(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, việc điều động, luân chuyển cán bộ và bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương được triển khai ở nhiều huyện trên địa bàn. Hầu hết số cán bộ sau khi được luân chuyển đều thể hiện tốt khả năng, chuyên môn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Tăng cường cán bộ về cơ sở để đào tạo, thử thách

Thời gian qua, việc điều động, luân chuyển cán bộ và bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương được triển khai ở nhiều huyện trên địa bàn. Hầu hết số cán bộ sau khi được luân chuyển đều thể hiện tốt khả năng, chuyên môn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn.

Từ Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, đồng chí Vũ Văn Đạt (mặc áo trắng bên tay trái) thường xuyên xuống cơ sở và dự họp với chi bộ để nắm bắt tình hình đời sống nhân dân.

Tạo nguồn cán bộ “chiến lược”

Nhiều năm qua, Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển (ĐĐLC) một số cán bộ trẻ về giữ vị trí chủ chốt ở những địa phương trọng điểm nhằm thử thách và đào tạo cán bộ. Điển hình như ở TP Sầm Sơn - nơi trọng điểm về phát triển du lịch, các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Mai Xuân Liêm, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải được ĐĐLC làm Bí thư Thành ủy; đồng chí Võ Mạnh Sơn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh được điều về làm Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HÐND thành phố; đồng chí Trịnh Huy Triều, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, được ĐĐLC về làm Chủ tịch UBND thị xã, nay là TP Sầm Sơn (hiện nay đồng chí đã được điều về làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Với trách nhiệm được giao, từ một điểm du lịch có nhiều “tai tiếng” các đồng chí đã thiết lập lại công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động du lịch, dịch vụ, trật tự đô thị, cải thiện phong cách giao tiếp, ứng xử; khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, người dân trong gây dựng thương hiệu du lịch biển, cụ thể hóa phương châm “Sầm Sơn - Sức khỏe - Kinh tế - Bạn bè” thành hiện thực. Hiện cả 3 chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư, chủ tịch UBND TP Sầm Sơn đều là cán bộ từ tỉnh luân chuyển về. Những cán bộ được ĐĐLC về đều được nhân dân, cán bộ địa phương ủng hộ, tín nhiệm, làm tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, các đồng chí đã cùng tập thể ban thường vụ (BTV) tập trung chú trọng vào việc phát triển thế mạnh của vùng kinh tế biển, kinh tế du lịch, nghỉ dưỡng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra các điều kiện thuận lợi để đưa phong trào của địa phương ngày càng phát triển, đi lên. Các đồng chí đang cùng nhân dân thành phố nỗ lực phấn đấu xây dựng Sầm Sơn trở thành điểm du lịch trọng điểm quốc gia...

Năm 2013, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, đang là Trưởng phòng Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy được ĐĐLC về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tháng 5-2015 được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Như Xuân. Với cương vị được giao, đồng chí Nghiêm đã cùng tập thể BTV Huyện ủy Như Xuân có nhiều cách làm mới trong xóa đói, giảm nghèo, tổ chức đưa cán bộ xã, cán bộ huyện về thôn, bản giúp dân cải tạo vườn tạp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đến đầu năm 2018, huyện Như Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát ra khỏi huyện nghèo. Tháng 9-2018, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm lại một lần nữa được BTV Tỉnh ủy điều động về làm Phó Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa và được HĐND huyện bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện.

TP Thanh Hóa là địa phương sớm triển khai việc thực hiện công tác ĐĐLC cán bộ. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn thành phố có cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Theo đánh giá của Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đàm Văn Thê, để đạt được kết quả trên, BTV thành ủy đã xây dựng đề án chi tiết, cụ thể và thực hiện thí điểm; đồng thời chọn cán bộ thực hiện phải là cán bộ quy hoạch nguồn chủ chốt của thành phố, có năng lực, phẩm chất và uy tín; chọn phường đang có vấn đề phức tạp trong nội bộ để đưa cán bộ xuống. Trong công tác luân chuyển, phải làm cho cán bộ thuộc đối tượng luân chuyển thay đổi nhận thức, từ “bị” luân chuyển, “phải” luân chuyển thành “được” luân chuyển, “muốn” luân chuyển.

Ðó là những thí dụ sinh động minh chứng cho hiệu quả của việc thực hiện chủ trương của Ðảng về luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ đến những nơi khó khăn. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy: Việc luân chuyển cán bộ về cơ sở không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những yếu kém, khó khăn, điểm nóng ở cơ sở mà còn giúp địa phương được luân chuyển kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tại chỗ; phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác; đồng thời, giúp đội ngũ cán bộ được luân chuyển trưởng thành nhanh hơn và bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận có chất lượng, có kinh nghiệm từ thực tiễn.

Đánh giá năng lực cán bộ luân chuyển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định công tác cán bộ là một trong bốn khâu đột phá nhằm “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020”. Để có hiệu quả, BTV Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương theo tinh thần Kết luận số 60 của BTV Tỉnh ủy. Đối với những địa phương mặc dù đã bố trí chức danh bí thư hoặc chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương, nhưng phong trào vẫn cầm chừng, không có sự đột phá, thiếu sáng tạo, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có biểu hiện thiếu đoàn kết, thống nhất... thì tiếp tục nghiên cứu bố trí theo tinh thần điều chuyển cho phù hợp.

Để cán bộ được luân chuyển yên tâm công tác, BTV Tỉnh ủy đã quan tâm giải quyết về chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển. Đối với cán bộ cấp tỉnh luân chuyển về huyện được hỗ trợ 1 lần là 25 triệu đồng/người/đơn vị (thực hiện từ tháng 4-2012). Cán bộ cấp huyện luân chuyển về xã thì được giải quyết theo hoàn cảnh của từng nơi. Ví dụ như huyện Hoằng Hóa, ngoài hưởng nguyên lương ở đơn vị, cán bộ luân chuyển được hỗ trợ thêm 100% mức lương tối thiểu. Các huyện: Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Yên Định, Như Thanh, Cẩm Thủy... hỗ trợ thêm mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Huyện Đông Sơn hỗ trợ một lần 5 triệu đồng và cấp công tác phí 500.000 đồng/người/tháng; các huyện: Quan Hóa, Lang Chánh nếu cán bộ luân chuyển về các xã 30a thì thực hiện theo Quyết định 70/TTg; các huyện: Hậu Lộc, Thọ Xuân, Bỉm Sơn mỗi cán bộ hỗ trợ 1 lần 5 tháng lương tối thiểu... Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, các nội dung đánh giá trong quy chế được xây dựng thành các bảng tiêu chí để chấm điểm. Đối với tập thể theo 5 bảng, tương ứng với 5 nhóm, mỗi nhóm tính 100 điểm. Riêng nhóm tập thể BTV các huyện, thị, thành ủy, tính 200 điểm, trong đó 100 điểm do UBND tỉnh đánh giá đối với UBND cấp huyện. Đối với cá nhân theo 14 bảng, tương ứng với 14 nhóm chức danh, mỗi nhóm tính 100 điểm. Nội dung, quy trình và phương pháp đánh giá được mở rộng dân chủ hơn. Đối với tập thể và ủy viên BTV huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của cán bộ chủ chốt, của ban chấp hành đảng bộ, trên cơ sở đó tập thể BTV tự kiểm điểm đánh giá, chấm điểm, xếp loại. Đối với các sở, ban, ngành, các đoàn thể cấp tỉnh lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của cán bộ chủ chốt, của đảng ủy cơ quan, đơn vị, trên cơ sở đó tập thể lãnh đạo tự kiểm điểm, đánh giá, chấm điểm, xếp loại. UBND tỉnh đánh giá, chấm điểm đối với UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các ban của Tỉnh ủy, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh thẩm định, đánh giá, nhận xét các đơn vị và tham mưu, đề xuất trình BTV Tỉnh ủy xem xét, quyết định xếp loại. Kết quả đánh giá, xếp loại của các đơn vị được công bố, công khai làm cơ sở để xét thi đua khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ. Công tác đánh giá, nhận xét, xếp loại tập thể và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có sự đổi mới, mở rộng dân chủ, mở rộng đối tượng để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá; quy trình, thẩm định chặt chẽ khách quan; xây dựng và lượng hóa được các tiêu chí theo nhóm tập thể, nhóm các chức danh cán bộ, giúp cho việc đánh giá, nhận xét chính xác hơn. Chất lượng đánh giá, xếp loại đã có chuyển biến tích cực so với trước khi thực hiện nghị quyết.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ tháng 6-2012 đến tháng 4-2018, toàn tỉnh đã ĐĐLC 1.772 lượt cán bộ các cấp, các ngành; trong đó, cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về huyện 47 đồng chí; huyện lên tỉnh 43 đồng chí; huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác 8 đồng chí. Cán bộ thuộc diện BTV cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý được ĐĐLC từ huyện về xã là 301 đồng chí, từ xã lên huyện là 151 đồng chí, từ xã này sang xã khác là 382 đồng chí và giữa các cấp, các ngành là 840 đồng chí.

Theo đánh giá của đồng chí Trần Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thì công tác ĐĐLC cán bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã tạo ra sự gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có cán bộ ĐĐLC. Qua luân chuyển đã từng bước khắc phục được tình trạng cục bộ, địa phương, mở ra cơ hội để thử thách, rèn luyện, đào tạo cán bộ trong môi trường thực tiễn. Đại bộ phận cán bộ được luân chuyển đều phát huy được trách nhiệm, năng lực, phẩm chất, hòa nhập nhanh được với địa phương, đơn vị mới để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại những địa phương cán bộ về giữ vị trí chủ chốt như bí thư, chủ tịch, nhất là những nơi luân chuyển và bố trí cả 3 chức danh chủ chốt là người địa phương khác thì càng có nhiều thuận lợi trong việc lãnh đạo, điều hành công việc, dễ dàng tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới, phát triển. Mối quan hệ giữa nơi cử cán bộ luân chuyển và nơi có cán bộ luân chuyển đến đều hài hòa, cởi mở, đoàn kết, từ đó đã cùng nhau chung sức đưa phong trào ở địa phương, đơn vị ngày càng có chuyển biến. Các mặt về sản xuất, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều phát triển, tiến bộ. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh theo hướng đi vào nền nếp, kỷ cương, đảm bảo tập thể, dân chủ, kỷ luật. Ở những nơi có tình hình phức tạp, trì trệ, chậm phát triển cũng được dày công xây dựng để có đà thay đổi, vươn lên. Vì vậy, đại bộ phận cán bộ luân chuyển khi hết hạn trở về đều có bước trưởng thành tiến bộ, nhiều người được đề bạt lên chức vụ cao hơn, không ít người được vào cấp ủy, giữ trọng trách bí thư, phó bí thư, chủ tịch huyện và xã, có đồng chí được tín nhiệm bầu vào BTV Tỉnh ủy.

Bài cuối: Bài học kinh nghiệm và giải pháp.


Bài và ảnh: Minh Hiếu – Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]