(Baothanhhoa.vn) - Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp phải tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Hồ Chí Minh về “khéo kiểm soát” nói riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về “khéo kiểm soát”

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp phải tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Hồ Chí Minh về “khéo kiểm soát” nói riêng.

Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì cuộc hội thảo khoa học đề tài Nhận diện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi qua hoạt động công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

Ảnh: Hoàng Tuấn Anh (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)

Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ủy ban kiểm tra các cấp ở Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành kiểm tra Đảng (16-10-1948 - 16-10-2018) và 62 năm ngày thành lập Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (1-11-1956 – 1-11-2018). Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp phải tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Hồ Chí Minh về “khéo kiểm soát” nói riêng.

Tư tưởng “khéo kiểm soát” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung rộng, sâu sắc thể hiện ở tất cả các khâu của quy trình lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. “Khéo kiểm soát”, chính là hoạt động công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Để góp phần làm sáng tỏ hơn tư tưởng “khéo kiểm soát” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, cần làm rõ hơn một số nội dung sau:

Một là, “khéo kiểm soát” là hoạt động kiểm tra, giám sát phải trên cơ sở khoa học, đúng nguyên tắc, hình thức và phương pháp phù hợp, quy trình, thủ tục chặt chẽ.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động, tổ chức, động viên sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, phải xây dựng Đảng mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và có kỷ luật nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường thống nhất ý chí và hành động, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường củng cố và bồi đắp lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác kiểm tra của Đảng. Người coi công tác kiểm tra là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng. Trong tác phẩm “sửa đổi lối làm việc”, Bác đã luận giải rõ ràng lãnh đạo đúng có nghĩa là: “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng,..; phải tổ chức thực sự thi hành cho đúng,..; và phải tổ chức sự kiểm soát”. Như vậy, việc lãnh đạo của Đảng không phải chỉ có ban hành nghị quyết và ra chỉ thị, mà điều quan trọng là lãnh đạo còn là tổ chức thi hành và kiểm tra việc thực hiện. Quy trình lãnh đạo của Đảng rất hoàn chỉnh, không thể đơn giản, xem nhẹ hoặc cắt xén bất cứ khâu nào. Cần phải hiểu đầy đủ rằng, kiểm tra không chỉ là khâu cuối cùng của quy trình, mà nó đan xen vào tất cả các khâu quy trình lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo là kiểm tra, không kiểm tra là không lãnh đạo; nguyên tắc này, đúng cả về lý luận và thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chính sách đúng đắn là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Mục đích, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát là giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, nắm được tình hình và kết quả lãnh đạo, chất lượng của các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, tình hình thực hiện thế nào, có gì đúng đắn, có gì sai lệch, ai chấp hành tốt, ai chấp hành chưa tốt. Người cho rằng: “Có kiểm soát như thế mới hiểu rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu; mới biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị. Mới biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết. Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm sẽ bớt đi”.

Bác phê phán rất nghiêm khắc những cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, chỉ lo khai hội, thảo nghị quyết, chỉ thị và đánh điện. Họ quên mất công việc kiểm tra, giám sát. Do đó, mà “đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy, tệ hơn là không có cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm gây ra. Người chỉ ra rằng, những người nêu trên “không làm được việc, phải thải đi”. Ngoài ra, Người lưu ý hai hạng người, thứ nhất: Những người cậy mình là công thần cách mạng rồi sinh ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Họ kiêu ngạo bất chấp kỷ luật, kỷ cương. Với những người này: “Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ kỷ luật của Đảng và Chính phủ”; thứ hai: Hạng người nói suông, hạng người này tuy thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông. Nói về ý nghĩa, tác dụng về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra việc và kiểm tra người, Bác thường xuyên nhắc nhở: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông, mà không còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.

Về phương pháp và hình thức kiểm tra, giám sát, Bác nhắc nhở phải luôn quan tâm cả việc kiểm tra định kỳ, đột xuất và kiểm tra thường xuyên, nhưng khi tiến hành kiểm tra, giám sát cần uyển chuyển, tránh cứng nhắc. Kiểm tra, giám sát gắn với công tác tổ chức cán bộ, thể hiện sự quan tâm sâu sát và để giúp cán bộ hoàn thiện mình chứ tuyệt nhiên không phải là bới móc, vạch lá tìm sâu: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến, thế là không biết yêu dấu cán bộ”. Một điều có tính nguyên tắc là bất cứ tổ chức đảng hay đảng viên nào cũng phải chịu sự kiểm tra của tổ chức đảng có thẩm quyền, không có vùng cấm trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Đảng lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước thì công tác kiểm tra, giám sát càng có ý nghĩa quan trọng. Người lưu ý: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Và kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục cán bộ, đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.

Người nghiêm khắc phê bình công tác kiểm tra của Đảng, khi có biểu hiện thiếu chủ động, nặng về mục đích trước mắt mà quên đi mục đích sâu xa của công tác kiểm tra là chủ động, giáo dục, ngăn ngừa khuyết điểm, vi phạm. Tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra ngày 29 tháng 7 năm 1964, Bác đã chỉ rõ: “Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết các vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ Đảng để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách căn bản và lâu dài. Việc xử lý kỷ luật, xét thư khiếu nại làm còn chậm chạp. Kiểm tra đảng viên phạm sai lầm còn chưa chủ động. Việc hướng dẫn, vận dụng phương châm kỷ luật chưa được chặt chẽ, để cho kỷ luật của Đảng có chỗ bị buông lỏng, vì vậy, mà thiếu tác dụng giáo dục và ngăn ngừa đảng viên khỏi phạm kỷ luật”.

Về phương pháp kiểm tra, giám sát, Bác chỉ rõ: “Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”. Bác nêu hai cách kiểm tra: Kiểm tra từ trên xuống - tức là người lãnh đạo kiểm tra kết quả những công việc của cán bộ mình. Kiểm tra từ dưới lên - tức là quần chúng và cán bộ kiểm tra sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm tra cán bộ, đảng viên dưới quyền.

Về hình thức kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao kiểm tra thường xuyên và kiểm tra trực tiếp. Người thường nhắc nhở: “Các đồng chí phụ trách ở các bộ, các ban, các ngành ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết các công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít”. Bác yêu cầu: “Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi kiểm tra là một phương tiện, một liều thuốc đặc hiệu chống lại các căn bệnh: “Nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo” và bệnh quan liêu, giấy tờ. Muốn đạt chất lượng, hiệu quả cao thì phải “khéo kiểm soát”. Khéo kiểm soát chính là hoạt động kiểm tra, giám sát phải trên cơ sở khoa học, bảo đảm đúng nguyên tắc, hình thức và phương pháp phù hợp, quy trình, thủ tục chặt chẽ; phê phán nghiêm khắc thói làm việc quan liêu, thiếu kiểm tra, kiểm soát cụ thể; thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều; ngồi một nơi chỉ tay năm ngón. Cách làm việc như thế rất có hại. Nó làm cho lãnh đạo không đi sát phong trào, không hiểu được tình hình bên dưới, cho nên nhiều chủ trương, nghị quyết không được chấp hành đến nơi, đến chốn.

Có hình thức, phương pháp kiểm tra, giám sát đúng, là rất quan trọng; nhưng yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả mỗi cuộc kiểm tra, giám sát là người kiểm tra. Vì hình thức, phương pháp mới chỉ là phương tiện, cái quyết định là người sử dụng phương tiện ấy, đó là lựa chọn cán bộ đi kiểm tra. Bác chỉ rõ: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra, người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và uy tín” và “những người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”.

Như vậy, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, chứ không phải lúc làm, lúc bỏ; phải trở thành công việc thường ngày của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; mỗi cuộc kiểm tra, giám sát phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và phân công trách nhiệm tập thể và cá nhân rõ ràng, kết luận rõ đúng sai.

Hai là, “khéo kiểm soát” là thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

V.ILê-nin đã từng đề ra nguyên tắc tự phê bình và phê bình nhằm xây dựng một Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh coi là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Người coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc xây dựng Đảng; ý nghĩa cao quý nhất của tự phê bình và phê bình là giá trị dân chủ đích thực trong xã hội mới. Vì vậy, khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, cần tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở để cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng tự giác, thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).

Nói về mối quan hệ đoàn kết và dân chủ, tự phê bình và phê bình Bác nhấn mạnh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Có thể khẳng định, tự phê bình và phê bình là nhân tố cốt lõi của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; trong sinh hoạt tự phê bình phải tự giác, thành khẩn, cầu thị và phê bình phải trách nhiệm, xây dựng, công tâm, khách quan, trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, thương người như thể thương thân, tránh tư tưởng yêu nên tốt, ghét nên xấu thì mục đích tự phê bình và phê bình mới đạt được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kiểm tra phải dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách”. Và chỉ có yếu tố thấu tình, đạt lý thì phương châm: Công minh, chính xác, kịp thời mới được thực hiện; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát mới được nâng lên, góp phần giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật của Đảng.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp khéo kiểm tra, giám sát, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng và tinh thông về nghiệp vụ.

Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thì cùng với việc phát huy trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng và vai trò giám sát của nhân dân. Vấn đề quan trọng là phải quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra. Ngoài tiêu chuẩn chung về cán bộ, cán bộ kiểm tra phải được đào tạo chuyên sâu, tinh thông về nghiệp vụ, nhất là phải có khả năng khéo kiểm tra, giám sát. Cán bộ khéo kiểm tra là người: “Phải luôn luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc” và “Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát, rồi mới đem ra chỉnh một lần thế là đập cán bộ. Cán bộ bị đập mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”.

Cán bộ kiểm tra phải có tình thương yêu đồng chí, độ lượng, bao dung “thương người như thể thương thân”. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng phải trên tinh thần vì sự tiến bộ của tổ chức đảng và đảng viên. Cán bộ kiểm tra phải biết chung vui thành tích của tổ chức đảng và đảng viên; đồng thời cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm; bằng tình thương yêu đồng chí và khả năng giáo dục, thuyết phục để tổ chức đảng, đảng viên mắc phải khuyết điểm thấy xót xa. Từ đó, quyết tâm khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, vi phạm do mình gây ra thì công tác kiểm tra, giám sát mới thực sự có hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cán bộ kiểm tra phải học tập, thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng, đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà tự phê bình và phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công, vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế mới làm tốt được công tác kiểm tra”.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “khéo kiểm soát”. Hoạt động kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, phải tiến hành trên cơ sở khoa học, đúng nguyên tắc, có hình thức và phương pháp phù hợp, quy trình và thủ tục chặt chẽ; nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát; với phương châm: Công minh, chính xác, kịp thời; thẩm tra, xác minh và kết luận phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, “lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”; thực sự “thấu tình, đạt lý”.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng và 62 năm ngày thành lập Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, với tất cả lòng tin tưởng và tình cảm mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà dành cho ngành kiểm tra Đảng, ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp ở Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng về “khéo kiểm soát” nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đưa Thanh Hóa sớm trở nên tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong muốn.


Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]