(Baothanhhoa.vn) - Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đảng bộ và nhân dân huyện Như Thanh đã và đang phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển biến sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp ở huyện Như Thanh

Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đảng bộ và nhân dân huyện Như Thanh đã và đang phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Cán bộ xã Phú Nhuận thường xuyên thăm, kiểm tra đồng ruộng.

Mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh lần thứ XXII đặt ra là huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thoát nghèo bền vững, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện Như Thanh đã ban hành 4 đề án về phát triển nông - lâm nghiệp và chăn nuôi. Đây được xem là hướng đi phù hợp, không chỉ khai thác tiềm năng đất đai, mà còn góp phần giúp những người dân gắn bó với nghề nông - lâm nghiệp trở nên giàu có.

Ngoài ra, huyện đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như: Thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; kiện toàn, đổi mới hoạt động của các HTX nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất. Cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng các mô hình mới, đưa cây trồng mới vào sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, thay thế các giống lúa, ngô kém năng suất, chất lượng bằng những giống lúa lai, ngô lai có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, vận động bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Toàn huyện hiện chuyển đổi và luân canh được 383 ha đất lúa sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi được trên 483 ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía và chuyển đổi được 780 ha đất trồng mía có độ dốc cao sang trồng cây trồng khác. Đặc biệt, năm 2016, xã Yên Lạc đã chuyển đổi được 20 ha đất rừng sản xuất sang trồng cây ăn quả công nghệ cao. Hiện nay, diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn huyện tương đối tập trung, có độ dốc thấp và duy trì ổn định là trên 2.000 ha, năng suất mía vụ 2017-2018 đạt 52 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha so với niên vụ 2014-2015.

Nét nổi bật khác trong nửa nhiệm kỳ qua là toàn huyện đã xây dựng được 4 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 2.000m2 nhà lưới sản xuất rau an toàn và có trên 100 ha rau an toàn nhân dân tự gieo trồng để phục vụ nhu cầu rau xanh an toàn hàng ngày của nhân dân; nhiều mô hình mới gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm trong nông nghiệp đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và nhân rộng, như: Cây đào, thanh long ruột đỏ, ớt xuất khẩu ở xã Xuân Du; cây bí xanh, rau an toàn, nấm, mộc nhĩ công nghệ cao ở xã Yên Thọ; cây riềng ở xã Cán Khê...

Nhằm tạo ra bước chuyển mạnh mẽ của kinh tế rừng, huyện Như Thanh cũng đã và đang ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn. Theo đó, cuối năm 2016, huyện Như Thanh đã phê duyệt Đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh tái sinh, giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2030”. Đây được xem là hướng đi phù hợp, không chỉ khai thác tiềm năng đất đai, mà còn góp phần giúp những người dân gắn bó với nghề rừng trở nên giàu có. Để khuyến khích các hộ dân nhận khoán tham gia trồng rừng gỗ lớn, ngoài vận động, tuyên truyền, huyện Như Thanh còn thực hiện chính sách hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, huyện Như Thanh có 405 ha rừng trồng gỗ lớn; khoanh nuôi, tái sinh được 10 ha rừng lim. Với những kết quả ấy, cho thấy trồng rừng gỗ lớn của huyện đã có bước chuyển biến tích cực. Người dân cơ bản đã thay đổi nhận thức, chuyển từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh có chăm sóc gắn với khoanh nuôi rừng gỗ lớn.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Theo đó, huyện đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tập trung thực hiện các chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc để mở rộng quy mô các đồng cỏ phục vụ chăn nuôi; phối hợp với các địa phương trong, ngoài tỉnh mua giống trâu, bò, lợn... bảo đảm chất lượng, cung ứng cho các hộ trên địa bàn. Hiện, toàn huyện có gần 17.000 con trâu, bò, trên 24.000 con lợn, 250.000 con gia cầm các loại; 34 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Công tác quản lý dạy và học được thực hiện nghiêm túc, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng ở tất cả các cấp học và vùng miền; mạng lưới trường, lớp được quy hoạch phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong 2 năm 2016 và 2017, toàn huyện xây dựng mới 11 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia lên 32 trường, đạt tỷ lệ 61,5%; chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân được cải thiện; hoạt động văn hóa, thể thao có bước chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ. Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng được đảng bộ, chính quyền huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Đến nay, tổng số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 14,43 tiêu chí/xã; có 6 xã đạt chuẩn NTM và 45 thôn đạt chuẩn NTM. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hơn 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện luôn đạt trên 16,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 27,1 triệu đồng (năm 2015 đạt 22 triệu đồng)...

Từ những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng bộ huyện Như Thanh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính, đó là: Tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chủ trương, chính sách của tỉnh để ban hành những cơ chế hỗ trợ đặc thù của huyện trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết điều hành công việc; chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM...


Bài và ảnh: Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]