(Baothanhhoa.vn) - Với tinh thần triển khai gấp gáp, ngặt nghèo về tiến độ thời gian nên đến nay cơ bản các huyện đều đang khẩn trương thực hiện các bước theo kế hoạch của tỉnh, bảo đảm đúng lộ trình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Khẩn trương sắp xếp, sáp nhập 66 đơn vị cấp xã trong năm 2019

Với tinh thần triển khai gấp gáp, ngặt nghèo về tiến độ thời gian nên đến nay cơ bản các huyện đều đang khẩn trương thực hiện các bước theo kế hoạch của tỉnh, bảo đảm đúng lộ trình.

Bài 2: Khẩn trương sắp xếp, sáp nhập 66 đơn vị cấp xã trong năm 2019

UBND tỉnh triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Theo Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2019 cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành sắp xếp đối với 66 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 26 huyện, thị xã, thành phố chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, gắn với thực hiện chương trình phát triển đô thị sẽ tiến hành 26 đề án mở rộng địa giới hành chính, thành lập một số thị trấn, đưa xã lên phường. Dự kiến việc công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính từ ngày 1-12-2019.

Trên cơ sở rà soát thực trạng về quy mô dân số và diện tích của các đơn vị hành chính, đối chiếu với các quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, cho thấy tỉnh Thanh Hóa hiện có 15/27 đơn vị hành chính cấp huyện và 144/635 đơn vị hành chính cấp xã đạt từ 50% trở lên cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số; 17 đơn vị hành chính cấp huyện và 172 đơn vị hành chính cấp xã đạt từ 50% trở lên tiêu chuẩn diện tích; 25 đơn vị hành chính cấp huyện và 534 đơn vị hành chính cấp xã đạt từ 50% trở lên tiêu chuẩn dân số; còn 10% đơn vị hành chính cấp huyện và 463 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích; 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 101 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn dân số.

Để tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 15-3-2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiếp đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 13-3-2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thành lập ban chỉ đạo.

Theo Chỉ thị 20-CT/TU và Kế hoạch số 58/KH-UBND, trong năm 2019, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao nhất việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp đối với 66 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, gắn thực hiện sắp xếp với mở rộng, thành lập đơn vị hành chính đô thị (phường, thị trấn), phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 35% theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Cùng với việc sắp xếp 66 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tỉnh khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được đa số nhân dân đồng thuận.

Từ năm 2022 – 2030 toàn tỉnh tiến hành tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 – 2021, xác định lộ trình để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và theo các quy định của Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019. Tính chất thời gian và tiến độ rất khẩn trương, phải tuân thủ theo kế hoạch của Trung ương, của tỉnh. Đặc biệt, có những cái mốc thời gian rất quan trọng đó là phải kịp trình HĐND tỉnh vào kỳ họp giữa năm, vì vậy các huyện, thị xã, thành phố phải triển khai thực hiện kế hoạch của huyện, của tỉnh rất quyết liệt, khẩn trương để bảo đảm các bước, các trình tự, thủ tục theo đúng quy định và tiến độ thời gian đã đề ra. Một mốc thời gian rất quan trọng nữa là dự kiến việc công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính từ ngày 1-12-2019. Nếu không thực hiện đúng như lộ trình này, thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức đại hội đảng các cấp.

Trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 37, đến năm 2020, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 về sắp xếp các đơn vị hành chính. Vì vậy nếu đợt này ta thực hiện được cả chương trình phát triển đô thị thì rất thuận lợi. Đối với những huyện có dự định mở rộng thị trấn thì khuyến khích sáp nhập thêm những xã còn thiếu tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết 1211. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh, thời gian qua Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và đã có các công văn hướng dẫn cấp huyện để chủ động xây dựng phương án ban đầu, các văn bản, biểu mẫu để các đơn vị thực hiện theo các bước quy trình, thủ tục.

Với tinh thần triển khai gấp gáp, ngặt nghèo về tiến độ thời gian nên đến nay cơ bản các huyện đều đang khẩn trương thực hiện các bước theo kế hoạch của tỉnh, bảo đảm đúng lộ trình.

Năm 2019, huyện Thọ Xuân có 12 đơn vị (trong đó có 11 xã và thị trấn Sao Vàng) phải thực hiện sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính. Đây cũng là địa phương có số lượng đơn vị cấp xã phải sáp nhập nhiều nhất tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, cho biết: Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh, huyện đã chủ động triển khai xây dựng các phương án sáp nhập. Đến cuối tháng 3-2019 đã cơ bản hoàn thành phương án sáp nhập 12 đơn vị này. Quá trình xây dựng các phương án, huyện đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ chủ chốt các xã và cơ bản thống nhất với các phương án của huyện. Việc xây dựng phương án sáp nhập được dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, yếu tố về dân số, diện tích, lịch sử, truyền thống văn hóa, điều kiện địa lý.... Từ đó, dự kiến chia thành các cụm cơ bản, có các yếu tố tương đồng. Ví dụ, cụm các xã Thọ Trường, Xuân Tân, Xuân Vinh trước là 1 xã Thọ Trường, sau năm 1954 thì tách thành 3 xã, nay huyện xây dựng phương án gộp 3 xã lại. Cụm thứ 2 gồm: Sáp nhập các xã Xuân Khánh, Thọ Nguyên và Xuân Thành có vị trí liền kề. Cụm thứ 3: Có Thọ Minh, Xuân Châu, trước năm 1954 là xã Thuận Minh, thì nay gộp lại để bảo đảm tiêu chí về diện tích, dân số. Hay các xã Xuân Quang, Xuân Sơn, trước đây là xã Xuân Đài, nay cũng gộp lại. Ngoài ra, thực hiện chương trình phát triển đô thị năm 2019, tỉnh có giao cho huyện thành lập thị trấn mới trên cơ sở sáp nhập các xã và thị trấn Lam Sơn, Sao Vàng. Về việc đặt tên các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, huyện đang giao cho hội sử học huyện cùng với các phòng, ban liên quan nghiên cứu tên gọi, trong đó chú trọng việc sử dụng tên gọi truyền thống. Mỗi đơn vị được sáp nhập dự kiến sẽ có 2-3 tên gọi, để lấy ý kiến cử tri.

Huyện Hà Trung có số xã phải sáp nhập theo Nghị quyết 37 đứng thứ 3 của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết: Toàn huyện hiện có 25 đơn vị hành chính, nhưng số xã đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số như Nghị quyết 1211 thì không có xã nào đạt cả 2 tiêu chuẩn này. Vì vậy, khi được tiếp thu Nghị quyết 37, huyện cũng đã tính toán phương án, nghiên cứu sáp nhập các xã theo quy định. Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho UBND huyện xây dựng các phương án, báo cáo Thường trực Huyện ủy nghiên cứu, cho ý kiến. Sau đó Ban Thường vụ Huyện ủy đã mời bí thư, chủ tịch UBND các xã có liên quan dự họp. Ngoài 7 xã không đạt 50% tiêu chuẩn, liên quan đến việc sáp nhập và mở rộng thị trấn Hà Trung nữa thì toàn huyện có 12 đơn vị liên quan (chiếm 1 nửa). Căn cứ hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng của UBND tỉnh và Sở Nội vụ, nghiên cứu các quy định hiện hành về lịch sử hình thành địa giới hành chính của các đơn vị hành chính trực thuộc huyện, huyện đã có báo cáo, thảo luận, thống nhất, nghiên cứu phương án báo cáo với tỉnh.

Dự kiến phân vùng, thứ nhất: Mở rộng thị trấn Hà Trung thì sẽ sáp nhập thêm 3 đơn vị hành chính không đạt các tiêu chuẩn, đó là các xã Hà Phong, Hà Ninh, Hà Lâm. Xét về nguồn gốc lịch sử thì trước năm 1945 xã Hà Lâm, Hà Ninh, Hà Phong thuộc xã Yến Sơn của Hà Trung, đến sau năm 1954 thì tách ra thành các xã Hà Lâm, Hà Ninh, Hà Phong như hiện nay, đến năm 1988 mới thành lập thị trấn Hà Trung.

Cụm thứ 2, liên quan đến các xã: Hà Phú, Hà Hải, Hà Toại. Trong 3 xã này có xã Hà Hải đủ 1 tiêu chí trên 50%, còn lại 2 xã thiếu cả 2 tiêu chí. Vì vậy chúng tôi tính toán, lập phương án sáp nhập 3 xã này lại với nhau. Mặt khác, theo lịch sử, trước năm 1954 cả 3 xã này đều thuộc về xã Lĩnh Toại.

Cụm thứ 3, là khu vực phía Bắc của huyện, gồm: Hà Thanh, Hà Dương, Hà Yên không đủ tiêu chí, thì nghiên cứu có 3 xã liền nhau là Hà Thanh, Hà Vân, Hà Dương, trước đây là xã Hoạt Giang thì nghiên cứu sẽ sáp nhập 3 xã này làm 1. Xã Hà Yên sáp nhập vào xã Hà Bình. Với phương án này, từ 25 đơn vị hành chính của huyện Hà Trung xuống còn 17 đơn vị hành chính. Huyện Hà Trung sẽ cố gắng chỉ đạo sáp nhập và thực hiện theo đúng chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Quan Hóa là huyện miền núi có số xã phải sắp xếp nhiều thứ 4 của tỉnh, với 3 xã, 1 thị trấn. Đồng chí Phạm Bá Diệm, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, cho biết: Sau khi tiếp nhận chủ trương của Trung ương và tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt, giao cho UBND huyện và các ngành chức năng của huyện xây dựng phương án cụ thể. Thuận lợi là 4 đơn vị sắp xếp đợt này (gồm Xuân Phú, Phú Nghiêm, Phú Xuân, thị trấn Quan Hóa) có nét tương đồng về văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán, đoàn kết, không có các vụ việc phức tạp, nổi cộm. Còn khó khăn là về địa hình, nếu nhập nguyên trạng thì sẽ khó ở một số xã, cho nên không thể tránh khỏi là sẽ cắt một số bản, thôn từ xã này sang xã khác, và với tinh thần mở rộng thị trấn, bám theo trục quốc lộ nên có thể thị trấn phải kéo dài theo dọc tuyến quốc lộ. Ngoài 4 đơn vị này đều có dưới 50% cả 2 tiêu chuẩn diện tích, dân số thì huyện còn có 11/18 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn về diện tích nhưng không đạt tiêu chuẩn về dân số. Xung quanh việc triển khai sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính, huyện rất quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch của tỉnh, bảo đảm cho khi tiến hành đại hội không bị vướng mắc, kiện toàn các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng của các xã này không bị ảnh hưởng, không bị chậm trễ.

Các mốc tiến độ quan trọng

- Xây dựng đề án chi tiết nhập, điều chỉnh, thành lập đơn vị hành chính cấp xã: Hoàn thành trước ngày 15-5-2019.

- Tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án nhập, điều chỉnh, thành lập đơn vị hành chính cấp xã: Hoàn thành trước ngày 31-5-2019.

- Trình HĐND tỉnh Đề án nhập, điều chỉnh, thành lập đơn vị hành chính cấp xã tại kỳ họp giữa năm 2019.

- Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính từ ngày 1-12-2019.

Bài 3: Gắn sắp xếp với thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động

Việt Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]