(Baothanhhoa.vn) - Cách đây gần một thế kỷ, ngày 3-8-1928 (tức năm Khải Định thứ 16), nhà Nguyễn đã quyết định thành lập châu Tân Hóa, nay là huyện Bá Thước. Trải qua 90 năm với bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Bá Thước chuyển mình qua gần thế kỷ

Cách đây gần một thế kỷ, ngày 3-8-1928 (tức năm Khải Định thứ 16), nhà Nguyễn đã quyết định thành lập châu Tân Hóa, nay là huyện Bá Thước. Trải qua 90 năm với bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Một góc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước). Ảnh: Tư liệu huyện Bá Thước

Nói đến sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường, “Khăm Panh” của người Thái và sự tích “Cây Chu đồng” thì mỗi người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bá Thước hẳn không thể nào quên mảnh đất cội nguồn - nơi con người xuất hiện từ buổi đầu bình minh lịch sử và là vùng đất quần cư lâu đời của đồng bào dân tộc Mường, Thái với các lễ hội truyền thống, như: Pôồn pôông, kin chiêng boóc mạy, cầu mưa; các điệu khặp Thái, khèn bè, múa xòe, múa sạp...

Từ những năm đầu của cuộc khởi nghĩa chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo, vùng đất Bá Thước đã trở thành căn cứ địa hiểm yếu của nghĩa quân Lam Sơn. Các địa danh như Ba Lẫm, Bù Mộng, Kình Lộng, Úng Ải được nhắc đến trong sử sách với những chiến công vang dội và tự hào. Đến thời kỳ Lê Trung Hưng, các địa danh trên vẫn được đề cập đến với các cuộc đối đầu giữa lực lượng phù Lê và nhà Mạc. Cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng “Chiếu cần vương”, nhân dân trong vùng lại đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược dưới ngọn cờ của sĩ phu Hà Văn Mao, một hào trưởng ở tổng Điền Lư...

Trải qua biến thiên của lịch sử, đến thời nhà Nguyễn, vùng đất này thuộc huyện Cẩm Thủy. Cẩm Thủy bấy giờ có 9 tổng, trong đó thuộc địa bàn Bá Thước ngày nay có 4 tổng là Cổ Lũng, Thiết Ống, Điền Lư, Sa Lung. Trong năm Thành Thái thứ 14 (1902) và 15, lần lượt các tổng Cổ Lũng, Thiết Ống rồi Điền Lư, Sa Lung đã được tách ra khỏi Cẩm Thủy và nhập vào châu Quan Hóa.

Đến năm Khải Định thứ 16 (vào ngày mùng 3 tháng 8 năm 1928), 4 tổng này đã được tách ra, thành lập châu mới - châu Tân Hóa. Bắt đầu từ đây, vùng đất Tân Hóa (nay là Bá Thước) được xác lập về mặt đơn vị và địa giới hành chính cấp huyện, phía Bắc giáp Mai Châu, Tân Lạc, (tỉnh Hòa Bình), phía Nam giáp Cẩm Thủy và Ngọc Lặc, phía Đông giáp Thạch Thành và Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), phía Tây giáp Lang Chánh và Quan Hóa. Châu lỵ lúc bấy giờ đóng ở La Hán (nay thuộc xã Ban Công). Các năm 1932, 1943, các tổng của châu Tân Hóa lại có thêm những biến động tách, nhập với Cẩm Thủy và Quan Hóa. Tháng 8 năm 1945, châu Tân Hóa được tái lập.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 11-1945 Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa đã đổi châu Tân Hóa thành châu Bá Thước. Châu Bá Thước mang tên danh nhân yêu nước Cầm Bá Thước, một trong những người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược hồi cuối thế kỷ thứ XIX ở miền núi Thanh Hóa và đã từng có thời gian dài gắn bó với mảnh đất Tân Hóa này. Danh xưng Bá Thước bắt đầu có từ đây.

Tháng 4 -1946, các châu của miền núi Thanh Hóa đều được đổi sang huyện (không phân biệt chế độ châu, huyện). Tháng 5 -1949, sau khi giải phóng đồn Cổ Lũng, chi bộ đầu tiên ở huyện Bá Thước được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng, từ đây trên bước đường đi lên của địa phương có sự lãnh đạo của Đảng. Huyện Bá Thước ban đầu thành lập gồm 7 xã: Quốc Thành, Ban Công, Long Vân, Hồ Điền, Quý Lương, Thiết Ống, Văn Nho. Sau nhiều lần nhập tách, kể từ năm 1994, huyện Bá Thước có 23 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn với 225 thôn, bản, khu phố. Tổng diện tích của huyện 777,2 km2, dân số hơn 10 vạn người.

Có thể khẳng định, qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển với vị thế là một đơn vị hành chính cấp huyện, Bá Thước đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc thuộc về Cẩm Thủy, có lúc thuộc về cả Cẩm Thủy, Quan Hóa; có lúc được xác lập là một đơn vị hành chính cấp châu, huyện rồi lại chia ra nhập vào các đơn vị khác và cuối cùng lại trở về là một đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh. Sự hình thành đó nếu không nói là qua nhiều bước ngoặt lịch sử thì cũng là duyên cách để lập nên một Tân Hóa - Bá Thước ngày nay.

Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Ghi nhận sự đóng góp và cống hiến của nhân dân, các lực lượng vũ trang và cán bộ huyện Bá Thước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là thời kỳ chống Pháp, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp” cho nhân dân, cán bộ huyện Bá Thước.

Từ năm 1986, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân huyện Bá Thước đã nhạy bén nắm bắt đường lối, chủ trương, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn huyện nhà. Biến chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động sản xuất, phát huy sức mạnh truyền thống, qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bá Thước đã giành được nhiều thành tựu xuất sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Từ một huyện miền núi cao còn nhiều khó khăn với cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí không đồng đều, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn cơ sở đổi mới về kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt từ những năm đầu của thế kỷ XXI lại đây huyện đã có nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ, động viên sức mạnh trong nhân dân, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên, phát huy nội lực, thực hiện thành công những mục tiêu kế hoạch đề ra qua các nhiệm kỳ. Kết thúc nhiệm kỳ 2010- 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,9%, cao hơn 1,2% so với nhiệm kỳ trước; tổng GRDP đạt 480,8 tỷ đồng, cao gấp 1,83 lần năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 14 triệu đồng, vượt mục tiêu đại hội 3,5 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ... Đặc biệt, sau nửa nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Bá Thước đã đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 15,6%; cơ cấu kinh tế khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 41,5%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 24,8%, khu vực dịch vụ chiếm 34,7%; 2 xã và 39 thôn đạt chuẩn nông thôn mới...

Du lịch được quy hoạch và hình thành các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, như: Thác Hiêu (Cổ Lũng), Son, Bá, Mười (Lũng Cao), thác Muốn (Điền Quang), bản Đôn (Thành Lâm)... đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, tạo ra bước phát triển có tính đột phá. Các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo... đã tạo ra sức hấp dẫn của du lịch Bá Thước. Lượng khách du lịch đến Bá Thước năm sau cao hơn trước, từ năm 2016 đến nay đã đón 55.018 lượt khách (trong đó khách trong nước là 39.530 lượt, khách quốc tế là 15.488 lượt), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa- xã hội từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt được nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện đang từng bước được nâng lên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 39%.

Công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,3%. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng. Quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng không ngừng được đổi mới. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả tốt, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định của Đảng. Hiệu quả hoạt động của HĐND, công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp có nhiều đổi mới, quyết liệt, chú trọng vào hiệu quả, chất lượng công việc; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Công tác dân vận có chuyển biến tích cực, hướng mạnh về cơ sở. MTTQ và các đoàn thể chính trị có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Ghi nhận những kết quả đạt được và những nỗ lực phấn đấu của nhân dân và cán bộ, trong 2 năm 2009 và 2015 huyện Bá Thước đã được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trong tiến trình lịch sử, qua những biến cố thăng trầm của thời gian, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành tích đạt được trong những năm đầu của thế kỷ XXI và đặc biệt nửa nhiệm kỳ qua đã khẳng định sự cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, góp phần làm cho diện mạo huyện Bá Thước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Tất cả những kết quả đó đã tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước tiếp tục giành thắng lợi trong những chặng đường đi tới.

Trương Văn Lịch

Bí thư Huyện ủy Bá Thước



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]