(Baothanhhoa.vn) - Đảng bộ TP Thanh Hóa qua các kỳ đại hội (Kỳ 2)

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảng bộ TP Thanh Hóa qua các kỳ đại hội (Kỳ 2)

Đảng bộ TP Thanh Hóa qua các kỳ đại hội (Kỳ 2)

Ảnh minh họa.

  1. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VIII (1971-1975)

Ngày 14-2-1971, Đảng bộ thị xã Thanh Hóa đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ VIII. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 1971 và những năm tiếp theo: “Tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất; giải quyết tốt các mối quan hệ giữa chiến đấu, phòng tránh, với sản xuất; giữa kinh tế với quốc phòng. Tập trung các biện pháp phát triển sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp với tinh thần tập trung sản xuất hàng tiêu dùng một cách phong phú, phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, nhằm đạt hiệu quả cuối cùng là: Năng suất lao động tăng; sản phẩm xã hội nhiều; chất lượng tốt, bền đẹp, giá thành hạ. Coi công tác xây dựng Đảng là then chốt, khâu quyết định thắng lợi của đảng bộ”.

Đại hội đã bầu ban chấp hành đảng bộ khóa mới gồm 18 đồng chí, ban thường vụ gồm 5 đồng chí. Đồng chí Hồ Văn Huấn được bầu làm Bí thư Thị ủy, đồng chí Hoàng Tửu được bầu làm Phó Bí thư.

  1. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ IX (1975-1977)

Hòa cùng niềm vui thắng lợi vĩ đại của dân tộc, từ ngày 26 đến ngày 31-3-1975, đảng bộ thị xã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IX.

Đại hội đề ra nhiệm vụ: “Tập trung mọi khả năng sức lực của các ngành, các cấp đẩy mạnh sản xuất kinh tế phát triển, nhằm sử dụng hết mọi khả năng lao động xã hội là khâu cơ bản nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, thúc đẩy mọi mặt văn hóa - xã hội trong năm 1975 và những năm tới. Tăng cường công tác quản lý kinh tế, văn hóa, quản lý thị xã, quản lý Nhà nước làm cho các mặt quản lý có những tiến bộ rõ rệt, phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm củng cố và hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả hai khu vực quốc doanh và tập thể, tổ chức xây dựng cuộc sống mới tươi vui, lành mạnh. Nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, tăng cường công tác quân sự địa phương, công tác bảo vệ trật tự trị an xã hội, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, ngăn ngừa và đánh bại mọi hành động chiến tranh tâm lý gián điệp và mọi hoạt động phá hoại của địch, đáp ứng đầy đủ nhất các yêu cầu chi viện người và của cho cách mạng miền Nam...”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IX gồm 21 đồng chí; ban thường vụ gồm 6 đồng chí. Đồng chí Hồ Văn Huấn được bầu làm Bí thư Thị ủy, đồng chí Thiều Quang Mộc làm Phó Bí thư (Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã).

  1. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ X (1977-1979)

Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ X (vòng 2) diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30-6-1977. Dự Đại hội có 200 đại biểu, thay mặt cho 4.613 đảng viên trong toàn đảng bộ. Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ của thị xã trong nhiệm kỳ 1977 - 1979 là: “Sử dụng hết khả năng lao động và thiết bị hiện có, tăng thêm thiết bị cho một số ngành kinh tế trọng điểm, tăng cường công tác tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 19, 61, 134/CP của Hội đồng Chính phủ. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng cung cấp phần lớn cho nhu cầu nhân dân trong tỉnh. Tăng nhanh tốc độ sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất nhiều sản phẩm “rau, thịt”, giải quyết vững chắc lương thực, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, cải thiện từng bước đời sống nhân dân thị xã, đồng thời tăng cường công tác quân sự địa phương, công tác trật tự, vệ sinh từng bước xây dựng thị xã thành địa bàn công - nông nghiệp liên hiệp”.

Đại hội đã bầu ban chấp hành đảng bộ gồm 23 đồng chí (2 ủy viên dự khuyết). Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X đã bầu ban thường vụ gồm 7 đồng chí; đồng chí Lê Xuân Sang được bầu làm Bí thư Thị ủy; đồng chí Thiều Quang Mộc làm Phó Bí thư phụ trách chính quyền.

  1. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI (1979-1983)

Từ ngày 25 đến ngày 28-6-1979, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XI đã diễn ra tại thị xã Thanh Hóa, với sự tham dự của 306 đại biểu từ 187 chi bộ, đảng bộ cơ sở. Đại hội quyết nghị: “Phát huy hơn nữa quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, ý chí tự lực tự cường, tinh thần cách mạng tiến công, khắc phục khó khăn, tận dụng thuận lợi nhằm tăng cường cải tiến quản lý kinh tế, tổ chức lại sản xuất trong cả tiểu thủ công nghiệp, vận tải, nông nghiệp, tiếp tục phân bổ lại lực lượng lao động, sử dụng tốt khả năng lao động hiện có, tận dụng tốt công suất thiết bị, ruộng đất, vật tư, phế liệu, phế phẩm, khai thác thêm nhiều nguồn nguyên liệu mới, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất vụ đông, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực và cung cấp ngày càng nhiều thực phẩm, thực hiện hậu cần tại chỗ. Đồng thời, tăng cường giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân, khẩn trương chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; chi viện đầy đủ và kịp thời các yêu cầu của tỉnh và cả nước, từng bước xây dựng thị xã thành đơn vị kinh tế công - nông nghiệp, tổ chức tốt đời sống nhân dân và thành pháo đài vững chắc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ...”.

Đại hội đã bầu ban chấp hành gồm 35 đồng chí, trong đó có 33 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Trong phiên họp thứ nhất (ngày 9-7-1979), ban chấp hành đã bầu 11 đồng chí vào ban thường vụ; đồng chí Lê Xuân Sang làm Bí thư Thị ủy; đồng chí Ngô Đức Kính làm Phó Bí thư Thường trực; đồng chí Thiều Quang Mộc được tái cử Phó Bí thư phụ trách chính quyền.

  1. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII (1983-1986)

Ngày 15-3-1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ XII (vòng 2) đã khai mạc trọng thể tại hội trường thị ủy, 339 đại biểu thay mặt cho 9.123 đảng viên ở 194 cơ sở đảng đã về dự đông đủ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã về chỉ đạo đại hội.

Đại hội đề ra mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu trong ba năm 1983-1985: “Ra sức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, tăng cường hiệu lực quản lý hành chính Nhà nước, quản lý xã hội và quản lý kinh tế, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động; thực hiện một sự chuyển biến căn bản về tập trung sức đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, vận tải mà trọng tâm là sản xuất tiểu thủ công nghiệp và vận tải, lo đủ việc làm cho người lao động. Phấn đấu ổn định đời sống nhân dân về vật chất và có phần được cải thiện về tinh thần. Xây dựng nếp sống sản xuất công nghiệp, lối sống lành mạnh, giản dị, tiết kiệm. Đề cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù, gắn liền với chống tiêu cực, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từng bước xây dựng thị xã Thanh Hóa thành một đơn vị giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về an ninh - quốc phòng và đẹp về văn hóa”.

Đại hội bầu ban chấp hành, gồm 33 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Ban chấp hành đã bầu đồng chí Hoàng Tạ làm Bí thư Thị ủy; bầu đồng chí Ngô Đức Kính làm phó Bí thư Thường trực, đồng chí Trần Văn Lãm làm Phó Bí thư phụ trách chính quyền.

  1. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIII (1986-1989)

Từ ngày 6 đến 11-10-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1986-1989 đã được tổ chức. Dự đại hội có 309 đại biểu thay mặt cho 7.364 đảng viên từ 145 cơ sở đảng trong đảng bộ. Đại hội quyết nghị: “Xuất phát từ phương hướng cơ bản của Tỉnh: “Từ lương thực, xuất khẩu và sản xuất hàng hóa phong phú, đa dạng mà đi lên”, ổn định và tiếp tục phát triển mạnh sản xuất, trọng tâm là sản xuất tiểu thủ công nghiệp; phát triển giao thông - vận tải; mở rộng dịch vụ, chú trọng dịch vụ đời sống. Phát triển nông nghiệp toàn diện, tập trung thâm canh tăng năng suất, hình thành vành đai thực phẩm ổn định. Mọi người có việc làm và đời sống ổn định.

Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, truyền thanh, thể dục, thể thao... làm tốt công tác nhà đất, từng bước xây dựng đô thị theo quy hoạch để đổi mới bộ mặt của thị xã.

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Tăng cường kinh tế quốc doanh, củng cố phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế gia đình phát triển đúng hướng.

Xây dựng đảng bộ vững mạnh, hệ thống chính quyền có đủ năng lực quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, các đoàn thể quần chúng vững mạnh”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIII gồm 39 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Tạ được bầu làm Bí thư; đồng chí Trịnh Đình Bốn làm Phó Bí thư Thường trực; đồng chí Trần Văn Lãm làm Phó Bí thư phụ trách chính quyền.

  1. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV (1989-1991)

Ngày 29-1-1989, đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ XIV. Đại hội kiểm điểm các mặt hoạt động của đảng bộ trong nhiệm kỳ XIII và đề ra phương hướng nhiệm kỳ tới. Nghị quyết đại hội chỉ rõ: “Đẩy mạnh phát triển sản xuất (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), mở mang, lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động, giữ vững và nâng cao dần mức sống cho nhân dân, củng cố xây dựng quốc phòng vững mạnh, đảm bảo cho thị xã có nếp sống văn minh, trật tự an toàn xã hội”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIV, nhiệm kỳ 1989-1991, gồm 35 đồng chí, bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Thịnh được bầu làm Bí thư Thị ủy; đồng chí Ngô Đức Kính làm Phó Bí thư Thường trực; đồng chí Mai Văn Minh làm Phó Bí thư (phụ trách chính quyền).

(Còn nữa)

T.V (biên soạn)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]