(Baothanhhoa.vn) - Đằng sau những tác phẩm đạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 là cả một câu chuyện dài mà các nhà báo phải vượt lên chính mình trước những khó khăn, thách thức...

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Hành trình” của những tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia

Đằng sau những tác phẩm đạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 là cả một câu chuyện dài mà các nhà báo phải vượt lên chính mình trước những khó khăn, thách thức...

“Hành trình” của những tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia

Nhà báo Minh Tuyết cùng nhóm tác giả thực hiện tác phẩm “Làm đẹp những con số”. Ảnh: P.V

Là một trong những người làm báo chăm chỉ “canh tác” trên “cánh đồng” báo chí, nhà báo Minh Tuyết (Phòng Thời sự Chính trị, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Thanh Hóa) luôn tìm thấy niềm vui trong nghề từ chính những “đứa con tinh thần” của mình. Chị bảo, chị vào nghề bằng cái duyên và càng làm nghề càng như mắc nợ. Vì vậy, mỗi tác phẩm đều khiến chị trăn trở từ khi “thai nghén” đến khi hoàn thiện phát sóng và lắng nghe phản hồi từ dư luận. Với “Làm đẹp những con số” - tác phẩm đoạt giải A, Giải Báo chí Quốc năm 2019, thành công của tác phẩm trước hết là do đề tài và những thông điệp mới mẻ mà chưa một tác phẩm báo chí nào đề cập đến trước đó. Phần nữa là do chị đã nghiên cứu kỹ đề tài, thu thập đủ thông tin, tìm hiểu vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó có được cái nhìn sâu sắc, chân thật và toàn diện về công tác phát triển doanh nghiệp ở địa phương. Đây là phóng sự có tính chất điều tra, do vậy, trong quá trình thực hiện ekip đã không dễ để có được thông tin, lại càng không dễ để người trong cuộc nói lên sự thật trước ống kính, nhưng có lẽ, từ những câu chuyện khá thú vị của người được làm giám đốc, trong khi doanh nghiệp của họ chưa có hình hài đã nói lên tất cả.

Với thời lượng hơn 10 phút, tác phẩm chưa thể đề cập hết mọi khía cạnh của vấn đề, song cũng đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương phát triển doanh nghiệp, chỉ ra cách làm không đúng của các địa phương khiến hiệu quả thu được không như mong đợi, thậm chí là gây lãng phí lớn nguồn lực cho cả Nhà nước và nguồn lực trong Nhân dân. Đồng thời thông qua “Làm đẹp những con số”, nhóm tác giả đã góp thêm tiếng nói phản biện sâu sắc về cách làm không đúng khi triển khai chủ trương phát triển doanh nghiệp ở nhiều địa phương. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước thấy được những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cơ sở để có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách cũng như chỉ đạo phù hợp, góp phần để chủ trương thành lập doanh nghiệp đi đúng hướng và đạt được mục đích, ý nghĩa ban đầu.

Hỏi chị về cảm xúc khi tác phẩm phóng sự “Làm đẹp những con số” đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019, chị cho biết: “Tất nhiên là chúng tôi rất vui, vui vì những gì chúng tôi cố gắng đã được ghi nhận xứng đáng và đây cũng là niềm vui của Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí khi Thanh Hóa lần đầu tiên có tác phẩm đạt giải A, Giải Báo chí Quốc gia. Đây chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao với mỗi người làm báo để chúng tôi tiếp tục nỗ lực, gắn bó với nghề và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản, làm báo là phải biết “dấn thân”, không ngại gian khó, dũng cảm tiếp cận những đề tài mới, phản ánh những vấn đề còn bất cập thì sẽ có những tác phẩm “để đời”.

Nhà báo Lê Nụ (Phòng Bạn nghe đài - Bạn xem truyền hình, Đài PT-TH Thanh Hóa) là một người “có duyên” với Giải Báo chí Quốc gia khi 2 năm liên tiếp các tác phẩm của chị được “xướng tên” trong danh sách giải C. Trước đó, tác phẩm “Người quyết đi đến cùng sự thật”, thể loại phóng sự truyền hình, đoạt giải C năm 2018. Dù vậy chị vẫn khiêm tốn cho rằng, mình may mắn mà thôi.

Và để có được một Lê Nụ vững vàng như ngày hôm nay, chị đã phải nỗ lực cố gắng, “tôi luyện” qua nhiều thử thách và thực tiễn khác nhau. “Sau nhiều năm về công tác tại Đài PT-TH Thanh Hóa, được giao phụ trách chuyên mục “Phòng chống tham nhũng”, đây là mảng đề tài khó, khó ngay từ việc tìm đề tài, khai thác thông tin, thể hiện tác phẩm... nhưng đó lại chính là cơ hội để “thỏa” đam mê với thể loại điều tra, thực hiện nhiều tuyến bài phản ánh chuyên sâu về những đề tài gai góc, phản ánh “mặt trái” của xã hội”, nhà báo Lê Nụ tâm sự.

Với nhà báo Lê Nụ, tự rèn cho bản thân tính cẩn trọng, khi làm về bất cứ vấn đề gì đều đặt ra các câu hỏi và đi đến cùng những câu hỏi đó. Có những lúc, để hiểu sâu một vấn đề, chị phải nghiền ngẫm cả chồng tài liệu, mày mò nghiên cứu xem sai ở đâu, bản chất của sự việc thực chất là gì để thông tin một cách đầy đủ và khách quan nhất. Tác phẩm “Phanh phui thủ đoạn lập hồ sơ bệnh án khống trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế” là kết quả của hàng loạt các câu hỏi như vậy.

Câu chuyện bắt đầu vào khoảng tháng 8-2019 khi chị nắm được thông tin có một phụ huynh đưa con gái đi khám bệnh tại cơ sở y tế địa phương mới ngỡ ngàng khi nhân viên bệnh viện cho biết cháu bé mới khám bệnh BHYT trước đó một ngày. “Có sự mờ ám ở đây sao? Tại sao họ lại làm được như thế...?”. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra và việc của chị là đi tìm câu trả lời. Bước đầu, chị và quay phim Văn Tráng đã tiếp cận được với danh sách tên những học sinh đi khám chữa bệnh BHYT đang sinh sống tại huyện Hậu Lộc. Lần mò theo từng địa chỉ, hỏi thăm đến từng nhà, tuy nhiên cái khó khi thực hiện phóng sự này đó là tiếp cận nhân vật. Không chỉ những người có hành vi vi phạm mà ngay cả những người bị xâm phạm quyền lợi trong vụ việc này cũng không muốn hợp tác, từ chối cung cấp thông tin. Vì vậy, chị Nụ và các đồng nghiệp đã phải thay đổi hình thức tiếp cận, chuyển đổi thể loại, phương tiện sử dụng chỉ được phép là những chiếc điện thoại thông minh... Để có thêm thông tin xung quanh vụ việc, nhóm phóng viên đã trực tiếp liên hệ với cơ quan quản lý, phỏng vấn, lấy ý kiến nhận định của luật sư để khán thính giả hiểu rõ thêm về vấn đề mà nhóm tác giả muốn đề cập.

Gặp gỡ những người đồng nghiệp hòa đồng, cởi mở kể chuyện về nghề, về những chuyến đi, những nhân vật đã từng gặp gỡ cũng như những khó khăn trong quá trình tác nghiệp mới cảm nhận được niềm đam mê, gắn bó với nghề. Họ vẫn khiêm tốn nhìn nhận rằng đoạt giải thưởng trong Giải Báo chí Quốc gia không chỉ vinh dự, thành tích của riêng cá nhân ai bởi một tác phẩm truyền hình là sản phẩm của cả tập thể, sự phối hợp ăn ý của cả một ekip từ khâu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn đến những chi tiết nhỏ nhất về âm thanh, hình ảnh. Mỗi người mỗi nhiệm vụ, lĩnh vực khác nhau, công việc không đơn thuần chỉ là trách nhiệm mà đó là nhiệt huyết khi được “dấn thân” để có những hình ảnh, âm thanh chân thực, sinh động nhất đến với độc giả, công chúng. Và rồi khi những tác phẩm của họ được vinh danh ở một “đấu trường lớn” chính là thành quả lao động sáng tạo nghề nghiệp, vừa là “chất men” khơi nguồn cảm hứng để các tác giả tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, có thêm động lực để đầu tư nhiều hơn cho “những đứa con tinh thần” của mình, thấy rõ hơn trách nhiệm với nghề, với cộng đồng xã hội.

Tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có 2 tác phẩm đạt giải: Tác phẩm “Làm đẹp những con số” - thể loại phóng sự truyền hình của nhóm tác giả Nguyễn Thị Tuyết (Minh Tuyết), Lê Thanh Tùng (Thanh Tùng), Cao Xuân Tùng (Cao Tùng), Đào Thanh Liên (Thanh Liên), Tô Quang Vinh (Quang Vinh) – Đài PT-TH Thanh Hóa vinh dự đoạt giải A; tác phẩm “Phanh phui thủ đoạn lập hồ sơ bệnh án khống trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế” - thể loại phát thanh của nhóm tác giả Lê Thị Nụ (Lê Nụ), Nguyễn Văn Tráng (Văn Tráng) – Đài PT-TH Thanh Hóa đoạt giải C.

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]