(Baothanhhoa.vn) - Đầu năm 1954, thực hiện phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”, quân đội ta lần đầu tiên đưa pháo hạng nặng 105 ly và pháo cao xạ vào chiến đấu. Việc đưa được những khẩu pháo nặng trên 2 tấn chỉ với sức người vượt qua rừng rậm và những ngọn núi chót vót vào chiến trường Điện Biên Phủ là một kỳ tích, vượt quá sự tưởng tượng của kẻ thù.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyền thoại con đường kéo pháo

Huyền thoại con đường kéo pháo

Cựu chiến binh Phạm Đức Cư - nguyên cán bộ thông tin Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351 thăm lại nơi anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện hy sinh.

Đầu năm 1954, thực hiện phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”, quân đội ta lần đầu tiên đưa pháo hạng nặng 105 ly và pháo cao xạ vào chiến đấu. Việc đưa được những khẩu pháo nặng trên 2 tấn chỉ với sức người vượt qua rừng rậm và những ngọn núi chót vót vào chiến trường Điện Biên Phủ là một kỳ tích, vượt quá sự tưởng tượng của kẻ thù.

Trong báo cáo nghiên cứu của tình báo Pháp về công tác chuẩn bị cho việc tham chiến của đối phương có đoạn viết: “Mở đường đưa đại bác vào Điện Biên Phủ là công việc của Héc-quyn. Những đường mòn đơn giản cũng chẳng bao giờ được vạch ra”. Dĩ nhiên không có một Héc-quyn nào cả, chỉ có tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm “quyết chiến quyết thắng” của cả một dân tộc đã biến thành sức mạnh vĩ đại: Tinh thần của Héc-quyn. Chỉ trong vòng một đêm, các chiến sĩ Đại đoàn 308, một đại đội sơn pháo, một tiểu đoàn công binh hơn 5.000 người đã san rừng, bạt núi hoàn thành xuất sắc con đường kéo pháo với chiều dài 15km, chiều rộng 3m chạy từ cửa rừng Nà Nhạn, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, xuống bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới bản Nghễu vào trận địa. Đây là con đường kéo pháo bằng tay duy nhất chưa từng có trên thế giới, thực sự là con đường huyền thoại.

Những ngày đầu tháng 3, hoa ban nở rực rỡ dưới nắng xuân làm cho TP Điện Biên thêm sức hấp dẫn với du khách. Cựu chiến binh (CCB) Phạm Đức Cư - nguyên cán bộ thông tin Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351 - người đã góp phần viết nên huyền thoại đường kéo pháo đã đồng hành cùng chúng tôi trên cung đường này. So với tuổi 90, ông còn khá minh mẫn, nhưng sức thì yếu đi nhiều. Ông vừa qua cơn bạo bệnh cách đây chưa lâu, nhưng khát khao được trở lại nơi đã in dấu những năm tháng thanh xuân khói lửa đã thôi thúc ông có mặt trong chuyến đi ý nghĩa này.

Ngay tại di tích đường kéo pháo Nà Nhạn, người chiến sĩ pháo binh già bước đi rất nhanh, ánh mắt ánh lên niềm hân hoan khó tả. Chúng tôi có cảm giác ký ức về quá khứ gian lao mà hào hùng như bừng dậy trong tâm trí ông. Những dòng suối, đỉnh đèo của những ngày tháng lịch sử ấy còn hiện hữu nguyên vẹn đến hôm nay. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, người cựu chiến sĩ pháo binh này luôn ấp ủ dự định thăm lại nơi này, nhưng cuộc đời binh nghiệp đưa ông qua khắp các chiến trường, chưa có điều kiện trở lại. Đến lúc thảnh thơi thì lại tuổi cao sức yếu, nên dự định ấy vẫn chưa thể thực hiện được nên ông đã không hề do dự khi nhận lời đi cùng chúng tôi thăm lại con đường kéo pháo năm xưa.

Chúng tôi đi trên con đường kéo pháo năm xưa, những con đèo dựng đứng với độ dốc lên đến 70o nối tiếp nhau khiến chúng tôi đứng tim. Trái với lo lắng của chúng tôi về căn bệnh huyết áp cao có thể tái phát, người lính già vẫn bình thản một cách kỳ lạ. Ngày ấy, mỗi tiểu đoàn của CCB Phạm Đức Cư nhận 12 khẩu pháo cao xạ 37 ly và 12 khẩu 12 ly 7 để kéo vào trận địa. Để đưa mỗi khẩu pháo hơn 2 tấn vượt núi cao chỉ bằng sức người quả là vượt quá sức tưởng tượng của những người sản xuất loại khí tài này. Vậy mà, từng khẩu pháo khổng lồ đã được những người chiến sĩ pháo binh “chân đồng, vai sắt” đưa lên tận đỉnh Pha Sông. Trong đêm tối một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm, những khẩu lệnh ngắn gọn, đơn giản của người chỉ huy đã trở thành sức mạnh gắn kết tinh thần, tạo nên ý chí, nghị lực phi thường, giúp những người pháo binh khắc phục mọi gian khó, hiểm nguy, đưa pháo vượt 15 km núi cao, đèo sâu để vào trận địa an toàn. CCB Phạm Đức Cư nhớ lại: Thời ấy đường kéo pháo rất hẹp, trời mưa lầy mà dốc thì xuôi về phía ta-luy âm cho nên kéo pháo khó khăn gian khổ. Lúc đầu các chiến sĩ còn có giày đi, nhưng sau một tuần chân không đạp đất kéo pháo. Tay bám chặt dây tời vì chỉ một chút sơ sểnh chủ quan là cả người và pháo đều rơi xuống vực.

Sau 7 ngày đêm gian khổ, pháo của quân đội ta đã được kéo vào trận địa. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tình hình của địch, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi sang phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Để đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch, các đơn vị bộ đội được lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa cũ, di chuyển đến trận địa mới. Với quyết tâm còn cao hơn núi, bộ đội ta một lần nữa lại phải đương đầu với đèo cao, vực thẳm và bom đạn, bí mật kéo pháo rời khỏi lòng chảo ra địa điểm tập kết an toàn. Chính trong lần kéo pháo này, chiến sĩ Tô Vĩnh Diện, một người con của quê hương Thanh Hóa đã hy sinh thân mình để cứu pháo, không để pháo rơi xuống vực tại dốc Chuối, nêu một tấm gương sáng chói cho đồng đội trước khi chiến dịch nổ súng.

CCB Phạm Đức Cư vẫn nhớ rõ giây phút trước khi trút hơi thở cuối cùng, liệt sĩ Tô Vĩnh Diện còn gắng gượng hỏi: “Pháo có sao không hả các đồng chí”. Ngày ấy, đám tang liệt sĩ Tô Vĩnh Diện được âm thầm tổ chức trong rừng, vì chiến dịch chưa mở màn, phải giữ bí mật cho con đường kéo pháo nên không có hương khói thắp trên mộ anh, không có tiếng súng vĩnh biệt. Biến đau thương thành hành động, với quyết tâm dâng cao ngùn ngụt, đồng đội của anh đã đưa pháo vào mặt trận để giành thắng lợi cuối cùng. Người cựu chiến sĩ pháo binh thăm lại nơi mà anh hùng Tô Vĩnh Diện, người con xứ Thanh, đã quả cảm hy sinh cứu pháo tại đây. Cuộc “trùng phùng” xúc động giữa hai người đồng chí, đồng đội đã sát cánh bên nhau trong những năm tháng gian khó, hiểm nguy giờ đã ở hai thế giới, khiến đoàn làm phim chúng tôi rơi nước mắt.

Sau 11 ngày đêm gian khổ, sự hiệp đồng của các lực lượng bộ binh, pháo binh, toàn bộ pháo của ta đã được tập kết ra khu vực an toàn. Lúc này là vào mùng 2 tết, ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội ăn tết muộn trong rừng. Sáng ngày mùng 4 tết (tức ngày 6-2-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc tết bộ đội. Lúc này các chiến sĩ của ta mới hiểu thay đổi phương châm chiến lược là sự sáng suốt của cấp trên. Ăn tết xong, bộ đội cùng dân công bắt tay vào mở đường và tiếp tục kéo pháo vào trận địa. Thực hiện phương án “đánh chắc tiến chắc”, toàn mặt trận chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô dài ngày. Các trận địa pháo được bố trí tại các sườn núi bên trong lòng chảo, cấu trúc vững chắc, đủ sức chịu đựng những trận oanh kích của máy bay nếu chẳng may bị lộ.

Hầm chứa pháo nằm sâu trong lòng núi, có công sự ẩn nấp riêng, đủ rộng để pháo thủ thao tác dễ dàng khi chiến đấu. Cạnh hầm pháo là hầm chỉ huy và hầm chứa đạn. Bên mỗi trận địa thật đều có một trận địa giả để thu hút bom đạn địch. Việc ngụy trang toàn bộ công trình được thực hiện một cách hoàn hảo trước con mắt xoi mói của máy bay trinh sát. Nằm cách các cứ điểm của thực dân Pháp không xa, những nòng pháo đã sẵn sàng, chỉ chờ hiệu lệnh tấn công, vậy mà kẻ thù không hề hay biết. Yếu tố bất ngờ này hoàn toàn nằm ngoài tính toán của địch và chiến thuật này đã báo trước sự thất bại của cái gọi là “Pháo đài bất khả xâm phạm” trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Sau bao gian lao vất vả, hy sinh, mất mát của lực lượng pháo binh để đưa pháo vào trận địa, tới ngày 13-3-1954, pháo binh Việt Nam bắn cấp tập vào các vị trí của Pháp tại cứ điểm Him Lam - mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận pháo kích kéo dài 30 phút đã tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh xông lên chiếm lĩnh hoàn toàn cứ điểm Him Lam, mở toang cách cửa thép ở phía Bắc, tạo điều kiện để các lực lượng tiếp tục tấn công và làm chủ các cụm cứ điểm quan trọng còn lại của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo hỏa tiễn H6, pháo cao xạ 37 ly, Sơn pháo 75 ly, trọng pháo 105 ly, pháo cao xạ cùng với những hỏa khí khác của quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ dội sấm sét lên đầu thù, chế áp mạnh các trận địa pháo binh, súng cối của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh ở các tuyến hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và giành thắng lợi vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày nay, khi đến với TP Điện Biên Phủ lịch sử, du khách sẽ được chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật tượng đài kéo pháo bằng tay huyền thoại, đậm chất sử thi năm xưa. Tượng đài ấy là biểu tượng của khát vọng độc lập tự do, của ý chí “quyết chiến quyết thắng”. Thế hệ những người viết nên bản hùng ca Điện Biên chính là những “Phù Đổng Thiên Vương” của thế kỷ 20.

Mai Ngọc


Mai Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]