(Baothanhhoa.vn) - Tăng cường cán bộ trẻ về các HTX nông nghiệp là chủ trương đúng đắn thúc đẩy sự phát triển các HTX tham gia thí điểm; đồng thời tạo cơ hội cho các cán bộ trẻ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực. Tuy vậy, thực tế đây cũng mới chỉ dừng lại ở hình thức “thí điểm”. Khi hết thời hạn thí điểm ở HTX, các cán bộ trẻ chưa biết sẽ về đâu?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cán bộ trẻ về làm việc ở HTX nông nghiệp - bài toán còn “dang dở”

Tăng cường cán bộ trẻ về các HTX nông nghiệp là chủ trương đúng đắn thúc đẩy sự phát triển các HTX tham gia thí điểm; đồng thời tạo cơ hội cho các cán bộ trẻ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực. Tuy vậy, thực tế đây cũng mới chỉ dừng lại ở hình thức “thí điểm”. Khi hết thời hạn thí điểm ở HTX, các cán bộ trẻ chưa biết sẽ về đâu?

Cán bộ trẻ về làm việc ở HTX nông nghiệp - bài toán còn “dang dở”

Cán bộ trẻ tham gia về làm việc có thời hạn ở HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (Thọ Xuân).

Trợ lực để phát triển

Về HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (Thọ Xuân), chúng tôi được tham quan mô hình phát triển sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình được thực hiện trên diện tích 3 ha trong nhà lưới. Tham gia thực hiện mô hình có sự đóng góp, “trợ lực” tích cực của Hà Thị Linh, cán bộ trẻ tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, được phân công thí điểm về làm việc có thời hạn ở HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai theo Quyết định số 1231/QĐ-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chia sẻ với chúng tôi, Hà Thị Linh cho biết: Được tham gia thực hiện mô hình phát triển sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP là bài học thực tế đầu tiên khi em vừa rời ghế nhà trường. Đây là mô hình sản xuất quy định chặt chẽ các quy trình kỹ thuật. Theo đó, tham gia thực hiện mô hình cùng với sự giúp đỡ của các cô, chú, anh chị đồng nghiệp, bản thân em cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công như tham gia chọn đất, giống, công tác phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế và kiểm tra...

Được biết, mô hình phát triển sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP có tổng nguồn vốn thực hiện 599,789 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 265 triệu đồng, vốn đối ứng của HTX là 334,789 triệu đồng. Kết quả thực hiện đã đạt tổng doanh thu 540 triệu đồng; lợi nhuận đạt được 180 triệu đồng.

Cùng với HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (Thọ Xuân), HTX nông nghiệp & phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải, cũng là HTX được lựa chọn thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn. HTX đã triển khai thực hiện mô hình phát triển cơ giới hóa đồng bộ mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa tại xã Thọ Hải giai đoạn 2018-2019. Diện tích thực hiện là 25 ha. Tổng nguồn vốn thực hiện 530 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 265 triệu đồng, vốn đối ứng của HTX là 265 triệu đồng. Kết quả thực hiện, doanh thu từ mô hình đạt 725 triệu đồng, lợi nhuận thu được 75 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Lê Văn, Giám đốc HTX nông nghiệp & phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải, chia sẻ: Thực tế, trước đây HTX chỉ làm trung gian cung cấp các thiết bị vật tư cho thành viên, chưa xây dựng được kế hoạch tổ chức và quản lý các loại hình sản xuất trong cộng đồng. Việc hoạch định, tổ chức, đánh giá các chương trình, dự án được giao cũng như việc chuyển giao thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các giải pháp góp phần nâng cao đời sống và phát triển năng lực của cộng đồng ở nông thôn chưa thực sự hoàn thiện. Do đó, khi được hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp, chúng tôi coi đây là trợ lực để HTX xây dựng được các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn cũng như hoàn thiện hơn về mặt tổ chức sản xuất, quy mô kinh doanh.

Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 592 HTX nông nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 352 HTX hoạt động khá, tốt; 223 HTX hoạt động trung bình và yếu; 17 HTX chưa đủ điều kiện đánh giá xếp loại. Trong tổng số 3.552 cán bộ quản lý HTX, số cán bộ quản lý có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 43,1%; số cán bộ quản lý có trình độ sơ cấp, trung cấp, chưa qua đào tạo chiếm 56,9%; một số cán bộ HTX đã cao tuổi khó có thể đảm đương được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn cũng cho thấy, phần đa cán bộ quản lý HTX có độ tuổi trung bình khá cao, từ 40 tuổi trở lên. Đội ngũ cán bộ đã cao tuổi thường khó tiếp thu khoa học - kỹ thuật mới, hạn chế trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tay nghề và kinh nghiệm quản lý ở các HTX nông nghiệp, Quyết định số 1231/QĐ-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp được hy vọng tạo động lực, tạo đà để các HTX nông nghiệp có bước phát triển mới.

Thực hiện Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch 115/KH-UBND ngày 4-6-2018 về thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Theo đó, địa bàn 4 huyện, gồm: Thọ Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa được thí điểm đưa 5 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở 5 HTX nông nghiệp trên địa bàn. Sau một năm các HTX tham gia thí điểm, theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Nhìn chung, các HTX đã có những chuyển biến rõ nét trong kết quả sản xuất, kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận đạt được của các HTX đều tăng. Các HTX đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh như: HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh) đã áp dụng thành công công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong việc sản xuất các loại giống nấm... Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại HTX các cán bộ trẻ tham gia thí điểm cũng đã có nhiều đề xuất, sáng kiến để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX như: HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp cây ngô ngọt, cây bí... đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Hết hạn... hết việc...

Có thể khẳng định, việc tăng cường cán bộ trẻ về các HTX nông nghiệp là chủ trương đúng đắn thúc đẩy sự phát triển cho các HTX tham gia thí điểm; đồng thời tạo cơ hội cho các cán bộ trẻ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực. Đây cũng là mô hình khởi nghiệp cho các sinh viên khi tiếp cận vào HTX. Tuy vậy, thực tế đây cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ hình thức “thí điểm”. Theo đó, đồng nghĩa với việc hết thời hạn thí điểm các cán bộ trẻ cũng hết thời gian làm việc tại các HTX. Bởi vậy, liên quan đến vấn đề “đầu ra“ sau thí điểm, một số cán bộ trẻ đang “hoang mang” chưa biết sẽ về đâu?

Căn cứ Kế hoạch 115/KH-UBND ngày 4-6-2018 của UBND tỉnh, trong thời gian công tác tại HTX nếu có thành tích xuất sắc và đáp ứng các điều kiện, được HTX xem xét, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý và được góp vốn vào HTX theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời gian hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX nông nghiệp tối đa không quá 36 tháng, vậy hết thời gian hỗ trợ của Nhà nước, liệu các HTX có đủ khả năng trả lương bằng với mức hỗ trợ để giữ cán bộ ở lại không?

Về vấn đề này, ông Lê Hữu Chung, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (Thọ Xuân) chia sẻ: Từ thực tiễn hoạt động của HTX thì bên cạnh những thuận lợi cơ bản, HTX cũng gặp không ít khó khăn về nhân lực, quản lý điều hành, đặc biệt là vấn đề thiếu nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, chưa có biện pháp huy động vốn tích cực, công tác thu hồi công nợ chưa đạt kết quả cao... Theo đó, để triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về nhu cầu bố trí cán bộ trẻ sau chương trình thí điểm sẽ là vấn đề khó, phải “cân nhắc” của HTX.

Cùng chung vấn đề này, ông Trần Lê Văn, Giám đốc HTX nông nghiệp & phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải, cho biết: Thực tế HTX cũng mới thành lập được 3 năm và hoạt động cũng chưa nhiều, mới bắt đầu đi vào ổn định sản xuất, kinh doanh. Mới đầu thành lập để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, HTX phải vay tiền mới có kinh phí để triển khai thực hiện. Khi HTX đi vào hoạt động doanh thu năm đầu bắt đầu có lãi nhưng chưa nhiều. Hiện tại, HTX vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh phí hoạt động. Vì vậy, để giữ chân cán bộ trẻ sau thí điểm cũng là “vấn đề” khó của đơn vị.

... và nhiều trăn trở

Vẫn biết rằng, thời gian hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX nông nghiệp là 36 tháng có thể chưa đủ để thực hiện 1 dự án dài hơi, nhưng cũng không phải là quá ngắn để chỉ dừng lại ở việc “tiếp cận” hay học hỏi. Thực tế, khi tham gia chương trình thí điểm bản thân các cán bộ trẻ cũng đã được ghi nhận và đánh giá tích cực. Về vấn đề này, ông Trần Lê Văn, Giám đốc HTX nông nghiệp & phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải, nhấn mạnh: Về cơ bản cán bộ trẻ khá năng động, nhiệt tình, nhanh nhạy, ham học hỏi, nhất là trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu sâu xa của chủ trương này không phải chỉ để giải quyết vấn đề việc làm, tiền lương, mà còn là dịp để các em có trình độ đại học, cao đẳng vận dụng kiến thức của bản thân để khởi nghiệp ngay ở nông thôn, qua đó tạo môi trường làm việc mới cho thanh niên nông thôn. Em Hà Thị Linh, cán bộ trẻ được phân công tham gia mô hình thí điểm tại HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai, chia sẻ: Ban đầu em cũng mất một khoảng thời gian để bắt nhịp công việc. Từ trường học bước vào thực tế, em đã gặp không ít khó khăn. Cũng chính vì lẽ đó, bản thân em càng mong muốn tình yêu nghề, sự nhiệt huyết, ham học hỏi... sẽ không chỉ dừng lại ở con số 36 tháng mà tiếp tục xa hơn, dài hơn để bản thân em cũng như các bạn tham gia mô hình thí điểm này tiếp tục được đồng hành, cống hiến hết khả năng, đưa HTX tiếp tục phát triển đi lên bền vững, trở thành một trong những HTX điểm của tỉnh.

Em Hoàng Thị Giang, tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Hà Nội, được phân công về làm việc tại HTX nông nghiệp & phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải, trăn trở: Sau thời hạn thí điểm, bản thân em cũng chưa có định hướng về công việc, địa điểm. Hiện tại, được tham gia làm việc, gắn bó với các cô, chú, anh chị đồng nghiệp, tại đây em thấy như đang ở chính ngôi nhà của mình. Vì vậy, em mong muốn và hy vọng sau thời gian thí điểm em sẽ tiếp tục được phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, chuyên môn, nghiệp vụ để cùng HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển ổn định, bền vững.

Cùng chia sẻ với những trăn trở của các cán bộ trẻ, hầu hết các giám đốc HTX đều có chung nỗi niềm: Vẫn biết rằng, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các HTX phải vươn lên trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế mới thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng và có “đất” để những cán bộ tăng cường thể hiện được năng lực, trình độ của mình. Tuy vậy, trước những khó khăn của các HTX hiện nay, để có thể giải quyết vấn đề “đầu ra” cho các cán bộ trẻ sau chương trình thí điểm, các HTX mong rằng các cấp, các ngành tiếp tục có cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ kinh phí để “chia sẻ” với các HTX giải quyết những khó khăn về “vốn”, có như vậy các HTX mới đủ “lực” để giải quyết các vấn đề về sản xuất, việc làm... Cùng với đó, trong quá trình thực hiện thí điểm, bản thân các cán bộ trẻ có trình độ về công tác tại các HTX cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp, các địa phương và các HTX trong việc giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhất là phải phát huy được năng lực, cống hiến hết mình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, từ đó, mới có thể lan tỏa, nhân rộng, tiến tới sự đổi thay về chất trong đội ngũ nhân lực HTX, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể trong xu thế mới.

Bài và ảnh: Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]