(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có 135 di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng (32 di tích quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có 135 di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng (32 di tích quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh).

Di tích lịch sử Chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành).

Nhiều di tích đánh dấu sự ra đời và hoạt động của tổ chức đảng, là địa điểm hoạt động bí mật của những chiến sĩ cộng sản, là nơi cất trữ, tiếp tế lương thực, đạn dược cho chiến trường, là nhà máy, xí nghiệp, công xưởng sản xuất vũ khí, đồ dùng phục vụ cho kháng chiến..., tiêu biểu như: DTLSCM thôn Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân), là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân và cũng là một trong 3 chi bộ đảng tiền thân của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; di tích Rừng Thông (Đông Sơn), nơi in dấu chân Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa; di tích Lò cao kháng chiến, xã Hải Vân (Như Thanh), nơi sản xuất hàng ngàn tấn gang thép phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; di tích Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa, giai đoạn 1940 – 1941. Đây cũng là nơi thành lập đội du kích Ngọc Trạo, tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa; Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa), nơi tưởng nhớ chiến công của các lão dân quân đã bắn rơi 2 chiếc máy bay của đế quốc Mỹ...

Có thể nói, mỗi di tích lịch sử không những giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về lịch sử cách mạng, mà còn nhân lên lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, từ đó sẽ phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, di tích lịch sử còn là điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, xây dựng hình ảnh quê hương xứ Thanh đẹp trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Trung ương, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị DTLSCM. Trong đó, UBND tỉnh có Quyết định 2060/2013/QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30-5-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2025; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020, trong đó nhấn mạnh về việc xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch gắn với các DTLSCM, nhằm giới thiệu về truyền thống cách mạng của nhân dân Thanh Hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Ngoài ra, công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Theo đó, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan lập quy hoạch xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo các di tích và địa điểm Bác Hồ về thăm Thanh Hóa; ban hành Quyết định số 1476/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo khu DTLSCM Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân); đầu tư, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng...

Có thể thấy, công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị DTLSCM đã được Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Bởi các di tích này có ý nghĩa to lớn, trở thành kỷ vật vô giá, là niềm tự hào, nơi giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, yêu nước của cha ông, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá về mảnh đất xứ Thanh anh hùng, bất khuất trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.


Bài và ảnh: Gia Bảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]