(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện điều động, luân chuyển (ĐĐLC) cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là chất lượng của không ít cán bộ luân chuyển còn hạn chế nên chậm tiếp cận, hòa nhập, thích ứng với môi trường mới. Có người còn làm việc theo lối giữ mình, sợ va chạm, thiếu tính xông pha, quyết liệt, mong hết thời gian để quay về. Một số cơ quan, địa phương vẫn còn giữ thói cục bộ, khép kín, chưa thật sẵn sàng ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài cuối: Bài học kinh nghiệm và giải pháp

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện điều động, luân chuyển (ĐĐLC) cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là chất lượng của không ít cán bộ luân chuyển còn hạn chế nên chậm tiếp cận, hòa nhập, thích ứng với môi trường mới. Có người còn làm việc theo lối giữ mình, sợ va chạm, thiếu tính xông pha, quyết liệt, mong hết thời gian để quay về. Một số cơ quan, địa phương vẫn còn giữ thói cục bộ, khép kín, chưa thật sẵn sàng trong việc tiếp nhận cán bộ luân chuyển, sợ mất “ghế”, mất cơ hội thăng tiến...

Các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 được đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh.

Tiếng nói của người trong cuộc

Là người trong cuộc, từng giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, luân chuyển về làm phó bí thư huyện ủy rồi được tín nhiệm giữ chức Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, hiện đang giữ cương vị Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, đồng chí Lê Anh Xuân cho rằng: “Bốn cái được” lớn nhất đối với người được luân chuyển là có môi trường làm việc thuận lợi để thể hiện khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; xác định được mục tiêu luân chuyển để phấn đấu, trưởng thành; có được mối quan hệ tổng hòa hơn; có kinh nghiệm trong xử lý công việc từ thực tiễn. Còn đối với đồng chí Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương, trước đây được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND Thiệu Hóa, rồi Bí thư Huyện ủy Lang Chánh, thì việc luân chuyển cán bộ không chỉ giúp người được luân chuyển trưởng thành, có kinh nghiệm thực tiễn, mà còn giúp đảng bộ, chính quyền nơi cán bộ luân chuyển đến khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước củng cố đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn hóa; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đảng bộ, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh. Từ kinh nghiệm bản thân khi được điều động làm Bí thư Huyện ủy Hà Trung, đồng chí Đào Xuân Yên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, khẳng định: Qua thực tế tại cơ sở, tôi đã “thu hoạch” được rất nhiều kinh nghiệm, giúp bản thân trưởng thành nhanh hơn, nhất là trong vai trò người đứng đầu cấp ủy. Thực hiện nhiệm vụ luân chuyển, phải chịu thiệt thòi về tình cảm do xa nhà, xa gia đình, nhưng tôi luôn xác định quyết tâm vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng đã tin tưởng, giao phó.

Cái “được” của công tác ĐĐLC không thể phủ nhận, tuy nhiên, qua thực tế triển khai, đã xuất hiện một số hạn chế cần sớm được nghiên cứu, khắc phục, đó là: Một số cán bộ ĐĐLC chưa phù hợp với chuyên môn được đào tạo nên tiếp cận công việc chậm, phương pháp làm việc chưa khoa học, quá trình làm việc mang lại hiệu quả chưa cao. Trong quá trình triển khai, có địa phương đã bộc lộ khuyết điểm do chủ quan vội vàng trong khâu chọn cán bộ, như huyện Quảng Xương là ví dụ điển hình. Trong khoảng thời gian ngắn, một số cán bộ từ huyện được luân chuyển về làm bí thư, chủ tịch, hoặc bí thư kiêm chủ tịch UBND xã đã sớm bộc lộ thói hư, tật xấu, vi phạm kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý. Từ đó cho thấy, công tác ĐĐLC chỉ đem lại “hoa thơm trái ngọt” khi khâu đánh giá, lựa chọn cán bộ thực sự tinh tường, dân chủ, khách quan. Mặt khác, phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán, từ tỉnh tới huyện, từ huyện tới xã và phải kịp thời điều chuyển cán bộ khi không đáp ứng được yêu cầu của tổ chức. Công tác quy hoạch cán bộ cần sự đổi mới, liên thông - động - mở, quy hoạch giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, đã gắn với các khâu trong công tác cán bộ.

Theo đồng chí Trần Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận xét: Việc thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND) không phải là người địa phương là một giải pháp tốt, nhưng cũng cần tính toán, cân nhắc thận trọng để đảm bảo hài hòa giữa mục đích rèn luyện, đào tạo đối với cán bộ được luân chuyển với cơ hội thăng tiến của cán bộ tại chỗ. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và trình độ năng lực, tham mưu cho các cơ quan, các cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ để đáp ứng nhu cầu của công tác cán bộ nói chung và công tác luân chuyển cán bộ nói riêng. Đặc biệt, phải đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ (BTV) cấp ủy các cấp. Chống mọi biểu hiện cá nhân, gia trưởng, bảo thủ, cục bộ địa phương khép kín, nhất là đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề phòng những trường hợp vì không ưa, không hợp nên lấy cớ luân chuyển để đẩy cán bộ đi, hoặc vì sợ mất chỗ nên không muốn tiếp nhận người được luân chuyển đến.

Bài học kinh nghiệm và giải pháp

Tại các buổi lễ công bố quyết định của BTV Tỉnh ủy về công tác cán bộ, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thường nhấn mạnh: Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Những năm gần đây, việc ĐĐLC cán bộ là một trong hai khâu đột phá của công tác cán bộ đã được BTV Tỉnh ủy xác định và thực hiện thường xuyên, tạo chuyển biến mới trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị, được quần chúng nhân dân đánh giá tích cực. Nhiều cán bộ được luân chuyển, điều động đã nỗ lực rèn luyện bản thân trong môi trường và cương vị công tác mới, có bước trưởng thành. Việc BTV Tỉnh ủy quyết định ĐĐLC cán bộ ở nhiều địa phương, đơn vị, nhằm tạo điều kiện cho các đồng chí rèn luyện, phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý và chuẩn bị một bước về công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Từ thực tiễn công tác ĐĐLC, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Để thực hiện tốt công tác ĐĐLC cán bộ, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải thực sự quan tâm, quán triệt, nâng cao nhận thức trong đảng bộ, cơ quan, đơn vị về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác ĐĐLC cán bộ, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị. Việc ĐĐLC cán bộ phải được bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo, phải trên cơ sở quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phải đảm bảo chế độ, chính sách, thời hạn luân chuyển... và phải tạo sự công bằng đối với cán bộ luân chuyển giữa các cấp. Việc lựa chọn địa bàn và cán bộ đi luân chuyển phải đảm bảo quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực, trình độ, sở trường, thời hạn rõ ràng, cụ thể, đồng thời phải căn cứ thực tế của địa phương, đơn vị để bố trí cán bộ phù hợp, vừa đào tạo, rèn luyện, thử thách, vừa đóng góp cho phong trào của địa phương, đơn vị, không vì luân chuyển cán bộ làm ảnh hưởng đến phong trào, nhất là đối với những địa phương, đơn vị đang ổn định. Để tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển khẳng định và phát huy được năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho phong trào của địa phương nơi đến công tác thì nên bố trí cấp trưởng và ít nhất từ 2 chức danh trở lên (bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND...) về cùng một địa phương, đồng thời không phải người địa phương thì sẽ thuận lợi hơn. Công tác ĐĐLC cán bộ phải được tiến hành thận trọng, đồng bộ, khoa học, phải tạo được sự thống nhất trong nội bộ và đồng thuận của địa phương, đồng thời khích lệ được cán bộ yên tâm phấn đấu. Không để việc ĐĐLC cán bộ từ nơi khác về làm ảnh hưởng đến phong trào và tâm lý phấn đấu vươn lên của cán bộ có tiềm năng ở địa phương.

Qua khảo sát tại các địa phương, chúng tôi thấy, công tác luân chuyển cán bộ hiện còn một số vấn đề nổi lên. Một số nơi thực hiện luân chuyển cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác Đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý Nhà nước nhìn chung còn ít, còn khép kín, chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ... Vì vậy, để đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cần xóa bỏ tư tưởng cục bộ địa phương, bởi trên thực tế, không ít cán bộ và người dân sở tại không ngại ngần bày tỏ: Chả nhẽ một xã mấy nghìn dân không chọn được cán bộ mà phải cử cán bộ từ nơi khác về? họ cũng không dễ thừa nhận trình độ, sự nhiệt huyết của người trẻ và cũng chẳng quan tâm, giúp đỡ để người trẻ hoàn thành nhiệm vụ và từng bước trưởng thành. Ngoài biểu hiện “không chấp nhận người ngoại lai”, “bệnh cục bộ địa phương” còn thể hiện ở thái độ không quan tâm đến lợi ích chung, chỉ nhăm nhăm tìm cách mang lợi cho dòng họ mình, cho dù việc làm đó không hợp lý. Nó còn được thể hiện trong cách nghĩ “một người làm quan cả họ được nhờ”. “Căn bệnh” này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau... sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ... kèn cựa địa vị, cục bộ...”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải thực sự quan tâm, quán triệt, nâng cao nhận thức trong đảng bộ, cơ quan, đơn vị về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác ĐĐLC cán bộ, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần xác định rõ việc ĐĐLC cán bộ, nhằm đào tạo, rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng, kinh nghiệm công tác cho cán bộ, đồng thời thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương hoặc không giữ chức vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị là việc làm thường xuyên, nhằm tạo nguồn cán bộ cho cả trước mắt và lâu dài. Việc luân chuyển cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện, cấp huyện về cấp xã phải có thời gian ít nhất từ 3 năm (36 tháng) trở lên mới xem xét điều động trở về. Đối với những cán bộ được bổ nhiệm hoặc bầu giữ chức vụ cao hơn trong thời gian luân chuyển thì có thể kéo dài hơn. Phấn đấu từ đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ tham gia ứng cử vào các chức danh chủ chốt ở cấp tỉnh phải kinh qua chức vụ từ phó bí thư cấp ủy cấp huyện trở lên; ứng cử vào các chức danh chủ chốt ở cấp huyện nói chung phải kinh qua các chức vụ người đứng đầu cấp xã. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương.


Minh Hiếu và Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]