(Baothanhhoa.vn) - Vậy là, đã tròn một thế kỷ kể từ ngày Nguyễn Kim Thành cất tiếng khóc chào đời và cũng đã 18 năm kể từ khi nhà thơ Tố Hữu “Theo chân Bác” về với thế giới người hiền. Cuộc đời theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh của đồng chí Tố Hữu là “một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, một hành trình vinh quang, đầy tự hào với những nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi vì dân, vì nước.

Hoạt động và cống hiến của đồng chí Tố Hữu đối với phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa

Vậy là, đã tròn một thế kỷ kể từ ngày Nguyễn Kim Thành cất tiếng khóc chào đời và cũng đã 18 năm kể từ khi nhà thơ Tố Hữu “Theo chân Bác” về với thế giới người hiền. Cuộc đời theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh của đồng chí Tố Hữu là “một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, một hành trình vinh quang, đầy tự hào với những nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi vì dân, vì nước.

Hoạt động và cống hiến của đồng chí Tố Hữu đối với phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa

Nhà thơ Tố Hữu. (ảnh: nhandan.com.vn)

Trong suốt hành trình 82 tuổi đời của mình, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo có đức độ và đầy tài năng, nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất của đất nước, nhà thơ lớn của thời đại, “một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”.

Thanh Hóa là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”; không chỉ là “cái nôi” sản sinh ra những nhà yêu nước, chí sĩ cách mạng, mà còn là nơi nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng. Trong những năm tháng gian khó, ác liệt nhất của thời kỳ đầu đấu tranh giải phóng dân tộc, quê hương Thanh Hóa có vinh dự là nơi đồng chí Tố Hữu hoạt động cách mạng. Chính tại vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng này, đã nuôi dưỡng, tiếp sức, hun đúc, hình thành nên những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản, nhà thơ cách mạng Tố Hữu.

Lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, thấu hiểu sự nghèo đói, lam lũ của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, người thiếu niên Nguyễn Kim Thành đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động sôi nổi trong các phong trào cách mạng tại Thừa Thiên Huế. Năm 1938, khi mới 18 tuổi, trong lúc “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, người thanh niên yêu nước ấy đã cảm nhận được nguồn ánh sáng chói lòa mà Đảng - “mặt trời chân lý” mang lại và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Và "Từ ấy" cho đến khi "Tạm biệt đời ta yêu quý nhất", đồng chí đã trọn đời theo Đảng, trọn đời hiến dâng hồn thơ trữ tình dạt dào của mình cho Đảng, cho Nhân dân.

Những năm 1938-1939, trước sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng của Nhân dân ta, thực dân Pháp tiến hành đàn áp, khủng bố những chiến sĩ yêu nước; đồng chí Tố Hữu bị bắt nhốt vào nhà lao ở Thừa Thiên Huế và bị đày đi Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, trại tập trung Đắk Lay (tỉnh Kon Tum). Trong suốt thời gian trong ngục tù đế quốc, mặc dù bị tra tấn, khủng bố dã man, nhưng đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh anh hùng, sức chiến đấu kiên cường, bất khuất, luôn tha thiết yêu đời, khát khao tự do và hành động. Năm 1942, đồng chí đã “Vượt ngục, băng rừng” và “Duyên may, dây nối” đến Thanh Hóa, bắt liên lạc với Đảng. Lúc này, tại Thanh Hóa, phong trào cách mạng vừa trải qua đợt khủng bố trắng tàn khốc của quân thù sau những trận chiến cảm tử tại Chiến khu Ngọc Trạo. Hầu hết cán bộ Tỉnh ủy, một bộ phận đảng viên cộng sản và các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo bị địch bắt giữ, tra tấn, tù đày. Nhiều chiến sĩ cộng sản trung kiên vừa thoát khỏi ngục tù đế quốc đã tìm mọi cách chắp nối liên lạc với cơ sở đảng trong tỉnh, củng cố phong trào cách mạng. Trong những năm tháng ấy, đồng chí Tố Hữu đã sôi nổi, nhiệt thành tham gia hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.

Nhân ngày quốc tế chống chiến tranh (tháng 8-1942), Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định ra tờ báo “Đuổi giặc nước”. Đồng chí Tố Hữu được Tỉnh ủy phân công vừa viết bài, vừa biên tập. Tờ báo ra đời đã nhanh chóng thổi một luồng gió mới, đem lại cho quần chúng lao khổ niềm tin vào sức mạnh mới của Đảng, của Nhân dân, được xem là vũ khí tư tưởng sắc bén để tập hợp, cổ vũ, hướng dẫn và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng. Vì vậy, thực dân Pháp đã tiến hành truy quét, khủng bố các cơ sở cách mạng và cơ quan phát hành báo; đồng chí Tố Hữu và cơ quan phát hành báo phải chuyển về gia đình mẹ Tơm - một cơ sở cách mạng ở làng Hanh Cù (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc); được đùm bọc, nuôi dưỡng, chở che, bởi những con người bình dị mà cao cả. Sau này, trong lần về thăm “Quê mẹ nuôi xưa” vào tháng 7-1961, đồng chí đã xúc động viết bài thơ Mẹ Tơm, với những lời ca ngợi: "Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời!".

Cơ quan Tỉnh ủy ở nhà mẹ Tơm được gần một năm thì bị thực dân, tay sai phát hiện; nhiều lần vây bắt, hòng phá vỡ cơ sở cách mạng. Để bảo đảm an toàn, Tố Hữu và những người đồng chí của mình phải chuyển đến cơ sở mới tại các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, rồi lại quay về Hậu Lộc. Tháng 2-1943, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị tại làng Thượng, xã Nga Thắng, huyện Nga Sơn. Tại hội nghị này, đồng chí Tố Hữu được bổ sung vào Tỉnh ủy. Đến tháng 3-1944, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khi mới 24 tuổi. Là Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy đề ra nhiều chủ trương xây dựng, củng cố phát triển cơ sở đảng, thành lập Ban Mặt trận Việt Minh tại các phủ, huyện; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng tự vệ chiến đấu, các tổ chức quần chúng cứu quốc; tổ chức nhiều phong trào mít tinh, biểu tình cho quần chúng đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, như: Phong trào chống bắt phu, bắt lính, chống nhổ lúa, trồng đay, chống cướp bông; cướp kho thóc của Nhật - Pháp và bọn tay sai chia cho dân nghèo...

Đầu năm 1945, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình góp sức xây dựng Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (Chiến khu Quang Trung) nhằm tạo ra chỗ dựa, chỉ đạo Nhân dân ba tỉnh chuẩn bị lực lượng chớp thời cơ giành chính quyền, Đồng chí đã tham gia Ban Chỉ đạo Chiến khu.

Nhận thức rõ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền sắp đến gần, tháng 2-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ trương đổi tờ báo “Đuổi giặc nước” thành tờ báo “Khởi nghĩa” - cơ quan ngôn luận của Chiến khu Quang Trung, đồng chí Tố Hữu trực tiếp làm Tổng Biên tập. Tờ báo ra đời nhằm kịp thời động viên, chỉ đạo quần chúng Nhân dân chuẩn bị điều kiện vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo, hướng dẫn phong trào cách mạng trong toàn tỉnh gấp rút chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, quần chúng cách mạng đã xuống đường đấu tranh quyết liệt. Tại các làng, tổng, Mặt trận Việt Minh đã chỉ đạo lực lượng tự vệ hỗ trợ quần chúng cướp kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, tổ chức vay lương thực của nhà giàu cứu đói. Lực lượng vũ trang ngày đêm rèn, sắm vũ khí, tổ chức luyện tập quân sự đợi ngày khởi nghĩa. Tỉnh ủy chỉ đạo mở các lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ các cấp, nhờ đó phong trào vũ trang kháng Nhật, cứu nước phát triển sâu rộng. Tất cả các địa phương trong tỉnh náo nức, khẩn trương chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong khi đang cùng Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo toàn dân chuẩn bị mọi điều kiện gấp rút khởi nghĩa giành chính quyền; tháng 5-1945, đồng chí Tố Hữu được Trung ương điều động về miền Trung, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Thừa Thiên Huế. Năm 1946, đồng chí ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên. Đến tháng 12-1946, được Trung ương phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lần thứ hai. Lần thứ hai làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí nhận nhiệm vụ cùng Tỉnh ủy xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương chiến lược khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Lần này, đồng chí phải lo việc cứu đói, chống giặc dốt và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ, phải phá hủy đường giao thông, cầu cống, thành phố để ngăn chặn bước tiến của quân thù... Là một trong những người đi đầu trong xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Nhân dân, cũng là người say mê trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, một nền văn hóa mang đậm tính dân tộc, tính tiên tiến và tính nhân văn; trong những năm tháng giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí luôn chăm lo đến công tác phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến trên địa bàn tỉnh.

Ngày 20-2-1947, cùng với đồng bào, đồng chí Thanh Hóa, đồng chí vinh dự được đón Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Trong buổi nói chuyện này, Bác đã căn dặn: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Thời gian trở lại làm việc với cán bộ và đồng bào Thanh Hóa chưa được bao lâu, thì đến tháng 9-1947, đồng chí được Trung ương Đảng điều động lên Chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Nói về hoạt động và cống hiến của đồng chí Tố Hữu đối với phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa, không thể không nói đến “mối tình đẹp” với người đồng chí, người bạn đời, người bạn thơ - đồng chí Vũ Thị Thanh. Lúc này, đồng chí Tố Hữu mới 27 tuổi, đang làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và “chưa qua một lần yêu”, nhưng đã là nhà thơ nổi tiếng với những vần thơ làm rạo rực con tim bao người, để từ đấy, biết bao nhiêu người dấn thân theo cách mạng. Và cũng chính cách mạng đã đưa người con gái xứ Thanh, từng là nữ sinh Đồng Khánh ở Huế đến với đồng chí. Thông qua lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lúc bấy giờ, Tố Hữu đã đến với người con gái xứ Thanh, đang là huyện ủy viên trẻ tuổi của huyện Hoằng Hóa. Và rồi sau đó, trước khi nhà thơ lên Chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới, vào tháng 9-1947, một đám cưới đã được tổ chức tại làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa - quê hương của nữ đồng chí; họ nên vợ nên chồng, cùng đi với nhau suốt chặng đường cách mạng và đường đời cho đến khi về với thế giới người hiền.

Từ khi trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, dù bận nhiều việc, đồng chí Tố Hữu vẫn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ sự nghiệp cách mạng của quê hương, luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương Thanh Hóa. Thanh Hóa đã trở thành nơi gắn bó một phần máu thịt và được đồng chí yêu quý như quê hương thứ hai của mình; đồng chí luôn mong muốn Thanh Hóa ngày càng phát triển, trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Không phụ lòng mong đợi của Đồng chí; trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chia sẻ có hiệu quả của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên với quyết tâm cao và giành được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,1%, gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 131.199 tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối thuận lợi với các đô thị và các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được chăm lo; một số vấn đề bức xúc trong xã hội được quan tâm giải quyết; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.

Năm tháng đã đi qua, nhưng những đóng góp của đồng chí Tố Hữu đối với sự nghiệp cách mạng và nền văn học, nghệ thuật nước nhà sẽ sống mãi với non sông, đất nước, với tâm hồn người Việt Nam. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước, đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi “khát vọng thịnh vượng” và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng chí.

Tiến sĩ Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa


Tiến Sĩ Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí Thư Thường Trực Tỉnh Ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Tỉnh Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]