(Baothanhhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023), Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vai trò và sự đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Báo Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi tới bạn đọc.

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023), Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vai trò và sự đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Báo Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi tới bạn đọc.

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên phát biểu tại lễ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023) và trao Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2022. Ảnh: Phong Sắc

Phóng viên (PV): Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, báo chí Cách mạng đồng hành cùng đất nước, dân tộc; là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên mảnh đất xứ Thanh "địa linh nhân kiệt", lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm, kinh tế - xã hội những năm gần đây sôi động, có nhiều nét đột phá. Vậy, trong thành tích chung ấy, báo chí có vai trò, đóng góp như thế nào, thưa đồng chí ?

Có thể khẳng định, những thành tựu và kết quả khá toàn diện mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trên các lĩnh vực trong thời gian qua bên cạnh quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong và ngoài tỉnh. “Với tinh thần “Hiểu Thanh Hóa, vì Thanh Hóa ”, các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên đã nỗ lực và trách nhiệm trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, toàn diện về tình hình trong tỉnh, trong nước và thế giới giúp cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân kịp thời nắm bắt và ủng hộ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh ta hiện có gần 600 người công tác ở các cơ quan báo chí của tỉnh và các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú báo chí Trung ương và tỉnh thành bạn. Với trách nhiệm, sự tâm huyết nghề nghiệp đã phát huy vai trò tiên phong, tích cực tuyên truyền đưa nghị quyết các cấp của Đảng lan tỏa thấm sâu vào cuộc sống; góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và quyết tâm chính trị của các ngành, các cấp, của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thi đua thực hiện để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Báo chí đã đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, với phương châm “Hướng về cơ sở”, phản ánh đậm nét, kịp thời, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Nội dung trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện, đấu tranh cao, nhất là đối với các vấn đề tồn tại, khuyết điểm, bức xúc ở các địa phương, đơn vị, giúp cơ quan chức năng của tỉnh nắm bắt và xử lý kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội.

Trước các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, trong các thời khắc đầy khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, cùng với hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm báo đã không quản ngày đêm, bám sát hiện trường, dũng cảm đi vào tâm dịch, tâm bão để kịp thời chuyển tải những thông tin thời sự nóng hổi, chân thật về các sự kiện. Nhiều bài báo xúc động, đầy tình người, làm lay động con tim, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng, mang lại niềm tin, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời éo le, những số phận bất hạnh, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đơn cử như, các nhà báo đã không quản hiểm nguy, dấn thân vào vùng “lũ quét” để nghi nhận những hình ảnh chân thực, thông tin chính xác nhất về những đau thương mà trận lũ gây ra tại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) để cả nước cùng chia sẻ với những khó khăn của người dân vùng lũ. Hay trong đại dịch COVID-19, đội ngũ những người làm báo đã trở thành đội quân kiên cường, không màng hiểm nguy, không ngại gian khó, luôn luôn là những người đưa tin nhanh nhất, chính xác nhất mọi diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, truyền tải thông điệp và những quyết sách ứng phó đại dịch của Chính phủ, của tỉnh đến người dân sớm nhất, đầy đủ nhất. Để từ đó, Nhân dân luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng lòng quyết tâm, sát cánh cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cơ quan truyền thông cũng đã tích cực đi sâu vào đời sống xã hội, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, các mô hình kinh tế hiệu quả, những cách làm mới đột phá, năng động, hiệu quả để nhân rộng.

Bên cạnh việc tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, các cơ quan báo chí còn có những bài điều tra, phản ánh những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều vụ việc được các báo, đài vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và thiết thực trên nhiều lĩnh vực quan trọng, như tình trạng quy hoạch treo, hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép, vi phạm quy định về đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, hoạt động bảo kê, tín dụng đen... Sau mỗi vụ việc báo nêu, tỉnh đã chỉ đạo nắm bắt tình hình, đồng thời có những giải pháp đẩy lùi tiêu cực, kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.

Ngoài hoạt động chuyên môn, nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thể hiện trách nhiệm xã hội, sáng kiến tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tích cực kêu gọi nguồn lực ủng hộ, tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”… chung tay cùng tỉnh góp phần đảm bảo cuộc sống của Nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Toàn cảnh lễ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023) và trao Giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2022. Ảnh: Phong Sắc

PV: Thưa đồng chí, trước sự thay đổi mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giữa lúc tỉnh Thanh Hoá đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong bối cảnh, tình hình mới, những khó khăn, thách thức nào mà hoạt động báo chí phải đối mặt, đương đầu?

Từ những đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí nêu trên, tỉnh Thanh Hóa luôn trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao sự đồng hành và những đóng góp tích cực của các nhà báo, cơ quan báo chí đối với quá trình phát triển của tỉnh nhà. Tỉnh cũng luôn dành sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt đến hoạt động báo chí, như: Tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để các nhà báo tác nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí trong đời sống xã hội; xử lý nghiêm những hành vi cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật; bố trí quỹ đất phù hợp để các cơ quan báo chí thường trú xây dựng văn phòng, ổn định lâu dài, gắn bó mật thiết với tỉnh Thanh Hóa; ký kết chương trình hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí để tuyên truyền về tỉnh; chủ động cung cấp thông tin, trả lời báo chí thông qua họp báo, giao ban báo chí định kỳ. Nhất là khi có sự kiện quan trọng, vấn đề phức tạp, nổi cộm, bất ngờ, tỉnh đều tổ chức họp báo để cung cấp, định hướng thông tin kịp thời để báo chí thông tin, phản ánh khách quan, chính xác góp phần định hướng dư luận, ổn định tình hình...

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động báo chí gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự “bùng nổ” của internet và mạng xã hội, sự phát triển nhanh của công nghệ số đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ người làm báo, nhất là lực lượng làm báo ở địa phương. Không chỉ áp lực về đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, mà phương thức, hình thức tác nghiệp cũng yêu cầu cao hơn. Thông tin phải vừa nhanh, chính xác, vừa cần hấp dẫn nhưng phải đảm bảo hành lang pháp lý. Một vấn đề quan trọng và cũng là mối quan tâm của nhiều cơ quan báo chí hiện nay chính là tự chủ về tài chính, là phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đã xuất hiện một số phóng viên, cơ quan báo chí Trung ương có biểu hiện “chạy” theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít, câu view, tạo sự tò mò, thu hút người đọc; tình trạng đăng bài thiếu kiểm chứng, thông tin lấp lửng, thiếu tính định hướng, thậm chí còn có tin bài có nội dung sai sự thật; nội dung phản ánh chưa phù hợp với tôn chỉ, mục đích, nhất là ở một số tạp chí điện tử. Một số văn phòng đại diện có số lượng phóng viên, cộng tác viên nhiều, nhưng ít quan tâm thông tin tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, mà còn nặng về phản ánh các vấn đề, sự việc tiêu cực. Còn tình trạng cấp giấy giới thiệu sai quy định; một số phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo, tạp chí điện tử từ Hà Nội về tỉnh gửi nội dung yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích của báo, tạp chí, gây khó khăn cho cơ sở. Nhiều phóng viên thường trú, văn phòng đại diện chưa tích cực tham gia hưởng ứng Giải báo chí về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) do Ban Tổ chức giải cấp tỉnh phát động.

Đối với các cơ quan báo chí địa phương vẫn còn ít bài viết về tổng kết kinh nghiệm, thực tiễn, bài viết mang tính phản biện xã hội, phân tích sâu về sự việc, vụ việc để tạo ra hiệu ứng xã hội. Tính thuyết phục của một số chương trình, tin, bài chính luận chưa cao, còn khô cứng, thiếu sáng tạo và phong phú, hấp dẫn... Hình thức thể hiện, bố cục, nội dung của một số chương trình truyền hình, chuyên mục của báo còn chậm đổi mới, chưa hấp dẫn người xem. Chưa có nhiều “cây viết” sắc sảo; chưa thu hút được nhiều cộng tác viên và các chuyên gia tham gia viết bài. Một số thông tin, sự kiện có thời điểm chưa cập nhật, phản ánh kịp thời; còn ít bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hoặc có nhưng còn thiếu sắc bén…

Vì vậy, trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, cùng với báo chí cả nước, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trong tỉnh cần nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần tích cực cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Các phóng viên cơ quan báo chí tác nghiệp tại lễ cắt băng khánh thành đoạn đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Minh Hiếu

PV: Theo đồng chí, trong thời gian tới các cơ quan báo chí cần tập trung vào những vấn đề gì để tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của mình?

Những năm qua, tỉnh Thanh Hoá đã và đang rất nỗ lực tranh thủ thời cơ, thuận lợi khắc phục khó khăn, thách thức đổi mới, sáng tạo trong hành động, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho hoạt động đầu tư; phấn đấu tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững. Vì vậy, tỉnh luôn mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành, phát huy mạnh mẽ vai trò “mỗi nhà báo là một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, góp phần đắc lực xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Để đáp ứng yêu cầu đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục bám sát định hướng, tôn chỉ mục đích để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về các vấn đề, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, xuất bản; khai thác ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất tin bài, truyền tải phát sóng, phát triển cơ quan báo chí theo mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng; coi mạng xã hội như một đối tượng để cạnh tranh thông tin, nhưng đồng thời lại phải chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tích cực, định hướng dư luận trên mạng xã hội và trên môi trường internet nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt, sự lan tỏa những thông tin tích cực. Cơ quan báo chí và nhà báo cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc chủ động phát hiện, đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc, xuyên tạc chống phá Ðảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân.

Người đứng đầu cơ quan báo chí của tỉnh, trưởng các văn phòng đại diện, các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình đối với hoạt động của cán bộ, phóng viên báo chí ở đơn vị mình. Tăng cường quản lý hoạt động của phóng viên hợp đồng, cộng tác viên, xiết chặt kỷ luật trong quá trình tác nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí. Chủ động, sáng tạo, mở rộng phương thức tạo nguồn thu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thu nhập cho phóng viên, biên tập viên, người lao động.

Các phóng viên, nhà báo cần tiếp tục tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng, nâng cao đạo đức người làm báo và tiếp cận ứng dụng hiệu quả công nghệ mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, bắt kịp xu thế phát triển của báo chí và nhu cầu của công chúng, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thanh Hóa năng động sáng tạo, khẳng định vị thế của Thanh Hóa đối với cả nước.

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và những lời chúc tốt đẹp nhất tới các cơ quan báo chí và những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Chúc các nhà báo, phóng viên luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của báo chí trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và tỉnh Thanh Hóa. Chúc các đồng chí luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, tâm sáng với nghề để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho nền báo chí cách mạng Việt Nam; góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tăng cường tuyên truyền về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào thiểu số

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Quan Hóa nói riêng có những chuyển biến quan trọng. Đời sống đồng bào huyện Quan Hóa đã được cải thiện từng bước, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm trên 5%.

Để đạt được kết quả trên, có vai trò đóng góp rất quan trọng của cơ quan báo chí trong việc chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, các chương trình của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bài trừ mê tín, dị đoan, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là kịp thời tuyên truyền những mô hình hay, cá nhân, tập thể điển hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các bài viết có giá trị, tôn vinh những người đang lưu giữ, bảo tồn những loại hình nghệ thuật, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS có nguy cơ mai một… Qua đó, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào các DTTS - chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa nét đẹp văn hóa ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội.

Nhất là trong những năm gần đây, huyện Quan Hóa đang thực hiện Quyết định 1574/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện đang chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, gắn với phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Khu Du lịch sinh thái Pù Hu, Pù Luông, hang Phi, bản Hang (xã Phú Lệ), bản Bút (xã Nam Xuân), quần thể du lịch Mường Ca Da, Khu Di tích lịch sử Khằm Ban, chùa Ông, chùa Bà, Di tích lịch sử quốc gia hang Co Phương… được các cơ quan báo chí viết tin, bài đăng trên báo và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, du khách trong và ngoài nước biết đến vùng đất Quan Hóa nhiều hơn; cán bộ và Nhân dân cũng nâng cao nhận thức, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống nhà sàn, ruộng bậc thang, các điệu múa, hát dân tộc Mường, Thái, các món ăn đặc sản để phục vụ khách du lịch.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Quanh Hóa đón hơn 10.000 lượt khách đến các điểm du lịch cộng đồng, trong đó khách quốc tế 1.236 lượt. Trên địa bàn huyện hiện có 40 cơ sở lưu trú, trong đó có 20 homestay, sức chứa trên 600 người. Doanh thu ước đạt trên 1,1 tỷ đồng, góp phần giúp người dân địa phương cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Thời gian tới, mong rằng các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình, điển hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS để người dân tiếp cận, học tập, phát triển sản xuất, dần xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa… Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần phát huy tối đa các kênh truyền thông số để phục vụ đồng bào, trên quan điểm tăng cường sự tương tác hai chiều, đề chính đồng bào DTTS là người chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của mình cho mọi người; kịp thời cập nhật các cơ chế, chính sách mới để người có uy tín lấy làm nguồn tư liệu thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Nguyễn Đức Dũng

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa

Các cơ quan báo chí phát huy vai trò trong việc thông tin, quảng bá, giới thiệu về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao… Sau khi quy hoạch được duyệt, tỉnh ta đang tập trung triển khai tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hình thành các khu đô thị, các khu công nghiệp đồng bộ, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị tại Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, xác định mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 40% trở lên, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 50% trở lên; hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 gồm 47 đô thị, trong đó 1 thành phố là đô thị loại 1, 2 thành phố là đô thị loại III, 4 thị xã là đô thị loại IV và 40 thị trấn. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, các ngành cùng chung tay vào cuộc để thực hiện đạt được mục tiêu quy hoạch đề ra. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về phát triển hệ thống đô thị tỉnh, tham gia phát triển đô thị xanh thân thiện với môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự đóng góp tích cực từ phía các cơ quan báo chí trong việc thông tin, quảng bá, giới thiệu về quy hoạch tỉnh, những định hướng lớn trong phát triển, phản ánh kịp thời những kết quả, thành tựu nổi bật trong quá trình thực hiện cũng như phản biện, giải quyết các vấn đề bức xúc nảy sinh... Các cơ quan hành chính Nhà nước chủ động phối hợp cung cấp thông tin để báo chí thực hiện vai trò đồng hành, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích là tuyên truyền kịp thời, chính xác thông tin đến bạn đọc.

Đối với ngành xây dựng, sở đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng tinh thần Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước. Sở tạo điều kiện thuận lợi để nhà báo, phóng viên tác nghiệp, tiếp cận được nguồn thông tin chính thống trong các lĩnh vực ngành được giao quản lý, nhất là đối với những nội dung liên quan đến lĩnh vực quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng... Các phóng viên, nhà báo cần phát huy vai trò báo chí kiến tạo, phản ánh khách quan, phân tích đa chiều, toàn diện, sâu sắc, tổng hợp, đề xuất, tìm ra các giải pháp đóng góp giải quyết vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện để làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, góp phần tạo động lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.

Phan Lê Quang

Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa

Báo chí đồng hành cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động hơn trong việc cung cấp các thông tin cho cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí về tác nghiệp, đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, hoạt động trên địa bàn.

Các hoạt động thường niên như hợp tác truyền thông tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương lớn của tỉnh Thanh Hóa cũng được các tờ báo, tạp chí thực hiện thường xuyên, trong đó đặc biệt là tuyên truyền các nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 37 của Quốc hội về điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa và Nghị quyết 13 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 58, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025.

Với khoảng 60 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên được giới thiệu về hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã thực thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của Nhân dân.

Báo chí Thanh Hóa đã phản ánh những hơi thở của cuộc sống ở hầu hết các lĩnh vực, tuyên truyền các mô hình, điển hình, các tổ chức đảng, bên cạnh đó cũng đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là chỗ dựa pháp lý của người dân và doanh nghiệp, đấu tranh để mọi người, mọi tổ chức sống và làm việc theo pháp luật, kiên quyết chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

Báo chí cũng luôn là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước, đồng hành với chính quyền các cấp trong công cuộc đổi mới, cải cách tư pháp và vì lẽ công bằng, chống oan sai trong tố tụng… Báo chí tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cũng đã thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, cũng như khi doanh nghiệp gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục, việc phối hợp của các cơ quan thông tấn báo chí sẽ giúp thông tin kiến nghị đến được với nhiều người đọc hơn để chính quyền giám sát tốt hơn.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ngày càng dành sự quan tâm đặc biệt đối với các cơ quan báo chí. Điều này thể hiện thông qua việc tổ chức các buổi học tập nghiệp vụ về xây dựng Đảng, nghiệp vụ đưa tin về lĩnh vực an ninh trật tự, đời sống. Hàng tháng, Sở Thông tin và Truyền thông có các cuộc giao ban báo chí thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tiếp nhận những vụ việc báo chí phản ánh, báo cáo đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng trao đổi thông tin, chỉ đạo làm rõ thông tin báo đăng và từng bước giám sát việc xử lý. Đặc biệt, tại các cuộc họp báo quý do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã thực sự là “diễn đàn” thông tin khách quan, minh bạch giúp cho các nhà báo, phóng viên có được thông tin chính xác, nhất là những vụ việc “nóng” được dư luận, xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, thời gian qua trong quá trình tác nghiệp, nhiều nhà báo, phóng viên còn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận với thông tin. Trong khi đó, một số sở, ngành, địa phương còn có dấu hiệu né tránh việc cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin chưa kịp thời. Một số lãnh đạo còn chưa hiểu đúng về Luật Báo chí, cung cấp thông tin dẫn đến việc trao đổi thông tin còn lúng túng, thậm chí phải gọi đến các các quan quản lý báo chí trên địa bàn để hỏi về tôn chỉ, mục đích của các tờ báo dù Sở Thông tin và Truyền thông đã cung cấp.

Thời gian tới để các cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên được các báo cử về hoạt động, tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện việc giám sát chặt chẽ hơn về tôn chỉ mục đích, tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng; chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí ở các sự kiện lớn. Thực hiện việc tập huấn cho người phát ngôn ở cấp sở, ngành, huyện để nhận thức đầy đủ về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, từ đó xem báo chí là kênh thông tin quan trọng góp phần cùng với địa phương, sở, ngành, tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển trở thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045.

Nhà báo Đặng Trung

Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh

Tô Dung (thực hiện)


Tô Dung (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]