(Baothanhhoa.vn) - Cụ Hoàng Minh Châu ở xã Hoằng Lương (Hoằng Hóa) nay tuổi đã cao, tai không còn nghe rõ, nhưng nhắc lại ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ bảo: “Thời gian có thể khiến tôi quên đi điều gì đó chứ riêng những kỷ niệm về Điện Biên Phủ thì không”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua hồi ức người lính già

Cụ Hoàng Minh Châu ở xã Hoằng Lương (Hoằng Hóa) nay tuổi đã cao, tai không còn nghe rõ, nhưng nhắc lại ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ bảo: “Thời gian có thể khiến tôi quên đi điều gì đó chứ riêng những kỷ niệm về Điện Biên Phủ thì không”.

Cựu TNXP Lê Đình Cương, thôn Cộng Hòa, xã Vạn Thiện (Nông Cống) ôn lại ký ức tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với đồng đội.

Ngày xin được đi đánh giặc, phải năn nỉ cán bộ mãi vì nhà neo người - cụ Châu nhớ lại, vào bộ đội, tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 142, Đại đoàn 312 (sau đổi thành Sư đoàn 312), bắt đầu tham gia nhiều trận đánh. Trận đầu tiên là chiến dịch Hòa Bình rồi đến chiến dịch Tây Bắc. Đầu tháng 2-1954, tôi được tăng cường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và giữ chức tiểu đội trưởng. Đến giữa tháng 2-1954, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồn Him Lam. Nhận biết được tầm quan trọng của nhiệm vụ, tôi cùng cán bộ trong tiểu đội trực tiếp đi trinh sát địa hình, nghiên cứu hướng và chịu trách nhiệm đánh bộc phá đầu tiên. Lúc ấy tôi tự nhủ: “Mình phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Dù có chết cũng phải quyết tâm làm cho được...”.

Đúng 17h ngày 13-3-1954, nhận được lệnh, tôi đã nhanh chóng lao lên 30m tiếp cận hàng rào đặt ống bộc phá giật nụ xòe, phá tung hàng rào của địch chừng 5m. Trong trận chiến này, tôi đã bị một mảnh đạn của địch găm vào hông khá nặng, phải nghỉ một thời gian. Những năm sau này theo yêu cầu của cách mạng miền Nam, tôi lại được điều vào Quân khu 8... Gần 30 năm cống hiến cho cách mạng, lặn lội trên khắp các chiến trường từ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên đến Quân khu 4, giới tuyến, Quân khu 8, sang cả nước bạn Lào, Campuchia, tôi trở về quê với quân hàm đại úy...

Trở về với cuộc sống đời thường ở vùng quê yên bình, cụ Lê Đình Cương, thôn Cộng Hòa, xã Vạn Thiện (Nông Cống) nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Ít ai biết rằng, một người mảnh dẻ như cụ nhưng lại có sức chịu đựng bền bỉ. Tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) năm 1953, thanh niên Cương được biên chế về C413, đội 40 phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Việc của TNXP rất vất vả, ban ngày thường là tránh địch phát hiện nên không hoạt động mà chủ yếu là hoạt động vào ban đêm: Đào đường hầm, làm cầu đường, mở đường, vá hố bom cho xe pháo qua, chuyển tải lương thực, tải thương binh về các trạm điều trị, cầm bạt trắng làm hoa tiêu dẫn lối cho xe đi... Cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt và vô cùng thiếu thốn, Lê Đình Cương cùng với đồng đội nhiều lần nhường cơm cho bộ đội, chịu gian khổ về mình mà không chút đắn đo, vì xác định mình là lực lượng TNXP Hồ Chí Minh - đội quân do Đảng, Bác Hồ sáng lập để phục vụ chiến đấu, giành độc lập. Năm 1957, hoàn thành nhiệm vụ, Lê Đình Cương trở về địa phương lao động sản xuất và là thư ký đội sản xuất của thôn. Đồng thời là một trong những người tích cực tham gia xóa nạn mù chữ ở địa phương. Cụ còn nhớ, những đêm trăng sáng, cụ tham gia dạy học cho những người không biết chữ, gần như người dân các thôn thức trọn đêm để học, phong trào học chữ rầm rộ lắm. Thay cho những tờ giấy là tàu lá chuối, lá dong, lá khoai... tất cả các loại lá cây to, xanh tốt đều được người dân tận dụng để viết chữ cái, đánh vần. Phong trào học chữ quốc ngữ của thôn cứ vậy kéo dài suốt nhiều năm. Vợ chồng cụ Cương và con cháu trong gia đình luôn tích cực lao động sản xuất, học tập, trưởng thành có ích cho xã hội. Gia đình cụ nhiều năm được xã công nhận là gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo.

Góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, lớp lớp thanh niên Thanh Hóa nô nức tòng quân, tham gia TNXP lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Qua ba đợt, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công tuyến lửa (dài hạn và ngắn hạn) với tổng số 178.924 người, huy động 3.530 xe đạp thồ với 16.000 lượt chiếc, 1.126 thuyền, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi; cung cấp hậu cần cho quân đội, chiếm tới 56% (9.000 tấn gạo/16.000 tấn), số lương thực, thực phẩm chiếm 40% (450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại). Nhiều con em Thanh Hóa trở thành kiện tướng vận chuyển như: Ma Văn Kháng, Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc...

Kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta tự hào với những đóng góp to lớn của lớp cha anh đi trước, của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa, cần thấy rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay được sống trong thời bình, càng phải ra sức học tập, lao động để đóng góp một phần công sức của mình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Bài và ảnh: Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]