(Baothanhhoa.vn) - Ngày 10-7-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 172/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương đầu tư “Chương trình đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đây là bước đột phá, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của  tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ thành phố thông minh

Đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ thành phố thông minh

Xây dựng Trung tâm Thông tin chỉ huy điều hành phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Thanh Hóa – một trong những nội dung của đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Phan Nga

Ngày 10-7-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 172/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương đầu tư “Chương trình đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đây là bước đột phá, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh.

Kết quả bước đầu

Hiện nay hạ tầng viễn thông, internet của tỉnh đã tương đối hoàn thiện, mạng lưới viễn thông đã phủ sóng rộng khắp, hạ tầng di động đã phủ sóng hơn 97% dân cư, trong đó dịch vụ băng rộng 3G, 4G đã phủ sóng 90% dân cư. Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản đáp ứng được phần nào nhu cầu hiện tại để triển khai các ứng dụng CNTT. Sau hai năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Đề án thực hiện trong giai đoạn 2017–2020 gồm 42 nhiệm vụ, dự án, trong đó về xây dựng chính quyền điện tử tỉnh gồm có 28 nhiệm vụ, dự án, về phát triển các dịch vụ thành phố thông minh gồm 14 nhiệm vụ, dự án. Trong hai năm 2017-2018, khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0 được xây dựng gồm các yêu cầu cơ bản của 9 thành phần kiến trúc chính quyền điện tử theo 4 giai đoạn phát triển chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa.

Giai đoạn 2017-2018, hạ tầng và ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai đầu tư. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 37 dự án (trong đó có 16 dự án thuộc đề án, 21 dự án không thuộc đề án nhưng thuộc đối tượng đầu tư và phù hợp với mục tiêu đề án). Đến nay có 2 dự án thuộc đề án và 11 dự án không thuộc đề án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 12 dự án chuyển tiếp thuộc đề án và 8 dự án chuyển tiếp không thuộc đề án; 2 dự án thuộc đề án và 2 dự án không thuộc đề án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc có dự án đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn. Còn lại 26 dự án thuộc đề án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Các dự án đã hoàn thành, đưa vào hoạt động như: Dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cấp phần mềm, các phân hệ thông tin cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Dự án đầu tư hệ thống phòng họp trực tuyến tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã... đã góp phần nâng cao hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chất lượng với công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, thiếu các giải pháp, kinh nghiệm, mô hình thực tế. Việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh là vấn đề mới, khó, trong khi các bộ, ngành Trung ương chưa hướng dẫn tiêu chí cụ thể đối với lĩnh vực này. Các cơ sở dữ liệu hiện tại của tỉnh còn rời rạc, không có sự liên thông, kết nối, chia sẻ để nâng cao hiệu quả ứng dụng, sử dụng. Thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về CNTT. Một số dự án CNTT còn chậm tiến độ. Về phát triển dịch vụ thành phố thông minh còn khó khăn khi lựa chọn mô hình, kiến trúc ICT và định hướng cho việc xây dựng phù hợp, hiệu quả...

Quyết tâm mạnh mẽ

Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tham vấn các tổ chức, chuyên gia về định hướng, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Thông qua hội thảo, nhằm lắng nghe các chuyên gia, đại diện các tổ chức, các doanh nghiệp, các địa phương hiến kế, phản biện về các định hướng, giải pháp, các mô hình ứng dụng CNTT giúp tỉnh Thanh Hóa xây dựng thành công chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo. Tiếp đó, với quyết tâm mạnh mẽ, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII đầu tháng 7 này, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư “Chương trình đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Chương trình đặt ra mục tiêu: Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ và định hướng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Ứng dụng và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây trong một số lĩnh vực.

Mục tiêu cụ thể đối với xây dựng chính quyền điện tử là phấn đấu đến năm 2020: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 30% trở lên; tích hợp 40% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện. Hoàn thiện, duy trì cổng dịch vụ công tỉnh đảm bảo kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 3. Cổng dịch vụ công của tỉnh được cung cấp giao diện trên thiết bị di động, 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho tổ chức, công dân; 100% cơ quan Nhà nước công khai lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Có 30% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 70% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tối thiểu 85% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Rút ngắn từ 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử...

Đối với phát triển các dịch vụ thành phố thông minh: Tập trung xây dựng hoàn chỉnh mô hình hệ sinh thái thông minh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, giao thông, an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy.

Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, sẽ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hạ tầng thiết bị CNTT cho Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng và các sở, ngành, UBND cấp huyện; xây dựng trục kết nối tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) và trang thiết bị kết nối, vận hành, khai thác mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phát triển các dịch vụ thành phố thông minh về giáo dục, y tế, tài nguyên – môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và điều hành giao thông. Tổng nguồn kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2017 - 2020 là 1.688 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm.

Về tiến độ thực hiện chương trình, đối với các dự án chuyển tiếp triển khai đảm bảo tiến độ và thực hiện thanh, quyết toán dự án hoàn thành trong năm 2019. Đối với các dự án khởi công mới giai đoạn 2019-2020, khẩn trương triển khai, hoàn thành trước năm 2020.

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh là xu hướng hiện nay của thế giới. Với việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư “Chương trình đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và các giải pháp đồng bộ của tỉnh nhằm tạo nên bước đột phá, để bắt kịp xu hướng phát triển chung, nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến chính quyền số; đồng thời cung cấp các dịch vụ chất lượng cao phục vụ nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động người dân tích cực tham gia, cùng đồng hành, để mô hình chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh của tỉnh sớm thành hiện thực.

Việt Linh


Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]