc lớn như đóng góp tiền để xây trường học, làm đường giao thông, xây dựng kênh mương nội đồng, hay những việc nhỏ như trồng hoa hai bên đường làng ngõ xóm, tất cả đều được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân. Khi mọi người dân đều đồng tình, thì công việc được triển khai rất dễ dàng, thuận lợi. Bài học quý được rút ra chính là địa phương biết dựa vào dân, khơi nguồn sức dân, cùng làm nên sức mạnh của hệ thống chính trị” - đồng chí Mai Văn Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hoằng Đạo chia sẻ.

Tạo đồng thuận trong dân

“Có thể khẳng định, việc thực hiện QCDC đã góp phần quan trọng vào sự đổi mới công tác điều hành của chính quyền. Cán bộ sâu sát dân hơn, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân trong việc xây dựng chương trình kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Biểu hiện rõ nét nhất là phương thức và lề lối làm việc của chính quyền cơ sở đã chuyển biến theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa. Mặt trận, các đoàn thể khắc phục hoạt động theo lối hành chính hóa và đổi mới phương thức hoạt động, chuyển hướng tập trung về địa bàn khu dân cư, việc xây dựng kế hoạch chương trình hoạt động, các cuộc vận động, các phong trào cụ thể hơn, thiết thực hơn và đa dạng các hình thức tập hợp quần chúng. Đặc biệt, QCDC đã tạo ra những tác động rộng lớn hơn trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia vào công cuộc XDNTM. Vì vậy, hầu hết các tuyến đường, ngõ xóm đều được nhân dân trực tiếp đóng góp để cùng Nhà nước nâng cấp, mở rộng, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn huyện. Tính từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn vốn huy động XDNTM của toàn huyện đạt hơn 1.131 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 64,3 tỷ đồng; vận động hiến tặng đất được 84.407 m2, huy động được 65.853 ngày công của nhân dân tham gia đóng góp XDNTM” - đó là đánh giá của đồng chí Lê Xuân Thu, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở và thực hiện QCDC huyện Hoằng Hóa khi trao đổi với chúng tôi về việc xây dựng cơ sở và thực hiện QCDC trên địa bàn huyện.

Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, theo đồng chí Lê Xuân Thu, hằng năm các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; công khai những chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình XDNTM, các dự án, các chế độ an sinh xã hội, các chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện các dự án; các quy định, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân biết nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện thời gian qua là thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tất cả những vấn đề có liên quan đến người dân đã được các địa phương, ban, ngành công khai bằng nhiều hình thức, qua đó nhân dân được biết, được làm, được kiểm tra nên khi huy động sức dân rất thuận lợi. Điển hình là trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XDNTM. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp xã, thôn để nhân dân trực tiếp nghe, bàn bạc và tham gia đóng góp ý kiến, thống nhất các phương án thực hiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định mức huy động nhân dân đóng góp, các nguồn lực do nhân dân hiến, tặng... đều được thông báo công khai tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã có 25/42 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2018, huyện tập trung chỉ đạo 15 xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí XDNTM, đến hết tháng 9 có 5 xã hoàn chỉnh hồ sơ chờ thẩm định, công nhận.

Ngoài ra, thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã góp phần tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Công tác cải cách hành chính; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm triển khai ở các địa phương. Riêng năm 2017 và 9 tháng năm 2018, huyện đã tiếp hơn 1.000 lượt người đến khiếu nại, đề nghị, hỏi; tiếp nhận và xử lý hơn 500 đơn, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã làm rõ đúng, sai, góp phần ổn định tình hình địa phương và hạn chế tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp.

Việc thực hiện quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân cũng được lãnh đạo huyện, các xã, thị trấn quan tâm thực hiện. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã tổ chức các hội nghị đối thoại với nhân dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, đồng thời tiếp thu những đóng góp của nhân dân trong việc ban hành chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách một cách cụ thể. Cùng với đó, vai trò giám sát của nhân dân được phát huy. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở các xã, thị trấn và khu dân cư đã kịp thời tham gia, phối hợp với chính quyền giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giám sát xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn dân cư....

Có thể khẳng định, việc tập trung thực hiện QCDC ở cơ sở trong những năm qua của huyện Hoằng Hóa đã tác động tích cực đến mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Huyện ủy Hoằng Hóa tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về dân chủ, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự đồng đều trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn việc thực hiện QCDC với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương; XDNTM bền vững và phát triển; quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.


Bài và ảnh: Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]