(Baothanhhoa.vn) - Sáng 13-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thảo luận về 2 dự thảo Luật: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Sáng 13-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thảo luận về 2 dự thảo Luật: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Chứng khoán (sửa đổi)

ĐBQH Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) chiều 13-6.

Qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Cho ý kiến về dự thảo Luật này, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với các luật liên quan hiện hành như Luật Quốc phòng, Luật Cán bộ, công chức và cơ bản sát với thực tế tình hình ở các địa phương, cơ sở.

Về chỉ huy trưởng, tại điểm a khoản 1 Điều 20 dự thảo quy định: "chỉ huy trưởng là công chức cấp xã, trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm", tham chiếu với quan điểm của Đảng, hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của dân quân tự vệ ở cơ sở, đại biểu cơ bản đồng tình với quy định này của dự thảo Luật vì những lý do:

Thứ nhất, dự thảo Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, thống nhất với Điều 16 của Luật Quốc phòng năm 2018 "địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp".

Thứ hai, quy định như vậy sẽ không tăng thêm biên chế, vì hiện nay cơ bản chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở và được phong quân hàm sĩ quan dự bị. Khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật quy định "học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, ngành quân sự ở cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam". Đến nay, thực hiện Quyết định số 779 ngày 25/5/2011 đề án đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường đã có 25.359 đồng chí được phong quân hàm sĩ quan dự bị, được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật. Do vậy, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được gọi vào phục vụ tại ngũ và trở thành sĩ quan chính quy, khi hết tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được giải ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan và vẫn làm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

Thứ ba, việc bố trí sĩ quan quân đội đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ không phù hợp với tính chất, đặc thù của dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác. Điều đó làm chính quy hóa lực lượng này, làm tăng biên chế. Nếu thực hiện từ thời bình sẽ tăng lên 11.162 sĩ quan chính quy giữ chức xã đội trưởng. Như vậy, sẽ tăng ngân sách để giải quyết chế độ cho lực lượng này.

Thực hiện các quy định hiện hành, thời gian qua Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị thay vì bố trí sĩ quan quân đội đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình, Chính phủ cần quan tâm đào tạo và bồi dưỡng, bảo đảm chế độ, chính sách cho Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã tương ứng với yêu cầu, nhiệm vụ và tương thích với Trưởng Công an xã. Quy định như vậy vừa thể chế hóa Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đồng thời thống nhất với Điều 6 của Luật Quốc phòng năm 2018 và phù hợp với thực tế đang thực hiện.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh hiểu là điều động sĩ quan tại ngũ đảm nhiệm chức danh Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý điểm a khoản 1 Điều 20 lại như sau, “chỉ huy trưởng là công chức cấp xã, sĩ quan dự bị, trong tình trạng khẩn cấp về Quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã”, ĐB Cầm Thị Mẫn đề nghị.

Chiều 13-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng, dù mới ra đời gần 20 năm nhưng chứng khoán đã có đóng góp đáng kể vào việc cung ứng vốn cho nền kinh tế quốc dân. Tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán tăng dần theo từng năm và hiện nay đã chiếm gần 30%. Cơ cấu vốn đang chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng thị trường tín dụng và tăng dần tỷ trọng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế và tiềm năng của thị trường chứng khoán thì những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cũng chỉ ra thực tế, đó là vận hành thị trường chứng khoán thời gian vừa qua vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực như: làm giá, thao túng một số mã cổ phiếu. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của thị trường chứng khoán và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh huy động vốn quan trọng này. Do vậy, việc tiếp tục hoàn thiện khung thể chế pháp lý của thị trường chứng khoán để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định, huy động được nguồn lực trong dân, giảm chi phí vốn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là cần thiết.

Cho rằng, dự thảo Luật đã đưa các thị trường không phải là thị trường niêm yết vào điều chỉnh, song theo đại biểu, có một thị trường quan trọng trong thị trường này chính là thị trường OTC (thị trường phi tập trung – phóng viên). Mặc dù, dự thảo Luật đưa vào nguyên tắc nhưng chưa có những điều khoản cụ thể. Do đó, cần luật hóa các quy định về thị trường OTC. Hiên nay, ngày càng càng có nhiều sản phẩm lên sàn upcom (Thị trường công ty đại chúng chưa niêm yết – phóng viên). Nếu chúng ta không giải quyết việc càng ngày càng có nhiều cổ phiếu trên sàn upcom, không chuyển lên sàn niêm yết thì sẽ dẫn đến tình trạng “dồn toa”, các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ không chịu hoàn thiện các bước khác để nâng cao chất lượng của mình để đăng ký lên sàn niêm yết. Do vậy, trong luật lần này cũng có những chế tài quy định, ít nhất về mặt thời gian, các công ty doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sau một thời gian nhất định thì phải hoàn thiện để lên sàn, chuyển từ sàn upcom lên sàn niêm yết.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Quang, hiện nay chúng ta đang có sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh. Nhưng có một loại hình cổ phiếu, một loại chứng chỉ rất quan trọng mà chúng ta chưa khai thác hết đó là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phiếu nhưng không có quyền biểu quyết. Có một số ngành và lĩnh vực chúng ta phải giới hạn, chúng ta không thể nới rộng được nhưng nếu chúng ta có một loại cổ phiếu ở nước ngoài gọi là NVDR, rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phiếu này, người ta không cần quyền biểu quyết, chỉ hưởng cổ tức thì hiện nay chúng ta chưa tính đến. Đây là loại cổ phiếu xuất hiện trên thị trường Mỹ 100 năm và cách đây hơn 10 năm thì ở Thái Lan đã áp dụng. Nếu chúng ta đưa loại hình cổ phiếu này vào thị trường chứng khoán thì sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và như vậy chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ đồng bộ hơn, thay vì hiện nay chúng ta phụ thuộc vào FDI, tức là đầu tư trực tiếp mà chúng ta có kênh đầu tư gián tiếp chính là các cổ phiếu ở nước ngoài.

Đề cập đến Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và các quỹ tài chính nhà nước khác được là nhà đầu tư chuyên nghiệp trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bỏ nên bỏ quy định này . Bởi Quỹ tài chính nhà nước là thực hiện các nghĩa vụ thuộc về ngân sách, nhưng ngân sách chưa bố trí được. Nếu chúng ta cho quỹ này tham gia vào thị trường chứng khoán thì sẽ có rất nhiều rủi ro, có thể là thua lỗ và lúc đó thì không có nguồn để thực hiện các nghĩa vụ mà ngân sách nhà nước phải thực hiện, ĐB Nguyễn Hữu Quang lưu ý.

Hà An


Hà An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]