(Baothanhhoa.vn) - Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, được tổ chức ngày 4-7-2020,  PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển, Ủy viên Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), đã có tham luận quan trọng.

Hướng tới tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh

Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, được tổ chức ngày 4-7-2020, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển, Ủy viên Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), đã có tham luận quan trọng.

Hướng tới tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Phát triển kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa chỉ có thể phát huy hiệu quả và tác động trong dài hạn khi hướng tới tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh. Giải pháp chung là phải giải quyết đồng bộ 3 mảng vấn đề trọng yếu: hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái – môi trường dựa trên việc tái cấu trúc không gian kinh tế biển của tỉnh theo hướng tạo ra liên kết động giữa vùng ven biển, biển và đảo. Quán triệt tinh thần và thực hiện tốt các nội dung của Chiến lược PTBV kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thanh Hóa là một tỉnh ven biển, lớn cả về diện tích và dân số và cũng là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ. Với sự phân hóa lãnh thổ vừa có núi rừng ở phía tây, đồng bằng duyên hải và vừa có biển ở phía Đông, Thanh Hóa có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng. Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng quá trình phát triển kinh tế biển Thanh Hóa vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức không chỉ liên quan đến phát triển kinh tế biển chung cả nước và khu vực Bắc Trung Bộ, mà còn có những khó khăn, thách thức của riêng mình.

Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa

Về định hướng chung: Thanh Hóa cần đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biển Thanh Hóa giai đoạn 2010 – 2020, trên cơ sở đó điều chỉnh mục tiêu và nội dung chương trình phù hợp với yêu cầu của quốc gia và thực tế của địa phương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển của tỉnh, nối kết các đô thị ven biển để tạo thành “Chuỗi đô thị ven biển” với 2 cực phát triển chính là: “thành phố Nghi Sơn” và TP Sầm Sơn; kết nối với TP Thanh Hóa tạo thành “Tam giác động lực”; nối kết với hạ tầng tuyến bắc – nam và đông – tây tạo bộ khung cho mạng lưới liên kết vùng, trong đó có vai trò của biển, đảo. Xác lập mô hình đô thị ven biển như là một “hệ sinh thái đô thị biển đa chiều”, đa diện, đa dạng và đa dụng. Theo đó, phát triển Nghi Sơn thành đô thị ven biển điển hình với 3 yếu tố cốt lõi: Cảng – Biển – Đô thị (kiểu TP Hải Phòng từ 286 năm về trước). Chỉnh trang, điều chỉnh quy hoạch đối với TP Sầm Sơn và phát triển Sầm Sơn thành “Đô thị du lịch ven biển kiểu mẫu”. Phát triển hoàn hảo, hiện đại hệ thống giao thông kết nối bờ biển với các đảo ven bờ, trước hết là nối kết bờ với đảo Hòn Mê bằng các bến tàu khách và các con tàu du lịch hiện đại theo tuyến từ đất liền ra đảo. Tương lai, khi có điều kiện, có thể xây cầu vượt biển 11 km từ bờ ra đảo này. Xây dựng quần đảo Hòn Mê theo mô hình “kinh tế đảo xanh bền vững”. Cùng với việc hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông ven biển - biển - đảo (kết nối với mạng lưới toàn tỉnh) và chỉnh trang các đô thị ven biển theo hướng đô thị xanh, thông minh (an toàn, an ninh, an sinh,...), cần tiến hành kiểm kê, gìn giữ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ biển và liên quan tới biển (ở vùng ven biển, trong biển và đảo). Nghiên cứu, phục hồi và xác lập “Văn hóa biển xứ Thanh” như là “vốn văn hóa biển”, cùng với “vốn tự nhiên biển” và “vốn xã hội”làm cơ sở cho phát triển kinh tế xanh bền vững. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và cam kết giữa các ngành trên cùng địa bàn tỉnh, giữa tỉnh với các bên liên quan bên ngoài và giữa các bên liên quan với nhau,...để tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững; để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế biển; để tăng cường liên kết không gian kinh tế biển, không gian kinh tế đảo với không gian kinh tế ven biển và sâu trong nội địa.

Về định hướng cụ thể phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển:

Phát triển du lịch biển thành ngành kinh tế tổng hợp, ưu tiên cao:

Trước hết cần rà soát, điều chỉnh không gian phát triển du lịch ven biển, du lịch đảo hiện nay; chú ý đến thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư lớn vào du lịch cao cấp và hệ thống dịch vụ du lịch hiện đại;nhấn mạnh tiêu chí 4S (Sun, Sea, Sand, Service) trong quảng bá và quy hoạch phát triển du lịch ven biển, đảo của tỉnh;

Xây dựng hệ thống chính sách, cơ chế phối hợp liên ngành (công an, hải quan, cứu hộ, cứu nạn, giao thông, cảng, thủy sản,...) trong phát triển tổng hợp ngành du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch biển, nhấn mạnh đến môi trường du lịch an toàn, văn minh, hấp dẫn và ấn tượng;

Đa dạng hóa các loại hình du lịch (bao gồm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch lặn ngoài đảo,...); bảo vệ môi trường du lịch (bãi biển, nhà hàng, khách sạn) chú ý đặc biệt đến chất thải và rác thải nhựa (sẽ không có du lịch đứng đầu nếu không bảo vệ được môi trường); xây dựng các khu/địa điểm du lịch không rác thải và giữ gìn cảnh quan biển, đảo và vùng ven biển.

Phát triển cảng, hàng hải:

Phát triển cảng Nghị Sơn gắn với Khu Kinh tế biển Nghi Sơn và TP Nghi Sơn tương lai (hiện mới là thị xã), tăng sự hấp dẫn cho cảng này; xây dựng bến tàu khách du lịch biển hiện đại để nối kết đất liền với đảo Hòn Mê và các đảo khác ở ven bờ;có thể xây dựng một cảng nước sâu tiềm năng ven đảo hòn Mê khi có nhu cầu.

Rà soát lại các cảng/bến cá ven biển, tăng cường hạ tầng và quy chế bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động hàng hải và ở các cảng biển; quản lý tốt môi trường vùng nước của cảng, kiểm soát và phòng ngừa sự cố tràn dầu.

Xây dựng thí điểm dự án phát triển “Cảng biển xanh”, “con tàu xanh”,...

Chú trọng phát triển dịch vụ vận tải biển, dịch vụ cảng biển, logistics hàng hải; có cơ chế chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi và khuyến khích các hãng tàu lớn, các công ty dịch vụ lớn về cảng biển, hàng hải đầu tư vào vận tải biển, cảng biển ở Thanh Hóa.

Phát triển ngành thủy sản:

Nghề khai thác hải sản của Thanh Hoá còn mang nhiều nét truyền thống, phương tiện khai thác chủ yếu là tàu, thuyền nhỏ, công nghệ khai thác lạc hậu, ngư trường khai thác chủ yếu là vùng biển ven bờ, hệ thống cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ chưa được đồng bộ, tình trạng cạnh tranh giữa các loại nghề, cỡ tàu, giữa các địa phương trong cùng một ngư trường luôn xảy ra. Cho nên, cần cơ cấu lại đội tàu đánh cá theo hướng giảm cường lực, tăng kích thước tàu, giảm dần tàu nhỏ, cũ nát,...; tổ chức lại đội hình ra biển để gắn kinh tế với quốc phòng;

Tăng cường hỗ trợ pháp lý, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, kỹ năng phòng tránh thiên tai khi đi biển cho ngư dân; khuyến khích phát triển nghề cá giải trí (đánh cá giải trí, câu cá giải trí, ngắm cá giải trí, nuôi cá cảnh biển,...).

Không tăng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ để bảo tồn các vùng đất ngập nước ven biển; chuyển đổi các diện tích thích hợp, sản xuất không hiệu quả của đồng muối, vùng đất cát, đồng lúa, đất nông nghiệp khác,...sang nuôi thủy sản. Phát triển nuôi hải sản trên biển và có thể kết hợp nuôi hải sản trên đất ở đồng muối,...tận dụng nước chạt mặn hay chủ động nuôi hải sản hoàn toàn trong bể xây trên đất.

Rà soát hệ thống nuôi thủy sản ven biển, trên biển về phương diện tác động của biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó hướng dẫn giải pháp thích ứng. Khuyến khích mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản và nghề cá nhỏ ven bờ.

Phát triển diêm nghiệp:

Đây là nghề truyền thống, tỉnh có tiềm năng nên diêm dân vẫn không thể quay lưng với nghề. Để nghề muối được cải thiện, cần phải có chính sách đặc thù đối với diêm dân. Khi đó họ được đối xử bình đẳng như các nghề khác của nhà nông, đặc biệt trong việc tiếp cận hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, vốn, trợ cước, trợ giá, bình ổn giá, đào tạo nghề,...

Cũng cần rà soát ổn định quy hoạch sử dụng đất để diêm dân yên tâm đầu tư cải tạo nội đồng. Về lâu dài nghề muối phải được đầu tư công nghệ cao hướng tới sản xuất muối công nghiệp, muối sạch xuất khẩubằng phương pháp trải bạt thay phương pháp phơi cát thủ công để tăng năng suất, chất lượng.

Phát triển khu kinh tế ven biển:

“Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ, tạo động lực mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với cả nước.Tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từng bước hình thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực”.

Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong 5 khu ưu tiên ở Việt Nam, chủ trương và triển vọng tốt, tuy nhiên để Nghi Sơn phát triển theo đúng nghĩa của nó, cần chú ý hai khía cạnh cơ bản: đẳng cấp thể chế phải tầm cỡ quốc tế (chặt chẽ nhưng thông thoáng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn,...) và đẳng cấp công nghệ cao (tính chọn lọc công nghệ cao). Khi đó khả năng thu hút được những dự án lớn, sạch, loại bỏ được các dự án “nâu” và “đen”.

Phát triển ngành năng lượng:

Ngoài các hoạt động dịch vụ dầu khí và sử dụng dầu khí, tỉnh cần phải tính đến nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng cho tương lai. Theo đó, cần nghiên cứu, chuẩn bị chiến lược phát triển năng lượng điện gió (phong điện), điện mặt trời, điện dòng chảy biển, điện sóng biển. Cần tiến hành đánh giá tiền khả thi để chọn địa điểm tối ưu và chuẩn bị các chính sách tương ứng để quản lý, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Định hướng bảo tồn và quản lý bền vững biển, đảo và vùng ven biển

Vùng biển, đảo và ven biển Thanh Hóa giàu tiềm năng bảo tồn, nhưng hiện nay có rất ít diện tích các vùng này được bảo tồn. Vì vậy, để kinh tế biển phát triển theo hướng xanh và bền vững, bên cạnh các dự án đầu tư, tỉnh cần quan tâm đến thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn ven biển, biển và đảo.

Đồng thời, triển khai các hoạt động quản lý biển, đảo và vùng ven biển vừa là nội dung, vừa là giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế biển ở Thanh Hóa. Cụ thể cần: Lập báo cáo hiện trạng vùng bờ để làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ tại địa phương; xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối đa ngành, đa bên phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ của địa phương. Xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp vùng bờ;thực hiện kế hoạch tăng cường nguồn nhân lực phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ của địa phương; Xây dựng và thực hiện các mô hình đồng quản lý tài nguyên vùng bờ của địa phương; Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp chất thải rắn, tài nguyên nước ở vùng bờ của địa phương;thực hiện cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng bờ của địa phương.

Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển đảo.

Phát triển kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa chỉ có thể phát huy hiệu quả và tác động trong dài hạn khi hướng tới tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh. Giải pháp chung là phải giải quyết đồng bộ 3 mảng vấn đề trọng yếu: hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái – môi trường dựa trên việc tái cấu trúc không gian kinh tế biển của tỉnh theo hướng tạo ra liên kết động giữa vùng ven biển, biển và đảo. Quán triệt tinh thần và thực hiện tốt các nội dung của Chiến lược PTBV kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lược trích ý kiến của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển; Ủy viên Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam; Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF). Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT)

Hồng Hạnh – Minh Hiếu

Tin liên quan:

Hồng Hạnh – Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]