(Baothanhhoa.vn) - Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là câu chuyện không mới nhưng luôn nóng, là việc phức tạp nhưng không khó đến mức không thể làm được. Việc sắp xếp bộ máy nhằm hướng tới tinh gọn đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; năng lực lãnh đạo, điều hành, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy hành chính các cấp. Điều này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó vai trò người đứng đầu giữ yếu tố quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Đã rõ lộ trình, quyết tâm phải cao

Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là câu chuyện không mới nhưng luôn nóng, là việc phức tạp nhưng không khó đến mức không thể làm được. Việc sắp xếp bộ máy nhằm hướng tới tinh gọn đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; năng lực lãnh đạo, điều hành, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy hành chính các cấp. Điều này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó vai trò người đứng đầu giữ yếu tố quan trọng.

Trung tâm Hành chính công huyện Cẩm Thủy được đưa vào vận hành đã tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính.

Làm ngay những việc đã “chín”, đã rõ

Triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 18–NQ/TW “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19–NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng các Kế hoạch số 73–KH/TU ngày 30-1-2018, Kế hoạch số 102–KH/TU ngày 23-7-2018, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp chỉ đạo thực hiện.

Theo đó, các cấp ủy trực thuộc đã bám sát, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua tổng hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cho thấy các đơn vị đã xây dựng nội dung công việc, lộ trình, thời gian thực hiện tương đối cụ thể và sát với tình hình của địa phương, đơn vị. Đặc biệt là những việc mà các nghị quyết Trung ương chỉ ra đã “chín”, đã ro, đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.

Đến tháng 8–2018, cơ bản các huyện, thị, thành phố (gọi chung là cấp huyện) đã bố trí trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các đơn vị cấp huyện đã xây dựng phương án bố trí đồng chí thường vụ trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ huyện (trong đó 3 đơn vị đã thực hiện là Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa).

Về sắp xếp thu gọn đầu mối tổ chức, đã có 17 đơn vị cấp huyện xây dựng phương án sáp nhập văn phòng HĐND và UBND với văn phòng đảng ủy cấp xã. Đã chuyển giao Đảng bộ Trường Đại học Hồng Đức từ trực thuộc Tỉnh ủy về Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; chuyển giao Đảng bộ Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Miền Trung về trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường; giải thể Trường Cao đẳng Thể dục – Thể thao Thanh Hóa; tổ chức lại 34 Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND cấp huyện thành 22 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (giảm 12 đơn vị); giải thể 27/27 công đoàn ngành giáo dục cấp huyện. HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phê duyệt đề án sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh, theo đó đến năm 2025 sẽ giảm 13 trường THPT so với năm học 2017 – 2018.

UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh và 27/27 trung tâm hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động, triển khai đề án để sáp nhập 15 ban quản lý dự án trực thuộc các đơn vị thành 5 ban quản lý dự án tỉnh... Một số địa phương đang xây dựng đề án sáp nhập các trung tâm khuyến nông với trạm bảo vệ thực vật, thú y; trung tâm văn hóa thể thao với đài truyền thanh - truyền hình...

Cùng với sắp xếp về bộ máy, tinh giản biên chế cũng được tỉnh hết sức quan tâm. Những năm qua, tỉnh đã quản lý chặt chẽ tổng biên chế được giao, không để tăng. Thực hiện Nghị quyết 39–NQ/TW và Nghị định 108/NĐ–CP đến nay toàn tỉnh đã tinh giản 1.939 người. Tuy nhiên, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang còn lớn. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 64.661 công chức, viên chức (trong đó công chức 4.370 người, viên chức 60.291 người). UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021, theo đó toàn tỉnh sẽ tinh giản biên chế khoảng 11%, tương đương 7.000 công chức, viên chức. Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết số 19, phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần...

Về công tác cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi, bổ sung các quyết định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định tiêu chuẩn chức danh, quy định luân chuyển cán bộ... Để khắc phục tình trạng thừa cấp phó so với quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kết luận, quyết định quy định khung số lượng cấp phó các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể, khối quản lý Nhà nước để thực hiện thống nhất... Tỉnh cũng cương quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong việc ký hợp đồng lao động không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, ngoài định mức được giao, sử dụng nguồn kinh phí chi trả hợp đồng lao động không đúng quy định tại một số sở, địa phương, kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm.

“Cắt” lượng, nhưng phải nâng cao “chất”

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18–NQ/TW, Nghị quyết số 19–NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp, các ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, qua theo dõi của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cho thấy, một số nơi ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chậm, chưa có nhiều nội dung đột phá, sáng tạo riêng của địa phương trong thực hiện nghị quyết, nhất là sắp xếp đội ngũ cán bộ, bộ máy cấp xã, các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp của huyện. Sau khi sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố thì việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở một số nơi gặp khó khăn; công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cũng chưa thật quyết liệt. Đồng thời, có những vấn đề đang đặt ra cần phải quan tâm đó là cần kịp thời sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn có liên quan để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt là về khung số lượng đầu mối các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, huyện, khung bố trí số lượng lãnh đạo cấp phòng (tương đương); chính sách kiêm nhiệm, chính sách giải quyết đầu ra cho cán bộ dôi dư do sắp xếp, nhất là đối với cán bộ cơ sở... nhằm tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19–NQ/TW.

Được thực hiện cải tổ từ Đại hội X của Đảng, nhưng đến nay công tác cải cách tổ chức bộ máy là nhiệm vụ không hề đơn giản. Qua nhiều năm triển khai vẫn xảy ra nghịch lý: Càng thực hiện, bộ máy và biên chế chỗ này, chỗ khác càng phình to; chất lượng đội ngũ lại không mạnh, vừa thiếu, vừa thừa; thiếu những biện pháp đủ mạnh và thiếu sự kiên quyết để đưa một bộ phận cán bộ làm việc không hiệu quả ra khỏi hệ thống.

Mục tiêu của sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là hướng tới tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Cắt” lượng, nhưng phải nâng cao “chất”. Điều này cần phải thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ. Vì vậy, quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn được người có phẩm chất, năng lực đáp ứng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các cơ quan để có cơ sở xác định nhiệm vụ và yêu cầu về năng lực thực hiện tại mỗi vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức; đồng thời có các tiêu chí rõ ràng để đánh giá kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Xây dựng chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ phù hợp, thỏa đáng cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh yếu tố con người, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, thực thi công vụ, xây dựng chính quyền điện tử.

Thực hiện công tác này không chỉ riêng cơ quan chức năng nào làm mà cả hệ thống chính trị cùng đều vào cuộc. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức, bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã “chín” và được Trung ương nhất trí cao. Quá trình triển khai cần xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trong đó nhận thức và trách nhiệm, sự quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu vẫn là yếu tố quan trọng.


Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]