(Baothanhhoa.vn) - “Bão” ma túy, HIV và lũ quét đã tràn qua làm bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) tan hoang, nhiều gia đình phải ly tán, bản tiêu điều, ảm đạm, nhưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ, bản Poọng đã từng ngày hồi sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chi bộ bản Poọng và hành trình “vượt bão”: Bài 1: Vượt “bão” ma túy, HIV

“Bão” ma túy, HIV và lũ quét đã tràn qua làm bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) tan hoang, nhiều gia đình phải ly tán, bản tiêu điều, ảm đạm, nhưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ, bản Poọng đã từng ngày hồi sinh.

Chi bộ bản Poọng và hành trình “vượt bão”: Bài 1: Vượt “bão” ma túy, HIV

Người dân bản Poọng có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới.

Nỗi buồn “bản ma túy”, “bản không chồng”

Vượt qua những cung đường ngoằn nghèo khúc khuỷu từng in dấu chân binh đoàn Tây Tiến năm xưa, trong cơn mưa rả rích chưa có dấu hiệu tạnh, chúng tôi lên bản Poọng khi cơn bão số 3 năm 2019 vừa gây cho vùng cao biên giới Mường Lát những thiệt hại không kém gì trận lũ lịch sử do cơn bão số 4 vào cuối tháng 8 năm ngoái. Đến khu tái định cư bản Poọng hôm nay được chứng kiến những ngôi nhà kiên cố vững chãi, người dân yên tâm không phải chạy lũ như năm trước là kết quả của sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đầu tư hạ tầng điện, đường, trường trạm cho người dân tại nơi ở mới. Nhưng ít ai biết, có được bản Poọng hôm nay, người dân trong bản đã phải vượt qua nhiều “giông tố”, nhất là cơn bão HIV – ma túy tràn qua, nếu không có sự lãnh đạo của chi bộ, sự dìu dắt của các đảng viên trong chi bộ thì bản Poọng đã là bản buồn.

Khoảng 15 năm trước, mỗi khi nhắc đến bản Poọng, người ta không gọi tên bản, mà nhắc ngay đến cái tên: “Bản ma túy”, “bản HIV/AIDS” hay “bản không chồng”, bởi khi đó trong bản chỉ toàn người già, phụ nữ và trẻ em, thanh niên trai tráng đã bị “bão” ma túy và HIV/AIDS “quét” qua làm mất đi quá nửa. Trong căn nhà sàn vừa được xây dựng tại khu tái định cư mới, ông Vi Văn Én (75 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về chuyện buồn đã qua: Bản Poọng khi ấy có hơn 70 hộ với hơn 200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Song sóng gió nổi lên từ cuối năm 2004, khi “cơn bão ma túy” tràn về, cuốn phăng đi sự yên bình vốn có, bản Poọng bỗng chốc trở nên “hoang tàn” chẳng khác nào “bản chết”. “Cơn bão” ma túy và HIV đã khiến cuộc sống của nhiều hộ gia đình bị đảo lộn, vào thời gian cao điểm cả bản có trên 40 người đàn ông nghiện ma túy, nạn trộm cắp vặt diễn ra thường xuyên gây mất an ninh trật tự trong khu vực. Theo ông Én, sở dĩ ma túy có thể xâm nhập được vào bản Poọng và để lại hậu quả nặng nề là bởi đám thanh niên trai bản bị dụ dỗ, lôi kéo thành những đối tượng vận chuyển ma túy thuê cho những kẻ buôn “cái chết trắng” qua biên giới.

Dẫu không tận mắt chứng kiến, nhưng qua câu chuyện ông Én kể lại cũng đủ khiến chúng tôi rùng mình về “thảm cảnh” mà ma túy đã gieo rắc lên bản làng này. Trong suốt thời gian “bão” ma túy – HIV hoành hành ở bản, cứ 10 người đàn ông thì có 7 người nghiện ma túy. Hiểm họa của tiêm chích ma túy đã dẫn đến nhiều người mắc bệnh HIV. Nỗi buồn, sự bi ai cũng từ đó mà quẩn quanh, bám riết lấy bản Poọng. Tiếng cười vắng bóng bởi những người vợ mất chồng, những đứa con thơ vắng bóng cha. Nếu trước đây, người dân ở bản ngủ không cần phải cài then, tài sản yên tâm để dưới gầm sàn, nhưng từ khi “bão” ma túy về, hễ người dân sơ xểnh là các đồ gia dụng đều không cánh mà bay. Tình hình an ninh trật tự bất ổn, một số đảng viên trong chi bộ có con em bị “bão” ma túy – HIV cuốn vào có tâm lý dao động, buông xuôi, một số có tư tưởng chuyển đi chỗ khác dẫn đến nguy cơ chi bộ trắng đảng viên.

Chi bộ vượt “bão”

Trước tình trạng đó, nhằm “sốc lại” tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, với cương vị là bí thư chi bộ, ông Hà Văn Khố đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền xã và chỉ huy Đồn Biên phòng 485 ở xã Tén Tằn (sau này đồn 485 được tách ra để thành lập Đồn Biên phòng 483, đóng quân tại xã Tam Chung, ngày nay gọi là Đồn Biên phòng Tam Chung) để tìm giải pháp nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại bản. Để vận động đảng viên trong chi bộ vượt “bão”, cấp ủy, chính quyền và chỉ huy Đồn Biên phòng 485 đã cử cán bộ, chiến sĩ vào nắm tình hình bản Poọng, cử đảng viên vào sinh hoạt tại chi bộ bản Poọng với phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc). Thông qua các buổi sinh hoạt và họp dân bản, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và các đảng viên được tăng cường đã tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những thủ đoạn của tội phạm ma túy. Được cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, vận động, các đảng viên trong chi bộ đã không còn tâm lý “e ngại” với các đối tượng nghiện mà đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc vận động người thân đi cai nghiện. Từ khi đưa các đối tượng đi cai nghiện, cán bộ, chiến sĩ tăng cường đấu tranh tội phạm ma túy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn bản Poọng đã ổn định.

Chi bộ bản Poọng và hành trình “vượt bão”: Bài 1: Vượt “bão” ma túy, HIV

Một góc khu tái định cư mới của bản Poọng.

Bên cạnh việc tập trung tuyên truyền nhân dân trong bản nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy, cán bộ, chiến sĩ và đảng viên trong chi bộ bản Poọng đã rà soát, phát hiện những thanh niên có tư tưởng vững vàng để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Tại thời điểm năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, chứng kiến nhiều thanh niên và đàn ông trong bản bị mắc phải “căn bệnh thế kỷ”, Lò Quốc Tính đã tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, đồng thời nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Thấy được ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên Lò Quốc Tính trong hoạt động cộng đồng, chăm lo cho dân bản, chi bộ bản Poọng đã tìm hiểu và bồi dưỡng nhằm kết nạp Tính vào Đảng, xây dựng cán bộ tại địa phương. Cùng với việc bồi dưỡng những nhân tố mới để bổ sung, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng, các đảng viên trong chi bộ bản Poọng đã cùng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tổ chức cho các hộ dân ký cam kết tự giác chấp hành pháp luật không tiếp tay cho các đối tượng buôn bán ma túy.

Năm 2007, qua nắm tình hình, tư tưởng người dân và sự năng động của đảng viên Lò Quốc Tính, cấp ủy, chính quyền và Đồn Biên phòng 483 đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân bầu Lò Quốc Tính làm trưởng bản Poọng. Trên cương vị là trưởng bản, Lò Quốc Tính đã trăn trở và suy nghĩ: “Bản ta nghèo, người dân bản ta chưa no là do còn trông chờ Nhà nước, đất bản ta còn nhiều diện tích bỏ hoang. Để người dân no vào mùa giáp hạt, ngoài trồng lúa nương, dân bản phải biết thâm canh trồng lúa nước”. Với suy nghĩ ấy, Lò Quốc Tính đã đề xuất với chi bộ tổ chức khai hoang đất gần suối Lát để canh tác lúa nước. Ban đầu khi mới đưa ra “ý tưởng”, dân bản vẫn còn e ngại, vì bao đời nay dân bản chỉ có trồng lúa nương, chưa biết đến trồng lúa nước. Có ý kiến cho rằng: Trồng lúa nước mất nhiều công chăm sóc, mất chi phí, nếu không cho thu hoạch “xôi hỏng bỏng không”. Trước sự phân vân ấy, Lò Quốc Tính đã cùng với các đảng viên một mặt bắt tay vào khai hoang đất, một mặt báo cáo với cấp ủy chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng để mời cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn quy trình và cách chăm sóc. Đất không phụ công người, những cây lúa nước được chăm sóc, bón phân đúng quy trình phát triển tốt và cho thu hoạch với năng suất cao. Thấy cây lúa của trưởng bản và các đảng viên cho thu hoạch tốt, cách nghĩ của một số đảng viên và người dân đã thay đổi. Những vụ tiếp theo, bà con đã cùng với các đảng viên khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa 2 vụ. Tình trạng “no ba tháng, đói chín tháng” của người dân đã cơ bản được giải quyết. Bên cạnh đó, gieo cấy lúa nước, trồng cây ngô lai trên đất dốc, người dân bản Poọng tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng theo Dự án trồng rừng 147, chăn nuôi gia súc nhằm thoát nghèo.

Từ một điểm nóng về ma túy, với sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân vượt qua “bão trắng”. Khi hỏi về sự đóng góp của các đảng viên đối với bản, ông Vi Văn Én cho rằng: “Nếu chi bộ bản Poọng không lãnh đạo, chỉ đạo tốt, thì bản ta đã bị cái ma túy nó phá mất rồi. Có chi bộ, có các đảng viên dìu dắt, bản ta có cuộc sống ấm no đó!”.

“Bão” ma túy đã qua, HIV cũng không còn là nỗi kinh hoàng với người dân bản Poọng nữa. Bản Poọng đã chuyển mình hồi sinh sau “cơn bão” ma túy – HIV, số người nghiện ma túy trong bản giảm đáng kể, số người nhiễm HIV không tăng, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững. Khi nỗi đau đã lùi về quá khứ, người dân bản Poọng không ai bảo ai đều tích cực lao động sản xuất vì cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Thanh niên trong bản ai cũng bảo nhau tránh xa ma túy, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.

Nhưng rồi, cuộc sống người dân bản Poọng lại bị đảo lộn, khi vừa mới vượt qua “bão” ma túy – HIV do “nhân tai gây ra”, thì đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2018, người dân bản Poọng lại phải hứng chịu đợt lũ lịch sử do “thiên tai gây ra” vùi lấp đi những thành quả mới gây dựng. Một lần nữa, các đảng viên ở chi bộ bản Poọng lại tiền phong đi đầu cùng người dân vượt qua để ổn định cuộc sống mới.

Bài 2: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Bài và ảnh: Minh Hiếu


Bài Và Ảnh: Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]