(Baothanhhoa.vn) - Bằng tình yêu Tổ quốc, lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm niệm làm một việc gì đó phù hợp với mình để phụng sự Đảng và Nhà nước; hơn 30 năm qua, ông Lâu Văn Hự, ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát) cùng với các con đã tự nguyện nhận trông coi cột mốc G8 trước đây, nay là cột mốc 304, trên đỉnh núi Đá Đỏ - một trong những đỉnh núi cao nhất nơi “Cổng trời”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hai thế hệ - vững một niềm tin

Bằng tình yêu Tổ quốc, lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm niệm làm một việc gì đó phù hợp với mình để phụng sự Đảng và Nhà nước; hơn 30 năm qua, ông Lâu Văn Hự, ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát) cùng với các con đã tự nguyện nhận trông coi cột mốc G8 trước đây, nay là cột mốc 304, trên đỉnh núi Đá Đỏ - một trong những đỉnh núi cao nhất nơi “Cổng trời”.

Ông Lâu Văn Hự trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu và phóng viên Báo Thanh Hóa.

Tình yêu với cột mốc chủ quyền

Mường Lát mỗi khi có dịp đặt chân lên đây, chúng tôi – những người làm báo lại mê mẩn đi tìm những “lát cắt” về đất và người. Vùng đất miền biên viễn với những mái nhà nằm lưng chừng núi, chập chờn trong sương mù, những đứa trẻ mặt mũi lấm lem miệng cười giòn tan trước ống kính máy ảnh, những người phụ nữ cần mẫn ngồi trước nhà thêu thổ cẩm... Trong bình dị cuộc sống ấy, có những con người bằng những việc làm của mình đã và đang góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền và đồn biên phòng đứng chân canh giữ “hồn thiêng của Tổ quốc”.

Trong căn nhà nằm ở lưng chừng núi, già Hự năm nay đã bước sang tuổi 95, vào mỗi buổi sáng khi ánh bình minh vừa lên, già lại hướng mắt nhìn xa xăm về đỉnh núi Đá Đỏ. Nơi đó, suốt hơn 30 năm ròng rã, nhịp bước chân đều đặn của già đã vượt núi băng rừng, tự nguyện mỗi tháng 2 lần lên chăm sóc, nắm tình hình cột mốc 304. Đến nay, khi đôi chân ấy không còn được như con nai, con hoẵng, cái sức khỏe dần khuất phục trước tuổi tác thì chặng hành trình mới chịu dừng lại. Dẫu vậy, sâu thẳm trong tâm trí của già vẫn hướng về G8 bằng một tình yêu thủy chung, son sắt. Để rồi, mỗi khi nhắc đến cái tên G8-304, những “thước phim tư liệu” cứ thế ùa về...

Năm 1978, già Hự cùng với gia đình thực hiện chủ trương của Đảng, từ đỉnh núi cao ở xã Pù Nhi, “hạ sơn” gần với suối Ngố, để thành lập bản định cư, canh tác ổn định đời sống. Năm 1980, lại một cuộc “hạ sơn” nữa. Lần này, gia đình già Hự cùng với 5 hộ khác thành lập nên bản Pù Đứa rồi cùng nhau ổn định cuộc sống cho đến ngày nay. Năm 1984, sau những lần vượt đèo, lội suối, lên đỉnh Đá Đỏ cao hơn 1.889 m so với mực nước biển, lần đầu dừng chân bên cột mốc, nơi khẳng định chủ quyền đất nước, tâm trạng của già Hự lúc đó bỗng trào dâng lên điều khó tả, rồi già Hự tự nhủ, mình phải làm điều gì đấy để phụng sự Tổ quốc. Với suy nghĩ ấy, già Hự lập tức xuống đồn biên phòng tình nguyện đăng ký tham gia được trông coi cột mốc G8. Trước chỉ huy đồn, già Hự dõng dạc hứa: “Sẽ chăm sóc G8 như người thân trong gia đình”. Được chỉ huy Đồn Biên phòng 489 (nay là Đồn Biên phòng Quang Chiểu) đồng ý, đều đặn mỗi tháng 2 lần, già Hự lại một mình khăn gói lên cột mốc, trong quá trình lên cột mốc nếu phát hiện điều gì đấy bất thường, già Hự ghi nhớ về báo cáo với cán bộ biên phòng. Có lần trên đường lên cột mốc, phát hiện người dân trồng cây thuốc phiện gần cột mốc, già Hự quay về báo cáo để cán bộ, chiến sĩ biên phòng biết tình hình và lên tuyên truyền vận động phá bỏ cây thuốc phiện. Một lần khác lên thăm cột mốc phát hiện cột mốc bị sứt một mảng lớn, già Hự về báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị. Ngay sau đó, đồn cử chiến sĩ lên cột mốc nắm tình hình, tu sửa lại cột mốc.

Trung tá Lê Thế Dân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: Già Hự như cây đại thụ ở bản Pù Đứa, uy tín và những việc làm của già được người dân bản Pù Đứa rất kính trọng. Trong suốt hơn 30 năm, già đã cùng với các con tự nguyện bảo vệ cột mốc, việc làm ấy đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm; đảm bảo ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền an ninh biên giới.

Hành trình chinh phục cột mốc

Sau những “thước phim” của già Hự kể lại, chúng tôi mong muốn được lên cột mốc 304, để được cảm nhận những gì mà già Hự và các con đã, đang tự nguyện bảo vệ. Chiến sĩ Lâu Văn Lau, trinh sát trẻ của Đồn Biên phòng Quang Chiểu, nhận nhiệm vụ đi cùng chúng tôi, thốt lên: Nhà báo muốn chinh phục phải có đôi chân “không mỏi”, có sức khỏe của con nai rừng, mới lên được tới 304. Mùa này, leo rừng gặp nắng và những cơn mưa bất chợt, sấm chớp bất thường, không biết nhà báo có lên đến đỉnh của cổng trời không hay lại “đứt gánh giữa đường”. Già Hự nghe được lời của Lau, liền nói: Khắc đi, khắc đến.

4 giờ sáng, tại bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát), trong khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, tiếng lạch cạch phát ra từ căn bếp nhỏ, làm cho chúng tôi tỉnh giấc. Già Hự bên ánh lửa bập bùng đang cặm cụi đùm cơm với lá chuối. Thấy chúng tôi lại gần, già Hự thong thả nói: Đi rừng, lên G8, phải có cái cơm nắm, ấm cái bụng, chắc cái chân. Sau cái bắt tay như để truyền lửa cho các thành viên trong đoàn, già Hự vỗ vai từng người nói: Khắc đi, khắc đến...

Cuộc chinh phục cột mốc 304 bắt đầu từ chân núi Pù Đứa vượt quãng đường dài gần 14 km luồn rừng, vượt dốc. Có cả thảy 15 khe suối phải vượt qua, trong đó có 2 con suối lớn là suối Dục và suối Tiền Sen. Bên cạnh đó, cũng có 4 đỉnh núi cao cần phải chinh phục là Tơ Lưng, Đá Đen, Pù Lậu và đỉnh núi thác Đá Đỏ. “Ngọn Đá Đen đặc biệt nguy hiểm với vách đá tai mèo dựng đứng dài gần 5 km” – anh Lâu, con trai già Hự với kinh nghiệm nhiều lần cùng già Hự lên cột mốc, nên biết cách “kích thích” những chàng trai mới chập chững leo núi, đi rừng như chúng tôi: “Đi chút nữa thôi, 304 trước mặt rồi nhà báo ơi, anh Lâu nói”. Làm cho chúng tôi háo hức, căng mình bước những bước dài, cho dù khi ấy ở dưới chân những con vắt rừng “đã no căng” vẫn không chịu rời. Nắng mỗi lúc một gắt hơn, chiếc khăn mặt vắt trên vai ướt sũng. Ngay trong khoảnh khắc đó hình ảnh già Hự ở cái tuổi 93 vẫn lội suối, trèo đèo để chăm sóc cột mốc làm tôi thán phục.

Hơn 8 giờ leo dốc, vượt suối, băng rừng, khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, chúng tôi đã đặt chân lên cột mốc 304. Phiến đá hoa cương nguyên khối được khắc dòng chữ Việt Nam - 304 nằm vững chãi trên đỉnh núi Đá Đỏ. Từ đây, phóng tầm mắt nhìn bốn phía, với những dãy núi trùng điệp xanh ngút ngàn, với những đám mây lưng chừng núi hai bên biên giới Việt – Lào. Cảm giác được lần đầu tiên đặt chân lên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc khiến chúng tôi ai nấy đều bồi hồi xúc động xen lẫn niềm tự hào. Cột mốc khẳng định chủ quyền của đất nước. Với tôi, việc làm của già Hự và các con suốt hơn 30 năm qua, tuy bình dị nhưng rất đỗi cao quý, bằng tình cảm và tình yêu Tổ quốc, đã và đang góp phần với cán bộ, chiến sĩ biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Truyền lửa cho thế hệ mai sau

Sau khi thực hiện nghi lễ chào cột mốc, nghỉ lấy sức, chúng tôi “hạ sơn” về Pù Đứa khi bản đã lên đèn. Những bước chân nhanh dần khi khoảng cách với các ngôi nhà gỗ, thấp tè – kiểu kiến trúc đặc trưng của người Mông hiện dần. Gần đến nhà, già Hự đã đứng chờ từ khi nào. Chưa kịp chào, chúng tôi đã bị già hỏi dồn: G8 có sao không? Anh Lâu liền nói: G8 vẫn tốt. Ánh mắt của già Hự chợt ánh lên trong khoảnh khắc.

Vài năm trước đây, khi biết mình tuổi cao, sức đã yếu, không thể vượt núi, băng rừng đến cột mốc G8 nữa, già Hự đã gọi người con trai cả Lâu Văn Lự đến nói: Nay ta đã già không còn lên được G8, con hãy thay ta lên G8 để chăm sóc cột mốc, làm những việc mà ta đã làm. Lâu Văn Lự nghe lời cụ, hằng tháng lại một mình lên cột mốc. Nhưng rồi, một căn bệnh quái ác ập tới, anh Lự đã không thể lên cột mốc được nữa. Sau khi Lự mất, già Hự lại gọi Lâu Văn Lâu người con thứ 5 trong gia đình đến để dặn dò tiếp tục thay bố và anh bảo vệ cột mốc G8. Năm 2016, già Hự có nguyện vọng lên thăm cột mốc G8 lần cuối cùng, chương trình Điều ước thứ 7 của Đài Truyền hình Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã có cuộc “chinh phục” cột mốc 304 cùng già Hự khi ấy đã ở tuổi 93.

Theo đồng chí Lê Thế Dân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý gần 45 km đường biên với 22 cột mốc, nhiều cột mốc có địa hình hiểm trở, như: Cột mốc 304 được xem là cột mốc cao, xa và khó đi nhất, phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu với bản Phiềng Khạy (cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào); cột mốc 287 nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới, đây là điểm phân định giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (huyện Mường Lát) với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào)... Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã tập trung tuyên truyền nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ đường biên cột mốc. Trong đó, già Hự ở bản Pù Đứa, già Xiết (người dân tộc Dao), ở bản Suối Tút, già Xôi, ở bản Cang... đã dành gần như trọn cuộc đời, gắn tình yêu thương với trách nhiệm cao cả là bảo vệ mốc giới biên cương Tổ quốc. Hiện nay, khi các già tuổi cao sức yếu, những người con của các già, như: Anh Lâu Văn Lâu, anh Phan Văn San... đang tiếp nối tự nguyện bảo vệ đường biên mốc giới. Từ những việc làm của già Hự, già Xiết, già Xôi... và các con, phong trào tự nguyện nhận bảo vệ cột mốc đã được nhân rộng trên địa bàn xã Quang Chiểu, hiện đã có 19 gia đình tự nguyện đăng ký bảo vệ 22 cột mốc chủ quyền cùng với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc 2 bên biên giới Việt Nam – Lào bảo vệ sự bình yên biên giới quốc gia. Việc làm của các già và người dân nơi đây đã giúp bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.


Minh Hiếu - Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]